Sáng ngày 26/5/2020, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Ban Quản lý đào tạo Sau đại học tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiêu chuẩn và quy trình bồi dưỡng, đánh giá giảng viên sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia” theo hình thức trực tuyến đến các Phân viện của Học viện Hành chính Quốc gia.
Dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc Học viện: PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Nguyễn Đăng Quế; lãnh đạo các Khoa chuyên môn, các Phân viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các nhà khoa học tham gia đào tạo sau đại học trong và ngoài Học viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện khẳng định: đào tạo sau đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện, đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã đạt được nhiều kết quả tốt, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội và hệ thống chính trị. Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, để nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh về đào tạo sau đại học, cùng với nhiều công tác khác phục vụ hoạt động đào tạo, việc cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là cực kỳ quan trọng của Học viện vì đây là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo sau đại học.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên sau đại học và khắc phục một số hạn chế về năng lực đào tạo, Giám đốc Học viện yêu cầu cần quy định cụ thể tiêu chuẩn giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh và xây dựng quy trình bồi dưỡng, đánh giá năng lực giảng viên tham gia giảng dạy sau đại học. Đây là yêu cầu quan trọng, một mặt, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định đối với giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh trong đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mặt khác, nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện trong giai đoạn mới.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Sau đại học đã trình bày tóm tắt kết quả đào tạo sau đại học của Học viện, những yêu cầu mới đặt ra đối với đào tạo sau đại học của Học viện, từ đó kiến nghị nâng cao chất lượng giảng viên thông qua việc quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và bồi dưỡng giảng viên đào tạo sau đại học tại Học viện. PGS.TS Hoàng Mai mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ và thảo luận để xác định rõ tiêu chuẩn giảng viên tham gia đào tạo sau đại học và xây dựng quy trình bồi dưỡng, đánh giá giảng viên một cách hiệu quả và sát hợp, để từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, làm rõ hai vấn đề trọng tâm. Thứ nhất là tiêu chuẩn của giảng viên tham gia đào tạo sau đại học trên 3 phương diện: tiêu chuẩn của các giảng viên tham gia giảng dạy các học phần của chương trình thạc sĩ, tiến sĩ; tiêu chuẩn của các giảng viên tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; tiêu chuẩn của các giảng viên, nhà khoa học tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Các đại biểu cùng thống nhất cho rằng trước hết các tiêu chuẩn này cần căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời, cần phù hợp với đặc thù của chuyên ngành Quản lý công đó là chuyên ngành mang tính đa ngành và đòi hỏi tính thực tiễn cao. Thứ hai là quy trình bồi dưỡng, đánh giá giảng viên đào tạo sau đại học cần bao nhiêu bước và cần làm rõ đối tượng áp dụng.
Hội thảo cũng đã nhận được tham luận về tiêu chuẩn, quy trình đánh giá giảng viên sau đại học tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Bích Mơ, phụ trách Khoa Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Học viện An ninh nhân dân chia sẻ, bên cạnh việc bồi dưỡng giảng viên theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thì năng lực thực tiễn và đạo đức nghề nghiệp là những tiêu chí được Học viện An ninh nhân dân đặc biệt chú ý. Để đáp ứng yêu cầu về năng lực thực tiễn đặc thù của ngành, các giảng viên có trình độ Tiến sĩ sau khi nhận bằng sẽ đi thực tiễn, đó là được luân chuyển xuống đơn vị trong thời gian từ 2 – 3 năm. Đồng thời, sẽ được bố trí làm trợ giảng hoặc tham gia thảo luận, hướng dẫn học viên đi thực tế.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cảm ơn Ban Giám đốc Học viện, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính đã tạo điều kiện để Ban được tổ chức Hội thảo có ý nghĩa ngày hôm nay. Ban tổ chức Hội thảo xin trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận từ đại diện các khoa chuyên môn, các Phân viện, các đơn vị và các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các ý kiến của các nhà khoa học là những định hướng, gợi mở quan trọng để Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục nâng cao chất lượng giảng viên đào tạo sau đại học. Ban Quản lý đào tạo Sau đại học sẽ tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu, tham mưu với Lãnh đạo Học viện để sớm ban hành Quy định về tiêu chuẩn và quy trình bồi dưỡng, đánh giá giảng viên sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Một số hình ảnh các đại biểu tham dự phát biểu Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội:
Một số hình ảnh của các điểm cầu tham gia phát biểu tại Hội thảo:
Hoàng Thị Hậu