Tháng 5 lịch sử, hòa chung với những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, Học viện Hành chính Quốc gia long trọng tổ chức Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (29/5/1959 – 29/5/2019).
Ở một thời điểm quan trọng như thế này, chúng ta nhìn lại cả một quá trình, trong đó với những dấu mốc quan trọng để khẳng định những thành tựu của cả hệ thống, cũng từ đó ghi nhận và tôn vinh các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia trong suốt 60 năm qua với thành tích rất đáng tự hào.
Mốc son đầu tiên của Học viện Hành chính Quốc gia được tính từ ngày 29/5/1959 với Nghị định số 214-NV do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký về việc thành lập Trường Hành chính. Trường trực thuộc Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện. Đồng chí Tô Quang Đẩu – Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Hiệu trưởng.
Khi mới thành lập, Trường đặt cơ sở ở thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Trường đã mở khóa huấn luyện đầu tiên cho 216 cán bộ chính quyền cấp tỉnh, huyện. Khóa học khai giảng ngày 16/10/1959 và bế giảng ngày 16/01/1960. Phó Thủ tướng Phan Kế Toại đã khai giảng và bế giảng khoá học. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Hữu Dực đã tới thăm và giảng bài cho khóa học.
Ngày 29/9/1961, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, cần phải có một trung tâm đào tạo cán bộ chính quyền các cấp từ cơ sở đến trung ương, Chính phủ đã quyết định đổi tên Trường Hành chính thành Trường Hành chính Trung ương (Nghị định số 130-CP của Chính phủ). Và trụ sở của Trường Hành chính Trung ương được xây dựng trên khu đất rộng 15.000 m2 tại Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngày 18/5/1961, công trình được khởi công xây dựng; ngày 25/4/1962 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Địa điểm này là trụ sở Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, từ tháng 9/1965 tới cuối năm 1968, Trường sơ tán về xã Đông Côi, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, Trường tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ chính quyền cấp huyện, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ giữa năm 1972, Chính phủ chủ trương tách phần chính quyền ra khỏi Bộ Nội vụ đưa sang Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng. Bộ Nội vụ thời gian này chỉ làm công tác thương binh – xã hội, nên Trường chỉ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ thương binh – xã hội. Ở miền Nam, tháng 5/1974, Trường Cán bộ chính quyền miền Nam được thành lập tại chiến khu miền Đông do đồng chí Nguyễn Ngọc Sắt (tức Ba Linh) làm Hiệu trưởng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 30/10/1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 213-CP thành lập Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương tại miền Nam. Phân hiệu trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ, đặt tại địa điểm Học viện Quốc gia Hành chính của nguỵ quyền Sài Gòn cũ, số 10 đường 3-2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh (cơ sở Học viện Hành chính quốc gia ngày nay). Phân hiệu do đồng chí Doanh Thắng Lung (tức Ba Lung) và Nguyễn Ngọc Sắt (tức Ba Linh) làm Phân Hiệu phó (không có Phân Hiệu trưởng).
Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Trường Hành chính Trung ương tiếp tục nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ chính quyền phục vụ công cuộc hoà bình xây dựng đất nước.
Ngày 30/8/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 231-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức của Chính phủ sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trường có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng các cán bộ quản lý nhà nước cao cấp ở các cơ quan trung ương; các chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện và tương đương; cán bộ phụ trách các sở, ty của tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác giảng dạy ở các Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị) các tỉnh và thành phố. Theo Quyết định trên, Trường Hành chính Trung ương có các phân hiệu phụ trách các khu vực:
- Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Hà Nội chịu trách nhiệm ĐTBD cán bộ cho các tỉnh phía Bắc.
- Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm ĐTBD cán bộ cho các tỉnh phía Nam (B2 cũ).
- Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Đà Nẵng chịu trách nhiệm ĐTBD cán bộ cho các tỉnh miền Trung (khu 5 cũ). Song, trong thực tế Trường Hành chính Trung ương mới chỉ có hai Phân hiệu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Dương Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngày 12/5/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương. Giáo sư Mai Hữu Khuê – nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh tế – Kế hoạch được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Thực hiện Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, Trường mở các khoá bồi dưỡng về quản lý kinh tế cho cán bộ trung – cao cấp do các giáo sư Liên Xô giảng dạy.
Ngày 08/6/1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 233-CP tách Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương thành hai trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý kinh tế Trung ương. Trường Hành chính Trung ương trực thuộc Chính phủ. Đồng chí Dương Văn Dật – Thứ trưởng Bộ Tài chính được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Ngày 26/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 91/HĐBT về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Từ đây, Trường có căn cứ pháp lý tương đối đầy đủ để hoạt động, đã không ngừng phấn đấu vươn lên, có những bước tiến cơ bản, củng cố và thống nhất được cơ sở Trường tại Hà Nội và Phân hiệu của Trường tại TP. Hồ Chí Minh, quy tụ các Trường Hành chính tỉnh, thành phố, tạo thành một hệ thống Trường Hành chính làm nhiệm vụ ĐTBD cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, tạo đà cho sự phát triển cao hơn của Trường trong giai đoạn mới.
Ngày 09/4/1987, Giáo sư Đoàn Trọng Truyến – nguyên Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng theo Quyết định số 121-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trường thực hiện chuyển đổi nội dung, phương thức bồi dưỡng cán bộ chính quyền phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mở rộng hợp tác quốc tế.
Ngày 16/12/1997, GS.TS. Vũ Huy Từ – Phó Giám đốc Học viện được giao trách nhiệm Phó Giám đốc điều hành theo Quyết định số 108/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 25/9/1998, TS Nguyễn Ngọc Hiến – Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện theo Quyết định số 885/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 01/01/2007, PGS. TS Nguyễn Hữu Khiển – Phó Giám đốc Học viện được giao trách nhiệm Phó Giám đốc điều hành theo Quyết định số 09/QĐ-BNV ngày 08/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phân công thực hiện nhiệm vụ điều hành các hoạt động công tác của Học viện Hành chính Quốc gia.
Từ tháng 5/2007 – 12/2013 hợp nhất Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07-5-2007 của Bộ Chính trị. Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều – Thứ trưởng Bộ Nội vụ được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Hành chính theo Quyết định số 529-QĐNS/T.Ư ngày 18/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
Ngày 01/7/2009, PGS.TS. Nguyễn Đăng Thành, Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh được phân công làm Giám đốc Học viện Hành chính.
Ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP, trong đó Quyết nghị: “Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TƯ ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Văn bản số 176-CV/TƯ ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính Quốc gia”.
Ngày 19/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2521/QĐ-TTg bổ nhiệm GS.TS. Nguyễn Đăng Thành, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngày 01/8/2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông báo số 2933/TB-BNV về việc phân công TS. Trần Anh Tuấn – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách, điều hành Học niện Hành chính Quốc gia kể từ ngày 05/8/2014.
Ngày 09/11/2015, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông báo số 5169/TB-BNV về việc phân công PGS.TS. Triệu Văn Cường – Ủy viên Ban cán sự Đảng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngày 29/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 929/QĐ-TTg bổ nhiệm TS. Đặng Xuân Hoan, Ủy viên Thư ký Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2021, giữ chức vụ Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngày 05/7/2017, sáp nhập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực thuộc Bộ Nội vụ về Học viện Hành chính Quốc gia dựa trên Quyết định số 949/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/7/2017 về việc giải thể Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực thuộc Bộ Nội vụ.
Ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Đây là một mốc quan trọng đối với Học viện, bởi lẽ từ 2007 – 2017 (10 năm), Học viện chưa có quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.