Tổng thuật Hội thảo khoa học “Định hướng nội dung bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương” do Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổ chức

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao năm 2019, chiều ngày 17/6/2019, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng nội dung bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương”.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học: TS. Lê Doãn Hợp, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IX, X, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyên Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam; ông Vũ Xuân Hồng – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam, Đại biểu QH khóa X, XI, XII, XIII; TS. Nguyễn Ngọc Hiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam; PGS.TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật; GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Nguyên Chủ tịch Hội đồng KHCN Bộ Giao thông – Vận tải; ông Nguyễn Thành Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Phạm Hồng Thái – Nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Gửi ý kiến tham gia Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Trọng Đàm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện cùng lãnh đạo các Khoa, Ban, đơn vị, viên chức, giảng viên thuộc Học viện.

Về phía Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính có PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; các Phó Trưởng Khoa: TS. Nguyễn Thị Hà, TS. Nguyễn Thị Lan Anh; các giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng trong Khoa.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trình bày báo cáo đề dẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng nội dung bồi dưỡng công chức cấp thứ trưởng và tương đương nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hoàn thiện Nhà nước dân chủ, pháp quyền XHCN, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng Chính phủ điện tử. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân mong muốn các đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao, các nhà khoa học tham dự Hội thảo  đóng góp những ý kiến quý báu để Khoa có căn cứ xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cho Khoa.

Đặng Xuân Hoan - Giám đốc Học viện

Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện cho biết, chương trình bồi dưỡng cấp Thứ trưởng và tương đương được Lãnh đạo Bộ Nội vụ giao cho Học viện Hành chính Quốc gia đảm nhiệm, đây cũng là nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nhận thức được nhiệm vụ hết sức nặng nề này, Học viện đã tập trung mọi nguồn lực để tiến hành xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, Học viện còn một số băn khoăn, trăn trở rất mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp của các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo, trong đó đặc biệt lưu ý nguyên tắc xây dựng nội dung chương trình tránh trùng lắp với các chương trình đào tạo và bồi dưỡng khác mà đối tượng tham gia chương trình đã từng được học về quản lý nhà nước, cũng như tránh trùng lắp với các chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện; vấn đề tổ chức thực hiện chương trình; vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình này; vấn đề phương pháp giảng dạy, thời gian giảng dạy…

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, về tính cần thiết của Chương trình: Tất các các ý kiến đều thống nhất cho rằng Chương trình bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương do Học viện Hành chính Quốc gia xây dựng và thực hiện là hết sức cần thiết. Nhiều ý kiến phát biểu đã trực tiếp hoặc gián tiếp bàn về vấn đề này. Theo TS. Lê Doãn Hợp thì dù là ai cũng không  nên tự nghĩ mình đã đủ kiến thức mà rất cần phải học và được học; giữa việc học và việc đọc là rất khác nhau; việc đào tạo, bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương là vấn đề đã “để trống” quá lâu

Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Vũ Xuân Hồng, ông Nguyễn Thành Biên, ông Đặng Thanh Tùng cho rằng thực tế có những thứ trưởng và tương đương chưa từng được học chương trình đào tạo riêng cho thứ trưởng. Vì thế, đây là vấn đề hết sức cấp bách bởi đội ngũ thứ trưởng và tương đương hiện nay có trình độ rất phong phú, quá trình công tác đa dạng nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là hết sức cần thiết. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh trong bài tham luận cho rằng: CBCC nói chung, dù là chính trị gia hay công chức đều phải được và bắt buộc tham gia vào quá trình bồi dưỡng năng lực (kiến thức + kỹ năng + thái độ). Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển thì việc học là suốt đời và thứ trưởng cũng thế.

Thứ hai, về đối tượng được bồi dưỡng: Các đại biểu thống nhất cao việc các đồng chí hiện đang là thứ trưởng và tương đương phải tham gia chương trình bồi dưỡng, các đồng chí được quy hoạch vào chức vụ phải tham gia chương trình bồi dưỡng mới được bổ nhiệm. Các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học cũng đặt ra việc cần phải định nghĩa thật sát về người thứ trưởng.

Ông Vũ Xuân Hồng, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam

Ông Vũ Xuân Hồng, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam

Theo ông Vũ Xuân Hồng thì thứ trưởng không chỉ là người giúp bộ trưởng mà còn đóng vai tư lệnh của các lĩnh vực khi được bộ trưởng giao. GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê và PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh cho rằng: thứ trưởng sẽ đóng vai của bộ trưởng khi được bộ trưởng phân giao; ngoài ra cần phân biệt sự khác nhau về tính chất giúp bộ trưởng của người thứ trưởng với giúp việc của người trợ lý và tham mưu của vụ trưởng cho bộ trưởng. Các ý kiến còn cho rằng, rất cần phân loại thứ trưởng theo nhóm các lĩnh vực mà các bộ quản lý để xây dựng nội dung chương trình thật sát với đối tượng người học.

Thứ ba, về nội dung Chương trình: Về nội dung này, nhiều đại biểu nêu ý kiến và có nhiều ý kiến khác nhau. Theo PGS.TS. Văn Tất Thu, cần phải có nội dung bồi dưỡng về địa vị pháp lý, đặc điểm địa vị pháp lý của thứ trưởng và những kiến thức, kỹ năng cần thiết bồi dưỡng cho thứ trưởng. Theo TS. Lê Doãn Hợp, nội dung bồi dưỡng ít nhất cần có được bốn nội dung bồi dưỡng cho thứ trưởng và tương đương, gồm: đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; đạo đức công vụ và văn hóa công sở; ứng dụng công nghệ thông tin và vấn đề Đức – Tài – Bản lĩnh trong thời đại hiện nay.

Nguyễn Ngọc Hiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

Nguyễn Ngọc Hiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiến, nội dung bồi dưỡng cần có sự kế thừa và tránh trùng lắp giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; cần có chương trình đào tạo bắt buộc với các kiến thức: về bộ máy hành chính, hoạch định chính sách, vấn đề tiếp dân, các hình thức văn bản hành chính, kỹ năng điều hành cuộc họp, thu thập, xử lý thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý của người thứ trưởng. Theo ý kiến của ông Vũ Xuân Hồng, ông Nguyễn Phú Bình, ông Nguyễn Thành Biên thì thứ trưởng rất cần được bồi dưỡng về vấn đề đối ngoại. Ông Vũ Xuân Hồng cho rằng, nội dung bồi dưỡng cần có tình hình chung về đối ngoại của thế giới, tình hình chính trị, kinh tế đối ngoại của các nước, vấn đề văn hóa đối ngoại, vấn đề quan hệ của Việt Nam với các nước.

Ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh, kỹ năng xử lý các tình huống trong đối ngoại; vấn đề truyền thông trong đối ngoại (sự kịp thời, nhạy bén, sự dự báo, định hướng trong truyền thông); vấn đề phát ngôn, giao tiếp, đàm phán, họp báo, hành xử quốc tế,…; vấn đề phong cách lãnh đạo với hình ảnh của người lãnh đạo kiểu mới được so sánh với người lãnh đạo kiểu cũ cũng rất cần được đưa vào Chương trình.

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê cho rằng việc bồi dưỡng về đạo đức công vụ là rất quan trọng cho đội ngũ thứ trưởng. Đồng thời, việc giúp người học tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cũng rất cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng cần bồi dưỡng nghệ thuật lãnh đạo quản lý chứ không chỉ là năng lực lãnh đạo quản lý; những vấn đề về quản trị quốc gia; bài học kinh nghiệm quốc tế; vấn đề về quản lý dự án sao cho đúng pháp luật quy định. Ông Nguyễn Trọng Đàm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: nội dung bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương cần tập trung vào các vấn đề: kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin để đưa ra các dự báo, các nhận định, tầm nhìn về xu hướng chung của thế giới về ngành và lĩnh vực quản lý; kỹ năng phát triển bền vững; kỹ năng vận động chính sách; kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Biên thì thứ trưởng rất cần được bồi dưỡng về: kỹ năng phối hợp công tác, kỹ năng đàm phán, kỹ năng, kỹ năng diễn thuyết và kỹ năng quan hệ truyền thông, báo chí. Ông Đặng Thanh Tùng cho rằng: cần có hai mảng nội dung bồi dưỡng là mảng kiến thức, kỹ năng chung (ở giai đoạn quy hoạch) và mảng kiến thức và kỹ năng chuyên sâu (ở giai đoạn sau khi được bổ nhiệm). TS. Nguyễn Thành Phúc cho rằng, người thứ trưởng và tương đương cần được bồi dưỡng về chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và kinh tế số, bởi vấn đề này hiện nay rất quan trọng trong công tác quản lý. Theo PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nội dung giảng dạy phải là sự kết hợp của những gì Nhà nước muốn và những gì người học cần với tỉ lệ phù hợp. Ông cũng cho rằng thiết kế nội dung bồi dưỡng phải dựa trên tiêu chuẩn chức danh thứ trưởng theo quy định của pháp luật. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển trong bài tham luận cho rằng nội dung cần có thêm nhóm kỹ năng và công nghệ hành chính, đặc biệt là vấn đề liên quan đến công nghệ hành chính trong điều kiện hội nhập.

Thứ tư, về phương pháp giảng dạy: Các ý kiến cho rằng, phương pháp giảng dạy cần hướng tới các nhóm thứ trưởng khác nhau; giảng dạy gắn với kinh nghiệm thực tiễn; dạy sao để người học hiểu sâu và làm được. TS. Lê Doãn Hợp cho rằng việc học ở đây phải là học phản biện, tự học, tự trau dổi đúng với tính chất của việc học ở thế kỷ 21.

Thứ năm, về tổ chức thực hiện chương trình, thời gian giảng dạy và đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy: ông Nguyễn Thành Biên cho rằng, việc tổ chức chương trình theo cả hình thức có cả học tập trung và cả phi tập trung; học trên lớp kết hợp với tài liệu và học trực tuyến.

Ông Nguyễn Thành Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương

Ông Nguyễn Thành Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cho rằng: không nên tổ chức học tập theo các khóa bồi dưỡng ngạch bậc, mà theo phương thức cập nhật, trao đổi (giữa người học với nhau) dưới sự thiết kế và điều phối của giảng viên, nên kết cấu gọn nhẹ, bảo đảm vừa nghiên cứu vừa điều hành công việc, khóa học không nên quá hai tuần; người dạy nên là người từng trải nghiệm ở vị trí ở cấp của học viên, hoặc cao hơn (các bộ trưởng, trưởng ban Đảng…). Ông Đặng Thanh Tùng cho rằng, Chương trình nên chia ½ thời gian học trên lớp và ½ thời gian học bằng thực tập, thực tế. Về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy Chương trình bồi dưỡng, các ý kiến cho rằng cần phải đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với giảng viên tham gia giảng dạy Chương trình. Theo PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh: hình thức học nên tổ chức tập trung với những chuyên đề kiến thức mang tính chất chung (khoảng 1/3 thời lượng: 5 ngày), còn theo modul tự chọn (nếu có thể on-line) về các kỹ năng. Hình thức kiểm tra thực hiện các bài tập tình huống do Chương trình đưa ra phù hợp với từng người học cụ thể. Cũng có thể kết hợp thảo luận, làm bài tập tại lớp với sự hướng dẫn của giảng viên. Cứ 2 – 3  năm học viên phải được bồi dưỡng thêm khóa 3 – 5 ngày để cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng, thái độ và đồng thời kéo dài hiệu lực của chứng chỉ đã được cấp.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu kết thúc Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu kết thúc Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trân trọng cảm ơn các  ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học. Khoa Văn bản và CNHC rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến của các đại biểu trong thời gian tới. Trưởng Khoa thay mặt Lãnh đạo Khoa và toàn thể giảng viên Khoa trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe tới các các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học; lãnh đạo Học viện cùng toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo.

 Lãnh đạo HV chụp ảnh cùng các đai biểu tham gia buổi Tổng thuật

Lãnh đạo HV chụp ảnh cùng các đai biểu tham gia buổi Tổng thuật

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp trong chiều cùng ngày./.

Nhóm thực hiện: TS. Phạm Thị Ninh; TS. Phạm Thị Hồng Thắm,

ThS. Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Thị Thu Hương,

Nguyễn Thị Hoài Thu

 

 

Comments are closed.