Sáng ngày 20 tháng 9 năm 2023, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học Ngoại ngữ”.
Tham dự tọa đàm có TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, ThS. Trần Quốc Toanh – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học, ThS.GVC. Nguyễn Ngọc Toán – Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học & Thư viện và đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của các khoa chuyên môn. Với hơn 20 bài tham luận được in trong kỷ yếu Tọa đàm, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Lý luận chung về trí tuệ nhân tạo trong dạy học ngoại ngữ, (2) Ứng dụng công nghệ AI vào giảng dạy tiếng Anh ở bậc đại học: triển vọng và thách thức, (3) Về trí tuệ nhân tạo trong dạy học ngoại ngữ – Bài học rút ra từ thực tiễn trong công tác giảng dạy tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, ThS. Trần Quốc Toanh – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học cho rằng: “Công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ giúp cho công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong ngành giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục. Trong thời kỳ COVID-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu. Trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi”.
ThS. Trần Quốc Toanh – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Trong bài tham luận “Tổng quan về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học ngoại ngữ”, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa – Khoa Ngoại ngữ – Tin học Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đang định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới. Dạy học ngoại ngữ, một lĩnh vực vốn đòi hỏi sự hòa nhập và tiếp cận nhiều điều mới mẻ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Khi việc dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vẫn còn khá nhiều điều bất cập, rất nhiều giải pháp và công cụ được đưa ra để hỗ trợ học tiếng Anh vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ nét thì việc áp dụng công nghệ A.I hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy sẽ đem đến nhiều trải nghiệm hứng thú và sự chủ động cho người học”. Tham luận đã được sự đồng tình của đông đảo các giảng viên và nhà khoa học lắng nghe.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa trình bày tham luận
Cũng tại buổi Tọa đàm, với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học. ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những ứng dụng rất thuận lợi cho giảng dạy ngoại ngữ. Trí tuệ nhân tạo nó tạo ra môi trường giáo dục thông minh, thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho cả giảng viên và sinh viên. Sự gia tăng nhanh chóng các tổ chức giảng dạy ngoại ngữ lấy tiêu chí “ứng dụng trí tuệ nhân tạo” làm yếu tố tăng sự cạnh tranh phần nào cho thấy hiệu quả, sự thú vị của trí tuệ nhân tạo khi phát huy được điểm ưu việt. Mặc dù trí tuệ nhân tạo tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện song tương lai gần chưa thể thay thế giảng viên và đây thực sự là công cụ hữu ích giúp giảng viên đạt được mục tiêu giảng dạy ngoại ngữ.
ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga trình bày tham luận
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh cho rằng: “Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học ngoại ngữ đã rất phổ biến trong những năm gần đây với sự ra đời và phát triển của nhiều công cụ phần mềm dạy và học ngoại ngữ từ luyện tập từ vựng, đọc hiểu, luyện nghe đến thực hành hội thoại… có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu ngoại ngữ một cách hiệu quả. Bài viết mô tả lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo dành cho người học và người dạy ngoại ngữ đồng thời đề cập đến vai trò của người dạy ngoại ngữ trong môi trường dạy và học dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông minh”. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo mang đến môi trường học tập tốt cho việc dạy và học ngoại ngữ. Thông qua sự kết nối và phân tích logic các thông tin như đồ họa, âm thanh, hình ảnh… vào bài học trong hệ thống thông minh thì việc học ngoại ngữ trở nên trực quan hơn.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh trình bày tham luận
Phát biểu tại Tọa đàm, ThS.GVC. Nguyễn Ngọc Toán – Phòng Quản lý khoa học và Thư viện cho rằng chủ đề của tọa đàm xoay quanh vấn đề rất hay, rất thiết thực với công tác giảng dạy, đã tạo ra được một sản phẩm rất ấn tượng sau khi kết thúc buổi tọa đàm này. Sự chuyên nghiệp trong tổ chức và sự có mặt tham gia của quý thầy cô và các nhà khoa học đã tạo sự quan tâm và lan tỏa tinh thần đổi mới trong phương pháp giảng dạy, phát huy được vai trò chuyên môn của người dạy. Chủ trương của buổi Tọa đàm hướng đến thay đổi tích cực trong công tác giảng dạy tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
ThS.GVC. Nguyễn Ngọc Toán Phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự chuẩn bị tổ chức Tọa đàm của Khoa Ngoại ngữ – Tin học, việc lựa chọn chủ đề là mới và cần phát huy tinh thần tích cực nghiên cứu hơn nữa nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn của Khoa, thông qua các bài tham luận Tọa đàm đã làm rõ được những vấn đề về “ứng dụng trí tuệ nhân tạo” trong giảng dạy ngoại ngữ như chủ đề của Tọa đàm đã đặt ra, qua đó đề nghị các giảng viên tích cực áp dụng công nghệ vào công tác giảng dạy một cách tốt nhất.
Hiện nay, thực tế Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể áp dụng “ứng dụng trí tuệ nhân tạo” vào công tác giảng dạy được vì còn phải có chiến lược phát triển lâu dài như về cơ sở vật chất, về con người, về đào tạo trình độ, cần phải có nguồn lực nhân sự chất lượng cao để đáp ứng. Thời gian tới các thầy cô, các nhà khoa học hãy mạnh dạn đề xuất các ứng dụng để đưa vào thực tiễn gắn với quản lý nhà nước tại Phân viện.
TS. Trương Cộng Hòa phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ThS. Trần Quốc Toanh – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Phân viện các nhà khoa học, đại biểu tham dự Tọa đàm và tin tưởng rằng kết quả của Tọa đàm đã đóng góp tri thức nhất định cho quá trình nghiên cứuvà giảng dạy của Khoa và tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Tin bài: Phòng Quản lý Khoa học & Thư viện – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM