Trong hai tháng đầu năm 2016, tại Học viện Hành chính Quốc gia, một số nghiên cứu sinh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01.
- Ngày 20/01/2016, NCS JUNG GUN YOUNG (Quốc tịch Hàn Quốc) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt. NCS JUNG GUN YOUNG hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về môi trường ở Hàn Quốc – những giá trị tham khảo cho Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH. Trần Ngọc Đường và PGS.TS. Lương Thanh Cường.
Luận án của NCS JUNG GUN YOUNG có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, luận án đã hệ thống hoá diễn biến và xu hướng phát triển các lý thuyết và học thuyết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay; đồng thời tổng thuật kinh nghiệm triển khai ứng dụng các học thuyết này tại các quốc gia khác nhau trên thế giới (bao gồm cả châu Âu, châu Á và Mỹ) nhằm củng cố các cơ sở lý luận phục vụ tối ưu hoá việc ứng dụng các học thuyết này trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam.
Thứ hai, luận án đã đúc rút các bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc có giá trị tham khảo riêng cho Việt Nam qua việc thực hiện nghiên cứu điển hình và tiến hành so sánh chi tiết hệ thống quản lý nhà nước về môi trường của Hàn Quốc (trong suốt giai đoạn phát triển từ một quốc gia nghèo, vừa thoát khỏi chế độ bị thuộc địa trong thập niên 1950 để trở thành quốc gia phát triển thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập niên 2010) và Việt Nam (kể từ sau khi thống nhất đất nước đến nay).
Thứ ba, luận án kiến nghị cải cách hệ thống quản lý nhà nước về môi trường tại Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 với các đề xuất cụ thể như sau:
(i) Cân nhắc thành lập Bộ Môi trường độc lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Môi trường hiện có và các vụ môi trường hiện đang nằm rải rác tại các bộ khác nhau; rà soát và cân nhắc phân bổ lại chức năng và thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường đã được phân cấp cho các cơ quan chức năng cấp tỉnh và xây dựng các cơ chế phù hợp nhằm giám sát việc triển khai thực hiện các chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường đã phân cấp về địa phương nhằm tránh việc đánh đổi các lợi ích môi trường quốc gia để đạt được các lợi ích kinh tế;
(ii) Nghiên cứu áp dụng hệ thống tài khoản đặc biệt dành riêng cho hoạt động môi trường nhằm thống nhất quản lý các nguồn thu và chi cho hoạt động bảo vệ môi trường, tránh trùng lắp, lãng phí và sử dụng ngân sách hiệu quả hơn, đồng thời cải cách mạnh mẽ hệ thống phí và thuế môi trường theo hướng đánh phí/thuế theo khối lượng tiêu dùng/xả thải;
(iii) Xây dựng hệ thống quan trắc, thông tin và thống kê môi trường quốc gia và hệ thống công bố thông tin môi trường minh bạch do Bộ Môi trường điều hành và quản lý tập trung trên toàn quốc.
- Ngày 23/02/2016, NCS Cấn Việt Anh (công tác tại Sở Ngoại vụ Hà Nội) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 5/6 phiếu Đạt. NCS Cấn Việt Anh hoàn thành luận án với đề tài “Hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở thành phố Hà Nội hiện nay” dưới sự hướng dẫn của TS Thang Văn Phúc và TS Nguyễn Thanh Bình.
Luận án của NCS Cấn Việt Anh có một số điểm mới như sau:
Một là, luận án phân tích, lập luận một cách khách quan, toàn diện, khoa học và hệ thống những nội dung về tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) như khái niệm, phân loại, tính chất, nhiệm vụ đặc điểm; hoàn thiện bổ sung các nội hàm lý thuyết về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, ý nghĩa kinh tế xã hội của các TCPCPNN cũng như vị trí, chức năng vai trò quản lý nhà nước đối với các TCPCPNN.
Hai là, luận án đưa ra những số liệu so sánh phân tích nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với các TCPCPNN tại thành phố Hà nội, chỉ ra những mặt còn tồn tại bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội; chỉ ra những yếu tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng liên quan đến quản lý nhà nước đối với TCPCPNN trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, luận án khái quát thực trạng quản lý nhà nước đối với các TCPCPNN trên địa bàn cả nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ba là, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo về công tác phi chính phủ nước ngoài (Quán triệt các chủ trương của Trung ương và thành phố Hà Nội đối với các TCPCPNN; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các TCPCPNN; Xây dựng chiến lược hoạt động đối ngoại của TP. Hà Nội trong những năm tới) và phương hướng quản lý nhà nước đối với TCPCPNN tại TP. Hà Nội (Hoàn thiện quản lý hoạt động các tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội; Đổi mới phân cấp quản lý viện trợ phi chính phủ trong việc thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án), luận án đề ra 7 giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước đối với TCPCPNN trong thời gian tới tại thành phố Hà Nội, gồm: i) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; ii) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trên cơ sở chỉ đạo của Đảng và Nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế; iii) Xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, thành lập ban chỉ đạo liên ngành về công tác phi chính phủ nước ngoài; iv) Đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phi chính phủ nước ngoài; v) Tổ chức nghiên cứu, thống kê, đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp quản lý phù hợp với từng giai đoạn; vi) Xây dựng quy chế phối hợp tránh chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các đơn vị của thành phố Hà Nội; vii) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các TCPCPNN.
- Ngày 26/02/2016, NCS Đào Thị Thanh Thủy (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Đào Thị Thanh Thủy hoàn thành luận án với đề tài “Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải và TS. Nguyễn Ngọc Vân.
Luận án của NCS Đào Thị Thanh Thủy có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, luận án hệ thống hóa lý thuyết đánh giá công chức theo kết quả qua phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng hệ thống quản lý và đánh giá công chức theo kết quả tại các quốc gia phát triển; xác định khung lý thuyết về đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ (KQTTCV) bao gồm chủ thể đánh giá, tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá công chức theo kết quả; nhấn mạnh việc đo lường kết quả thực hiện công việc thay cho đánh giá các đặc điểm cá nhân công chức; tạo cơ sở để phân loại công chức và áp dụng các chính sách có liên quan để tạo động lực thực thi công vụ;
Thứ hai, luận án phân tích và luận giải thực trạng đánh giá công chức ở nước ta hiện nay trên cơ sở Luật Cán bô, công chức 2008 và so sánh với khung lý thuyết về đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ; phân tích những hạn chế trong đo lường kết quả thực hiện công việc đối với công chức hiện nay và nhận định về một số vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm đổi mới đánh giá công chức trên cơ sở thành tích, kết quả đạt được;
Thứ ba, luận án đề xuất các giải pháp để ứng dụng đánh giá công chức theo KQTTCV vào nền công vụ nước ta, bao gồm: (1) Xây dựng các tiêu chí đánh giá đối với công chức chuyên môn (khối lượng công việc, chất lượng công việc; trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện công việc; sáng kiến thực hiện công việc và tinh thần trách nhiệm) và công chức lãnh đạo (kết quả thực hiện chức năng chung; kết quả lập kế hoạch; kết quả công tác tổ chức; kết quả quản lý các nguồn lực thuộc thẩm quyền và tinh thần trách nhiệm) làm cơ sở đo lường kết quả thực hiện nhiệm vụ; (2) Đề xuất phương pháp đánh giá theo KQTTCV gắn liền với vị trí việc làm tạo cơ sở cho phân loại công chức; (3) Đề xuất phương pháp phân loại, phương pháp xác định kết quả đánh giá và đề xuất phương pháp trả lương theo KQTTCV.
Thứ tư, luận án phân tích, luận giải các điều kiện để đưa các đề xuất về đánh giá công chức theo KQTTCV nói trên được ứng dụng vào nền công vụ Việt Nam thời gian tới, gồm: (1) Chuyển đổi mạnh mô hình quản lý công vụ từ chức nghiệp sang việc làm; (2) Xây dựng và hình thành tư duy đánh giá công chức theo KQTTCV; (3) Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ và tăng cường đào tạo nhằm phục vụ cho đánh giá công chức theo KQTTCV; (4) Xây dựng quỹ lương và cơ chế trả lương theo KQTTCV. Đồng thời, luận án kiến nghị lộ trình để đưa phương thức đánh giá này vào nền công vụ Việt Nam.
- Ngày 29/02/2016, NCS Bùi Thị Ngọc Hiền (công tác tại Trường Đại học Nội vụ) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 5/6 phiếu Đạt. NCS Bùi Thị Ngọc Hiền hoàn thành luận án với đề tài “Nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước để thích ứng với kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay” dưới sự hướng dẫn của TS. Chu Văn Thành và PGS.TS. Đặng Khắc Ánh.
Luận án của NCS Bùi Thị Ngọc Hiền có một số điểm mới như sau:
Một là, luận án đề xuất một khuôn khổ lý thuyết làm công cụ lý luận về nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thông qua việc đưa ra khái niệm năng lực thể chế hành chính nhà nước, cấu trúc của năng lực thể chế hành chính nhà nước; khái niệm về nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước, nội dung của nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước. Luận án chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực thể chế hành chính nhà nước; luận giải vai trò của thể chế hành chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xác định những tiêu chí để đánh giá năng lực thế chế hành chính nhà nước thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bao gồm: i) mức độ tiếp cận thông tin của người dân; ii) mức độ tham gia của người dân; iii) thực hiện quan hệ đối ngoại/quốc tế; iv) trách nhiệm giải trình của khu vực công.
Hai là, trên cơ sở đánh giá năng lực thể chế hành chính nhà nước thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay tập trung vào bốn tiêu chí: i) mức độ tiếp cận thông tin của người dân; ii) mức độ tham gia của người dân; iii) thực hiện quan hệ đối ngoại/quốc tế; iv) trách nhiệm giải trình của khu vực công, luận án chỉ ra khoảng cách giữa năng lực thực tế và nhu cầu năng lực thể chế hành chính nhà nước để thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó khẳng định thực tế đòi hỏi phải nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước để thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Luận án cũng đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực thể chế hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Ba là, luận án xây dựng khung năng lực thể chế hành chính nhà nước thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam và đề xuất hệ thống giải pháp nâng cao năng lực thể chế hành chính nhà nước Việt Nam thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bao gồm: i) đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; ii) thay đổi cơ chế hình thành chính sách, pháp luật theo hướng khoa học và gần dân hơn; iii) nâng cao năng lực xây dựng chính sách, pháp luật của nhà chức trách; iv) đổi mới cơ cấu tổ chức hành chính nhà nước; v) chuẩn hóa quy trình, thủ tục giải quyết công việc; vi ) nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự hành chính nhà nước; vii) đảm bảo các điều kiện vật chất và thông tin cho quá trình nâng cao năng lực.
(Nguồn: khoa Sau đại học)