Chiều ngày 28/5/2018, tại Phòng Truyền thống Học viện, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thi hành pháp luật – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tham dự Tọa đàm có NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường – Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Học viện; đại diện các Khoa, Ban, đơn vị thuộc Học viện; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp), Viện Chiến lược và khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) như GS.TS. Phạm Hồng Thái, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, TS. Dương Thanh Mai; các nhà khoa học, giảng viên của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở; học viên, sinh viên đang theo học các chuyên ngành đào tạo do Khoa đảm trách.
PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Lương Thanh Cường nhấn mạnh việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tập trung chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật tạo sự liên thông giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật thì vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật càng trở nên quan trọng.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chủ trì Tọa đàm
Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, các nhà khoa học đã luận bàn những lý luận cơ bản về khái niệm thi hành pháp luật cũng như thực tiễn triển khai ở Việt Nam hiện nay; theo đánh giá công tác theo dõi thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật là một nhiệm vụ khá “nặng” đối với cả các cơ quan ở Trung ương cũng như các địa phương, do vậy công tác này còn gặp nhiều khó khăn như: các quy định, hệ thống tiêu chí đánh giá, quy trình hướng dẫn về tổ chức khảo sát, kiểm tra cách thức phân tích đánh giá kết quả điều tra khảo sát còn nhiều nội dung chưa cụ thể…
Các nhà khoa học trao đổi tại Tọa đàm
Kết thúc Toạ đàm, các nhà khoa học nhất trí: thi hành pháp luật là một vấn đề phức tạp do nhiều chủ thể tiến hành, cần tiếp tục nghiên cứu dưới góc độ đánh giá thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.
Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, góp phần cung cấp những tri thức khoa học và nâng cao công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở nói riêng và của các cơ sở đào tạo luật, quản lý nhà nước trong cả nước nói chung./.
Bài: Quốc Sửu – Ảnh: Minh Giang