Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Quản trị quốc gia ở Việt Nam – Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”

Sáng ngày 15/9/2023, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quản trị quốc gia ở Việt Nam – Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo, các nhà khoa học và giảng viên ở ba đầu cầu của Học viện là Hà Nội, Huế và Tây Nguyên.

Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ trì Hội thảo; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; hơn 40 lãnh đạo các khoa, phòng, các nhà khoa học, giảng viên của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, diễn đàn hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thực tiễn từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các ban, ngành và các tổ chức Hội quan tâm tham gia, thảo luận và góp ý đối với các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Với 34 bài tham luận được in trong kỷ yếu Hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Lý luận chung về quản trị quốc gia; (2) Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với quản trị quốc gia ở Việt Nam  và (3) Kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới quản trị quốc gia và bài học cho Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ trì Hội thảo nhấn mạnh “Sự thay đổi của bối cảnh thế giới với những phức tạp, bất định, không lường trước, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý trong khu vực công. Theo đó, mô hình quản lý truyền thống dù mang trong nó những giá trị cần gìn giữ như cơ chế, trách nhiệm cá nhân rõ ràng, sự tin cậy, tính dự báo cao, tính liên tục, song thực tế vẫn tồn tại những vấn đề có thể trở thành rào cản của sự phát triển. Do đó, cần phải kết hợp những giá trị truyền thống với một tư duy mới mà ở đó, nhà nước không chỉ là chủ thể duy nhất, mà còn có sự tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm của người dân trong hoạt động quản trị quốc gia. Và quản trị quốc gia vừa là sự phản ánh đầy đủ những yêu cầu phát triển nội tại như một tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay, vừa thể hiện năng lực lănh đạo, quản trị cả ở tầm vĩ mô và vi mô của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước”.

 11

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, phát biểu đề dẫn Hội thảo

Diễn đàn Hội thảo có sự quan tâm đặc biệt đến nội hàm và ngoại diên của khái niệm “quản trị quốc gia”. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng “Quản trị quốc gia là hệ thống các thiết chế chứ không phải riêng Nhà nước”. Trong bài tham luận “Nhận diện cơ bản về quản trị quốc gia”, GS khẳng định “Quản trị quốc gia là một khái niệm mang tính chính trị, tính sứ mệnh đối với mọi chủ thể trong hệ thống chính trị. Nó còn phản ánh trách nhiệm của mọi công dân như các thành tố nền tảng quan trọng. Quốc gia là khái niệm quan trọng của khoa học chính trị học dựa trên các yếu tố lãnh thổ, chính quyền và dân cư. Nếu đồng nhất nhà nước với quốc gia sẽ là siêu hình; Nếu coi quốc gia thay thế nhà nước, sẽ khó xác định phạm vi chức năng, chức trách sứ mệnh của từng chủ thể của hệ thống chính trị (có thể đồng nghĩa với chủ thể các thiết chế quản trị quốc gia), bên cạnh nền tảng là nhân dân”.

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đã đưa ra cách tiếp cận lịch sử về khái niệm “quản lý”, “quản trị”. Theo PGS cần phải cẩn trọng khi sử dụng thuật ngữ “quản trị”. PGS đặt vấn đề “Quản trị là khái niệm riêng có của Việt Nam hay là dịch từ nước ngoài. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thì khái niệm quản trị quốc gia được dùng tới 26 lần nhưng khi dịch ra nước ngoài lại không thống nhất, lúc thì dùng quản trị, lúc thì dùng quản lý”. PGS cho rằng vấn đề quản trị quốc gia không phải là vấn đề mới mà đã có trước đó hàng trăm năm, chẳng qua hiện tại thay đổi theo kiểu “bình cũ, rượu mới”. PGS khẳng định “Quản trị không có nghĩa nào gắn với nhà nước mà chỉ là cách thức, phương thức làm việc mà thôi. Bản chất của quản trị chỉ là cách tiếp cận”.

 22

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu ý kiến

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Lương Thanh Cường cho rằng việc dịch các thuật ngữ chỉ mang tính ước lệ và không nên quá nặng nề về câu chữ, thuật ngữ. Theo PGS.TS. Lương Thanh Cường vấn đề đặt ra lớn nhất là vận dụng tinh hoa của quản lý nhà nước của các nước tiên tiến vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng “Về cơ bản các thuật ngữ quản lý, quản trị… là thống nhất. Khái niệm quản trị quốc gia là khái niệm vừa cũ vừa mới. Cách tiếp cận khác nhau có thể sử dụng các thuật ngữ khác nhau”.

 33

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Cũng bàn về thuật ngữ “quản trị quốc gia”, TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho rằng  “Quản trị quốc gia là sản phẩm mang tính sạng tạo của Việt Nam. Có rất nhiều công cụ của quản trị quốc gia nhưng cơ bản nhất có 2 công cụ là chính sách pháp luật và bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các công cụ nhằm hướng đến đem lại dân chủ thực sự, lợi ích thực sự cho Nhân dân”.

44

TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Để làm rõ hơn về nội hàm “quản lý nhà nước” và “quản trị quốc gia”, TS. Nguyễn Thị Phương, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến quan điểm của các nhà khoa học Trung Quốc khi nghiên cứu vấn đề này. Hai thuật ngữ “quản lý nhà nước” và “quản trị quốc gia” có sự khác nhau về bản chất, về chủ thể, về nguồn gốc quyền lực, cơ chế hoạt động. TS. Nguyễn Thị Phương khẳng định “Bản chất của quản trị quốc gia là sự phục vụ, nguyên tắc của quản trị quốc gia là đạt được mục tiêu tiến bộ và phát triển chung cho cộng đồng và xã hội. Để đạt được các mục tiêu này, hoạt động quản trị quốc gia đôi khi không chỉ phụ thuộc vào các quy định của hệ thống pháp luật mà còn phụ thuộc vào ý thức và hành vi của các chủ thể của hoạt động quản trị quốc gia. Bản chất của quản lý nhà nước là hướng tới tính hiệu quả. Nhiệm vụ của quản lý nhà nước là thiết kế và duy trì một môi trường để những người làm việc trong đó có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra với chi phí ít nhất có thể hoặc đạt được càng nhiều càng tốt với các nguồn lực công sẵn có. Nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước là “chi phí ít nhất, hiệu quả cao nhất”.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “Thực tế ở Việt Nam có cách làm định danh rồi mới định hình. Điều này được thể hiện ngay cả trong Nghị quyết, trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nhà nghiên cứu cố gắng tìm ra nguồn gốc của thuật ngữ nhưng ít quan tâm đến các giá trị cốt lõi. Hiện tại có 3 thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”, “nhà nước kiến tạo, phát triển”, “quản trị quốc gia” cần phải xác định rõ nội hàm và mối quan hệ giữa 3 thuật ngữ này. Cả 3 thuật ngữ nêu trên đều gắn với hội nhập quốc tế, đều là các giá trị phổ quát, đều định vị mô hình quản lý nhà nước đối với thị trường và xã hội”. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Thới cần phải làm rõ cái nào là mô hình mới, cái nào là phương thức, cái nào là khẩu hiệu. Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng việc thiết lập mối quan hệ giữa “nhà nước pháp quyền”, “nhà nước kiến tạo, phát triển”, “quản trị quốc gia” là cần thiết. Trong mối quan hệ đó, “nhà nước pháp quyền” là mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, “nhà nước kiến tạo, phát triển” là sứ mệnh, nhiệm vụ, “quản trị quốc gia” là phương thức.

55

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

Quản trị quốc gia là mô hình tổ chức, hoạt động của Nhà nước phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu thế thời đại, trong đó việc tổ chức thực hiện quyền lực nhằm quản lý tốt hơn mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Vì thế: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Do đó, quản trị quốc gia trong điều kiện mới, cần được tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tranh thủ cơ hội, hóa giải các thách thức, phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững. TS. Hồ Ngọc Đăng, Giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài tham luận “Quản trị quốc gia phát triển bền vững” cho rằng  với trình độ như hiện nay, Việt Nam cần tiến hành quản trị quốc gia như sau: Nhân dân tham gia công việc của nhà nước; Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng bộ máy hành chính tin gọn, hiệu lực, hiệu quản và cải cách thủ tục hành chính; Mối quan hệ giữa quản trị công và quản trị tư; Quản trị công phát huy tính sáng tạo đổi mới của cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quản trị quốc gia theo nguyên tắc chính quyền dẫn dắt khuyến khích, các doanh nghiệp phát triển bền vững; Quản trị công tạo điều kiện phát triển khoa học công nghệ phát triển bền vững; Quản trị quốc gia kiểm tra, giám sát phát nhằm mục đích phát triển bền vững; Quản trị công bảo đảm cuộc sống bền vững đối với người dân.


66

TS. Hồ Ngọc Đăng, Giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Trong quản trị quốc gia thì vấn đề nền tảng, then chốt là bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bàn về vấn đề này, ThS. Lâm Thị Thu Việt, Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bài tham luận “Nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – giải pháp theo chốt, căn bản trong quản trị quốc gia hiện đại” đề cập đến  tinh thần 7 dám: “Dám nghĩ, Dám nói, Dám làm, Dám chịu trách nhiệm, Dám đổi mới, sáng tạo, Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đối với đội ngũ cán bộ quân đội. Để nâng cao bản lĩnh chính trị cũng như thực hiện được “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã chỉ đạo thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, ThS. Lâm Thị Thu Việt đưa ra ba giải pháp chủ yếu “Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc phải thường xuyên, liên tục rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đó là yêu cầu bức thiết, gắn với phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu nói riêng; Thứ hai, phát huy tính tích cực, tự giác trong rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, nhiều khó khăn, thử thách, nhạy cảm và phức tạp; Thứ ba, thực hiện tốt quy trình, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tạo môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt được thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị”.

 77

ThS. Lâm Thị Thu Việt, Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng khoa Quản lý kinh tế và xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “Mục đích cuối cùng của quản trị quốc gia là hướng đến hạnh phúc Nhân dân. Quản trị quốc gia phải xem lại cách thức, phương thức của mình. Hiện nay, 2 lĩnh vực quan trọng nhất là giáo dục và y tế thì tình trạng xin nghỉ việc của 2 lĩnh này là nhiều nhất. Thời gian tới quản trị quốc gia phải quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tinh thần của Nhân dân, hướng đến nâng cao chất lượng sống của người dân”.

88

TS. Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng khoa Quản lý kinh tế và xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

Để việc thực hiện quản trị quốc gia được thực hiện tốt thì cần phải huy động sự tham gia của tất cả các thành phần, các tổ chức chính trị – xã hội. PGS.TS. Tạ Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, trong bài tham luận “Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản trị quốc gia – Thực trạng và giải pháp” cho rằng “Để quản trị quốc gia (QTQG) hiệu quả, bên cạnh Nhà nước là chủ thể trụ cột, quan trọng nhất, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể khác. Một trong số đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), một tổ chức chính trị – xã hội đặc biệt, tham gia vào QTQG với vai trò giám sát, phản biện xã hội. Bài viết nghiên cứu về thực trạng việc thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tốt hơn việc thực hiện vai trò này của MTTQVN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của QTQG ở nước ta”. Từ thực trạng của vấn đề, PGS.TS. Tạ Thị Thanh Tâm đã nêu ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần quản trị quốc gia hiệu quả, cụ thể như: Để đảm bảo tính dân chủ, sự tham gia của nhân dân vào QTQG, MTQTVN các cấp cần hoàn thiện cơ chế thông tin, phản hồi, bảo đảm sự tham gia, giám sát của người dân trên thực tế trong suốt quá trình từ ban hành chính sách đến tổ chức thực hiện chính sách; Để hướng tới sự đồng thuận của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, MTQTVN các cấp cần tăng cường tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, các kế hoạch, nghị quyết, các đề án chuyên ngành, chuyên lĩnh vực liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của Nhân dân; Để đảm bảo sự công bằng của luật pháp và tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, MTTQVN các cấp tăng cường thực hiện giám sát theo chuyên đề, đặc biệt là các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân; Để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền và hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, MTQTVN cần tổ chức thường xuyên các buổi tiếp xúc, đối thoại với cử tri để các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm giải trình về các vấn đề công dân, tổ chức, doanh nghiệp thắc mắc, bức xúc, vì thực hiện trách nhiệm giải trình chính là góp phần trong xây dựng chính quyền thân thiện, trách nhiệm vì Nhân dân. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng “Để thực hiện phản biện xã hội thì cần phải thông tin 2 chiều: chiều Nhân dân với Nhà nước và chiều Nhà nước với Nhân dân. Nhà nước cần phải có chính sách thiết thực để bảo đảm bảo an toàn cho Nhân dân khi thực hiện phản biện xã hội”.

Để nâng cao chất lượng của quản trị quốc gia thì cần phải nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước. TS. Mai Đình Lâm, Trưởng Khoa Quản lý Kinh tế và xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bài tham luận “Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả” đưa ra các giải pháp “Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống quy định về trách nhiệm giải trình theo hướng chủ động công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công khai, minh bạch các văn bản lập quy và văn bản hành chính cá biệt; Thứ hai, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; Thứ ba, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu và cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân; Thứ tư, xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá các hoạt động của khu vực công và đánh giá chính sách;…

99

TS. Mai Đình Lâm, Trưởng Khoa Quản lý Kinh tế và xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận

Hội thảo với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học cũng như đại diện các cơ quan tham dự. Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu hội thảo và gợi ý những nội dung để cho những lần Hội thảo sau tiếp tục thành công tốt đẹp./.

Phòng Quản lý khoa học và Thư viện

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh

Comments are closed.