Khoa Khoa học liên ngành, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh”

Sáng ngày 23/8/2023, tại phòng A 206, Khoa Khoa học liên ngành, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia  tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tham dự tọa đàm có TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện và đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của các khoa chuyên môn.  Với 35 bài tham luận được in trong kỷ yếu Tọa đàm, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Một số vấn đề lý luận về chất lượng đào tạo trình độ đại học; (2) Thực trạng chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; 3) Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành cho rằng, “Hiện nay việc học tại một trường đại học chỉ nhằm mục đích có một tấm bằng sau khi ra trường, mà không chú trọng đến khả năng, sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Chính từ đây đã tạo ra các “giá trị ảo”, mà bằng chứng là có nhiều cử nhân sau khi cầm tấm bằng đại học tỏ ra ảo tưởng về năng lực của bản thân, nhưng lại không thể sử dụng để hành nghề trong thực tế. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp vì kỹ năng làm việc cơ bản không có”.

11TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa,  Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Trong bài tham luận “Tư tưởng của Ph. Ăngghen về giáo dục – và những gợi ý cho giáo dục Việt Nam hiện nay”, ông Lê Văn Phúc (Phòng Quản lý khoa học và Thư viện) cho rằng: “Triết lý giáo dục đóng vai trò là kim chỉ nam, định hướng cho toàn bộ nền giáo dục, “không có triết lý, giáo dục không thể phát triển. Mỗi thời kỳ có triết lý giáo dục khác nhau nhằm đào tạo ra những con người với phẩm chất, năng lực cụ thể, tương ứng với giai đoạn phát triển đó. Triết lý giáo dục không là gì khác ngoài câu trả lời cho câu hỏi mấu chốt: Toàn bộ hoạt động của hệ thống giáo dục hướng đến đào tạo ra con người nào, và vì sao lại như vậy? Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, con người cần có những phẩm chất và năng lực như thế nào để thích ứng và đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Do đó, giáo dục phải tạo điều kiện cho người học “phát triển toàn diện tài năng của mình”. Giáo dục mà người học bị đeo “vòng kim cô tư duy” thì đó là giáo dục bị thụt lùi, không phát triển. Trong giáo dục phải làm sao giúp người học phát huy tối đa khả năng. Có như vậy, tương lai của nền giáo dục mới tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới”.

22

Đồng chí Lê Văn Phúc, Phòng Quản lý khoa học và Thư viện trình bày tham luận

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Văn Phúc, TS. Nguyễn Thị Phương trong bài tham luận “Phát triển tư duy khác biệt cho sinh viên trong giảng dạy đại học” cho rằng: “Để thoát khỏi vòng kim cô tư duy cho sinh viên thì cần phải phát triển tư duy khác biệt cho sinh viên là yêu cầu của quá trình phát triển xã hội đặt ra cho các trường đại học, bởi lẽ tư duy khác biệt của mỗi cá nhân, đặc biệt là của sinh viên đại học – nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai của xã hội – chính là cơ sở để thúc đẩy xã hội phát triển xã hội”. Trên cơ sở phân tích một số đặc điểm của tư duy khác biệt đặc điểm của hoạt động đào tạo ở bậc đại học, TS. Nguyễn Thị Phương  gợi mở một số phương pháp trong bồi dưỡng tư duy khác biệt trong giảng dạy đại học hiện nay như cần áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy tích cực; cần cải tiến phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên; cần truyền cảm hứng và nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo cho sinh viên; cần chấp nhận và đồng hành với các “thất bại” trong học tập của sinh viên; tích cực bồi dưỡng khả năng quan sát cho sinh viên…

33

TS. Nguyễn Thị Phương trình bày tham luận

Trong bài tham luận “Nghiên cứu tiếp cận định lượng để đánh giá chương trình đại học – Lý luận và đề xuất kiến nghị”, ThS. Trần Đức Tuấn (giảng viên Khoa Khoa học liên ngành) cho rằng, “Đánh giá chương trình đào tạo là một trong chuỗi những hành động có tính chiến lược để xây dựng, định vị, phát triển thương hiệu giáo dục của các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở đó, các trường đại học hiện nay phải được tiếp cận và xem như một đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục. Nên việc đánh giá chương trình đào tạo phải tiếp cận theo hướng đánh giá định lượng chứ không còn là định tính như đã từng làm. Do đó cần lựa chọn mô hình đánh giá, cách thức đánh giá, xây dựng thang đo cho việc đánh giá”.

44

ThS. Trần Đức Tuấn trình bày tham luận

Nhiều ý kiến tại tọa đàm thống nhất rằng, đào tạo trình độ  đại học ở Phân viện đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là đối với các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì giáo dục đại học của Phân viện cũng đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu mà thực tiễn đất nước đang đặt ra. Theo ThS. Hà Thị Hiên (giảng viên Khoa Khoa học liên ngành) thì “Một thách thức khác đối với Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM là hoạt động tự đánh giá chưa được xem trở thành hoạt động thường kì, thậm chí trước thời điểm sáp nhập (trước 1/1/2023) công việc tự đánh giá không đưa vào kế hoạch năm học, bởi lẽ Học viện Hành chính Quốc gia đã có nhiều năm không thực hiện đào tạo đại học, do đó không tránh khỏi bị động trong hoạt đồng này.

Hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia nói chung và Phân viện nói riêng thì đây là điều mới. Theo ThS. Phạm Thị Toàn (giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự) thì “đào tạo theo học chế tín chỉ của Phân viện chỉ thực sự được triển khai từ 2017 đến nay và được kế thừa, tiếp tục từ Phân hiệu trước đây. Với thời gian 07 năm kinh nghiệm, sự tồn tại những khó khăn, bất cập là điều không thể tránh khỏi, Phân viện cần nghiêm túc chỉ ra những khó khăn để tiếp tục tổ chức thực hiện đào taọ theo học chế tín chỉ hiệu quả trong bối cảnh và sứ mệnh mới”.

Một trong những vấn đề khó khăn của Phân viện là đội ngũ cố vấn học tập (CVHT) cho sinh viên. ThS. Bùi Thị Bình (Phó trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự) chỉ ra “Một số CVHT chưa nắm vững chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo, quy chế đào tạo, các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến sinh viên; CVHT vừa phải thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, vừa thực hiện nhiệm vụ CVHT; thủ tục hành chính rườm rà; sinh viên thụ động, lười nghiên cứu… dẫn đến việc tư vấn, hỗ trợ sinh viên và thực hiện nhiệm vụ quản lý sinh viên chưa thường xuyên, kịp thời”.

Để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học, theo nhiều đại biểu tham dự buổi tọa đàm thì Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cần có các giải pháp đột phá. Theo ThS. Phạm Hồng Đạc thì “Phân viện cần thay đổi cách tiếp cập trong đào tạo và cải tiến phương pháp dạy, học để đạt hiệu quả tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học thì yếu tố giảng viên đóng vai trò then chốt.  ThS. Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Trưởng phòng, Phòng Tổ chức – Hành chính) cho rằng “Đội ngũ giảng viên đóng một vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo đại học. Sự tận tâm, kiến thức sâu rộng, và khả năng tạo môi trường học tập tích cực của giảng viên sẽ định hình sự phát triển của thế hệ trẻ và góp phần vào sự phát triển của xã hội. Việc nâng cao chất lượng giảng viên là một nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện liên tục để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học ngày càng cao. Giảng viên không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân của sinh viên mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành và xã hội. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng từ giảng viên có thể trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, Phân viện cần có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Phân viện”. ThS. Lê Thị Hoài Thương (giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức Nhân sự) thì “Thiết kế lại chương trình đào tạo ngành QLNN với các chuyên ngành cụ thể: Chuyên ngành Quản lý nhân sự hành chính; chuyên ngành Quản lý công; Quản lý nhà nước đối với các vấn đề đô thị nhằm tạo tính hấp dẫn cho ngành QLNN và định hướng vị trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc ở khu vực công hay khu vực tư với chuyên môn hành chính- quản lý đều phù hợp. Thường xuyên mời các nhà hoạt động thực tiễn về nói chuyện, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với người học; Tăng mức độ thực hành, thực tế của sinh viên tại các công sở nhà nước; gửi sinh viên đào tạo có thời hạn tại các cơ sở đào tạo tiên tiến của nước ngoài”.

Đến dự và phát biểu tại Tọa đàm, TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện đã có những chia sẻ, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Khoa Khoa học liên ngành đã đạt được trong việc tổ chức tọa đàm khoa học. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Giám đốc Trương Cộng Hòa cũng không quên căn dặn, chia sẻ và nhắc nhở các giảng viên, các nhà khoa học không ngừng nỗ lực phấn đấu trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định vị thế của Phân viện trong đào tạo trình độ đại học.

55

TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học cũng như lãnh đạo Phân viện. Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh (Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành) cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự Tọa đàm, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu tọa đàm và gợi ý những nội dung để cho những lần tọa đàm sau tiếp tục thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm

 66

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

 77

ThS. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học và Thư viện phát biểu ý kiến

 88

ThS. Lê Đức Hiền, Bí thư Đoàn Thanh niên Phân viện phát biểu ý kiến

Tin bài: Phòng Quản lý khoa học & Thư viện

Comments are closed.