“Điều 1: Sếp luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu có gì sai xem lại điều 1”. Nói xong ông nghiêm giọng: “Tư duy ấy đáng tiếc là lại có thật”.
PV – PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, là người có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc và giảng dạy cho các quan chức ở Việt Nam. Ông kể, trong các cơ quan, người ta vẫn hay đùa nhau:
“Điều 1: Sếp luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu có gì sai xem lại điều 1”. Nói xong ông nghiêm giọng: “Tư duy ấy đáng tiếc là lại có thật”.
Cuộc trò chuyện với ông bắt đầu bằng những vụ việc rất cụ thể.
Mỗi câu chuyện có nội dung khác nhau, phản ánh vấn đề khác nhau nhưng đều có chung bài học về cách ứng xử với người dân của những người có trách nhiệm. Văn hóa ứng xử của các quan chức có thể bộc lộ khi gặp một sự cố bất thường nào đó xảy ra trong lĩnh vực hay ở địa phương mà họ phụ trách. Nhưng, cũng có những cách ứng xử mà TS Võ Kim Sơn bất bình gọi là “vô văn hóa”.
Ông không quên những câu chuyện được báo chí viện dẫn về việc một cơ quan nhà nước gửi thiệp chúc mừng cho doanh nghiệp, nhưng đề nghị doanh nghiệp mừng tuổi cho 35 quan chức trong danh sách kèm theo. Hay những cán bộ nhà nước ăn nhậu rồi gọi doanh nghiệp đến trả tiền, thậm chí không thanh toán tiền để xảy ra tranh cãi với chủ nhà hàng.
PV: Thưa ông, tại sao càng ngày những “thói hư tật xấu” của quan chức lại càng bộc lộ một cách trắng trợn như vậy. Người ta nói “miếng ăn là miếng nhục”. Vậy mà có những quan chức thản nhiên gọi người khác ra trả tiền ăn nhậu cho mình?
- PGS.TS. VÕ KIM SƠN: Đúng là ngày càng có nhiều quan chức biến thái. Hành vi của họ như ví dụ ở trên, không chỉ vi phạm đạo đức công chức mà là vi phạm pháp luật, là tham nhũng, không thể chấp nhận.
Nhiều công chức đã không hề có ý thức tuân thủ pháp luật. Họ không có “vết hằn pháp luật” ở trong não bộ. Nếu một người luôn có ý thức về pháp luật ở trong đầu, mỗi khi có hành động gì người ta đều cân nhắc xem hành vi đó có phù hợp không, có vi phạm pháp luật không.
Đã là con người thì ai cũng có những ham thích về vật chất. Nhưng những người có đạo đức, có tư duy tuân thủ pháp luật từ đầu, sẽ không thể bị vật chất làm mờ mắt, bởi cứ đến vết hằn ấy là đầu họ sẽ nghĩ nên làm thế nào.
PV: Nhưng thưa ông, nhiều quan chức đều được đào tạo qua các lớp học khác nhau. Nhiều lớp được Nhà nước chi trả tiền. Bản thân ông cũng đã dạy nhiều quan chức. Việc đào tạo như vậy không có kết quả?
- Đối với những quan chức như trên, người xưa có nói “nước đổ đầu vịt”.
Việc đi học là một chuyện, áp dụng như thế nào lại là chuyện khác. Nếu đã không có ý thức thì học cũng không đạt kết quả.
PV: Với kinh nghiệm của ông ở Học viện Hành chính, nhà trường ngoài những môn học chính có đào tạo cho quan chức các kỹ năng khác hay không?
- Có chứ. Khi bồi dưỡng những người đi làm cho Nhà nước, nhà trường dạy không chỉ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà cả những kỹ năng khác như giao tiếp, văn hóa công sở, đạo đức công vụ… những yếu tố cơ bản mà một quan chức cần phải biết.
Nhưng đó cũng chỉ là môn học trong nhà trường, được người thầy truyền đạt lại. Còn người học có tiếp thu được hay không, áp dụng vào thực tế thế nào thì không dễ dàng, tùy thuộc từng con người cụ thể.
Tôi có kinh nghiệm rất thú vị. Khi dạy cho những người đã đi làm, đặc biệt là quan chức, họ không bao giờ phát biểu ý kiến, tranh luận đúng sai. Người có chức danh càng cao lại càng ít tham gia thảo luận. Họ ngại chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.
PV: Thưa ông qua nhiều vụ việc cụ thể gần đây, có thể thấy các quan chức, những người có trách nhiệm thường cứ nói vòng vo, không nhận trách nhiệm. Thậm chí có người còn cư xử rất thô lỗ, coi thường người dân. Vì sao lại như thế?
- Đó là phản ứng tức thời của những người làm chính sách thiếu trí tuệ, kiến thức và thiếu chuyên nghiệp nữa.
Người được trao trọng trách, chức vụ trong cơ quan nhà nước cần phải hiểu, trong bối cảnh ấy, mọi hành vi bằng lời nói của họ là đại diện cho cơ quan, tổ chức, chứ không phải tư cách cá nhân. Vì vậy, họ phải thận trọng khi phát ngôn.
Nhưng đối với cá nhân thì phải có nhìn nhận đúng về sự việc thì mới có thể tư duy và phát biểu ra những ý kiến khách quan. Tiếp đó, phải có kiến thức, am hiểu lĩnh vực mà mình phát biểu. Nếu một người năng lực yếu, không hiểu rõ vấn đề, lại phát biểu cảm tính thì chỉ làm người nghe thêm bức xúc.
PV: Nhưng quan chức không thể muốn nói gì thì nói, họ không nhận ra điều đó hay sao?
- Trước một vụ việc, một quyết định, một chính sách, các quan chức thường cho là mình đúng. Khi gặp phản ứng, họ tiếp tục giải thích, lý giải bằng cách này cách khác để minh chứng cho việc mình làm là luôn luôn đúng chứ không sai, bất chấp thực tế thế nào. Để bao biện và che giấu, thậm chí họ sẵn sàng đổ lỗi cho cấp dưới, cho tập thể. Ít người dám công khai thừa nhận cái sai của mình. Theo tôi, đó là hành vi nguy hại nhất trong hoạt động quản lý.
Thực tế cho thấy, nhiều quan chức làm sai, nhưng không được xử lý. Có lúc họ được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, với chức danh giữ nguyên, thậm chí được thăng chức. Cách xử lý như vậy không mang lại hiệu quả, không có tính răn đe, thiếu thuyết phục. |
PV: Đó là tư duy “sếp luôn luôn đúng?”
- Đáng buồn, đó là một thực tế có thật. Không phải tự nhiên mà ở các cơ quan, người ta lại hay nói ra điều đó. Ở Việt Nam, cấp dưới thường có thái độ e dè với cấp trên, nhiều khi thấy lãnh đạo làm sai cũng không dám nói, vì sợ sẽ bị ảnh hưởng tới bản thân.
Những người gọi là sếp, được đặt vào những vị trí quản lý nhất định thì mặc nhiên ít khi dám tự thừa nhận mình sai, mỗi khi ra quyết định gì dù nhỏ nhất. Có thể họ thực sự nghĩ mình làm đúng vì không ai nói cho họ biết đó là sai. Cũng có thể họ biết sai nhưng không dám nói ra. Đó là thực tế.
PV: Cũng có lúc con người không tránh khỏi sai lầm, tại sao họ không nghĩ như vậy?
- Mỗi khi ban hành một quyết định hay chính sách gì, phải nhớ hai yếu tố. Thứ nhất là pháp luật cho phép làm, vậy thì cứ làm. Thứ hai là phải điều tra tính hợp lý của chính sách, quyết định đó trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa… trước khi ban hành.
Một quyết định sai là quyết định chưa thực hiện đúng các yếu tố trên. Nếu người lãnh đạo nhận sai, họ nghĩ sẽ bị một “vết nhơ”. Vì vậy, họ cứ tìm cách né tránh và đổ lỗi.
Xã hội rất vị tha, nếu ai có khuyết điểm mà khắc phục được, người ta sẽ cảm nhận khác. Nhưng có thể, người lãnh đạo sợ khi nhận trách nhiệm sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế của mình chăng?
PV: Nhiều quan chức họ nói một đằng, nhưng làm một nẻo. Một mặt lên án tham nhũng, nhưng đằng sau lại tham nhũng tràn lan. Vì sao lại như vậy?
- Những người đó thiếu tự trọng.Nếu có tự trọng thì không sợ làm sai, dám làm dám chịu, không đổ lỗi. Ở Việt Nam đang thiếu văn hóa chịu trách nhiệm và văn hóa xấu hổ.
Đó là chưa kể đến những thói hư tật xấu như đã nhắc ở trên. Một vị quan chức ăn nhậu xong gọi người dân đến thanh toán tiền. Điều đó không còn là sự xấu hổ nữa mà là sự băng hoại đạo đức.
PV: Theo ông làm thế nào để khắc phục tất cả những hạn chế đã nói ở trên?
- Muốn vậy thì những hành vi sai trái cần bị xử lý thật nghiêm, những người không dám nhận trách nhiệm, không có văn hóa xấu hổ càng phải làm cho bị xấu hổ.
Thực tế cho thấy, nhiều quan chức làm sai, nhưng không được xử lý. Có lúc họ được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, với chức danh giữ nguyên, thậm chí được thăng chức. Cách xử lý như vậy không mang lại hiệu quả, không có tính răn đe, thiếu thuyết phục.
Thứ hai cũng phải cải cách hệ thống tiền lương cho công chức, để họ yên tâm công tác. Đừng để người ta nói công chức không thể sống được bằng lương. Vậy họ sống bằng gì?
Trả lời PV của PGS.TS Võ Kim Sơn.
Minh đức thực hiện(TBKTSG).
(Nguồn : Tầm nhìn)