Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2016, tại Học viện Hành chính Quốc gia, một số nghiên cứu sinh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01.
- Ngày 12/4/2016, NCS Nguyễn Đức Thắng (Giảng viên khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Nguyễn Đức Thắng hoàn thành luận án với đề tài “Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc đến năm 2020” dưới sự hướng dẫn của TS. Huỳnh Văn Thới và TS. Hoàng Xuân Lương.
Luận án của NCS Nguyễn Đức Thắng có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, luận án bổ sung một số khái niệm, nội hàm về thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN); hệ thống và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức thực hiện chính sách XĐGN; chỉ ra các bước trong quy trình tổ chức thực hiện chính sách XĐGN có thể áp dụng cho các tỉnh Tây Bắc là: (i) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách; (ii) Phổ biến, tuyên truyền về chính sách; (iii) Huy động nguồn lực để thực hiện chính sách; (iv) Phân công, phối hợp thực hiện; (v) Theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách.
Thứ hai, luận án tổng kết thực tiễn và chỉ ra những hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện chính sách XĐGN, gồm: (i) Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; (ii) Chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; (iii) Việc phân cấp cho các địa phương trong bố trí nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo chưa hoàn toàn phù hợp; (iv) Sự tham gia của các tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa thực sự có hiệu quả, quá trình triển khai thực hiện chính sách XĐGN chủ yếu được thực hiện theo hình thức từ trên xuống với những cơ chế, chương trình, kế hoạch cứng nhắc; (v) Công tác kiểm tra, đánh giá mặc dù đã được thực hiện thường xuyên nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Đồng thời, luận án cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó là: (i) Điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội; (ii) Sự phù hợp của chính sách xóa đói giảm nghèo; (iii) Công tác vận động tuyên truyền; (iv) Việc huy động và bố trí nguồn lực; (v) Công tác quản lý nhà nước.
Thứ ba, luận án đề xuất những giải pháp áp dụng cho quá trình thực hiện chính sách XĐGN ở các tỉnh Tây Bắc.
Giải pháp chung gồm: (i) Tập trung phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện chính sách XĐGN; (iii) Tập trung thực hiện có kết quả và hiệu quả các chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người nghèo; (iv) Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cán bộ khoa học – kỹ thuật, và đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số; (v) Đẩy mạnh thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Bắc.
Giải pháp cụ thể áp dụng cho các bước trong quy trình thực hiện chính sách XĐGN, hướng đến giảm nghèo bền vững cho các tỉnh Tây Bắc đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gồm: (i) Đổi mới công tác ban hành văn bản và kế hoạch tổ chức thực hiện; (ii) Tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền về chính sách xóa đói giảm nghèo và trợ giúp pháp lý cho người nghèo; (iii) Thực hiện các biện pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho XĐGN ở Tây Bắc; iv) Xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện chính sách trên cơ sở quyền hạn đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp thực hiện chính sách; (v) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện.
Thứ tư, luận án kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tăng cường phối hợp trong việc hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện chính sách XĐGN ở các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới.
- Ngày 24/4/2016, NCS Vũ Tiến Dũng (công tác tại phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Vũ Tiến Dũng hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học tại bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Như Thanh và TS. Nguyễn Bá Chiến.
Luận án của NCS Vũ Tiến Dũng có một số điểm mới như sau:
Một là, luận án quan niệm viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học tại bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam là các bác sỹ được đào tạo bài bản theo quy định, trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho người dân, bao gồm bác sỹ chuyên khoa cấp 1, bác sỹ chuyên khoa cấp 2, bác sỹ nội trú và một phần bác sỹ chuyên khoa theo hệ hàn lâm là thạc sỹ y học và tiến sỹ y học đang làm việc trong các bệnh viện hạng đặc biệt, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Quân đội 108.
Hai là, luận án chỉ ra một số hạn chế trong quản lý nhà nước về bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học tại các bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam, gồm: i) Thể chế hành chính chưa hoàn thiện, một số văn bản pháp quy chưa đồng bộ; ii) Bộ máy quản lý nhân lực y tế ở các cấp còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế; iii) Quản lý đào tạo chưa thành nề nếp; iv) Công tác thanh tra, giám sát, đánh giá trong đào tạo sau đại học chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Luận án xác định nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này do nhận thức, cơ chế quản lý và tính tự chủ trong hoạt động bồi dưỡng của các trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến của các bệnh viện hạng đặc biệt chưa đảm bảo hoàn toàn.
Ba là, luận án đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học ở các bệnh viện hạng đặc biệt tại Việt Nam, phù hợp với các định hướng của ngành y tế, bao gồm: i) Kế hoạch hóa đội ngũ viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học; ii) Điều chỉnh các quy định pháp luật đối với hoạt động quản lý nhà nước về bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học của ngành y tế nói chung và các bệnh viện hạng đặc biệt nói riêng; iii) Tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên tại các trung tâm bồi dưỡng, đổi mới hình thức và phương pháp bồi dưỡng; iv) Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng các trung tâm bồi dưỡng viên chức chuyên môn; v) Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học tại các bệnh viện hạng đặc biệt; vi) Tiến hành thường xuyên hoạt động thanh tra, giám sát và kiểm định chất lượng bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học; vii) Mở rộng và tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong bồi dưỡng viên chức chuyên môn có trình độ sau đại học tại các bệnh viện hạng đặc biệt.
- Ngày 28/4/2016, NCS Trịnh Thị Thủy (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt. NCS Trịnh Thị Thủy hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trần Văn Giao.
Luận án của NCS Trịnh Thị Thủy có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, luận án hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về quản lý nhà nước đối với các Ngân hàng thương mại (NHTM) trên nền tảng của khoa học quản lý và hành chính công; luận giải về những nội dung cơ bản trong quản lý nhà nước đối với hệ thống NHTM gồm: xây dựng thể chế, chính sách; tổ chức bộ máy; quản lý nguồn nhân lực; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thanh tra, giám sát. Luận án nghiên cứu kinh nghiệm quản lý NHTM của một số nước trên thế giới và rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho Việt Nam; đồng thời, chỉ ra xu hướng tất yếu phải đổi mới quản lý nhà nước đối với các NHTM trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.
Thứ hai, luận án phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với các NHTM; từ đó đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế trong quản lý nhà nước đối với NHTM hiện nay.
Thứ ba, luận án đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với các NHTM trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước đối với các NHTM; (ii) Hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; (iii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (iv) Cơ cấu lại hệ thống NHTM; (v) Kiện toàn tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng tập trung và độc lập.
Thứ tư, luận án xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác lập địa vị pháp lý của Ngân hàng Trung ương độc lập đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật và trong mối quan hệ hợp pháp với các cơ quan nhà nước khác (Quốc hội, Chính phủ,…).
Thứ năm, luận án kiến nghị với Bộ Tài chính về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, trong việc xử lý nợ xấu, nhất là nợ của DNNN và nợ xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN, nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD; và kiến nghị tái cơ cấu hệ thống NHTM phải đặt trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các NHTM trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
(Nguồn: khoa Sau đại học)