Về chiến lược kinh tế biển của Việt Nam

Đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển. Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển – lợi thế địa chiến lược) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.

1. Tiếp cận chiến lược kinh tế biển

Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng.

Một là tiềm năng tự nhiên (lợi thế tĩnh) to lớn (bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các đại dương, có các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có – thủy sản, dầu khí và nhiều loại khoáng sản khác, nhiều bãi biển đẹp, v.v.)(1).

Hai là vị trí địa – kinh tế và địa – chiến lược đặc biệt (nằm trên các tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển của châu Á – Thái Bình dương)(2).

Tuy vậy, lâu nay, khi bàn đến lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam, sự chú tâm thường được dành cho loại lợi thế thứ nhất mặc dù loại lợi thế thứ hai đang ngày càng trở nên quan trọng do sự gia tăng nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa.

Trên thực tế, cách tư duy về lợi thế như vậy được phản ánh trong việc đầu tư cho nghiên cứu, cho việc phát triển năng lực và các lĩnh vực kinh tế biển cụ thể - tập trung cho các ngành khai thác tài nguyên biển – thủy sản, dầu khí, làm muối, v.v.- dưới dạng “thô”. Khai thác hàng hải, du lịch và cảng biển chưa phát triển, ở trình độ nhìn chung còn thấp. Nhiều loại tài nguyên biển quý báu khác, ẩn sâu trong lòng biển, dưới đáy đại dương, hoàn toàn chưa được khai thác, chưa nói đến những ngành “công nghiệp biển” dựa trên công nghệ cao.

Sự thiên lệch đó là kết quả tự nhiên, tất yếu của sự tiếp nối tư duy phát triển truyền thống, coi khai thác tài nguyên thô, dựa vào trình độ kỹ thuật, công nghệ thấp và những năng lực hạn chế là cách thức chủ đạo của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Với đặc trưng như vậy, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay có hai thiếu sót lớn.

Một là xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống – hay nói “riết róng” hơn – tư duy phát triển tiểu nông, gắn với “con trâu đi trước cái cày đi sau” – vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Đó là cách thức khai thác biển theo lối “con cò lặn lội bờ sông”, “đánh bắt ven bờ”, không dám vươn ra biển khơi, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Về thực chất, đó là việc mang vác cách thức phát triển nông dân cổ truyền, làm ruộng trên cạn ra khai thác biển, chinh phục đại dương – một đối tượng khác căn bản về tính chất, về các điều kiện khai thác và mức độ rủi ro (phương thức, công cụ, gắn với những đòi hỏi về tri thức và công nghệ).

Hai là thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ và với những công cụ và phương thức hiện đại chưa từng thấy.

Với cách tiếp cận biển truyền thống như vậy, trong điều kiện của thế giới hiện đại, thật khó kỳ vọng đạt được những kết quả mang tính đột phá trong nỗ lực chinh phục biển thông qua việc triển khai chiến lược kinh tế biển đầu tiên của Việt Nam, đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương Đảng 4 khóa X, năm 2007(3).

Để phát triển kinh tế biển, mở rộng một không gian phát triển mới, tăng cường một động lực phát triển hiện đại ở tầm chiến lược mạnh bậc nhất, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế “đất liền”  truyền thống(4).

Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược – như Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển xác định, trở thành một nhu cầu bức bức bách, đồng thời, là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam.

Với Chiến lược phát triển kinh tế biển đã được xây dựng, cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên WTO, thế giới đang chuyển sang thời đại toàn cầu hóa (tự do hóa) và công nghệ cao, khi phát triển kinh tế biển được mọi quốc gia coi là một trọng tâm chiến lược hàng đầu, chúng ta cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, trong đó, việc “nạp” kinh tế biển ở một tầm nhìn mới vào mô hình tăng trưởng mới là một nội dung quan trọng.

2. Hiện trạng kinh tế biển: nhận diện thực lực

Hiện nay, về nguyên tắc, Việt Nam đã mở cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhưng, đánh giá một cách thực chất, trong một thời gian dài, chúng ta mới chỉ chú trọng hướng mở cửa – lên núi bằng việc mở hàng loạt cửa khẩu và phát triển khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền mà ít mở ra biển, qua các cảng biển.

Gần đây, mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, đã xây dựng gần một trăm cảng biển (xem bản đồ các cảng “chính”). Song động lực “vươn ra biển lớn” của phong trào rầm rộ này – rầm rộ đến mức đã trở thành “hội chứng” – thật sự không rõ ràng, bị chi phối bởi tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì một mục tiêu đua tranh phát triển lành mạnh và có tầm nhìn xa. Đó là bởi nền kinh tế vẫn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đất liền theo cách cũ, với công nghệ – kỹ thuật lạc hậu. Đến nay, mô hình đó đã “tận khai” năng lực “đất liền” của quốc gia.

Việt Nam đã hình thành bốn vùng kinh tế trọng điểm và hàng chục khu kinh tế dọc theo chiều dài đất nước. Tất cả đều hướng ra biển và có tiềm năng to lớn từ kinh tế biển. Nhưng việc tận dụng lợi thế và khai thác tiềm năng to lớn này còn xa mới đạt hiệu quả mong muốn.Như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện nay được xem là đang hình thành rõ nét nhất và cũng chứng minh được tiềm năng to lớn khi có tính ảnh hưởng và liên kết mang tính liên vùng với các hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, nhất là sự bùng nổ về phát triển của một vùng rộng lớn ở Tây Nam Trung Quốc trong tương lai gần. Trong khi đó cửa ngõ chính hướng ra biển của khu vực bùng nổ này chính là Hải Phòng và cụm cảng của khu vực này.

Rõ ràng đây là những điều chúng ta phải có sự dự báo từ sớm để có kế hoạch chuẩn bị và đón đầu. Tuy vậy, thực tế đang diễn ra trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của chúng ta lại chưa cho thấy điều này: các yếu tố về lợi thế, cơ cấu, thể chế điều phối và liên kết vẫn chưa rõ. Đây chính là các nút thắt trong số nhiều nút thắt gây trở ngại phát triển cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Điều này cũng đúng với các Vùng Kinh tế trọng điểm và các Khu Kinh tế ven biển khác.

Hiện nay, Việt Nam không tiến ra biển với “hành trang” thời Mai An Tiêm. Tư duy biển – chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện, sự chinh phục, hợp tác quốc tế giải quyết tranh chấp, v.v. -; các định hướng phát triển biển theo nguyên lý hiện đại – phát triển ngành đóng tàu và hàng hải viễn dương, du lịch biển, thăm dò, khai thác biển, v.v. – đã bắt đầu định hình và được thực thi. Đó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển với các nội dung cụ thể, khả thi, hay đúng hơn, các chiến lược kinh tế biển cụ thể (5) Chỉ với các chiến lược cụ thể đó, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: Việt Nam sẽ vươn ra biển lớn như thế nào?

Nhưng đó chỉ mới là một mặt của vấn đề. Về khía cạnh thực lực, hai yếu tố nền tảng cơ bản của công cuộc chinh phục biển của Việt Nam – lực lượng doanh nghiệp và tiềm lực khoa học công nghệ – hãy còn rất yếu kém. Hình ảnh “hạm đội thuyền thúng ra khơi” mô tả một cách chính xác thực trạng đó. Nếu đo đếm sức mạnh kinh tế biển ở những khía cạnh cụ thể khác, có thể đánh giá thực lực cơ bản còn non yếu, manh mún, tự phát và trình độ thấp của hệ thống cảng biển, của ngành logistics, hệ thống đường giao thông dọc biển và đường kết nối cảng, ngành du lịch biển, các khu kinh tế biển, năng lực đánh bắt và chế biến hải sản, nguồn nhân lực kinh tế biển, v.v.

Có thể đưa ra một nhận xét tổng quát về sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam với tư cách là một kết cấu mang tính hệ thống rằng mặc dù tiềm năng tự nhiên – điều kiện cần cho sự phát triển các ngành kinh tế biển – là tốt, song các điều kiện đủ để hiện thực hóa và thúc đẩy sự phát triển đó – bao gồm những yếu tố xác lập quỹ đạo phát triển hiện đại và cung cấp động lực phát triển kinh tế biển (như hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, logistics, các khu công nghiệp và khu kinh tế gắn với kinh tế biển, các ngành khoa học và các hoạt động nghiên cứu liên quan, v.v.) – lại rất thiếu và yếu.

Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng kéo dài giữa các điều kiện cần và điều kiện đủ như vậy giải thích tại sao hầu như tất cả những nơi “rừng vàng, biển bạc” của nước ta cho đến nay đều vẫn còn nghèo, hầu như cơ bản vẫn chưa thoát khỏi vạch xuất phát đói nghèo (poverty line) và chịu nhiều rủi ro phát triển. Thực trạng đó minh chứng cho việc theo đuổi quá lâu một chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, theo kiểu “ăn sẵn”, “ăn xổi”, tận thu các cơ hội ngắn hạn mà ít chú trọng việc tạo lập các điều kiện thúc đẩy, cải cách, hiện đại hóa các hoạt động kinh tế biển, phát triển và phát huy các lợi thế “động” của các ngành kinh tế biển để đạt giá trị gia tăng cao(6).

Nhận diện thực trạng phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo cấu trúc tổng quát nói trên – để khỏi sa lầy vào việc kiểm đếm các năng lực và thành tích cụ thể hiện có -, có thể thấy rằng ở cả ba vùng không gian, ba loại hình phát triển, trình độ phát triển kinh tế biển của Việt Nam nhìn chung còn thấp, thấp đến mức nhiều chuyên gia nói Việt Nam cho đến nay cơ bản vẫn chỉ là một quốc gia ven biển hơn là một quốc gia biển, chưa nói đến “một cường quốc biển” như mong ước.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, được dẫn dắt bởi công nghệ cao và bị chi phối bởi hai thuộc tính – tự do hóa và tốc độ cao, cộng thêm vào đó là xu hướng tranh chấp và xung đột trên biển (biển Đông) tăng nhanh, những điểm yếu trên hàm nghĩa những thách thức to lớn cũng như những cơ hội tiềm tàng mà Việt Nam đối mặt trong nỗ lực phát triển kinh tế biển với những mục tiêu chiến lược to lớn, có thể nói là đầy tham vọng.

3. Định hình chiến lược kinh tế biển

3.1. Khuôn khổ chung

Mặc dù đến nay, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng trong việc thiết kế và thực thi chiến lược kinh tế biển, song, về nguyên tắc, vẫn chưa định hình một tư duy phát triển mới, tổng thể về kinh tế biển. Để định hình tư duy mới này, có hai điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, kinh nghiệm phát triển trên đất liền và theo tư duy “đất liền” nhiều năm của Việt Nam, cộng với thực tiễn phát triển kinh tế biển của nhiều nước đi trước cho thấy việc định hình chiến lược kinh tế biển cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện.

Một là khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển);

Hai là khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển);

Ba là phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa học – công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền, v.v.).

Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào. Thiếu một khâu bất kỳ nào, các ngành kinh tế biển cũng đều sẽ bị mất cân đối, khó vươn lên thành ngành hiện đại, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Rõ ràng, Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách là một thực lực, tốt nhất là trong tư cách của một cường quốc biển. Mọi lời tuyên bố về chủ quyền chỉ mang lại lợi ích thực tế cho quốc gia khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện sức mạnh quốc gia thực tế tại vùng có chủ quyền.Theo logic đó, để khẳng định chủ quyền biển thực sự, Việt Nam phải có các hạm tàu lớn và có các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh. Muốn vậy, trong điều kiện hiện tại Việt Nam cần phát triển ngành vận tải biển (cảng và hàng hải). Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tuy không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển  ngành vận tải biển, song trong bối cảnh hiện đại, Việt Nam có thể làm điều đó một cách hiệu quả (nhưng không theo kiểu Vinashin). Đồng thời, cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” – đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) – cũng phải phát triển mạnh.

Nhưng để có sự hiện diện thực chất đó, chúng ta còn phải có nhiều thứ khác – nền khoa học và công nghệ biển tiên tiến, nguồn nhân lực tốt, các cảng biển tầm cỡ và các khu kinh tế biển mạnh, có sức cạnh tranh và hấp dẫn quốc tế mạnh.

Thứ hai, cùng với cách tiếp cận chuỗi (hệ thống tổng thể), cần chú ý nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế trong phát triển. Với nguồn lực có hạn, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm trong chiến lược biển để ưu tiên thực hiện là một yêu cần bắt buộc đối với Việt Nam. Bắt buộc vì nó xuất phát từ sự hạn chế của các nguồn lực, buộc phải tập trung nguồn lực cho một số mục tiêu hạn chế nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng. Bắt buộc vì nó đáp ứng những yêu cầu mang tính sống còn trong cuộc cạnh tranh quốc tế cũng như những tranh chấp lãnh hải, đặc biệt là ở vùng biển Đông, đang trở nên ngày càng gay gắt hiện nay.

Thực chất của yêu cầu này là căn cứ vào điều kiện cụ thể và lợi thế hiện có – hiện nay, đối với nước ta, chủ yếu là lợi thế “tĩnh”, bao gồm các lợi thế về tài nguyên biển và lợi thế địa – kinh tế, lợi thế địa – chiến lược  – để lựa chọn điểm đột phá cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành kinh tế biển. Việc thực hiện nó nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán trong đầu tư phát triển kinh tế biển, gây lãng phí và kém hiệu quả.

3.2. Một số định vị tọa độ cụ thể của chiến lược kinh tế biển

a. Sự hiện diện để khẳng định chủ quyền

Thực lực hiện diện của Việt Nam trên các vùng biển và đại dương đã được xác lập và khẳng định, song chưa đủ mạnh.

+ Không dừng lại ở “chủ quyền lãnh hải” tại biển Đông, trong tầm nhìn hiện đại, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế) – là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền thực tế, năng lực chinh phục, vươn xa thực sự của Việt Nam; cũng là cách để thoát khỏi lối tư duy và phương thức sinh tồn “quay lưng ra biển”, “đánh bắt gần bờ”, thiếu ý chí và văn hóa chinh phục.

+ Muốn vậy, cần tập trung ưu tiên phát triển

i) lực lượng hàng hải viễn dương, đặt mục tiêu và lộ trình vươn lên thành một cường quốc hàng hải một cách khẩn trương, hiện thực khả thi;

ii) xác lập và tăng cường các tuyến bay qua các hành lang biển;

iii) củng cố và phát triển các đảo thuộc chủ quyền ở tất cả các khía cạnh khẳng định chủ quyền – không chỉ quân sự mà tập trung mạnh cho các khía cạnh chủ quyền dân sự: dân cư, kinh tế, văn hóa.

iv) Phát triển nhanh, mạnh du lịch biển đảo với tư cách là một hình thức hiện diện chủ quyền được thừa nhận quốc tế.

v) Hình thành một số dự án nghiên cứu, khai thác kinh tế biển, nhất là các dự án ở vùng biển xa, có tầm cỡ, chú trọng liên doanh với nước ngoài (các tập đoàn lớn) với những điều kiện thỏa đáng và đặt trong tầm nhìn chiến lược.

b. Đổi mới tư duy phát triển kinh tế bờ biển với các điểm nhấn sau:

–    Ưu tiên xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Những cứ điểm này là các tổ hợp phát triển lớn bao gồm: đô thị biển + cảng biển lớn + khu kinh tế mở (hay khu kinh tế tự do).

Để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều các lợi ích phát triển từ ngân sách nhà nước cho các địa phương và các nhóm lợi ích lớn (ví dụ, coi phát triển cảng như là món “quả thực” mà Trung ương phải chia đều cho các địa phương hay các nhóm lợi ích), phải nhất quán xuất phát từ lập trường, quan điểm phát triển vì lợi ích quốc gia để nhanh chóng hình thành các đầu mối, các tọa độ đột phá lớn, phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể chứ không phải vì lợi ích của từng địa phương hay lợi ích nhóm.

– Tư duy lại phương thức phát triển du lịch – nghỉ dưỡng ven biển để không xẩy ra khuynh hướng tận khai các tài nguyên du lịch sẵn có theo phương thức dễ dãi, ngắn hạn (chú ý học hỏi kinh nghiệm phát triển đầu tư du lịch của Trung Quốc). Đặc biệt chú ý xây dựng các trung tâm du lịch lớn tại những tọa độ có tài nguyên du lịch đặc sắc (ví dụ Hạ Long – Cát Bà, Phú Quốc – Côn Đảo – Bà Rịa-Vũng Tàu).

Cần lưu ý rằng bờ biển và các bãi biển Việt Nam chính là mỏ vàng lớn, là một trong những nội dung chính yếu tạo nên khái niệm “rừng vàng, biển bạc”. Ta đang khai thác một cách phung phí, ngắn hạn mỏ vàng này và gây ra những hệ lụy dài hạn không nhỏ. Điểm yếu chính là tư duy chiến lược. Cần chú ý cách khai thác bãi biển với tư cách là một trọng tâm ưu tiên quốc gia, không để xẩy ra những tranh chấp thể hiện sự tham lam ngắn hạn, sự ngu dốt tiểu nông kiểu như giưa một bên là khai thác cát, khai thác titan với một bên là băm nát bờ biển để làm resort chỉ phục vụ người giàu khi thế giới đã bước sang thế kỷ XXI.

c. Xây dựng sớm chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, coi đây là một điều kiện cơ bản để xây dựng chiến lược tổng thể. Đặc biệt có các tiếp cận nhà nước mới đến sự sinh tồn và phát triển của dân cư các vùng duyên hải, bỏ lối tiếp cận đối phó thiên tai thụ động, dựa vào lòng từ thiện để thể hiện sự quan tâm quốc gia mà có chiến lược chủ động tạo nền tảng để đối phó và phát triển hiệu quả trong điều kiện thiên tai.

d/ Phát triển nghiên cứu biển – đại dương, cả ở khía cạnh khoa học – công nghệ (phục vụ khai thác – chế biến) lẫn ở khía cạnh lối sống và văn hóa biển hiện đại, nhấn mạnh yêu cầu phát triển văn hóa, bản lĩnh chinh phục biển chứ không phải tư duy “kiếm chác”, “nương nhờ” biển.

***

Có nhiều vấn đề phải giải quyết để xây dựng và thực thi một chiến lược kinh tế biển hiện đại. Đặc biệt, trong môi trường cả thế giới cùng đồng loạt “nhảy xuống biển” để tìm kiếm không gian phát triển thì vấn đề biển càng trở nên phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ và rủi ro.


* Phó giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

(1) Một số bằng chứng về tiềm năng kinh tế biển chủ yếu của Việt Nam: Bờ biển dài 3.260km, vùng biển chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km2, trung bình 100 km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới. Dọc biển có nhiều vịnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang…) và 2.779 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636 km2; có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển. Ven biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác 4 – 5 tỷ tấn; trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỷ m3. Trữ lượng hải sản khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu phong phú, có giá trị kinh tế cao, chưa được khai thác đúng mức, chỉ mới đạt 60% mức có thể khai thác được hàng năm (1,5-2 triệu tấn). Có hơn 6 vạn héc ta ruộng muối biển.

Dân số vùng duyên hải chiếm khoảng 40% dân số cả nước.

(2) Biển Đông có diện tích 3.447.000 km2, một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là con đường giao thương quốc tế chiến lược, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới đi qua. Hàng năm, qua biển Đông vận chuyển khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất của Nhật, và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vùng biển Việt Nam án ngữ trên con đường này.

Nhưng vị trí địa – kinh tế và địa – chiến lược tốt đồng nghĩa với tình trạng tranh chấp và xung đột luôn tiềm tàng. Đây là điều đã và đang được thực tế chứng minh.

(3) Kinh tế biển Việt Nam những năm đổi mới vừa qua đã tăng trưởng đáng kể về qui mô và thay đổi rõ rệt về ngành nghề, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.

(4) Xin lưu ý rằng tại thời điểm hiện nay, ngay cả hiện thân cụ thể, sống động của cách tư duy phát triển đất liền – mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động tiền lương thấp và năng suất thấp được áp dụng trong khoảng ¼ thế kỷ qua ở Việt Nam – cũng đang đối mặt với yêu cầu phải được cấp bách thay đổi bằng một mô hình tăng trưởng mới.

(5) Chiến lược kinh tế biển được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X là một chiến lược định hướng tổng thể. Nó xác định các mục tiêu lớn, phương hướng hành động chung nhưng chưa vạch ra được các chiến lược hành động cụ thể, khả thi để phát triển kinh tế biển.

(6) Tuy nhiên, lập luận này cũng gợi ý khuyết thiếu cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, có thể thấy việc cân đối lại hai vế, hai yếu tố cấu trúc nền tảng nêu trên của quá trình phát triển kinh tế biển chính là định hướng xuyên suốt của chiến lược kinh tế biển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

PGS, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

 Nguồn: Tạp chí Tia sáng

Comments are closed.