Theo Bộ Tài chính, sự phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam không ngừng tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2005 – 2010 tăng bình quân 25%/năm; năm 2011 tăng 29,7% so với năm 2010; năm 2012 đã đạt được 228,3 tỷ USD bằng 1,68 lần GDP; số lượng tờ khai hải quan 2012 đạt 5,18 triệu. Dự báo trong thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh ngày càng phát triển trong phạm vi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD; số lượng tờ khai hải quan đạt trên 10 triệu tờ khai. Do đó khối lượng công việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan không ngừng tăng nhanh.
Để đáp ứng yêu cầu về khối lượng công việc ngày càng tăng tại các địa bàn tỉnh chưa có tổ chức hải quan và để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế thì việc thành lập Cục Hải quan mới để đảm nhiệm quản lý nhà nước về hải quan trên các địa bàn này là cần thiết. Do đó, cần xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Cục Hải quan để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thành lập các đơn vị này, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bảo đảm tổ chức bộ máy của ngành hải quan được tinh gọn, tránh lãng phí về nhân lực và chí phí, tránh việc thành lập tổ chức bộ máy tràn lan.
Tiêu chí thành lập Cục Hải quan
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 chương, 12 điều. Trong đó, Bộ đề xuất rõ tiêu chí, trình tự, thủ tục thành lập Cục Hải quan.
Theo Bộ Tài chính, tiêu chí thành lập Cục Hải quan gồm có căn cứ định tính và căn cứ định lượng. Tiêu chí định lượng gồm: Khối lượng công việc, biên chế và địa bàn quản lý. Tiêu chí định tính được xây dựng căn cứ vào tính chất hoạt động, đặc thù của công tác quản lý nhà nước về hải quan và điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa bàn. Đối với các địa bàn cần thiết thành lập Cục Hải quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế trên địa bàn; đồng thời để quản lý và bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế. Do đó, trong trường hợp Cục Hải quan không đáp ứng được các tiêu chí định lượng, cấp có thẩm quyền căn cứ vào các tiêu chí định tính này để xem xét, quyết định.
Cụ thể, theo dự thảo, việc thành lập Cục Hải quan phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về tiêu chí thành lập Cục thuộc Tổng cục, đồng thời đáp ứng các tiêu chí cụ thể sau: Về khối lượng công việc, có số lượng tờ khai và kim ngạch xuất nhập khẩu hoặc số tờ khai và số thu thuế trên địa bàn dự kiến thành lập tối thiểu bằng 30% trung bình cộng năm trước năm đề nghị của các Cục Hải quan trong cả nước.
Về biên chế, có số lượng biên chế dự kiến giao cho Cục Hải quan lớn hơn trung bình cộng của các Cục Hải quan trong cả nước trở lên.
Về địa bàn quản lý, để đáp ứng được tiêu chí này thì địa bàn quản lý phải đạt được hai trong số ba điều kiện sau: Có tối thiểu ba Chi cục Hải quan; có Khu chế xuất hoặc Khu kinh tế hoặc Khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng quyết định thành lập; có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của năm trước năm đề nghị tối thiểu bằng bình quân cả nước trở lên.
Dự thảo nêu rõ, trong trường hợp Cục Hải quan dự kiến đề nghị thành lập chỉ đáp ứng được hai trong số ba tiêu chí trên, nếu đáp ứng được một trong hai điều kiện sau thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập: Có đường biên giới đường bộ dài, địa hình phức tạp và là địa bàn trọng yếu của công tác bảo đảm chủ quyền an ninh kinh tế – xã hội của quốc gia; có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu hàng không quốc tế hoặc cảng biển quốc tế quan trọng của quốc gia.
Trong trường hợp cần thiết địa bàn yêu cầu phải có tổ chức hải quan cấp Cục để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia hoặc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội tại các khu vực trọng điểm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.