Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Cơ sở đề xuất các giải pháp chính sách cho chính quyền thành phố Thủ Đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” trong khuôn khổ đề tài cấp thành phố “Tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức”

Triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học Tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức” do PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn làm Chủ nhiệm, sáng ngày 24/8/2023 Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở đề xuất các giải pháp chính sách cho chính quyền thành phố Thủ Đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU).

Tham dự Hội thảo có TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phạm Quý Tỵ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; PGS. TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng lý luận TW, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; TS. Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng Ban Thanh tra- Pháp chế Đại học Quốc gia TP. HCM;; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Chủ nhiệm Đề tài; PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh; Luật gia Nguyễn Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; hơn 60 nhà khoa học, giảng viên của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Học viện chính trị Khu vực II dự trực tiếp; nhiều cán bộ lãnh đạo, giảng viên của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị khác tham dự trực tuyến (thông qua phần mềm Zoom). Với 10 bài tham luận được in trong kỷ yếu Hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Vấn đề hoàn thiện mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98); (2) Những cơ hội và thách thức của thành phố Thủ Đức trước yêu cầu phát triển bền vững  và (3) Giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng cho thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn cho rằng việc đánh giá chính xác thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức; chỉ ra những điểm “nghẽn” trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố cũng như nguyên nhân dẫn đến những điểm nghẽn đó là điều rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó mới có thể đề xuất được mô hình tối ưu của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, mô hình của chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ là mô hình mà các địa phương khác phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn khẳng định mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức là một mô hình phù hợp với xu thế của thời đại và trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên mô hình này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về cơ chế, nhân lực hành chính công, vấn đề phân cấp, ủy quyền… Hiện nay, mô hình thành phố Thủ Đức vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện. Do đó, thời gian tới cần làm cho “chiếc áo cơ chế” rộng ra và cần có giải pháp đột phá thì việc định hình thành phố Thủ Đức mới có kết quả tốt.

 21

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, đồng chủ trì Hội thảo phát biểu đề dẫn Hội thảo

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng “Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều vấn đề cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ ràng chứ không lẫn lộn giữa cấp huyện với cấp tỉnh. Thành phố Thủ Đức là mô hình tiên phong, đặc biệt thì cần phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt và tầm nhìn đặc biệt”.

 sss

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, Nguyên Giám đốc Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng có ba vấn đề đặt ra trong việc xây dựng cơ chế  quản lý hành chính vượt trội cho thành phố Thủ Đức: 1) Trung ương cần phân quyền mạnh hơn nữa cho TP. Hồ Chí Minh; 2) TP. Hồ Chí Minh cần phân quyền mạnh hơn nữa cho TP. Thủ Đức; 3) Đội ngũ cán bộ, công chức thành phố Thủ Đức có đủ sức gánh vác khối lượng công việc “khổng lồ”? Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, trước hết Thành phố Hồ Chí Minh cần phải ủy quyền cho thành phố Thủ Đức tất cả những gì được quy định trong Nghị quyết 98. Đặc biệt, cần phải nâng trình độ, tư duy của cán bộ lãnh đạo cũ và bổ sung nguồn cán bộ, công chức mới và trên hết cần phải cải thiện đồng bộ đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Đức.

23

PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, Nguyên Giám đốc Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu ý kiến

Phát biểu tại Hội thảo, Luật gia Nguyễn Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 4 ý kiến: 1)Muốn thành phố Thủ Đức phát triển bền vững  thì cần phải xác định rõ ràng, minh bạch về mặt pháp lý (Thành phố Thủ Đức là cấp gì trong hệ thống hành chính Nhà nước Việt Nam). Nếu không làm được chuyện này thì Thủ Đức rất khó phát triển và chỉ dừng lại là “siêu quận Thủ Đức”; 2) Tổ chức bộ máy nhà nước và nhân sự của Thủ Đức phải khoa học và toàn diện (cần xây dựng chế độ nghị trưởng, bỏ Hội đồng nhân dân, các phòng ban. Thị trưởng thành phố Thủ Đức sẽ điều hành trực tiếp…). Có như vậy thì “chiếc áo cơ chế” mới thực sự mở rộng; 3) Thành phố Thủ Đức nên tổ chức Hội nghị tổng kết sau 3 năm thành lập, cần phải trả lời nghiêm túc các câu hỏi làm được gì, không làm được gì, cái gì cần phát huy, cái gì cần phải sửa chữa; 4) Cụ thể hóa Nghị quyết 98 một cách nhanh chóng kịp thời.

24

Luật gia Phan Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn khẳng định “Muốn có chính quyền thông minh thì nhân lực phải thông minh. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố Thủ Đức cần phải được ưu tiên đạc biệt. Do đó, giáo dục cần phải đi trước một bước so với các lĩnh vực khác”. GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm đã gợi ý cho thành phố Thủ Đức nhiều giải pháp trong việc đạo tạo nguồn nhân lực, tiêu biểu như: 1) Nâng tầm (tài, đức) nguồn lực hiện có của thành phố Thủ Đức; 2) Thu hút nhân tài (cả trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ các chuyên gia) về xây dựng thành phố Thủ Đức; 3) Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ (nhất là ở các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Thủ Đức; 4) Thành phố Thủ Đức cần kêu gọi các nhà khoa học trên địa bàn hiến kế nhằm thiết thế thành phố Thủ Đức xứng đáng là thành phố kiểu mẫu.

25

GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu ý kiến

Đồng chí Vũ Việt Anh (nguyên là thư ký của đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương) cho rằng “Chính quyền tổ chức kiểu nào đi chăng nữa cũng cần phải hướng đến phụng sự Nhân dân. Thành phố Thủ Đức đi tiên phong nên sẽ có nhiều cơ hội và thách thức, do đó cần phải học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã tổ chức mô hình này. Nghiêm túc học cả thất bại lẫn thành công từ mô hình chính quyền đô thị của các nước thì thành phố Thủ Đức mới có cơ hội phát triển, đáp ứng lại sự kỳ vọng của Nhân dân trên địa bàn”.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu “Quá trình tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương của Việt Nam còn quá nhiều rối rắm, phức tạp. Việc tổ chức mô hình “chính quyền trong chính quyền”, “thành phố trong thành phố” nhìn hình thức tạo nên sự thống nhất, chặt chẽ nhưng thật chất đang bó hẹp hoạt động của chính quyền địa phương”. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung “Chính quyền Thủ Đức phải hướng đến tự quản, tự chịu trách nhiệm. Mọi sự cải cách, đổi mới phải lấy con người làm chuẩn”.

Trong bài tham luận “Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền Thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 98/2023/QH15”, ThS. Lê Thị Phương Thảo cho rằng, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đó là phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức. ThS. Lê Thị Phương Thảo  đề cập đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành ngày 24/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023), trong đó có điều 10 nói về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Nghị quyết phần nào cũng đã “tháo gỡ” những vướng mắc trong phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, theo ThS. Lê Thị Phương Thảo  vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi, bàn bạc, nhằm hướng tới xây dựng cơ chế đặc thù của thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

26

ThS. Lê Thị Phương Thảo, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận

Trong bài tham luận về“Hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương – Từ thực tiễn thành phố Thủ Đức”, ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức đã đề cập đến 5 vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức, nhất là vấn đề cơ chế phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư… Những vấn đề mà ThS. Phạm Thị Hoàn nêu ra tại Hội thảo là những vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết, là cơ sở rất quan trọng để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách có những kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề đặt ra của mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức.

27

ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức trình bày tham luận

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng “vấn đề của chính quyền thành phố Thủ Đức không phải đã khép lại bằng một Nghị quyết mà hiện tại mở ra rất nhiều vấn đề, từ cơ chế đến thực tiễn hoạt động. Giáo sư nhấn mạnh “Không có chuyện ủy quyền của ủy quyền, giống như Chính phủ ủy quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền cho thành phố Thủ Đức, rồi tới lượt thành phố Thủ Đức ủy quyền cho các phường… Muốn có mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì cần phải có giải pháp tổng thể. GS. Phan Trung Lý đề nghị bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Thủ Đức; về lâu dài đề nghị nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành một đạo luật hoặc một nghị quyết riêng về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Mặc dù Nghị quyết 98 đã có rất nhiều “gợi mở” nhưng trên hết cần phải nhanh chóng hành động, thực hiện nhiều giải pháp, trên hết là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là lắng nghe ý kiến của Nhân dân trên địa bàn Thành phố Thủ Đức.

Hội thảo với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học cũng như đại diện các cơ quan tham dự. Kết luận Hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu hội thảo và gợi ý những nội dung để cho những lần Hội thảo sau tiếp tục thành công tốt đẹp.

TP Thủ Đức được thành lập với nhiều kỳ vọng lớn nhưng gần 03 năm thành lập vẫn khoác “chiếc áo cũ”, chưa có cơ chế đột phá nên không thể vươn mình phát triển như kỳ vọng. Nghị quyết số 98 có ý nghĩa đặc biệt đối với các phường, xã đông dân trên địa bàn TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý do thiếu nhân sự. Các cơ chế, chính sách này rất thực tế, phù hợp, giúp TP Thủ Đức tăng thêm tính chủ động, đồng thời có thêm nhân lực để giải quyết khối lượng rất lớn công việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, có điều kiện phát triển nhanh trong thời gian tới, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và TPHCM. Trở thành người đi đầu trong mô hình “thành phố trong thành phố” với nhiều cơ hội lẫn áp lực, TP. Thủ Đức sẽ có cơ hội bừng sáng góp phần thay đổi diện mạo của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trở  thành mô hình được nhân rộng. Song áp lực chắc không cần bàn, đó là sự mong đợi và kỳ vọng của cả nước đang dõi theo…

Một số hình ảnh tại Hội thảo

29TS. Phạm Quý Tỵ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu

30TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

31

TS. Thái Thị Tuyết Dung – Phó Trưởng Ban pháp chế Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

32

 ThS. Bùi Phương Thảo, giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II trình bày tham luận

33

 Các nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Phòng Quản lý khoa học và Thư viện – Phân viện Học viện HCQG tại TP.HCM

Comments are closed.