Dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung hàng loạt tội danh mới như cản trở hay lạm dụng quyền tự do biểu tình, ngôn luận… và có đề xuất xử lý hình sự tội suy thoái, lợi ích nhóm.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Bổ sung thêm nhiều tội danh mới như
cản trở hay lạm dụng biểu tình, tự do ngôn luận… – Ảnh chụp qua màn hình
Sáng nay 7-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật hình sự (BLHS) sửa đổi.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự luật đã bổ sung hàng loạt tội danh mới. Theo đó, Hiến pháp mới quy định người dân có quyền tự do biểu tình, ngôn luận… thì luật cũng quy định việc cản trở hay lạm dụng biểu tình, tự do ngôn luận cũng bị trừng trị; Tội rải đinh gây tai nạn giao thông cũng bị khép vào tội hình sự
Đáng chú ý, dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung thêm tình tiết “dùng axit sufuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” để xử lý hình sự hành vi này trong trường hợp thương tích của nạn nhân dưới 11%. Đồng thời, bổ sung thêm khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với hành vi gây thương tích cho người khác mà để lại hậu quả là “làm biến dạng diện mạo của nạn nhân”.
Đặc biệt, Bộ trưởng Tư pháp cho biết dự thảo luật quy định việc hình sự hóa một số hành vi phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm kinh doanh bảo hiểm,bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). “Việc gian lận, trục lợi trong BHXH, BHYT tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển củachính sách an sinh xã hội. Vì vậy dự luật quy định dây dưa, không đóng BHXH cũng bị truy cứu hình sự” – ông Cường nói.
Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung thêm 3 tội danh liên quan đến lĩnh vực BHXH và BHYT, đó là tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; tội gian lận BHXH (Điều 218); tội gian lận BHYT (Điều 219); tội trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (Điều 220)…
Góp ý dự luật Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị các tội mới phát sinh gây nguy hiểm cho xã hội như suy thoái, tự chuyển hoá, lợi ích nhóm…
Về đề xuất này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích lợi ích nhóm để hối lộ, chạy chọt… dự luật đề cập trong các tội danh cụ thể. “Chính phủ mạnh dạn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, liên quan đến lợi ích nhóm” – ông Cường phân trần.
Cũng đề xuất thêm tội danh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng không hành vi nào mà gây nhiều người chết như giao thông, vì vậy cần nghiên cứu xem xét biện pháp mạnh, nhất là đã vi phạm còn chống đối người thi hành công vụ. “Nhiều nơi do lấn chiếm lòng hè đường cũng gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, vì thế cần có chế tài cụ thể” – ông Hiển đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước băn khoăn dự luật quy định “Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. “Thế nào là hành vi nghiêm trọng? Thường phụ nữ hay bị phân biệt đối xử từ tuyển dụng lao động kể cả nhà nước và tư nhân. Nên ghi rõ ai có hành vi phân biệt đối xử như vậy thì bị xử lý. Như thế mới thấy người phụ nữ được bảo vệ, không chỉ hô hào chung chung” – ông Phước đề xuất.
Cũng theo ông Phước, 50% hộ nghèo là dân tộc thiểu số, là nhóm yếu thế nhất và khó được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, các ngành nghề phi nông nghiệp, dễ bị tổn thương, cư xử bất bình đẳng nhất. “Đề nghị quy định tội xâm phạm các quyền bình đẳng về dân tộc. Hiện không chỉ có phân biệt người kinh với người dân tộc mà ngay giữa những dân tộc khác nhau” – ông Phước đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ QH Phan Xuân Dũng cho rằng quy định về xử lý hình sự đối với vi phạm môi trường còn bất cập như xử vụ Vedan không truy đến cùng được vì khái nhiệm “nghiêm trọng”. Thế nào là nghiêm trọng, đến tận bây giờ phân biệt thế nào là ô nhiễm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn chưa làm được. Dự thảo luật quy định vẫn chung cho các loại rừng thì rất khó bảo vệ được.
“Một khu rừng ở Kon Tum, 1 cây gỗ trắc mà chặt được là được 1 tỉ đồng, giá trị như vậy mà mình giao cho địa phương biên chế bảo vệ rừng này giống như mọi rừng khác, khi xử phạt cũng giống nhau 20 triệu đồng là lớn nhất. Vì vậy tội phạm dã man quá. Mấy năm vừa rồi mất cả mấy trăm cây gỗ trắc, trí giá mấy trăm tỉ đồng. Nếu quy định chung như vậy thì khó bảo vệ được rừng quý hiếm” – ông Dũng dẫn chứng.
Đáng ngại, theo ông Dũng dự luật chưa đo đếm được hết sự “nguy hiểm” của công nghệ công tin (CNTT) trong tình hình hiện nay. “Mức độ tấn công của CNTT rất ghê gớm, tội phạm này có thể làm sụp đổ cả một chế độ chỉ trong 1 ngày 1 đêm. Vì vậy luật cần quy định rõ tội danh có sức răn đe” – ông Dũng đề xuất.
Dự thảo BLHS sửa đổi quy định về đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người già trên 70 tuổi.
Về sửa đổi này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Tuổi thọ trung bình đã tăng lên và tuổi 70 hiện nay là tuổi mạnh nhất, chống mệnh lệnh, chống phá cũng mạnh nhất. Cả về trí tuệ, tuổi đó mới xây dựng ngọn cờ, phất cờ rất mạnh, không lý do gì lại không chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi kiến nghị giảm tuổi phạm tội vị thành niên xuống, tăng tuổi tối đa lên. Tôi chắc chắn nhiều người trên 70 cũng chưa lú lẫn đâu”.
Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bộc bạch: “Tuổi 80 thì già là đúng nhưng 70 tuổi mà xếp là già thì chưa chính xác và nhiều ông 70 tuổi vẫn khoẻ lắm”.