(napa.vn) – Sáng ngày 05/11/2024, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học hành tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, quy trình nghiệp vụ hành chính trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam” (Hội thảo thuộc Đề tài khoa học cấp Quốc gia, Mã số KX.01.03/21-30).
Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 3 Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam. NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đồng chủ trì Hội thảo.
Về khách mời dự Hội thảo, có: NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia; TS. Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chuyển đổi số Quốc gia; TS. Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng, Trường Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh; ThS. Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một bộ ngành và các tỉnh: Phú Thọ, Hải Dương, Khánh Hòa; học viên các lớp lãnh đạo cấp sở, chuyên viên cao cấp… tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (tham dự trực tuyến).
Về phía Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, có PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, nguyên Q. Giám đốc Phân hiệu; TS. Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Phân hiệu; lãnh đạo các khoa thuộc Phân hiệu và các tác giả có bài tham luận…
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu khẳng định: Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước có vai trò quan trọng, tạo ra nền tảng, cơ sở khoa học cấp quốc gia. Hội thảo xoay quanh và tập trung vào 4 yếu tố cốt lõi: 1) thể chế, chính sách; 2) tổ chức bộ máy; 3) nguồn nhân lực; 4) quy trình nghiệp vụ hành chính. NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu rất mong các nhà khoa học sẽ làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn, các giải pháp liên quan đến các vấn đề về thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, quy trình nghiệp vụ hành chính trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chuyển đổi số Quốc gia với tham luận: Kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng các yêu cầu của tiến trình chuyển đổi từ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ông cho rằng, chuyển đổi số như là một phương thức phát triển – một phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất số. Vấn đề chuyển đổi số đặt ra hai nội dung mấu chốt: 1) Chuyển đổi số không chỉ thay đổi về hình thức mà là sự kiến tạo về kiến trúc thượng tầng, đảm bảo cho lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới có không gian tồn tại, phát triển; 2) Chuyển đổi số nhìn về chiều rộng và chiều sâu chính là bài toán về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất. Từ đó, ông Giang nhấn mạnh “Việc xây dựng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, phải làm sao cho kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ sản xuất mới. Từ đó tạo cơ sở cho xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến xây dựng Chính phủ số”.
Ông Giang chỉ rõ, chuyển đổi số phải có mục tiêu cao nhất là tạo sự phát triển kinh tế, tạo nên “kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam (Ông Giang dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm). Ông cũng chỉ ra thực tế nhầm lẫn, đó là xem ứng dụng công nghệ thông tin là chuyển đổi số. Ông nêu rõ: Công nghệ thông tin chưa phải là chuyển đổi số mà chỉ là cơ sở, nền tảng để hướng đến chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo ông Giang cần phải tinh gọn bộ máy, thực hiện phân cấp, phân quyền (tránh vừa thừa, vừa thiếu. Chính vì vậy, nhận thức “đúng” và “trúng” về chuyển đổi số là cấp bách cả về lý luận và thực tiễn.
Trong đó có 8 vấn đề, như: 1) Cần phải có đội ngũ nhân lực thích ứng với công nghệ thông tin; 2) Đội ngũ nhân lực (cán bộ, công chức, viên chức) phải giỏi và thành thạo máy tính; 3) Cán bộ, công chức, viên chức phải sử dụng được dữ liệu; 4) Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chuyển đổi số; 5) Phải chuyển hướng từ truyền thống sang cung ứng dịch vụ công, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; 6) Cần phải tinh gọn bộ máy một cách hiệu lực, hiệu quả; 7) Cần phải thích ứng với sự thay đổi; 8) Cán bộ, công chức, viên chức phải biết rõ, nắm chắc và hiểu sâu về chuyển đổi số. Tất cả các quy trình cần phải có sự thống nhất, đổng bộ.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chuyển đổi số Quốc gia tham luận tại Hội thảo.
Trên cơ sở 8 vấn đề nêu ra, ông Giang cũng chỉ ra 8 giải pháp cần phải thực hiện ngay: 1) Xây dựng hệ thống chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 2) Xây dựng khung năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức; 3) Xây dựng định hướng năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; 4) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đúng và thực hiện đúng vai trò, yêu cầu của dịch vụ công; 5) Chuẩn hóa, đồng bộ hóa quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính; 6) Xây dựng phương thức đào tạo tư duy số; 7) Đưa nội dung đào tạo chuyển đổi số thành nội dung bắt buộc chứ không phải dừng lại bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 8) Xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ, công chức, viên chức gắn với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Đồng tình với các ý kiến của ông Giang, TS. Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trong bài tham luận: Chuyển đổi số – cơ hội và thách thức và trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam, cho rằng trong những năm gần đây, chuyển đổi số là một quá trình thay đổi toàn diện và sâu rộng, không chỉ trong doanh nghiệp mà còn trong quản lý các cấp, đặc biệt là quản lý nhà nước khu vực công, thậm chí cả cuộc sống của mỗi cá nhân; là công cụ để xây dựng các cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tương tác với cơ quan nhà nước tạo nên Chính phủ điện tử. Từ nền tảng đó mở rộng phạm vi hơn, bao gồm việc xây dựng nền tảng số liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy để hỗ trợ ra quyết định, cải tiến quy trình làm việc và tạo ra các dịch vụ công mới hướng tới xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS. Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận: Một số vấn đề đặt ra đối với nền hành chính nhà nước trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Thiện, xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số được Đảng, Chính phủ quan tâm nên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Thiện chỉ ra mấy hạn chế như: 1) Thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, do đó khó khăn trong tích hợp thông tin; 2) Thiếu nguồn nhân lực (nhất là nguồn lực chất lượng cao, thông thạo về tin học; 3) An ninh thông tin đối diện với nguy cơ tấn công mạng; 4) Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin nhiều nơi còn hạn chế, chưa được phủ sóng, dịch vụ công trực tuyến chưa tốt; 5) Thay đổi văn hóa, thói quen làm việc của cán bộ, công chức, viên chức là một thách thức lớn; 6) Tình trạng thiếu rõ ràng, đồng bộ trong thực hiện chuyển đổi số vẫn còn tiếp diễn; 7) Ngân sách nhà nước còn rất hạn chế…
TS. Đinh Đức Thiện cũng nêu 7 giải pháp hoàn thiện, như: 1) Nâng cao năng lực, kỹ năng công nghệ cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và các doanh nghiệp; 2) Xây dựng môi trường pháp lý thống nhất; 3) Tạo mối quan hệ phối hợp, tương tác giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chuyển đổi số; 4) Xây dựng dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng; 5) Nâng cao trách nhiệm giải trình; 6) Tận dụng các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số; 7) Nâng cao năng lực của người đứng đầu.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, nguyên Q. Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã rất tâm đắc với chủ đề của hội thảo. PGS.TS. Huỳnh Văn Thới chỉ rõ, có rất nhiều vấn đề quan tâm nhưng vấn đề thể chế phải đặt lên hàng đầu. Ông Thới dẫn sách: “Tại sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson để trao đổi về tầm quan trọng của thể chế và nhấn mạnh:“Thế chế, thể chế và thể chế”. Ông Thới cũng chỉ ra 4 khó khăn trong hoàn thiện thể chế, đó là: 1) Thay đổi về nhận thức, tư duy; 2) Môi trường pháp lý; 3) Vấn đề nhân lực; 4) Hạ tầng cơ sở, dữ liệu. Trong tất cả các khó khăn, ông Thới cho rằng, thay đổi về nhận thức, tư duy là khó khăn nhất. Theo ông Thới, mặc dù có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên nhìn chung, Việt Nam chậm đổi mới; tầm nhìn, chủ trương đã có, tuy nhiên môi trường pháp lý còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể: 1) Chậm thể chế hóa chủ trương; 2) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, thống nhất, kịp thời…
Cũng bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, trong bài tham luận: Một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả và cải cách hành chính nhà nước hiện nay là việc xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này tất yếu phải tiến hành hoàn thiện thể chế có liên quan đến quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Ông Truyền nhấn mạnh, thể chế đã và hơn nữa đã đủ. Có điều là chưa đủ mạnh. Do đó, thời gian tới phải thực hiện quyết liệt chứ không chỉ dừng lại bàn luận ở hội trường.
PGS.TS. Tạ Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong bài tham luận: Chuyển đổi số trong hiện đại hóa công tác văn phòng tại các cơ quan nhà nước hiện nay – Thực trạng và giải pháp, cho rằng trước yêu cầu của cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, các cơ quan nhà nước đều phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số vào tổ chức điều hành và hoạt động của mình. Công tác văn phòng không thể không đi theo xu hướng này. Chuyển đổi số trong hiện đại hóa công tác văn phòng vừa là một yêu cầu, đồng thời là một trong những giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác văn phòng nói riêng, của các cơ quan, tổ chức nói chung. Bà Tâm chỉ ra thực trạng chuyển đổi số trong hiện đại hóa công tác văn phòng tại các cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, bà Tâm đã nêu 3 đề xuất nhằm tăng cường chuyển đổi số trong hiện đại hóa công tác văn phòng tại các cơ quan nhà nước, như: 1) Thay đổi nhận thức và tư duy của cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số trong hiện đại hóa công tác văn phòng; 2) Phát triển kỹ năng số cho nguồn nhân lực; 3) Đầu tư các điều kiện hạ tầng công nghệ số cần thiết cho việc hiện đại hóa công tác văn phòng.
Bàn về chuyển đổi số từ thực tiễn xây dựng chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, ThS. Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh trong bài tham luận: Thực trạng và các vấn đề trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.
Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều dấu ấn trong việc phát triển chính quyền điện tử TP. Hồ Chí Minh cũng như sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân và chính quyền. Thành phố xác định rõ quá trình chuyển đổi số là một quá trình lâu dài trong nhiều năm đòi hỏi cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Do đó, trong thời gian tới để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện hiệu quả đặc biệt được Thành phố chú trọng.
Trên cơ sở thực trạng vấn đề, ThS. Võ Thị Trung Trinh đã nêu ra 8 phương hướng để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh: 1) Về hoàn thiện môi trường pháp lý; 2) Về phát triển hạ tầng kỹ thuật; 3) Về phát triển các hệ thống nền tảng; 4) Về phát triển dữ liệu; 5) Về số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền; 6) Về phát triển các ứng dụng, dịch vụ; 7) Về bảo đảm an toàn thông tin; 8) Về phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở 8 phương hướng, ThS. Võ Thị Trung Trinh cũng đã nêu ra 8 giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh: 1) Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; 2) Nghiên cứu mô hình chính quyền số; 3) Triển khai chiến lược quản trị dữ liệu gắn liền với kế hoạch triển khai chính quyền số; 4) Hoàn thiện các quy trình để hỗ trợ công tác phát triển chính quyền số; 5) Phát triển các mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; 6) Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; 7) Thu hút nguồn lực; 8) Tăng cường hợp tác quốc tế.
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu chính Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.
Kết luận Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo và Ban Chủ nhiệm đề tài nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, quy trình nghiệp vụ hành chính trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam.