(doisongphapluat.com) – Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản báo Thủ tướng về việc rút đề xuất tịch thu phương tiện đối với tài xế say xỉn.
Theo tin tức trên VOV, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa có văn bản báo Thủ tướng về việc báo cáo đối với kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ (Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2015) và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 1585/VPCP-KTN ngày 06/3/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp xem xét kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại công văn số 58/CV-UBATGTQG ngày 27/2/2015 liên quan đến quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, liên bộ nhất trí với quan điểm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc cần tăng cường thực hiện các biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là giảm số người chết do tai nạn giao thông.
Về bốn nhóm hành vi vi phạm mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu trong công văn số 58/CV-UBATGTQG (Không chấp hành việc kiểm tra, cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; Chở quá tải trọng cho phép trên 150%; Điều khiển xe cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn vượt quá quy định; Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc), theo Bộ trưởng Đinh La Thăng đều là những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, cần phải kịp thời tăng cường các biện pháp quản lý, các chế tài xử phạt và biện pháp ngăn chặn đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe.
Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Đề xuất cho phép áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng nêu trên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là có cơ sở pháp lý”. Cụ thể: hình thức xử phạt này đã được quy định tại Điều 26 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013. Hình thức tịch thu phương tiện cũng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 để áp dụng đối với hành vi đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (tại Điều 34) và áp dụng xử phạt đối với trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tái phạm một trong các hành vi: buông cả hai tay khi điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe… (tại Điểm c Khoản 10 Điều 6). Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực hiện hình thức xử phạt này một cách hiệu quả thì cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay chưa quy định áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với những hành vi vi phạm nêu trên.
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi để trình Chính phủ trong năm 2015.
Bên cạnh những nội dung trên, xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải trên đường bộ trong thời gian vừa qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đưa vào Nghị quyết Phiên họp của Chính phủ cho phép tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục của xe ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị rút đề xuất tịch thu xe – Ảnh minh họa
Bộ Công an đề nghị không tịch thu xe của tài xế say xỉn
Theo báo Dân Trí, trước đó, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị cân nhắc kỹ biện pháp này.
Theo văn bản của Bộ Công an, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc thì đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân vùng nông thôn, miền núi, nơi có đường cao tốc đi qua. Do nhận thức pháp luật còn hạn chế, do cơ sở hạ tầng của một số đoạn tuyến cao tốc chưa hoàn thiện. Vì vậy, nếu tịch thu phương tiện sẽ không phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Việc tịch thu phương tiện liên quan đến quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự và một số luật có liên quan điều chỉnh. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm không phải là chủ sở hữu phương tiện (mượn xe, thuê xe, lái xe thuê, lái xe cơ quan nhà nước…) hoặc trường hợp là sở hữu chung (như sở hữu của vợ, chồng, con, anh, em…) thì việc tịch thu phương tiện không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 162 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Do đó, việc tịch thu phương tiện đối với những trường hợp này sẽ gây ra tình trạng quá tải trong việc giải quyết của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc tịch thu phương phương tiện có thể gây ra một số hệ lụy đối với người dân, khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn, vì đối với nhiều người, xe ô tô, xe máy không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện kiếm sống, là một tài sản lớn trong mỗi gia đình; từ đó dễ gây ra sự phản ứng không hợp tác của người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, thậm chí chống lại người thi hành công vụ.
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với với người điều khiển ô tô, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu có nồng độ cồn đến 50mg/100 ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu từ 50-80mg/100 ml hoặc 0,25-0,4mg/lít khí thở, phải thi lại nội dung luật Giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe; nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100 ml hoặc quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và bị tịch thu phương tiện. Người điều khiển xe máy sẽ bị tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe 24 tháng nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 80mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở.