Xây dựng và không ngừng hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng và cần thiết trong lộ trình hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân ở nước ta.
Sáng ngày 02/6/2020, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Toạ đàm khoa học “Thể chế văn hoá công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn”. Đến dự Tọa đàm, về phía đại biểu, khách mời có PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn học nghệ thuật Quốc gia; TS. Trần Văn Thuân – Trưởng Ban Quản lý Khoa học, Viện nghiên cứu Lập pháp, Văn phòng Quốc hội. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện cùng các nhà khoa học, giảng viên, lãnh đạo, quản lý trong và ngoài Học viện. Tham dự tọa đàm trực tuyến có Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở nhấn mạnh, nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội là mục tiêu của nền hành chính nước ta hiện nay, vì vậy, ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đề án này ra đời đã nâng vấn đề văn hóa công vụ lên một tầm cao mới với sứ mệnh góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Tọa đàm là diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên về nội hàm thể chế văn hóa công vụ, những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa công vụ cũng như giải pháp xây dựng thể chế văn hóa công vụ hoàn thiện trong tương lai.
Gần 30 bài viết đã được gửi đến Ban Tổ chức Toạ đàm thể hiện sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề văn hóa công vụ. Các bài viết đã thể hiện những góc nhìn khác nhau về thể chế văn hóa công vụ ở khía cạnh văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất.
PGS.TS. Lương Thanh Cường phân tích về văn hoá công vụ và bồi dưỡng văn hoá công vụ; đồng thời nhấn mạnh “văn hoá công vụ là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”. Do vậy, văn hoá công vụ có những đặc thù riêng so với các loại hình văn hoá khác.
Để có được văn hoá công vụ, cần nhiều giải pháp khác nhau, trong đó, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hoá công vụ nêu rõ: Hoàn thiện quy định về văn hoá công vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho CBCCVC về văn hoá công vụ, tổ chức thực hiện các quy định về văn hoá công vụ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.
Cũng tại Toạ đàm, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đã khẳng định, văn hoá luôn được xem là nền tảng tinh thần và là động lực phát triển kinh tế – xã hội đối với bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, các thiết chế văn hoá được xây dựng mới ở khắp nơi trên đất nước, từ thành thị đến nông thôn. Cơ chế chính sách văn hoá ngày càng linh hoạt, nhạy bén, phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Tham luận của PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cũng nêu một số yếu kém trong quá trình hoàn thiện thể chế văn hoá công vụ, đồng thời, tham luận cũng đưa ra các kiến nghị nhằm khắc phục, hoàn thiện thể chế văn hoá công vụ trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh vào đổi mới tư duy quản lý văn hoá dựa trên tư tưởng về quyền văn hoá và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; tăng cường sự lãnh đạo nghiêm túc, thực thi đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo ra chính sách đủ mạnh cho cải cách thể chế văn hoá; xây dựng thể chế quản lý văn hoá Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ngành nghề tự chủ, doanh nghiệp vận hành theo pháp luật; chức năng quản lý nhà nước phải thay đổi về chế độ xét duyệt hành chính, coi chức năng chủ yếu là phục vụ sự nghiệp văn hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo văn hoá…
Tại Toạ đàm, nhiều ý kiến tham luận khác đã được các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, các giảng viên dự Tọa đàm ở đầu cầu trực tuyến TP. Hồ Chí Minh bàn sâu thêm, như: nội hàm khái niệm thể chế văn hóa công vụ; nội dung thể chế văn hóa công vụ; yêu cầu, các yếu tố tác động và điều kiện bảo đảm hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ; thực trạng thể chế văn hóa công vụ ở nước ta hiện nay và phương hướng hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ; các yếu tố cấu thành thể chế văn hoá công sở trong cơ quan hành chính nhà nước…
Kết luận Toạ đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã tổng hợp các ý kiến thảo luận trong Tọa đàm và sẽ tổng hợp thành báo cáo kiến nghị gửi các cơ quan của Đảng và Nhà nước cùng các bên liên quan với mục tiêu hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo quan trọng trong quá trình xây dựng tài liệu bồi dưỡng văn hóa công vụ và tổ chức bồi dưỡng văn hóa công vụ. Thay mặt Ban Tổ chức Toạ đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cũng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên đã tâm huyết viết bài và dành thời gian quý báu để tham dự, phát biểu và đóng góp cho sự thành công của Tọa đàm.
Thu Hương