Trong suốt tiến trình 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia luôn vinh dự, tự hào nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các đồng chí đã nhiều lần đến thăm, làm việc và phát biểu chỉ đạo với cán bộ, giảng viên, viên chức và học viên, sinh viên của Học viện, từ đó đã tạo niềm tin và động lực to lớn để lớp lớp các thế hệ thầy và trò Học viện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Ngay từ khóa huấn luyện đầu tiên (ngày 16/10/1959), Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại đã dự khai giảng, cũng tại khóa huấn luyện này, đích thân các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt đã giảng bài cho 216 học viên là cán bộ chính quyền cấp tỉnh và huyện tham gia.
Năm 1983, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định số 91/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương, đồng chí Tố Hữu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng về thăm và làm việc với Ban Giám đốc Học viện. Sau buổi làm việc của đồng chí Tố Hữu, Trường Hành chính đã có đà phát triển mạnh mẽ, với việc củng cố và thống nhất được Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh và các Trường Hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo thành một hệ thống Trường Hành chính trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 13-12-1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã đến thăm và làm việc với Học viện Hành chính Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo:
“Học viện Hành chính Quốc gia cần tiếp tục phát huy các thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua; đẩy mạnh cải cách chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo; đồng thời, với việc coi trọng bồi dưỡng công chức, cần tập trung làm tốt công tác đào tạo dài hạn, chính quy đội ngũ công chức trẻ, có trình độ đại học và trên đại học để thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới. Học viện cần đưa vào nội dung giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề sát với nhu cầu thực tiễn, gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm và huy động sức dân; qua đó giúp người học nắm vững những yêu cầu cụ thể để chỉ đạo, điều hành công việc trong thực tiễn có hiệu quả”.
Sau hơn 16 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo, nhân dịp bàn giao Học viện từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Nội vụ, ngày 18/10/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã về dự và có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn của bộ máy chính quyền, bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương trong thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong quá trình thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, thu được những thắng lợi có ý nghĩa hết sức quyết định trong quá trình xây dựng đất nước, tạo tiền đề để chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu rõ nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho bộ máy chính quyền, bộ máy hành chính nhà nước trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng khẳng định, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, cần phải đào tạo một đội ngũ cán bộ, công chức chính quy, chuyên nghiệp và gần gũi với nhân dân. Bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở phải trở thành một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, một bộ máy có kỹ năng quản lý nhà nước theo pháp luật, một bộ máy hành chính mà cán bộ, công chức nhà nước hết lòng phục vụ dân, được dân ủng hộ. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Học viện Hành chính Quốc gia cần phải phấn đấu và góp phần thực hiện.
Chỉ 2 năm sau, ngày 28/5/2004, đồng chí Phạm Gia Khiêm – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ về dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Học viện Hành chính Quốc gia. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương những thành tích, những đóng góp tích cực của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của Học viện đã luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng Học viện lớn mạnh, trở thành trung tâm quốc gia đào tạo cán bộ, công chức hành chính nhà nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Học viện Hành chính Quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tiến trình đổi mới và phát triển đất nước.
Tháng 5/2007, thực hiện Quyết định số 60-QĐ/TƯ ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia thành Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ sau 1 năm ngày hợp nhất, sáng ngày 10/9/2008, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về dự Lễ khai giảng năm học mới 2008-2009 tại Học viện Hành chính. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước đã chúc mừng và biểu dương lãnh đạo, thầy giáo, cô giáo và các học viên Học viện đã phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu vượt lên nhiều khó khăn, thử thách, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước qua các thời kỳ cách mạng của đất nước. Học viện đã không ngừng phát triển và đã góp phần thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ đổi mới của Đảng. Các mặt hoạt động quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thanh tra giáo dục cũng được quan tâm đồng bộ, chính vì vậy, Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đã đào tạo, đào tạo lại lớp lớp cán bộ cho Đảng, Nhà nước. Trong số học viên, sinh viên đã được đào tạo, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, cán bộ có uy tín, đã và đang giữ những cương vị nhất định trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tiễn từ những năm đổi mới đất nước cho thấy, những thành tựu mà chúng ta đã đạt được có sự đóng góp rất lớn công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức. Học viện Hành chính là nơi đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức cho bộ máy nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức này phải thể hiện đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh, đạo đức, năng lực và tính gương mẫu trong công việc, phải là người đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước vì chính họ là người giữ các vị trí quan trọng trong một cơ quan, một tổ chức, họ là người tham gia hoạch định chiến lược, soạn thảo chính sách, pháp luật, cải cách hành chính…, họ là người thường xuyên tiếp xúc với công chúng (cả trong và ngoài nước), với đồng nghiệp. Chính vì vậy, ngoài năng lực chuyên môn, ngoài việc tinh thông nghề nghiệp, công việc đòi hỏi họ phải năng động, sáng tạo và có tính nhân văn cao trong công việc. Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi họ phải có nhiều kiến thức, có trình độ mang tính toàn cầu để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Học viện của chúng ta sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đào tạo ra những cán bộ như vậy.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, mặc dù rất bận với nhiều công việc lớn của đất nước, nhưng đã dành thời gian về dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Học viện và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Học viện, tại buổi lễ kỷ niệm, trong bài phát biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đặc biệt là xây dựng một đội ngũ cán bộ chính quyền có trí tuệ, công tâm, hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân. Năm mươi năm qua, Học viện Hành chính đã không ngừng phấn đấu thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đó, trực tiếp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho lớp lớp cán bộ, công chức và sinh viên thuộc các bộ, ngành, địa phương, cung cấp nguồn nhân lực hành chính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Học viện cũng thực hiện vai trò nòng cốt trong chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương và tiến hành công tác nghiên cứu khoa học hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, phục vụ yếu cầu phát triển đất nước”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mặc dù không có buổi làm việc trực tiếp tại Học viện, nhưng đã 2 lần dành thời gian đến dự và có các bài phát biểu quan trọng tại các Hội nghị EROPA – Tổ chức Hành chính miền đông Thế giới, do Học viện là đơn vị tổ chức chính, gồm: lần thứ nhất ngày 10/10/2005 (khi đó đồng chí đang là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) và lần thứ hai, ngày 20/10/2014.
Tại các lần đến dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đánh giá cao sự nỗ lực của Học viện Hành chính Quốc gia trong việc phối hợp với tổ chức EROPA và các tổ chức liên quan trong việc tổ chức Hội nghị. Sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị EROPA đã nâng tầm và vị thế của nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị nói chung và Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng, với sự thán phục và lòng yêu mến của các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị.
Đồng chí Trương Tấn Sang có 3 lần đến thăm và làm việc tại Học viện, đó là: lần thứ nhất, ngày 05/9/2009, khi đó đồng chí với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã về dự và gióng trống Khai giảng năm học mới. Lần thứ hai là ngày 8/3/2012, trên cương vị là Chủ tịch nước, trong chương trình làm việc tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng chí đã dành thời gian đến thăm và làm việc với Học viện Hành chính tại Phân viện Tây Nguyên, tại đây, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: “Học viện Hành chính, trong đó có Phân viện khu vực Tây Nguyên phải có trách nhiệm giúp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương một đội ngũ cán bộ hành chính đạt yêu cầu”.
Với tình cảm đặc biệt dành cho Học viện, chỉ 2 năm sau, ngày 29/5/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự, chung vui và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của Học viện, trong đó, Chủ tịch nước khẳng định, Học viện Hành chính Quốc gia có vai trò và trách nhiệm to lớn trong việc đào tạo, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước; xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa hồng vừa chuyên, vững vàng về lý tưởng cách mạng, đồng thời, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Học viện phải luôn đổi mới trong phương thức dạy cũng như trong các phương pháp học, làm sao để nâng cao được chất lượng cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Chủ tịch nước khẳng định rõ phải chú trọng vào các công tác nghiên cứu khoa học và biết chắt lọc, tiếp thu những kinh nghiệm trên thế giới, từ đó, đúc rút ra những phương hướng để có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứu và giảng dạy tốt, tiến đến việc nâng cao chất lượng trong chính việc bồi dưỡng cho những cán bộ, công chức được đào tạo trong Học viện.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện.
Ngày 18/9/2015, hòa trong không khí tưng bừng khai giảng năm học mới cùng cả nước, cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên, học viên được đón đồng chí Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư về dự Khai giảng năm học mới 2015-2016.
Phát biểu với thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia, đồng chí nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Học viện Hành chính Quốc gia và những cố gắng, nỗ lực của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức và các thế hệ học viên, sinh viên của Học viện… Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, nền hành chính nhà nước cần phải tiến hành cải cách sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, công tác ĐTBD CBCC, viên chức, nguồn nhân lực hành chính và nghiên cứu khoa học hành chính luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước”, “đẩy mạnh cải cách hành chính”, “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, vì vậy, Học viện Hành chính Quốc gia có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”.
Mặc dù bận rất nhiều công việc quan trọng của Chính phủ, nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ vẫn thường xuyên có sự quan tâm đến các mặt hoạt động cũng như sự phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia. Ngày 18/10/2017, đồng chí đã dành thời gian về dự khai giảng năm học 2017-2018 và có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Học viện.
Tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực và thành tích mà Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng tập thể cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên của Học viện đạt được trong gần 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện, đặc biệt là trong những năm học gần đây. Qua đó, đồng chí đánh giá cao những đóng góp tích cực của Học viện trong sự nghiệp ĐTBD nguồn nhân lực cho bộ máy quản lý nhà nước, góp phần thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ đổi mới.
Trước thực trạng về chất lượng đội ngũ CBCC ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước cũng như bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác ĐTBD CBCC ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó Học viện Hành chính Quốc gia phải tích cực và chủ động gánh vác một phần trách nhiệm. Thủ tướng yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia phải thực sự đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Nội vụ trong nỗ lực xây dựng nền hành chính kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Sau bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã gióng hồi trống chính thức khai giảng năm học 2017-2018 với niềm tin tưởng, trong năm học mới, tập thể thầy và trò Học viện sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức và sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.
\Ngay sau khai giảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các khoa, đơn vị thuộc Học viện. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã lắng nghe các ý kiến và chỉ đạo các bộ, ngành và Học viện khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Và, ngày 23/01/2018 Thủ tướng đã ký Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Học viện. Với những định hướng trong Quyết định này, Học viện đã có sự chuyển mình quan trọng. Đó là việc tổ chức lại các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện theo hướng tinh gọn về đầu mối, chức năng, tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng CBCC, viên chức và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống chính trị và xã hội, nghiên cứu khoa học hành chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình là người rất quan tâm đến sự ổn định và phát triển của Học viện, nhất là trong thời gian từ sau năm 2014 đến nay, khi Học viện Hành chính Quốc gia tách ra từ Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trở về trực thuộc Bộ Nội vụ, nhiều lần Phó Thủ tướng Thường trực đã trực tiếp về làm việc tại Học viện. Ngày 27/9/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về dự lễ khai giảng năm học 2016-2017 và gióng trống khai giảng năm học mới, đồng chí đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời, khẳng định vị thế, vai trò và tầm quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện trong hệ thống chính trị của cả nước.
Bước vào năm học mới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Học viện phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực bền bỉ của các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học viên, sinh viên, Học viện sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta, khẳng định vị thế là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về khoa học quản lý, khoa học hành chính.
Trước thềm kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Học viện hành chính Quốc gia, ngày 25/4/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về thăm và làm việc với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Học viện.
GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đến dự Lễ khai giảng năm học mới tại Học viện cơ sở TP. Hồ Chí Minh (ngày 22-10-2017). Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những kết quả mà Học viện Hành chính Quốc gia nói chung và Cơ sở TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo của TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam và cả nước.