Hội thảo khoa học “Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19”

Sáng ngày 25/10/2022, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19”  theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Hội thảo, về phía các chuyên gia, nhà khoa học ngoài Học viện có TS. Trần Hoàng Hạnh – Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh; TS. Hồ Ngọc Châm – nghiên cứu viên chính, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ThS. NCS. Lê Thị Thanh Tuyền, Nghiên cứu sinh Đại học Tổng hợp Volgograd, Liên bang Nga và các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nội vụ Hà Nội.

Về phía địa phương có sự tham gia của TS.BS. Trần Quang Hiền – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang; Bà Tô Thị Thu Hồng – Phó Giám Đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh; Ông Nguyễn Văn Thành – Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Nguyễn Quang Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia; Lãnh đạo các Phân viện, các Khoa, các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; các giảng viên của Học viện. 

Về phía Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; Lãnh đạo các phòng, bộ môn, các viên chức, giảng viên của Phân viện.

Hội thảo đã nhận được 40 tham luận và 11 ý kiến phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo, khẳng định nhiều chính sách an sinh xã hội đã được Chính phủ ban hành kịp thời, góp phần làm giảm thiểu khó khăn, hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm người yếu thế vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên cơ chế, chính sách chính sách an sinh cho nhóm yếu thế vẫn còn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, sớm ổn định đời sống, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Để góp phần cho thành công của Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới đề nghị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: nhóm yếu thế trong xã hội và tác động của đại dịch Covid-19 đến nhóm yếu thế; thực trạng thực hiện chính sách an sinh cho nhóm yếu thế trong và sau đại dịch Covid-19 ở Việt Nam; định hướng, nội dung và giải pháp thực hiện chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19.

Bản sao của Hinh 2-1

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn

Phát biểu mở đầu phiên thứ nhất của Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận “Bảo đảm quyền an sinh xã hội đối với nhóm yếu thế sau đại dịch Covid-19”. Nội dung tham luận đã trình bày các quy định pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế và vạch ra bốn nhóm yếu thế cơ bản tại Việt Nam gồm: Nhóm chính sách việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, TS. Nguyễn Quang Vinh cũng đề xuất các giải pháp bảo đảm quyền an sinh xã hội cho nhóm yếu thế sau đại dịch Covid-19.

Bản sao của Hinh 2-2

TS. Nguyễn Quang Vinh trình bày tham luận

TS. Hồ Ngọc Châm, nghiên cứu viên chính, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận “Chính sách trợ giúp lao động phi chính thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Nội dung tham luận tập trung vào trình bày đặc điểm nhóm lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức và kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động phi chính thức rất có giá trị để tham khảo nghiên cứu. Từ đó, TS. Hồ Ngọc Châm đề xuất các nhóm giải pháp hỗ trợ cho các nhóm lao động phi chính thức với sự hỗ trợ của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chính sách.

Bản sao của Hinh 2-3TS. Hồ Ngọc Châm trình bày tham luận

Nhìn trên phương diện tiếp cận đa chiều, TS. Nguyễn Thị Hồng Duyên, Bộ môn Quản lý nhà nước về Xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong tham luận “Luận bàn một số vấn đề về thực hiện an sinh xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đã trình bày ba nội dung về thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay: một số vấn đề cơ bản về an sinh xã hội; sự cần thiết phải xây dựng định hướng phát triển an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2022 -2030 tầm nhìn năm 2045; một số khuyến nghị về phát triển an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2022 -2030 tầm nhìn năm 2045.

Bản sao của Hinh 2-4

TS. Nguyễn Thị Hồng Duyên trình bày tham luận

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, ThS. NCS. Lê Thị Thanh Tuyền, Đại học Tổng hợp Volgograd, Liên Bang Nga thông qua kết quả nghiên cứu tác động của dịch Covid-19 đối với nhóm đối tượng thanh niên di cư trong độ tuổi lao động đề nghị cần có những nghiên cứu sâu về tác động tâm lý hậu covid-19 đồng thời có những giải pháp về chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ tâm lý cho các nhóm yếu thế chịu tác động của đại dịch Covid và giới thiệu một số giải pháp tương ứng như mô hình lớp học cộng đồng, truyền thông online.

Bản sao của Hinh 2-5

ThS. NCS. Lê Thị Thanh Tuyền phát biểu thảo luận

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra một cách nhìn khác trong thực thi chính sách an sinh xã hội bằng việc vận dụng nguyên tắc công bằng, bao trùm của quản trị nhà nước tốt trong công tác xây dựng và thực thi chính sách an sinh xã hội.

Bản sao của Hinh 2-6

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền phát biểu thảo luận

Tiếp cận theo khía cạnh diễn ngôn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn, Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khi phát biểu tại Hội thảo cho biết sự phong phú trong hoạt động thông tin trên một số trang báo điện tử đã bộc lộ nhiều vấn đề về năng lực thực thi chính sách của đội ngũ thừa hành, công tác giám sát đánh giá hiệu quả chính sách còn hạn chế cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động an sinh xã hội. 

Bản sao của Hinh 2-7

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận

Trong nội dung phát biểu thảo luận, ThS. Trần Quảng Sơn, Phòng Ngoại ngữ- Tin học và Thông tin – Thư viện, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh  đã trình bày những khó khăn trong hoạt động chuyển đổi số mà nhóm yếu thế phải đối mặt gồm thiếu thiết bị, thiếu kết nối mạng Internet và thiếu kỹ năng số phần nào khiến họ không hoặc chậm tiếp cận chính sách an sinh, đồng thời đề nghị một số giải pháp khắc phục các khó khăn trên.

Bản sao của Hinh 2-8

ThS. Trần Quảng Sơn phát biểu thảo luận

TS. Trần Hoàng Hạnh, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho biết vai trò quan trọng của Ủy ban nhân dân cấp phường/xã trong thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em. Các khảo sát cho thấy khả năng thực hiện khá tốt của Ủy ban nhân dân cấp phường/xã nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề quan ngại cần được nghiên cứu và giải quyết như thiếu đội ngũ thực hiện, thiếu các quy định liên quan đến công tác an sinh xã hội cho trẻ em.

Bản sao của Hinh 2-9

TS. Trần Hoàng Hạnh phát biểu thảo luận

Mở rộng vấn đề hỗ trợ kinh tế cho người lao động chịu tác động của Covid – 19, ThS. Huỳnh Thị Thúy Vy, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã phân tích các chính sách hỗ trợ của một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh… từ đó đúc kết kinh nghiệm cho Việt Nam như cần tăng mức độ bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, tổ chức tốt hoạt động thanh tra giám sát tăng cường tính minh bạch trong tổ chức thực thi chính sách an sinh xã hội.

Bản sao của Hinh 2-10

ThS. Huỳnh Thị Thúy Vy phát biểu thảo luận

ThS. Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Bộ môn Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần có những khảo sát đánh giá khoảng cách giữa các nhóm yếu thế để có thể hoạch định thực thi các chính sách phù hợp, đồng thời khẳng định cần đẩy mạnh công tác đánh giá chính sách để đảm bảo hiệu quả an sinh xã hội.

Bản sao của Hinh 2-11

ThS. Nguyễn Thanh Bình phát biểu thảo luận

ThS. Lê Đức Hiền, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết các hoạt động hiệu quả của Đoàn Thanh niên trong công tác hỗ trợ chống dịch Covid-19 và giúp đỡ người khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19 đã thể hiện vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên trong công tác hỗ trợ giúp đỡ nhóm yếu thế.

Bản sao của Hinh 2-12

ThS. Lê Đức Hiền phát biểu thảo luận

Giảng viên Bùi Thị Mai, Bộ môn Quản lý nhà nước về xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh nêu các khó khăn về chi phí và khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế đối với các loại thuốc chữa bệnh, biệt dược, cần có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan nhà nước đặc biệt là có cơ chế hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhóm yếu thế.

Bản sao của Hinh 2-13

Giảng viên Bùi Thị Mai phát biểu thảo luận

Từ góc nhìn của các tổ chức chính trị xã hội, TS. Nguyễn Hữu Sơn, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ nhân dân, tiêu biểu là các thành quả trong công tác chống dịch Covid -19 đã thể hiện năng lực và trách nhiệm xã hội của các tổ chức này bên cạnh trách nhiệm về chính trị.

Bản sao của Hinh 2-14

TS. Nguyễn Hữu Sơn phát biểu thảo luận

Trong phiên thứ hai, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia trong tham luận “Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động sau đại dịch Covid-19” đã chỉ ra sự dàn trải trong công tác hỗ trợ dẫn đến sự kém hiệu quả. Từ đó, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi chính sách an sinh xã hội trên nhiều phương diện khác nhau.

Bản sao của Hinh 2-15

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trình bày tham luận

TS. Phan Ánh Hè, Trưởng Bộ môn, Bộ môn Quản lý nhà nước về xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Thị trường lao động, việc làm sau đại dịch Covid-19 – thực trạng và giải pháp” chỉ ra những khó khăn thách thức của việc làm sau đại dịch Covid -19 đồng thời trình bày các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thị trường lao động, việc làm phù hợp xu thế mới và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đáp ứng tốc độ chuyển đổi số.

Bản sao của Hinh 2-17

TS. Phan ÁnhHè trình bày tham luận

TS. Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng Bộ môn, Bộ môn Quản lý nhà nước về xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong tham luận “Kiến nghị về chính sách cho trẻ em sau Covid – 19” đã kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến công tác chăm sóc trẻ em và chính sách an sinh xã hội dành cho gia đình trẻ em sau Covid-19.

Xuất phát từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang đã trình bày các kết quả chăm sóc y tế tại An Giang đồng thời nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện chống dịch Covid-19. Từ thực trạng, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế cộng đồng về tổ chức, tài chính, đào tạo…

Bản sao của Hinh 2-19

Đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang trình bày tham luận

Đóng góp thêm về thực trạng tại địa phương, Bà Tô Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh trình bày tham luận về công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội tại tỉnh Trà Vinh trên các lĩnh vực khác nhau, đồng thời nêu lên các khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả hơn chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Kết luận Hội thảo PGS. TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện, khẳng định những tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị lý luận, thực tiễn quý báu trên nhiều phương diện từ quản lý nhà nước về xã hội, khoa học chính sách công đến  khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Từ đó, Hội thảo đã nhận diện nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực trạng triển khai chính sách tại nhiều địa phương. Đây là nguồn tư liệu cho Học viện trong các hoạt động tư vấn, tham mưu về chính sách an sinh xã hội và là học liệu để xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng liên quan sau này.

Bản sao của Hinh 2-21

PGS. TS. Huỳnh Văn Thới phát biểu kết luận Hội thảo

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Bản sao của Hinh 2-20ThS. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu đại biểu tham dự và chương trình Hội thảo

Bản sao của Hinh 1-2 Bản sao của Hinh 1-3

Đại biểu tham dự trực tiếp

Bản sao của Hinh 1-1

Đại biểu tham dự trực tuyến

Tin bài: Phòng NN-TH và TT-TV

Comments are closed.