(phapluattp.vn)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.
SGK mới chú trọng dạy người
Theo đó, mục tiêu Đề án là xây dựng, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK phổ thông mới phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông.
Chương trình mới, SGK mới sẽ được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin.
Chương trình mới, SGK mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Chương trình mới, SGK mới bảo đảm tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, các lớp học, giữa các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Đặc biệt, theo Đề án, chương trình mới, SGK mới sẽ bảo đảm yêu cầu giảm tải, tính thiết thực…Chương trình mới, SGK mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp.
Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.
SGK mới, chương trình học mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học; thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Theo Đề án, SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn phải được Hội đồng quốc gia thẩm định trước khi phê duyệt cho phép sử dụng để bảo đảm tính khoa học, công bằng.
Tăng cường xây dựng học liệu điện tử để phát huy mạnh lợi thế dạy và học qua mạng đồng thời với quá trình biên soạn SGK mới; khuyến khích việc biên soạn, thử nghiệm và sử dụng SGK điện tử theo chương trình mới.
Giai đoạn 1 (từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2016): Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và cộng đồng tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, SGK mới.
Xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới; xây dựng học liệu điện tử theo chương trình mới.
– Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực nghiệm SGK mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.
Giai đoạn 2 (7/2016 – 6/2018): Thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ SGK mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Giai đoạn 3 (7/2018 – 12/2023): Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành SGK mới của các lớp còn lại.
Đ.Liên