Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Người kiến tạo nền móng cho quá trình phát triển của ngành tổ chức nhà nước (1945-1946)”

(napa.vn) – Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), sáng ngày 16/8/2021, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia trang trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Người kiến tạo nền móng cho quá trình phát triển của ngành tổ chức nhà nước (1945-1946)”.

TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên phần mềm Zoom.

ĐXH

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có: PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng, Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Vũ Đăng Minh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn, Chánh Văn phòng Bộ; TS. Trần Nghị, Đảng ủy viên, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; ông Nguyễn Tiến Đạo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Đảng ủy Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các đồng chí cấp ủy các Chi bộ; các giảng viên, chuyên viên, các nhà khoa học trong Học viện.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ niềm tự hào khi cách đây 110 năm, quê hương Quảng Bình anh hùng đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Đại tướng tài ba của Quân đội và Nhân dân Việt Nam, vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong khoảng thời gian hơn 6 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946) nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tham gia xây dựng thể chế hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng nền công vụ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Với mục đích ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Đại tướng với Đất nước, với Dân tộc, với Quân đội nhân Việt Nam, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tham gia Tọa đàm cùng có những ý kiến đóng góp để làm rõ hơn những di sản khoa học, tinh thần mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại trong việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong thời kỳ nước nhà mới giành được chủ quyền.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở, góp phần làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là trong giai đoạn Đại tướng giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên.

Trần Thị Bích Lan

ThS. Trần Thị Bích Lan, Phó Trưởng phòng, Phòng Thi đua – Khen thưởng và cải cách hành chính, Ban Tổ chức cán bộ trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Đại diện cho Ban Tổ chức cán bộ, ThS. Trần Thị Bích Lan trình bày tham luận tại Tọa đàm với bài viết“Vai trò to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong việc tổ chức chính quyền,  an ninh, nội trị trong thời kỳ nước nhà mới giành được chính quyền”. ThS. Trần Thị Bích Lan đã khẳng định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ đã có những đóng góp quan trọng cho dân tộc, cho đất nước, đặc biệt là cho nền móng của Bộ Nội vụ trong việc củng cố xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng.

Đỗ Xuân Tuất

PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng, Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng trình bày tham luận tại Tọa đàm.

PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất tham luận tại Tọa đàm với nội dung “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945 – 1946)”. Khẳng định những đóng góp, cống hiến vô cùng quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng ngành tổ chức nhà nước, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân ở một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam, đồng chí Đỗ Xuân Tuất đã nêu lên một số điểm quan trọng như: (1) Tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các sắc lệnh quan trọng bãi bỏ các cơ quan, công sở, các tổ chức chính trị phản động và các chế độ, chính sách của chính quyền cũ; (2) Xây dựng thể chế tạo nền tảng xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, góp phần ổn định, củng cố, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa; (3) Tham mưu cho Chính phủ xây dựng nền công vụ và đội ngũ công chức liêm chính, tận tụy, phục vụ nhân dân; (4) Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ng Văn Hậu

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Đảng ủy viên, Chánh Văn phòng Học viện trình bày tham luận tại Tọa đàm.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu tham luận với chủ đề “Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)” đã nêu bật những dấu ấn của vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên. Dù chỉ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong khoảng thời gian một năm nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ trưởng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Sắc lệnh có tính chất pháp quy ở nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực xây dựng chính quyền và bảo vệ chính quyền. Đồng thời, trong thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945-1946), Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, vừa khẩn trương xây dựng chính quyền, vừa củng cố, bảo vệ chính quyền, tạo nền tảng để xây dựng chính quyền cách mạng. Những thành tựu của Bộ Nội vụ thời kỳ 1945 -1946 gắn liền với dấu ấn của Bộ trưởng đầu tiên Võ Nguyên Giáp. Nhìn từ truyền thống ngành Nội vụ, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu đã đưa ra nhiều gợi ý cụ thể để đổi mới ngành Nội vụ sâu sắc và cần thiết.

Phạm Văn Minh

TS. Phạm Văn Minh, Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Tham luận tại Tọa đàm về vấn đề “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945-1946)”, TS. Phạm Văn Minh khẳng định, trong thời gian đảm nhận trọng trách quan trọng nhất của Bộ Nội vụ, đồng chí Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã đem hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình, tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tính chất pháp quy ở nhiều lĩnh vực khác nhau để quản lý, điều hành đất nước, như xóa bỏ các chính sách của chính quyền thực dân phong kiến, giải tán các tổ chức chính trị phản động, bỏ thuế thân, tổ chức hệ thống các cơ quan của chính quyền mới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc quyền dân chủ của nhân dân và thành quả cách mạng.

Nguyễn Quang Vinh

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Với bài tham luận“Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời và vị Bộ trưởng được trao quyền ký sắc lệnh”, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước nêu rõ: Trong khoảng thời gian từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946, trước khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng và giao giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký hơn 30 Sắc lệnh ban bố những vấn đề nội vụ, an ninh của đất nước: Sắc lệnh 01-SL ngày 30/8/1945 bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ; Sắc lệnh 03-SL ngày 01/9/1945 về thiết quân luật tại Hà Nội; Sắc lệnh số 04-SL ngày 04/9/1945 về việc lập Quỹ Độc lập; Sắc lệnh số 05-SL ngày 05/9/1945 về việc ấn định Quốc kỳ Việt Nam… Các Sắc lệnh vừa thể hiện cao tính hiệu lực pháp lý vừa có thể được xây dựng và ban hành một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cụ thể và cấp bách của quản lý nhà nước; hệ thống Sắc lệnh trong những năm 1945 – 1946 đã góp phần giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trực tiếp và cấp bách mà lịch sử đang đặt ra đồng thời đã đặt nền móng cho pháp luật nước ta trên hầu hết các lĩnh vực và cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và phát triển đất nước sau này.

Ng Thị Thu Hà

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước pháp luật và Lý luận cơ sở trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Trên cơ sở điểm lại những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà với bài tham luận “Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã chỉ ra những điểm quan trọng trong vai trò của đồng chí Võ Nguyên Giáp khi giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên. Khi chính quyền nhà nước còn non trẻ, với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước các cấp từ cơ sở xã, huyện đến các tỉnh, các kỳ, các thành phố, thị xã từ trung ương đến địa phương trong cả nước, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và công tác cán bộ, chính quyền, công tác thanh tra và công tác an ninh, như: sắc lệnh bỏ thuế thân, sắc lệnh bình dân học vụ, sắc lệnh quy định quốc tịch, quốc kỳ Việt Nam…

Trần Hải Định 1

TS. Trần Hải Định, Phân viện Học viện tại thành phố Huế trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Với nội dung tham luận “Đồng chí Võ Nguyên Giáp với công tác xây dựng chính quyền nhà nước (1945-1946)”, TS. Trần Hải Định, đã nêu bật vai trò của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp về củng cố, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị năm 1945 và trong xây dựng chính quyền nhân dân.

Trong khoảng thời gian gần 3 giờ làm việc, Tọa đàm đã nhận được 13 ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm về thân thế, sự nghiệp, về phong cách và những đóng góp to lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chung và với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói riêng. Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan gửi lời cảm ơn đến tất cả các đại biểu, nhà khoa học đã tham dự Tọa đàm, các ý kiến của các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm là hết sức quý báu. Trên cơ sở những ý kiến đó, TS. Đặng Xuân Hoan đã kết luận các nội dung sau: (1) Các nhà khoa học đều thống nhất khẳng định vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam với vai trò là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay; (2) Với bất kỳ nhiệm vụ nào được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ giao thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều hoàn thành xuất sắc với phương pháp làm việc khoa học, hết sức tận tâm, tận lực, mẫn cảm, mẫn cán, vì dân, vì nước, thực sự là tấm gương vĩ đại để toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị noi theo; (3) Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những nhiệm vụ hết sức to lớn, quan trọng có tính chất quyết định đến sự tồn vong và phát triển của chính quyền cách mạng non trẻ và sự phát triển, bảo vệ đất nước. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp lý đặc biệt, cấp thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng đắn và giữ vai trò quan trọng quyết định đến cục bộ thành quả cách mạng tháng tám và phát triển đất nước trong những thời kỳ sau; (4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đã hiện thực hóa được chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin về việc đặt nền móng cho nền công vụ Việt Nam theo hướng xây dựng một nền hành chính nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân; (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Việt Nam noi theo về tinh thân tận tụy với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Đặng Thành Lê

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Vũ Đăng Minh

TS. Vũ Đăng Minh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ phát biểu ý kiến tại Tọa đàm.

Trần Nghị

TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước phát biểu tại Tọa đàm.

Đinh Quang Thành

TS. Đinh Quang Thành, Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng phát biểu tại Tọa đàm.

Đoàn Nhân Đạo

TS. Đoàn Nhân Đạo, Giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Tọa đàm.

Phạm Ngọc Huyền

TS. Phạm Ngọc Huyền, Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính phát biểu tại Tọa đàm.

Ng Thị Minh

TS. Nguyễn Thị Minh, Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Đại biểu 5

Đại biểu 4

Đại biểu 3

Các đại biểu tham dự Tọa đàm theo hình thức trực tuyến.

Như Ngọc

Comments are closed.