Ảnh minh họa |
Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch bao gồm: Phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch; Phí duy trì sử dụng mã số mã vạch của các loại mã số doanh nghiệp GS1, mã địa điểm toàn cầu GLN (một mã), mã EAN-8 (GTIN-8); Phí xác nhận đăng ký sử dụng mã nước ngoài.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khi đăng ký sử dụng mã số mã vạch hoặc xin xác nhận sử dụng mã nước ngoài thì phải nộp phí cấp mã số mã vạch theo quy định tại Thông tư này.
Dự thảo đề xuất mức thu phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch như sau:
STT | Phân loại phí | Mức thu
(đồng) |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng) | 1.000.000/mã |
2 | Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) | 300.000/mã |
3 | Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8) | 300.000/mã |
4 | Đăng ký sử dụng mã nước ngoài | |
4.1 | Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm | 500.000/hồ sơ |
4.2 | Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm | 10.000/mã |
Đối với mức thu phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí), dự thảo nêu rõ nếu sử dụng mã doanh nghiệp GS1, mức phí dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/năm; sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) và sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8), mức thu đều là 200.000 đồng/năm.
Trường hợp người nộp phí đăng ký sử dụng mã số mã vạch sau ngày 30 tháng 6 thì chỉ phải nộp 50% mức phí duy trì năm đó tương ứng với từng loại mã số mã vạch theo quy định nêu trên.
Khi được cấp mã số mã vạch người nộp phí có trách nhiệm nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch cho năm đầu tiên (năm được cấp mã số mã vạch); các năm tiếp theo, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm theo quy định.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khánh Linh
(Website Chính Phủ)