Tọa đàm khoa học “Thách thức và giải pháp quản lý nhà nước trong điều kiện chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam”

Thực hiện Quyết định 222/QĐ-HCQG, ngày 06/02/2020 về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ có kinh phí hỗ trợ từ nguồn thu sự nghiệp của Học viện Hành chính Quốc gia năm 2020, chiều ngày 28/9/2020, Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Thách thức và giải pháp quản lý nhà nước trong điều kiện chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam”.

Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo các Bộ môn, Phòng; các giảng viên, nhà khoa học quan tâm. Thay mặt Ban tổ chức, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện nhiệt liệt chào mừng các các nhà khoa học, các nhà quản lý, giảng viên và người quan tâm đến tham dự, có ý kiến trao đổi, thảo luận.

Tọa đàm khoa học PNNTHTTTV _ 1ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Trong đề dẫn Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga chia sẻ: Ngày 3/6/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu phát triển chính phủ số, Chính phủ đặt ra chỉ số cơ bản như 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

Nhận thức rằng chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc Chính phủ có giải pháp hành động cụ thể để thích ứng và thu về nhiều lợi ích nhất, đồng thời xuất phát từ chức năng chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy các chuyên đề về Hành chính điện tử, Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện tổ chức Tọa đàm để có cơ hội trao đổi rõ hơn những thách thức và giải pháp khi chính phủ chuyển đổi số.

 Có 09 bài tham luận được gửi từ các giảng viên của Phòng, của Bộ môn trong Phân viện và các công chức đang làm việc trực tiếp tại Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau. Tọa đàm tập trung thảo luận hai nội dung: Thứ nhất, những thách thức đối với Chính phủ, cán bộ công chức trong điều kiện chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam như: Cán bộ công chức chưa được cập nhật kiến thức kỹ năng kỹ thuật số thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng; cơ sở pháp lý để đảm bảo chia sẻ dữ liệu (dữ liệu mở); kinh phí; nhận thức của công dân về chính phủ điện tử, chính phủ số;… Thứ hai, những kiến nghị, đề xuất, giải pháp, kinh nghiệm nhằm giải quyết những thách thức nêu trên.

Tọa đàm khoa học PNNTHTTTV _ 2ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện tham luận tại Tọa đàm

Tọa đàm khoa học PNNTHTTTV _ 3ThS. Trần Quảng Sơn, giảng viên Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện tham luận tại Tọa đàm

Tọa đàm khoa học PNNTHTTTV _ 4ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, giảng viên Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện tham luận tại Tọa đàm

Trước khi kết thúc Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga trân trọng cám ơn lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia, lãnh đạo Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chi Minh đã tạo điều kiện để có buổi tọa đàm ý nghĩa như vậy; Cám ơn các ý kiến trao đổi, chia sẻ đóng góp đến từ giảng viên, những người quan tâm. Trên cơ sở kết quả của Tọa đàm, Phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện góp phần xác định rõ hơn các thách thức và giải pháp quản lý nhà nước trong điều kiện chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam.

Tọa đàm kết thúc tốt đẹp trong buổi chiều cùng ngày.

Tin bài: Phòng NN-TH và TT-TV

Comments are closed.