Tọa đàm quốc tế: “Lãnh đạo và quản trị địa phương trong bối cảnh cải cách, hội nhập và số hóa”

(napa.vn) – Trong khuôn khổ Khóa bồi dưỡng quốc tế “Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị địa phương hiệu quả” dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Tây Ninh, sáng ngày 06/9/2024, tại hội trường Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và Viện Quản trị Chandler (Singapore) tổ chức tọa đàm quốc tế “Lãnh đạo và quản trị địa phương trong bối cảnh cải cách, hội nhập và số hóa”.

1

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và ông Jean François Verdier, chuyên gia CH Pháp đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự và đồng chủ trì Tọa đàm có ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và ông Jean François Verdier, Tổng Thanh tra Tài chính, CH Pháp.

Tham dự Tọa đàm còn có có lãnh đạo Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia và 60 học viên khóa bồi dưỡng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương của tỉnh Tây Ninh.

IMG_5242

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Tọa đàm.

Mở đầu Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trình bày khái quát về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, tầm quan trọng của quản trị quốc gia đối với sự cường thịnh và vững mạnh của các quốc gia. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh: với tầm nhìn chiến lược, thành công trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả đã đem lại sự cường thịnh và phát triển kinh tế – xã hội vượt trội của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Tiểu vương quốc Dubai,… Trên bình diện phát triển địa phương, để có được thành công bền vững, cần thiết phải tập trung phát triển năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương hiệu quả với tư duy mới, tầm nhìn mới và cách làm mới và áp dụng mô hình quản trị hiệu quả vào thực tế địa phương.

Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến đề cập đến các nguyên tắc quản trị ở Việt Nam, nhấn mạnh tới 4 ưu tiên cần phát triển trong quản trị ở Việt Nam: 1/ nền tảng quản trị tốt; 2/ chất lượng phát triển; 3/ hiệu quả quản trị; và 4/phát triển bền vững.  Chuyển đổi từ quản lý sang quản trị đòi hỏi sự chuyển đổi về vai trò của lãnh đạo, quản lý từ nhà quản lý sang nhà quản trị với vai trò người “thủ lĩnh” có tư duy chiến lược, dẫn dắt, huy động sự tham gia, phối hợp và đồng thuận của các thành viên vì mục tiêu chung của tổ chức. Nội dung trình bày của PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cũng gợi mở nhiều ý tưởng để các đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra những đề xuất xây dựng nền tảng quản trị tốt, chất lượng quản trị, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của tỉnh Tây Ninh.

3

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ khái quát về tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi và thách thức trong phát triển của tỉnh Tây Ninh và yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý.

Về tiềm năng, lợi thế, Tây Ninh có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng – an ninh và đối ngoại của quốc gia với 3 cửa khẩu quốc tế, là cửa ngõ thông thương kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam với Campuchia và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, có tiểm năng phát triển kinh tế cửa khẩu, trở thành trung tâm thương mại biên giới của vùng và quốc gia. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, Tây Ninh có nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, logistics, du lịch và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, truyền thống cách mạng và tính cách, cốt cách con người Tây Ninh mang đậm tinh thần khoan dung, trung thực, chăm chỉ, khiêm nhường, tình nghĩa, thủy chung là tiềm lực chính trị tinh thần quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của Tây Ninh.

Về điều kiện thuận lợi, Tây Ninh kế thừa, phát huy thành tựu phát triển kinh tế – xã hội qua các giai đoạn phát triển với cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, nền tảng pháp lý để định hướng phát triển kinh tế – xã hội được định hình rõ nét trong Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, với tư duy và tầm nhìn dài hạn. Mặt khác, tỉnh còn nhiều dư địa đất đai, không gian phát triển để hoạch định chính sách phát triển đồng bộ, tạo sự bứt phá, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị. Các chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, với các tập đoàn kinh tế đang đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo ra nguồn lực, động lực cho phát triển toàn diện. Đồng thời, Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút được nhà đầu tư chiến lược; hệ thống chính trị được kiện toàn, chuẩn hóa, thể hiện khát vọng lớn; nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh thuận lợi, Tây Ninh cũng đối mặt với nhiều thách thức như: khoảng cách phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ  rất lớn; nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu tỉnh không tạo ra đột phá trong phát triển; quy mô kinh tế vẫn còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao; hạ tầng giao thông còn bất cập; nội lực nền kinh tế chưa mạnh, công nghiệp và xuất khẩu phụ thuộc lớn vào yếu tố đầu tư nước ngoài, nguồn lực đầu tư công hạn chế, chưa bảo đảm yếu tố dẫn dắt đầu tư tư; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ tham mưu còn biểu hiện sợ rủi ro, sợ trách nhiệm; là tỉnh biên giới vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức không nhỏ về quốc phòng, an ninh; sự mở rộng liên kết vùng hàm chứa các yếu tố hợp tác và cạnh tranh, nhất là trong thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

4

Ông Jean- François Verdier, Tổng Thanh tra Tài chính CH Pháp phát biểu tại Tọa đàm.

Trao đổi với các đại biểu tại Tọa đàm, ông Jean Francois Verdier, Tổng Thanh tra Tài chính CH Pháp đề cập đến những thay đổi trong bối cảnh mới, đòi hỏi các quốc gia, các địa phương phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phương pháp làm việc để thích ứng với bối cảnh mới. Bạo lực, xung đột, số hóa, sự xuất hiện và lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, thế giới ảo, sự phát triển của truyền thông mạng xã hội đã làm đảo lộn hoàn toàn phương thức quản lý, lãnh đạo, khiến cho công việc của nhà quản lý, lãnh đạo trở nên phức tạp hơn trước nhiều đòi hỏi các nhà quản lý phải sẵn sàng thích ứng và nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống để giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra.

Trước những cơ hội, thách thức toàn cầu và trong nước, ông Nguyễn Thanh Ngọc Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Tây Ninh không chấp nhận tụt hậu, quyết tâm tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành nguồn lực và động lực cho phát triển, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức. Trong bối cảnh đó, tỉnh quyết tâm tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương, thể  hiện ở khả năng  xây dựng và áp dụng các mô hình quản trị hiệu quả, gắn với truyền thống và bối cảnh hiện nay của Việt Nam, có tư duy dài hạn với tầm nhìn xa, chú trọng phát triển bền vững; đồng thời cần xây dựng phong cách lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả, hành động quyết liệt trên tinh thần chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng sợ rủi ro, sợ trách nhiệm. thể hiện khát vọng lớn, quyết tâm cao vì sự phát triển của địa phương.

6

7

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm.

5

Quang cảnh Tọa đàm.

Quỳnh Hoa

Comments are closed.