TIN NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ THÀNH CÔNG (tháng 11 và tháng 12/2015)

TIN NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ THÀNH CÔNG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CÔNG

(tháng 11 và tháng 12/2015)

 

Trong tháng 11 và tháng 12 năm 2015, tại Học viện Hành chính Quốc gia, một số nghiên cứu sinh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01.

  1. Ngày 05/11/2015, NCS Trần Văn Ngợi (công tác tại Bộ Nội vụ) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Trần Văn Ngợi hoàn thành luận án với đề tài “Thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan hành chính Nhà nước Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Nguyễn Đăng Thành và TS. Trần Anh Tuấn.

Luận án của NCS Trần Văn Ngợi có một số điểm mới như sau:

- Luận án đưa ra và luận giải quan niệm người có tài năng, người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước; các yếu tố xác định người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước; khái niệm và nội hàm của thu hút và trọng dụng người có tài năng; ý nghĩa, tầm quan trọng, các nhân tố tác động đến việc thu hút và trọng dụng người có tài năng; vai trò của người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước.

– Luận án là công trình nghiên cứu khoa học được tiếp cận một cách có hệ thống nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận cũng như đánh giá thực tiễn việc thu hút và trọng dụng người có tài năng, trong đó chỉ ra mối quan hệ mật thiết, có tác động qua lại giữa thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước; làm rõ việc thu hút và trọng dụng người có tài năng phải đặt trong bối cảnh chung của quy trình quản lý nguồn nhân lực để đưa ra những quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách về quản lý và phát triển cán bộ, công chức, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

– Luận án đề xuất một số quan điểm về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các cơ quan hành chính nhà nước, như việc xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các cơ quan hành chính nhà nước phải tiến hành đồng bộ với đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; phải xuất phát từ tính chất, đặc điểm hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; và được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển nguồn nhân lực xã hội có chất lượng cao.

– Luận án đề xuất một số nhóm giải pháp bảo đảm việc thu hút và trọng dụng người có tài năng trong các cơ quan hành chính nhà nước, như thống nhất nhận thức về quan niệm và sự cần thiết, tầm quan trọng và coi việc thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các cơ quan hành chính nhà nước là trách nhiệm của các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như của toàn xã hội; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài, xây dựng và ban hành thể chế về thu hút và trọng dụng người có tài năng; thực hiện tốt chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ, chính sách tôn vinh, khen thưởng, về đào tạo, bồi dưỡng và cơ hội thăng tiến, về môi trường và điều kiện làm việc, về công tác tuyển dụng, sử dụng, về đánh giá công chức; đảm bảo các điều kiện về tổ chức bộ máy, điều kiện con người,  đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và cơ chế tài chính cụ thể, hợp lý phục vụ cho việc thu hút và trọng dụng người có tài năng .

  1. Ngày 09/11/2015, NCS Đoàn Văn Dũng (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt. NCS Đoàn Văn Dũng hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lê Thanh Bình và TS. Trần Trọng Toàn.

Luận án của NCS Đoàn Văn Dũng có một số điểm mới như sau:

Một là, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đã củng cố, bổ sung khái niệm chất lượng giáo dục đại học, tiêu chí đánh giá, những yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục đại học. Luận án xác định quản lý nhà nước là yếu tố có tác động toàn diện đến chất lượng giáo dục đại học, là điểm kết nối, tổng hòa các nỗ lực bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; làm rõ vai trò của nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trên các phương diện về tạo lập khuôn khổ thể chế, định hướng, điều tiết sự phát triển, giám sát, kiến tạo những điều kiện, những tiền đề cần thiết cho một nền giáo dục đại học có chất lượng, hiệu quả; xác định nội dung quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học; làm rõ sự khác biệt của quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học với cách tiếp cận truyền thống của quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Hai là, luận án đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua trên các phương diện: xây dựng, ban hành chính sách, thể chế quản lý nhà nước; tổ chức thực hiện chính sách, thể chế quản lý nhà nước; kiểm tra, xử lý vi phạm và tổng kết đánh giá việc thực hiện thể chế quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học, phương thức quản lý nhà nước. Luận án chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những hạn chế trong quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học mà trọng tâm là tư duy quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học chưa được thể hiện một cách đầy đủ trong hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Ba là, với cách tiếp cận quản lý chất lượng toàn diện, luận án đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học bao gồm: (i) Đổi mới vai trò quản lý của nhà nước kết hợp với mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học; (ii) Hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng xác định tầm nhìn, mục tiêu cho giáo dục đại học và những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục đại học; (iii) Hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực hiện thể chế quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học; (iv) Tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học; (v) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học; (vi) Hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học.

Bốn là, luận án kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước: tăng cường sự phối hợp giữa quy hoạch phát triển giáo dục đại học với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đổi mới mô hình tăng trưởng giáo dục đại học từ phát triển dựa trên cơ sở quy mô sang phát triển dựa trên cơ sở chất lượng và hiệu quả; xây dựng và triển khai khung năng lực quốc gia; đổi mới chương trình đào tạo với việc xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn, gắn kết với yêu cầu của thị trường lao động, tạo động lực học tập cho sinh viên làm cơ sở để nâng cao chất lượng.

  1. Ngày 10/11/2015, NCS Bùi Thị Ngọc Mai (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Bùi Thị Ngọc Mai hoàn thành luận án với đề tài “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước” dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển và PGS.TS. Trần Thị Thanh Thủy.

Luận án của NCS Bùi Thị Ngọc Mai có một số điểm mới như sau:

Một là, luận án đề xuất một khuôn khổ lý thuyết làm công cụ tư duy về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) thông qua việc đưa ra khái niệm người đứng đầu CQHCNN; phân tích đặc điểm vị trí pháp lý của người đứng đầu CQHCNN; luận giải quan niệm về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN với cách tiếp cận riêng khi cho rằng nội hàm thuật ngữ “trách nhiệm” cần có sự thống nhất tương thích giữa ba yếu tố: nghĩa vụ, quyền và việc chịu trách nhiệm; đồng thời, định hình một cách hệ thống các nội dung lý luận về phạm vi, nội dung, loại hình trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN.

Hai là, luận án đưa ra những đánh giá về thực trạng trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN ở Việt Nam hiện nay trên phương diện quy định pháp luật và việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN, tập trung vào ba nhóm nội dung: nghĩa vụ, quyền, việc chịu trách nhiệm. Luận án chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những hạn chế về thực trạng trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN mà trọng tâm là từ phía quy định pháp luật và từ phía năng lực, đạo đức của người đứng đầu CQHCNN.

Ba là, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN ở Việt Nam hiện nay. Những giải pháp đối với các quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN bao gồm: (i) Đảm bảo tính Chính danh của vị trí người đứng đầu CQHCNN; (ii) Trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN cần được quy định nhất quán, rõ ràng; (iii) Trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN phải được quy định trong mối quan hệ thống nhất tương thích giữa các yếu tố: nghĩa vụ, quyền, việc chịu trách nhiệm. Những giải pháp đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN bao gồm: (i) Tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN; (ii) Đổi mới hoạt động đánh giá kết quả thực thi trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN; (iii) Nâng cao hiệu quả giám sát đối với việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN; (iv) Công khai, minh bạch hoạt động thực thi công vụ của người đứng đầu CQHCNN; (v) Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN.

  1. Ngày 10/12/2015, NCS Hà Văn Hòa (công tác tại Ban Dân vận tỉnh Quảng Ninh) đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt. NCS Hà Văn Hòa hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Đức Lương và PGS.TS Đinh Thị Ngọc Quyên.

Luận án của NCS Hà Văn Hòa có một số điểm mới như sau:

Một là, luận án đề xuất một khuôn khổ lý thuyết làm công cụ lý luận về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển ven bờ (QLNN về BVMT BVB) thông qua việc đưa ra khái niệm QLNN về BVMT BVB với cách tiếp cận riêng khi cho rằng nội hàm thuật ngữ này là sự thống nhất tương thích giữa các yếu tố: (i) Biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật; (ii) Khả năng sử dụng tổng hòa có chọn lọc của Nhà nước; (iii) Mục đích bảo vệ chất lượng môi trường biển ven bờ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng bờ và quốc gia. Đồng thời, luận án định hình một cách hệ thống lý luận về nội dung, công cụ và phương thức quản lý trên cơ sở tập trung vào các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, thiết chế, tổ chức thực hiện; làm rõ các khía cạnh, góc độ tiếp cận mới khi triển khai áp dụng QLNN về BVMT BVB trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hai là, luận án bổ sung, làm rõ cơ chế ảnh hưởng, hệ quả tác động của: (i) Các nhân tố ảnh hưởng tới QLNN về BVMT BVB như: chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực quản lý, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước, đầu tư, thương mại quốc tế, an ninh, quốc phòng biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển bền vững; (ii) Đánh giá kết quả QLNN về BVMT BVB gắn với bảo đảm hài hòa các tiêu chí về môi trường, về tăng trưởng kinh tế, sự ổn định chính trị, pháp luật, sự phát triển văn hóa, xã hội. Luận án khẳng định: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước phải thông qua sự vận dụng hài hòa giữa nội dung, công cụ, phương thức quản lý với yêu cầu của thực tiễn, nhân tố tác động và các tiêu chí quản lý.

Ba là, luận án đề xuất hệ thống giải pháp hàm chứa trong đó khía cạnh mới về nội dung, quy trình, phương pháp, lộ trình, mức độ, tỉ lệ áp dụng, bao gồm: (i) Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường biển ven bờ; (ii) Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển; (iii) Tăng cường áp dụng các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển ven bờ: Tuyên truyền, phổ biến; cụ thể hóa các quy định của pháp luật; sử dụng các công cụ kinh tế, nguồn lực tài chính; giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý; (iv) Quản lý nhà nước trong áp dụng nội dung quản lý tổng hợp đối với vùng biển ven bờ; (v) Áp dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển ven bờ; (vi) Đẩy mạnh quản lý nhà nước trong hướng dẫn áp dụng các biện pháp có tính chất chuyên ngành: Quản lý phòng, chống; xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ven bờ; (vii) Quản lý môi trường vùng trọng điểm Vịnh Hạ Long; (viii) Kết hợp giữa an ninh quốc phòng với bảo vệ môi trường biển.

Bốn là, luận án đề xuất tỉnh Quảng Ninh đặt Vịnh Hạ Long vào thứ tự ưu tiên đặc biệt trong quy hoạch; hạn chế việc khai thác than ở Vùng đệm của Di sản, khai thác than lộ thiên; xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn bảo vệ môi trường các vùng trọng điểm; đề xuất Bộ Tài nguyên – Môi trường hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh kinh phí, kỹ thuật để giải quyết môi trường ngành than; chuyển sang khai thác hầm lò, hạn chế dần khai thác lộ thiên; xử lý đất đá từ các khai trường; xử lý tận thu nước thải mỏ; coi Quảng Ninh là trọng điểm để nghiên cứu chính sách đầu tư cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường; chủ trì, phối hợp với tỉnh và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường.

(Nguồn: khoa Sau đại học)

Comments are closed.