“CMND còn thời hạn người dân không cần đổi sang thẻ căn cước”

Từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Công an triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương trên cả nước nhưng Thiếu tướng Trần Văn Vệ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định: “Nếu CMND còn thời hạn sử dụng thì người dân đừng đi đổi sang thẻ Căn cước, mà cứ sử dụng tới khi hết hạn”.

Phóng viên: Hôm nay là ngày nghỉ làm việc nhưng được biết, Bộ Công an vẫn triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương theo Luật Căn cước công dân chứ, thưa ông ?

Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trước khi luật có hiệu lực, Bộ Công an đã triển khai công tác chuẩn bị, ban hành thông tư hướng dẫn thi hành luật. Cũng từ ngày hôm nay Luật Hộ tịch có hiệu lực, nên Bộ Công an cũng tiến hành cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra. Số định danh này gồm 12 số, sẽ được ghi vào giấy khai sinh, tới năm trẻ em đủ 14 tuổi – độ tuổi đủ để được cấp Căn cước công dân thì sẽ được in lên thẻ căn cước công dân. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thực hiện việc đó nên hôm nay vẫn làm việc bình thường. Thượng tôn pháp luật, thực hiện luật là không có ngày nghỉ.

Sẽ có 14 tỉnh, thành cấp Căn cước từ hôm nay gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Chắc khoảng ngày mùng 10/1 thì sẽ thêm 2 tỉnh nữa là Quảng Bình và Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện cấp Căn cước công dân. Theo đúng lộ trình trong Luật căn cước công dân, từ ngày 1/1/2020 sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân trong phạm vi cả nước.

Người dân tại các địa phương này có nhất thiết phải xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân không ?

Bộ Công an không bắt buộc người dân xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân. Nếu CMND cũ của người dân đang sử dụng (CMND 9 số hoặc CMND 12 số) vẫn còn thời hạn sử dụng thì người dân cứ sử dụng bình thường tới khi nào hết hạn thì mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ Căn cước công dân.

CMND 9 số, CMND 12 số hay thẻ Căn cước công dân đều có giá trị sử dụng như nhau. Khi đổi CMND 9 số hoặc CMND 12 số sang Căn cước công dân, Bộ Công an sẽ cắt góc CMND cũ và giao lại cho người dân giữ để thực hiện các giao dịch với cơ quan, tổ chức như ngân hàng, nhà đất,… Đồng thời cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận về việc thay đổi CMND sang thẻ căn cước để người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch.

Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).
Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).

 

Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)
Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)

Ưu điểm của thẻ Căn cước công dân với CMND cũ hiện nay là gì ?

Đây là bước tiến rất lớn về khoa học công nghệ, tương lai sẽ mang lại tiện lợi cho người sử dụng và tiện lợi cho quản lý. Ngoài độ bền, độ đẹp thì thẻ Căn cước công dân không thể làm giả được và tránh được tình trạng một người dùng nhiều số CMND, tráo người, thay đổi họ trên CMND. Sau này, người dân đi công tác ở xa chẳng hạn và chẳng may bị mất thẻ Căn cước công dân thì vẫn có thể nhờ người ở nhà làm lại, bởi thông tin đều đã được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu.

Tính năng và hình thức của Căn cước công dân không khác gì so với CMND 12 số cả. CMND 12 số hay Căn cước công dân đều có dãy 12 số. Đó chính là số định danh cá nhân mà mỗi người dân sẽ chỉ có một số duy nhất suốt cuộc đời. Sau này khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng hoàn chỉnh thì người dân chỉ cần mang thẻ này hoặc đọc dãy số định danh cá nhân, truy cập là ra các dãy thông tin cá nhân.

Những ngày vừa qua người dân phản ánh khi đi làm thủ tục hành chính ở ngân hàng, cơ quan thuế đã bị làm khó vì thay đổi số CMND. Bộ Công an đã có hướng dẫn mà việc “hành dân” này vẫn diễn ra ?

Các cơ quan đó như vậy là không chấp hành luật. CMND hay Căn cước công dân được Nhà nước giao cho Bộ Công an cấp cho người dân sử dụng.

Khi thí điểm cấp CMND 12 số trước đây, Bộ Công an đã có thông báo cho các cơ quan liên quan nhà đất, ngân hàng, thuế,… về việc này nhưng người dân vẫn gặp khó khăn nên Bộ Công an đã ban hành thông tư quy định về việc cắt góc CMND cũ, giao lại cho người dân giữ và cấp thêm giấy xác nhận thay đổi số CMND. Người dân có CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi số CMND thì các cơ quan phải giải quyết theo đúng luật, không được làm khó. Nếu người dân đã xuất trình rồi mà vẫn bị làm khó thì các cơ quan đó đã làm sai pháp luật.

Việc này mới xuất hiện ở 16 địa phương cấp CMND mới 12 số và từ ngày triển khai cấp Căn cước công dân (hôm nay, 1/1/2016) thôi, còn ở các địa phương khác vẫn đang cấp CMND cũ 9 số như bình thường.

Những trường hợp cá nhân bị mất CMND 9 số hoặc mất CMND 12 số và đi làm lại thẻ Căn cước công dân thì có phiền hà gì khi xin giấy xác nhận không ?

Người dân chỉ cần tới địa điểm cấp căn cước thì sẽ được cấp lại và được cấp giấy xác nhận, không có sự phiền hà nào cả. Bộ Công an đã có hướng dẫn rồi, nơi làm căn cước sẽ làm xác nhận cho người dân, để người dân thuận lợi.

Bộ Công an có đường dây nóng nào để người dân phản ánh khi gặp phải phiền hà, hoặc bị các cơ quan hành chính “hành” dù có đầy đủ CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi CMND không?

Người dân có thể gọi theo đường dây nóng của công an tỉnh, thành phố phản ánh.

Thời gian cơ quan công an trả thẻ Căn cước công dân là bao lâu kể từ khi người dân hoàn thành các thủ tục xin cấp đổi ?

Công an các địa phương sau khi tiếp nhận thông tin sẽ chuyển theo đường truyền về Trung tâm quản lý căn cước của Tổng cục Cảnh sát. Sau đó Tổng cục Cảnh sát sẽ kiểm tra thông tin và cấp thẻ Căn cước công dân.

Thời hạn giải quyết hồ sơ, cấp trả thẻ ở thành phố, thị xã là 7 ngày làm việc và ở vùng nông thôn, miền núi là 15 ngày theo luật định.

Việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra sẽ được triển khai thế nào ?

Bộ Tư pháp sẽ chuyển dữ liệu và hệ thống cấp số của Bộ Công an sẽ sinh số tự động. Ở 4 địa phương thực hiện thí điểm phần mềm cấp khai sinh thì số định danh cá nhân sẽ có ngay. Ở các địa phương còn lại, việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ mới sinh ra sẽ có độ trễ nhất định.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an cấp số định danh trực tuyến

Ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, để triển khai Luật Hộ tịch có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp, thống nhất với Bộ Công an cấp thí điểm phần mềm giấy khai sinh tại 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. “Đây là những địa phương có điều kiện hạ tầng tốt hơn cả, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch cũng khá hơn so với các tỉnh thành khác”- ông Khanh nói.

Tại 4 địa phương này, cán bộ tư pháp – hộ tịch đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và lấy số định danh cá nhân trực tuyến. Ở những địa phương còn lại, việc lấy số định danh cá nhân (do Bộ Công an quản lý) để ghi vào giấy khai sinh sẽ có độ trễ nhất định.

Theo ông Khanh, triển khai thí điểm cấp số định danh trực tuyến cho trẻ em mới sinh ra tại 4 địa phương trên sẽ được thực hiện đến hết tháng 3/2016. Sau đó các đơn vị sẽ sơ kết và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an để xin phép triển khai diện rộng.

Thế Kha (thực hiện)

(Nguồn : Tầm nhìn.net)

Comments are closed.