Thực hiện Quyết định số 1097/QĐ-HCQG ngày 05/4/2021 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia năm 2021, chiều ngày 28/9/2021, Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Xây dựng nội dung chuyên đề bồi dưỡng Kỹ năng Kỹ thuật số cơ bản (Digital skills)”.
Tham dự Tọa đàm có TS. Hà Quang Thanh – nguyên Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; các giảng viên, chuyên viên của Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện (NN – TH và TT – TV); đại diện của các Bộ môn, các Phòng chuyên môn trong Phân viện và các giảng viên, nhà khoa học quan tâm.
Toàn cảnh Tọa đàm
ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng Phòng NN – TH và TT – TV, chủ trì Tọa đàm đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, thành phần tham dự, phát biểu chào mừng lãnh đạo Phân viện và các khách mời. Trong lời đề dẫn, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga đã đề cập đến xu thế tất yếu phải trang bị kỹ năng số (Digital skills) cho mỗi cá nhân trong đó có cán bộ, công chức và người lao động tại khu vực công nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam. Chủ đề Tọa đàm phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu từ thực tiễn về đảm bảo năng lực của từng cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số và phù hợp với chức năng chuyên môn của Phòng Phòng NN – TH và TT – TV là nghiên cứu, giảng dạy các chuyên đề về Hành chính điện tử – Tin học. Tọa đàm được tổ chức nhằm tập hợp đóng góp của giảng viên, nhà khoa học trong xây dựng chuyên đề bồi dưỡng Kỹ năng số cơ bản phục vụ giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Phân viện và theo nhu cầu của xã hội. Ngoài 7 bài viết tại kỷ yếu Tọa đàm, các đại biểu tham dự tiếp tục chia sẻ, thảo luận thêm các ý kiến, quan điểm và nhận định nhằm hoàn thiện các chuyên bồi dưỡng Kỹ năng số cơ bản.
Mở đầu buổi Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga đã lần lượt trình bày hai tham luận đề xuất gồm chuyên đề “Giới thiệu chuyển đổi số và kỹ năng số cơ bản” và chuyên đề “Kỹ năng tổ chức giảng dạy/hội nghị trực tuyến bằng ứng dụng Google Meet”. Chuyên đề đầu tiên nhằm cung cấp cho đối tượng đào tạo bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và kỹ năng số, đi từ khái niệm cơ bản đến các điều kiện chuyển đổi số và kỹ năng số; Chuyên đề thứ hai tập trung hướng dẫn Kỹ năng tổ chức giảng dạy/hội nghị trực tuyến bằng ứng dụng Google Meet, đồng thời giới thiệu nguyên tắc tổ chức giảng dạy/hội nghị trực tuyến; nguyên tắc giao tiếp khi làm việc trực tuyến cùng các bài tập thực hành và xử lý tình huống phát sinh.
ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga trình bày tại Tọa đàm
Trao đổi thêm với ThS.GVC. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế về xác định những đối tượng cụ thể nào đang rất cần được bồi dưỡng kỹ năng số trong thời điểm hiện nay và có thể tổ chức giảng dạy các chuyên đề đó theo hình thức trực tuyến (online) không, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga cho biết đối tượng bồi dưỡng không bị giới hạn, họ có thể là viên chức, công chức,… và các chuyên đề có thể được triển khai theo hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai.
Từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy trực tuyến trong thời gian qua, ThS.GVC. Nguyễn Chi Mai, Phó trưởng Bộ môn Quản lý Nhà nước về Kinh tế và Tài chính công chia sẻ về nhu cầu được bồi dưỡng kỹ năng số phục vụ công tác giảng dạy và gợi ý các tác giả tiếp tục xây dựng thêm chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các ứng dụng, chương trình phần mềm hỗ trợ giảng viên tạo nội dung số sinh động và phong phú, tăng tương tác với người học như Padlet, Quizizz, Google Form,…
ThS.GVC. Nguyễn Chi Mai phát biểu tại Tọa đàm
TS. Hà Quang Thanh – nguyên Quyền Giám đốc Phân viện cho rằng trong bối cảnh phải giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, cùng xu hướng chuyển đổi số, những kỹ năng số như vậy vô cùng cần thiết; Tọa đàm đã tập hợp và đề xuất các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng số rất thiết thực.
Trình bày chuyên đề “Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong giảng dạy/quản lý bằng Google Form”, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phòng NN – TH và TT – TV cho biết người học sẽ được giới thiệu mục đích ứng dụng của Google Form; hướng dẫn kỹ năng chuẩn bị tạo mẫu/phiếu thu thập thông tin, nhập nội dung mẫu/phiếu thu thập thông tin, quản lý thông tin đã thu thập được và xử lý thông tin đó theo nhu cầu.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh trình bày chuyên đề
ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga chia sẻ thêm ý nghĩa sử dụng Google Form trong thực tế và cho biết Google Form là một trong các công cụ phổ biến hiện nay, hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu thu thập, xử lý thông tin trong môi trường mạng. Ví dụ trong thời gian đầu chống dịch Covid-19, nhiều đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng Google Form để tạo Phiếu khảo sát sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19-Thành phố Hồ Chí Minh, Đăng ký đề nghị hỗ trợ túi an sinh/tiền trợ cấp TP.HCM, Điều chỉnh thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 trên Sổ Sức khỏe điện tử, Phiếu đi chợ giúp dân,….nhằm thu thập thông tin nhanh chóng, số lượng lớn phục vụ công tác điều hành. Phòng NN – TH và TT – TV cũng đã và đang sử dụng Google Form trong nhiều công việc như báo cáo công tác tháng của từng cá nhân, triển khai các văn bản của lãnh đạo cấp trên,…
Góp ý tại tọa đàm, TS. Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo và Bồi dưỡng rất tâm đắc với chủ đề Tọa đàm và đề nghị trước hết Phòng NN – TH và TT – TV sớm triển khai tập huấn các kỹ năng được đề xuất trong Tài liệu Tọa đàm cho cán bộ, giảng viên, người lao động tại Phân viện.
TS. Nguyễn Thế Tài phát biểu tại Tọa đàm
Tiếp theo, ThS. Trần Quảng Sơn, Phòng NN – TH và TT – TV trình bày hai chuyên đề. Trong chuyên đề thứ nhất, “Kỹ năng làm việc trực tuyến an toàn (tập trung vào gmail và zalo)”, người học sẽ được huấn luyện kỹ năng phát hiện và thực hiện giải pháp hạn chế các hành vi tấn công mạng vào thiết bị và tài khoản của bản thân; có thể tự thực hiện báo cáo sự cố tấn công mạng tới đúng cơ quan, tổ chức. Trong chuyên đề thứ hai, “Hướng dẫn sử dụng Hệ điều hành Window 10”, người học sẽ được hướng dẫn các kỹ năng sử dụng các chức năng tích hợp trong Window 10 như tạo một hoặc nhiều tài khoản (user) khi phải dùng chung máy tính, quản lý cập nhật hệ điều hành chủ động để tránh trường hợp không mong muốn,…
ThS. Trần Quảng Sơn trình bày chuyên đề
Tham gia ý kiến tại Tọa đàm, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế đề xuất khi đưa vào giảng dạy, bồi dưỡng nên sử dụng cụm từ “Kỹ năng số” thay cho “Kỹ năng Kỹ thuật số”; mạnh dạn soạn và giới thiệu các chuyên đề kỹ năng số nâng cao hoặc chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng học viên.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga trân trọng cảm ơn sự có mặt của các đại biểu và xin tiếp thu những ý kiến, quan điểm của các đại biểu tại Tọa đàm. Những nội dung đó sẽ giúp các giảng viên của Phòng hoàn thiện chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản và sẵn sàng triển khai bồi dưỡng khi lãnh đạo Phân viện cho phép./.
Tin bài: Phòng NN-TH và TT-TV