Sáng ngày 05/4/2018, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã phối hợp với Học viện Hành chính vùng Metz, Cộng hòa Pháp và Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.
PGS.TS. Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; Ông Jean Francois Verdier – Chủ tịch Hội đồng Hành chính, Học viện Hành chính vùng Metz, Cộng hòa Pháp; PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời quốc tế có: GS.TS Holger Muhlenkamp – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Hành chính Speyer, CHLB Đức; GS.TS. Yoon Byeong-soo – Viện Phát triển Nguồn nhân lực quốc gia, Hàn Quốc; TS. Harri Laihonen – Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Khoa Quản lý, Đại học Tổng hợp Tampere (Phần Lan); đại diện Đại sứ quán các nước: Pháp, I-ta-li-a, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a; Băng-la-đét tại Việt Nam.
Về phía đại biểu các bộ, ngành có: TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Phạm Chí Thành – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật; đồng chí Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội; đại diện các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, nhà quản lý của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước; các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và TP. Hà Nội đến dự và đưa tin.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc Học viện: NGƯT. TS. Vũ Thanh Xuân; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện và các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên Học viện tại Hà Nội và 3 điểm cầu trực tuyến tại Phân viện TP. Hồ Chí Minh, Phân viện TP. Huế, Phân viện Khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ công nghệ vượt bậc đã và đang mở ra những cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi quốc gia phải tư duy lại con đường và động lực phát triển của mình. Bối cảnh đó, đặt ra những yêu cầu mới đối với quản trị quốc gia ở mỗi nước theo hướng thay đổi để thích ứng, dự đoán được thách thức để ứng phó, đồng thời tích cực, chủ động đón nhận cơ hội, vận hội mới.
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp được đặt ra như một thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa ra trong nhiệm kỳ mới để góp phần tạo thế và lực đưa Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau thông điệp đó, trên các diễn đàn khác nhau, những trụ cột của Chính phủ kiến tạo được quan tâm luận giải. Những đề xuất, những sáng kiến xây dựng Chính phủ kiến tạo cũng đã được đề cập.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, những thành tựu bước đầu trong quản trị quốc gia, trong tăng trưởng và phát triển là những tín hiệu tích cực cho thấy Chính phủ kiến tạo là hướng đi phù hợp của nền hành chính quốc gia. Tuy nhiên, những hạn chế trong quản lý nhà nước, những thách thức đang đặt ra đối với quốc gia cũng là những thông điệp gay gắt từ thực tiễn. Chính vì vậy, đòi hỏi cần có những nỗ lực lớn hơn, những giải pháp đột phá hơn, cách tiếp cận đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn về xây dựng và phát triển Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Giám đốc Học viện đề nghị, thông qua Hội thảo này, các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề cốt lõi của chủ đề Hội thảo, gồm:
(1) Các cách tiếp cận về Chính phủ kiến tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
(2) Đánh giá về quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, luận giải về cơ sở tạo nên những kết quả và khó khăn trong quá trình này, phân tích và làm rõ những thách thức để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính;
(3) Những kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhà nước kiến tạo, nền hành chính phục vụ phát triển;
(4) Đề xuất những giải pháp, những sáng kiến để xây dựng, phát triển, tạo sự lan tỏa các giá trị của Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Tới dự và phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao tinh thần và sự nghiêm túc trong việc chuẩn bị và tổ chức Hội thảo của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Hành chính vùng Metz, Cộng hòa Pháp và Viện Kinh tế Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp khẳng định thương hiệu của Học viện trong nghiên cứu khoa học hành chính, đặc biệt trong bối cảnh Học viện được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự tích cực trao đổi không chỉ về các vấn đề của “Chính phủ kiến tạo” mà còn mở rộng chủ đề tới các nội dung của “Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia cần gắn các nội dung của chủ đề Hội thảo với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của nền hành chính nhà nước để phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân.
Với các nội dung đã được đề dẫn, Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên với các tiểu chủ đề, trong đó:
Phiên thứ nhất: Các vấn đề lý luận và cách tiếp cận trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ;
Phiên thứ hai: Chính phủ kiến tạo, liêm chính trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
Phiên thứ ba: Các giải pháp và sáng kiến xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 10 tham luận và 9 ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp trong các phiên thảo luận của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc với những luận cứ khoa học thực tiễn. Từ đó, giúp nhận diện đầy đủ hơn về những trụ cột, những giá trị cốt lõi của Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất một số quan điểm về Chính phủ kiến tạo như sau:
Thứ nhất, Chính phủ kiến tạo thể hiện đầy đủ trách nhiệm quản trị quốc gia, lấy pháp quyền làm nền tảng, văn hóa, đạo đức công vụ làm thước đo, sự phát triển của quốc gia là tiêu chí để đánh giá cho kết quả hoạt động.
Thứ hai, mối quan hệ giữa nhà nước – xã hội và thị trường được giải quyết hài hòa mà ở đó chính phủ có khả năng tiên liệu, khả năng tạo lập thể chế để ổn định kinh tế, xã hội, tránh được những tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài, vốn diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời tạo ra những động lực mới, khai mở những cơ hội phát triển. Các vấn đề an ninh phi truyền thống đang đặt ra những yêu cầu mới trong quản trị nhà nước.
Thứ ba, Chính phủ kiến tạo, liêm chính đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải thực sự là những chủ thể kiến tạo, liêm chính, có phẩm chất và kỹ năng quản lý tương lai. Với vai trò là những “vệ sĩ quốc gia”, đội ngũ cán bộ, công chức cần được đào tạo, phát triển năng lực, rèn luyện về đạo đức và phẩm chất.
Thứ tư, xây dựng Chính phủ kiến tạo cần được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ ở cả trung ương và địa phương trong ban hành thể chế và tổ chức triển khai thực hiện; có cơ chế phản biện, kiểm tra, đánh giá thể chế, chính sách, trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò của doanh nghiệp và người dân trong việc phản ánh tính hiệu quả chính sách. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Thứ năm, kinh nghiệm quốc tế, bài học thành công và không thành công của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có giá trị tham khảo quan trọng nhưng không thể áp dụng máy móc, dập khuôn. Điều này xuất phát từ thực tiễn Việt Nam bước vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện, môi trường quốc tế khác với các quốc gia phát triển và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan trân trọng cám ơn lãnh đạo Bộ Nội vụ và các nhà khoa học, các nhà quản lý đã dành thời gian tham dự và tích cực trao đổi với tinh thần làm việc trách nhiệm và hiệu quả để giúp Hội thảo hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình đề ra. Giám đốc Học viện khẳng định, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý được chia sẻ tại Hội thảo và hơn 140 tham luận có giá trị được gửi tới Hội thảo sẽ được Học viện tổng hợp làm tư liệu phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện và tư vấn với Bộ Nội vụ về các nội dung liên quan, góp phần xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo, liêm chính trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đoàn Kim Huy