(napa.vn) – Chiều ngày 16/9/2024, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) tổ chức Tọa đàm: “Giới thiệu về tư duy thiết kế và kế hoạch đánh giá nhu cầu bồi dưỡng giảng viên về tư duy thiết kế”. TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.
Đại biểu dự Tọa đàm trực tuyến
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các đại biểu, khách mời: bà Sita Zimpel, Trưởng nhóm, Dự án Kỹ năng số để thành công – (Digital Skills to Succeed – DS2S), GIZ; TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp; ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề; Tham dự tọa đàm, về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý đào tạo, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, các thành viên Ban Điều phối, nhóm giảng viên của Phân hiệu tham gia khóa bồi dưỡng về “Tư duy thiết kế”; đại diện một số cơ sở đào tạo đại học tham gia dự án Kỹ năng số để thành công – DS2S.
TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh yêu cầu, để thực hiện tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số, các cơ sở đào tạo đại học cần trang bị cho sinh viên năng lực số phù hợp, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động. Theo đó, dự án Kỹ năng số để thành công – DS2S được triển khai có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo điều kiện, trang bị cho sinh viên các kỹ năng số thông qua các tín chỉ vi mô do các cơ sở tham gia dự án thiết kế và chuyển giao vào thực tiễn giảng dạy. Qua đó, đổi mới cách tiếp cận trong giảng dạy, áp dụng công nghệ, đặc biệt là áp dụng tư duy thiết kế trong đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng chương trình và nội dung các khóa học tín chỉ vi mô về kỹ năng số.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Học viện mong muốn được chia sẻ về nội dung liên quan đến tư duy thiết kế, áp dụng tư duy thiết kế trong đổi mới chương trình đào tạo; đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu về kế hoạch khảo sát nhu cầu đào tạo, trên cơ sở đó đề xuất chương trình bồi dưỡng giảng viên về “Ứng dụng tư duy thiết kế trong phát triển chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm”.
Bà Sita Zimpel, Trưởng nhóm, Dự án Kỹ năng số để thành công – DS2S phát biểu.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Sita Zimpel, Trưởng nhóm, DS2S trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Học viện Hành chính Quốc gia và các nhà trường đối với các hoạt động trong khuôn khổ dự án hết sức có ý nghĩa, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ trong quá trình thực hiện khảo sát, đạt được các mục tiêu đề ra.
Chia sẻ thêm về dự án Kỹ năng số để thành công – DS2S, bà cho biết, đây là một dự án khu vực được triển khai tại 3 nước, gồm: Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh. Dự án do GIZ thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao các kỹ năng số của sinh viên đại học thông qua thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực cũng như với các trường đại học tại Đức, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo dạng tín chỉ vi mô về kỹ năng số.
Dự án triển khai tại Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc làm thế nào để sinh viên có các kỹ năng số đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai, cụ thể là trong khối ngành kinh tế – thương mại và khu vực công. Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án, Học viện Hành chính Quốc gia được phân công chủ trì việc thiết kế chương trình bồi dưỡng giảng viên về “áp dụng tư duy thiết kế trong phát triển các chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm”. Từ tháng 6/2024 đến nay, Học viện đã tổ chức nhiềuhoạt động bồi dưỡng giảng viên về tư duy thiết kế, áp dụng tư duy thiết kế trong đổi mới chương trình.
Tọa đàm là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ dự án, gồm các nội dung chính:
(1) Giới thiệu tổng quan về tư duy thiết kế;
(2) Giới thiệu hoạt động bồi dưỡng giảng viên về kỹ năng áp dụng tư duy thiết kế trong xây dựng chương trình lấy người học làm trung tâm;
(3) Giới thiệu hoạt động đánh giá nhu cầu bồi dưỡng về áp dụng tư duy thiết kế trong xây dựng chương trình lấy người học làm trung tâm.
TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp
Ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề
Báo cáo tại Tọa đàm, TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp và ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề đã trình bày, giới thiệu những nội dung liên quan đến nội hàm tư duy thiết kế. Cùng với việc nhấn mạnh tư duy thiết kế là một hành vi, hai chuyên gia chia sẻ câu chuyện thành công nhờ tư duy thiết kế; quá trình vận hành tư duy thiết kế; góc nhìn từ tư duy thiết kế… Lợi ích của tư duy thiết kế là tạo ra tác động lâu dài đến sự thành công của người học qua khả năng “cách mạng hóa” phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, giúp khám phá các chiến lược sáng tạo nhằm nâng cao sự hài lòng, thu hút, thúc đẩy sự tham gia của người học; tăng cường trao đổi, hợp tác, nâng cao trải nghiệm giáo dục toàn diện, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, qua đó đạt được những thành tựu trong giáo dục. Ngoài ra, tư duy thiết kế còn giúp cải thiện các kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị tốt hơn cho quá trình làm việc của sinh viên sau khi ra trường, trong đó có: (1) Tư duy phân tích và đổi mới; (2) Sáng tạo, độc đáo và chủ động; (3) Tư duy phản biện và phân tích; (4) Giải quyết vấn đề phức tạp.
Đại biểu dự Tọa đàm đã trao đổi, thảo luận những thông tin hữu ích nhằm củng cố, hoàn thiện các nội dung đề ra trong kế hoạch đánh giá nhu cầu bồi dưỡng giảng viên về tư duy thiết kế. Theo đó, mục tiêu chính được đưa ra là xác định và ưu tiên các nhu cầu cụ thể của từng trường đại học tham gia dự án. Bên cạnh đó, đề xuất phương pháp tiếp cận được thiết kế riêng nhằm bảo đảm kế hoạch phù hợp với bối cảnh và yêu cầu cụ thể, đặc thù của từng tổ chức, thông qua việc cung cấp thông tin chi tiết từ các dữ liệu điều chỉnh kế hoạch một cách hiệu quả; xác định hai trụ cột của kế hoạch đánh giá nhu cầu đó là dữ liệu định tính và dữ liệu định lượng, dựa trên kết quả phỏng vấn chuyên sâu và các khảo sát được triển khai thực hiện.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) là tổ chức trực thuộc Nhà nước liên bang, hoạt động trên phạm vi toàn cầu với hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong đó có 25 năm làm việc tại Việt Nam. GIZ cung cấp cho các đối tác của mình những kiến thức về khu vực, hiểu biết chuyên môn sâu rộng cũng như những kiến thức quản lý tổ chức đã qua thực nghiệm nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
Theo quanlynhanuoc.vn