(Chinhphu.vn) – Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và các trường cao đẳng sư phạm công lập.
Dự thảo Thông tư này quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).
Đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập được áp dụng quy định tại Thông tư này để tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Dự thảo nêu rõ điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện sau:
Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) phải có thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số: V.07.01.03 hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm đối với người có bằng thạc sĩ, 06 năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó thời gian gần nhất giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số: V.07.01.03 tối thiểu là 02 năm.
Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số: V.07.01.02 hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng III), mã số: V.07.01.02 tối thiểu là 02 năm.
Đồng thời có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Viên chức được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự xét của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Về nội dung và hình thức xét thăng hạng, dự thảo quy định: Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên thông qua việc xét hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề với hạng hiện giữ và chấm điểm công trình khoa học. Chỉ thực hiện chấm điểm công trình khoa học đối với giảng viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đã đảm bảo yêu cầu về hồ sơ theo quy định.
Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ các điều kiện sau đây: Được Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp xác định đạt điều kiện theo quy định; có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 04 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II); đạt tối thiểu 08 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I). Điểm công trình khoa học được lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu xét tuyển được phân bổ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Lan Phương
(Website Chính phủ)