TIN NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CÔNG

Trong tháng 8 năm 2015, tại Học viện Hành chính Quốc gia, một số nghiên cứu sinh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01, trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện.

  1. Ngày 08/8/2015, NCS Nguyễn Thị Phương Lan (công tác tại Học viện An ninh Nhân dân) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt.

NCS Nguyễn Thị Phương Lan hoàn thành luận án với đề tài “Hoàn thiện hệ thống công cụ tạo động lực cho công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước” dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Nguyễn Đăng Thành và TS. Hà Quang Ngọc.

Luận án của NCS Nguyễn Thị Phương Lan có một số điểm mới như sau:

Một là, luận án đã hệ thống hóa một cách cơ bản lý luận về động lực, tạo động lực cho người lao động, đồng thời làm sáng tỏ nhiều điểm khác biệt về động lực và các yếu tố tạo động lực cho công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước so với người lao động ở khu vực ngoài nhà nước.

Hai là, trên cơ sở nền tảng của phương thức tiếp cận hệ thống, luận án đã xây dựng khung lý thuyết hoàn thiện hệ thống công cụ tạo động lực cho công chức hành chính nhà nước, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải tiếp cận hệ thống, nhìn nhận những công cụ tạo động lực cho công chức hành chính nhà nước như là một hệ thống và sử dụng chúng một cách có hệ thống thì động lực làm việc của công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được cải thiện, sẽ giải quyết được tình trạng thiếu gắn bó với khu vực công, là nguyên nhân của tình trạng hiệu suất lao động, hiệu quả công việc thấp, tình trạng tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực đã và đang là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nền công vụ yếu kém, không đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi “phát triển nhanh chóng và bền vững” của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Ba là, do không trùng lặp trong nghiên cứu cá thể các công cụ tạo động lực một cách truyền thống, đề tài đã vận dụng sáng tạo khung lý thuyết hệ thống để phân tích thực trạng hệ thống công cụ tạo động lực cho công chức hành chính nhà nước, rút ra những vấn đề cần được giải quyết cả về lý luận và thực tiễn.

Bốn là, luận án đã đề xuất được các giải pháp tổng thể và cụ thể mang tính khả thi để hoàn thiện hệ thống công cụ tạo động lực cho công chức hành chính nhà nước theo phương pháp tiếp cận hệ thống, bao gồm:

Các giải pháp chung: (i) Nâng cao nhận thức về tiếp cận hệ thống trong công tác quản lý nhân sự nói chung, trong tạo động lực cho công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng; (ii) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công vụ, công chức; (iii) Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, xây dựng nền công vụ trong sạch, lành mạnh và hiệu quả dựa trên nguyên tắc thực tài.

Các giải pháp cụ thể: (i) Hoàn thiện các công cụ tạo động lực bằng vật chất và công cụ tạo động lực thông qua khuyến khích tinh thần; (ii) Xác định vai trò trung tâm của hệ thống công cụ tạo động lực là công cụ đánh giá kết quả thực thi công việc; (iii) Tăng cường mối quan hệ tương hỗ của các công cụ trong hệ thống công cụ tạo động lực.

 

  1. Ngày 28/8/2015, NCS Lê Văn Từ (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt.

NCS Lê Văn Từ hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Võ Kim Sơn và PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi.

Luận án của NCS Lê Văn Từ có một số điểm mới như sau:

Về lý luận, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án củng cố, bổ sung các khái niệm về xã hội hóa, khái niệm về bảo vệ và phát triển rừng, về lâm nghiệp cộng đồng; đưa ra các khái niệm mới về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng; khái niệm về quản lý nhà nước về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng; xác định rõ những nguyên tắc, nội dung cơ bản của xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng và quản lý nhà nước đối với xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng; chỉ rõ vai trò của quản lý nhà nước đối với xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia. Từ những nghiên cứu về mô hình quản lý rừng có sự tham gia của các nước trên thế giới, luận án đã đưa ra những bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.

Về thực tiễn, trên cơ phân tích, đánh giá những thành công, hạn chế và xác định nguyên nhân cơ bản của những thành công và hạn chế trong quá trình xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng cũng như quản lý nhà nước về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên; phân tích những quan điểm, định hướng về xã hội hóa lâm nghiệp ở Việt Nam và Tây Nguyên, những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng trong xu thế đổi mới, Luận án đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên; đề xuất một số mô hình quản lý bảo vệ rừng có sự tham gia  của người dân và phương án sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên.

Những khuyến nghị của Luận án là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về lĩnh vực xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiệu quả; Luận án là tài liệu tham khảo nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ quan có thẩm quyền trong quản lý công, lâm nghiệp, luật học.

 

  1. Ngày 29/8/2015, NCS Hoàng Ngọc Dũng (công tác tại Văn phòng Chính phủ) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt.

NCS Hoàng Ngọc Dũng hoàn thành luận án với đề tài “Giải quyết khiếu nại hành chính trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Trần Thị Cúc.

Luận án của NCS Hoàng Ngọc Dũng có một số điểm mới như sau:

– Luận án đưa ra và luận giải khái niệm, đặc điểm của khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính, đối tượng của khiếu nại hành chính.

–  Luận án là công trình nghiên cứu trực tiếp và tổng thể vấn đề giải quyết khiếu nại hành chính gắn với cải cách hành chính; chỉ ra vai trò của giải quyết khiếu nại hành chính trong cải cách hành chính và các yêu cầu đối với giải quyết khiếu nại hành chính trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam; làm rõ mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa cải cách hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính để đưa ra các luận cứ khoa học và những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính trong bối cảnh cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.

– Luận án làm rõ cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính công có chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công cao, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Giải quyết khiếu nại hành chính là một nội dung của quản lý nhà nước, vì vậy giải quyết khiếu nại hành chính cần được cải cách về thể chế, đổi mới trình tự, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khiếu nại của mình và việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Khiếu nại năm 2011.

– Luận án đề xuất được một số quan điểm giải quyết khiếu nại hành chính trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay là coi giải quyết khiếu nại hành chính là một nhiệm vụ quan trọng của cải cách hành chính, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cải cách hành chính; đẩy mạnh hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính là góp phần bảo đảm các quyền công dân trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

– Luận án đề xuất được một số giải pháp bảo đảm giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay như tiếp tục hoàn thiện về thể chế, đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm công vụ, đạo đức công chức, năng lực công tác của đội ngũ công chức làm nhiệm vụ này cũng như trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại hành chính; tiếp tục hiện đại hóa hành chính về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại phù hợp với nhiệm vụ của cải cách hành chính.

Những luận cứ khoa học, giải pháp của luận án góp phần hoàn thiện pháp luật khiếu nại và thực tiễn giải quyết khiếu nại hành chính trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay.

 

  1. Trước đó, vào ngày 13/7/2015, NCS Nguyễn Văn Hanh (công tác tại Sở Y tế Hà Nội) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt.

NCS Nguyễn Văn Hanh  hoàn thành luận án “Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong giai đoạn mới” dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Đinh Văn Tiến.

Luận án của NCS Nguyễn Văn Hanh  có một số điểm mới như sau:

Về mặt lý luận:

Luận án tập trung phân tích, lập luận một cách khách quan toàn diện, khoa học, có hệ thống cơ sở khoa học về vấn đề Hệ thống, tổ chức quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; tổng hợp lý thuyết về quản lý nhà nước, quản lý hành chính công, đánh giá số liệu, làm rõ các yếu tố chính là cơ sở lý thuyết của quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS dựa trên số liệu nghiên cứu.

Luận án đưa ra số liệu, so sánh, phân tích nội dung, các mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam qua các giai đoạn, chỉ ra những tồn tại, bất cập, so sánh với đánh giá dựa trên kết quả về tổ chức quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS. Từ nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về công tác phòng chống HIV/AIDS, một số công trình đề án nghiên cứu về tổ chức quản lý về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt nam. Luận án đã đưa kiến nghị một số giải pháp, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS tại Việt nam trong giai đoạn mới. Luận án đưa ra các minh chứng để khẳng định kết quả nghiên cứu có tính thực tiễn cao, nếu được áp dụng sẽ phát huy được hiệu quả hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong tình hình mới.

Về thực tiễn:

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan, giả thuyết khoa học, Luận án đã phân tích thực trạng về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt nam qua các thời kỳ từ năm 1987 đến nay thông qua phân tích thực trạng hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng sơn, TP Đà Nẵng,  tỉnh Hải Dương và một số mô hình tổ chức bộ máy khác … đã đưa ra sự chồng chéo, sự thiếu thống nhất, thiếu ổn định, đội ngũ cán bộ thiếu chuyên nghiệp…

Luận án  đã chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, bất cập trong, thể chế, tổ chức bộ máy, tài chính và nguồn nhân lực… Trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS từ đó Luận án đề xuất được mô hình Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước mới về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt nam trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn  đặt ra hiện nay.

Thông qua việc nghiên cứu trên đây, luận án đã đưa ra các nhóm giải pháp, mô hình quản lý nhằm hoàn thiện Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn.

Nguồn: Sau đại học.

 

 

Comments are closed.