Khai mạc Hội nghị EROPA – AAPA – AGPA – IAPA tại Yogyakarta, Indonesia

(napa.vn) – Với chủ đề“Hướng tới nền hành chính công đẳng cấp thế giới”, Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) 2024 được phối hợp tổ chức giữa EROPA, Hiệp hội Hành chính Châu Á (AAPA), Nhóm Châu Á về Hành chính công (AGPA), Hiệp hội Hành chính Indonesia (IAPA)  đã khai mạc sáng ngày 05/11/2-24 tại Yogykarta, IndonesiaPGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA dự và phát biểu khai mạc.

7

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới các đại biểu tham dự. Hội nghị EROPA 2024 với chủ đề “Hướng tới một nền hành chính đẳng cấp thế giới”, được phối hợp tổ chức giữa EROPA, Hiệp hội Hành chính Châu Á (AAPA), Nhóm Châu Á về Hành chính công (AGPA), Hiệp hội Hành chính Indonesia (IAPA). Hội nghị giữa EROPA, AAPA, AGPA và IAPA 2024 là minh chứng cho tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí giữa các tổ chức đóng vai trò cầu nối chia sẻ và kiến tạo tri thức, động lực cho cải cách và đổi mới quản lý công trong khu vực Châu Á – Thái Bình dương vì sự phát triển của khoa học hành chính, chung tay xây dựng một nền hành chính chất lượng cao ở mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, “Xây dựng nền hành chính đẳng cấp thế giới” không chỉ là một mục tiêu lý tưởng mà còn là một yêu cầu thực tiễn, một phương thức hành động vì một nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại ở mỗi quốc gia thành viên, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 8 vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, Chuyển đổi số và nền công vụ: Công nghệ không chỉ là một công cụ, mà còn là động lực mạnh mẽ để đổi mới và nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của nền công vụ. Làm thế nào tận dụng tối đa chuyển đổi số để cải thiện dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp?

Thứ hai, Hoạch định chính sách công dựa trên dữ liệu: Hoạch định chính sách công dựa trên dữ liệu đang trở thành một xu hướng quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới để cải thiện hiệu quả và tính đúng đắn của các quyết định. Dữ liệu không chỉ là thông tin mà là những hiểu biết sâu sắc có thể dẫn dắt quyết định và chính sách mà các nhà hoạch định chính sách cần khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quyết định chính trị, các chính sách.

Thứ ba, Tinh thần sáng tạo, đổi mới trong hành chính và hành chính tuyến đầu đề cập đến những ý tưởng thúc đẩy tư duy sáng tạo và chủ động cải tiến quy trình, dịch vụ và sản phẩm, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng đáp ứng trong các tổ chức công. Tiểu chủ đề này cũng nêu bật vai trò của các công chức tuyến đầu trong thực thi chính sách và ra quyết định, cải thiện tính linh hoạt, sáng tạo và khả năng đáp ứng trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ tư, Lãnh đạo trong thời kỳ VUCA, một chủ đề không thể thiếu khi bàn đến nâng cao chất lượng của nền hành chính công. Trong một thế giới đầy biến động, với những thách thức chưa từng có, lãnh đạo là nhân tố then chốt, là nguồn cảm hứng, khuyến khích sáng tạo và xây dựng niềm tin để thích ứng với thay đổi, vượt qua thách thức và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thứ năm, Hành chính công sau đại dịch. Đại dịch COVID-19 đã mang đến cho chúng ta những bài học quý giá về tính linh hoạt và khả năng thích ứng của hành chính công. Chúng ta cần suy nghĩ sâu sắc về hành chính công sau đại dịch, để có thể xây dựng các hệ thống và chính sách có khả năng dự báo, ứng phó và phục hồi trước những khủng hoảng trong tương lai.

Thứ sáu, Hòa nhập xã hội và công bằng. Để xây dựng một nền hành chính công đẳng cấp thế giới, công bằng xã hội phải là yếu tố trung tâm. Một nền hành chính công đẳng cấp thế giới không chỉ tạo ra một môi trường công bằng mà còn tăng cường niềm tin của công dân vào chính quyền, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công.

Thứ bảy, Các giá trị công. Hội nghị cũng bàn về các giá trị công như đạo đức, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những giá trị này không chỉ tạo nên niềm tin từ phía người dân, mà còn là nền tảng cho một nền hành chính công bền vững.

Thứ támQuản lý rủi ro và khủng hoảng là một phần quan trọng trong việc xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng. Hội nghị của chúng ta cũng sẽ thảo luận về các chiến lược hiệu quả trong quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, và đảm bảo an ninh cho tất cả mọi người.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến hy vọng Hội nghị sẽ là diễn đàn của những thảo luận sâu sắc, những giải pháp sáng tạo và những kết nối mới mẻ trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị; đồng thời tin tưởng rằng tinh thần hợp tác, sự thống nhất ý chí là cơ sở vững chắc cho những hành động chung, thiết thực của EROPA – AAPA – AGPA – IAPA tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề chung của khu vực và của mỗi quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại Châu Á – Thái Bình Dương, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, ở đó sự hợp tác chặt chẽ và một nền hành chính công, quản trị công đẳng cấp thế giới là chìa khóa để đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực.

Đại diện cho AAPA và IAPA, phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS. Agus Pramusinto – Chủ tịch AAPA và IAPA nêu bật ý nghĩa của việc lựa chọn chủ đề hội nghị: “Hướng tới một nền hành chính đẳng cấp thế giới” trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên phức tạp với những yếu tố đặc trưng là: biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (VUCA). Điều này thể hiện tính cấp thiết của việc nghiên cứu cải cách hành chính công.

GS.TS. Agus Pramusinto nhấn mạnh: Một bộ máy hành chính hiệu lực và hiệu quả là cần thiết cho sự phát triển của các quốc gia, đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ trong cung cấp dịch vụ công. Thông qua các hệ thống minh bạch và có trách nhiệm, các quốc gia có thể giảm đáng kể tình trạng tham nhũng, xây dựng niềm tin của công chúng và củng cố nền tảng xã hội. Cải cách hành chính cũng rất quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực của lực lượng lao động khu vực công, đảm bảo duy trì tính cạnh tranh và đổi mới trong bối cảnh thế giới thay đổi ngày càng nhanh chóng.

Thay mặt AGPA, GS.TS. Eko Prasojo – Chủ tịch AGPA, nhấn mạnh hành chính công là chìa khóa cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế thành công. Nhiều công cụ số khác nhau như trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ ảo (metaverse), và máy học (machine learning) sẽ giúp các chính phủ  hoạch định các chính sách và cung cấp dịch vụ công với chất lượng ngày càng cao hơn. Những cơ hội này mang lại nhiều lợi ích to lớn và trở thành một đòn bẩy cải thiện chất lượng và hiệu quả của hành chính công. Để thành công, hành chính công cần cẩn trọng lựa chọn con đường đúng đắn ở những ngã rẽ khác nhau mà các quốc gia hiện đang đối mặt.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, GS.TS. Wening Udasmoro, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Gadiah Mada chia sẻ: Hội nghị là cơ hội tốt để đoàn kết các nhà lãnh đạo, học giả và chuyên gia hành chính công từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong một thế giới ngày càng kết nối nhưng lại hàm chứa nhiều bất ổn, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, xây dựng một bộ máy hành chính kiên cường và hiệu quả chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. Hội nghị sẽ khám phá những hiểu biết sâu sắc và hợp tác đưa ra các giải pháp sáng tạo, góp phần định hình một bộ máy hành chính có khả năng giải quyết các thách thức đương đại ở mỗi quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới.

Hội nghị EROPA – AAPA – IAPA – AGPA tại Yogyakarta, Indonesia diễn ra từ ngày 05-07/11/2024 bao gồm các 04 phiên hội nghị toàn thể, 03 phiên hội thảo chuyên đề, 39 phiên hội thảo đồng thời bao gồm 273 bài phát biểu, nghiên cứu chuyên sâu.

Tổ chức Hành chính Miền Đông Thế giới (EROPA) là tổ chức đầu tiên đầu tiên trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương hoạt động với mục tiêu phát triển nền hành chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực thông qua hợp tác nghiên cứu phát triển lý thuyết, cải thiện hệ thống, thực tiễn hành chính công và quản lý công của các quốc gia. EROPA hiện có 10 thành viên cấp nhà nước   gồm Nhật Bản, Phi-líp-pin, Thái Lan, Hàn Quốc, Iran, In-đô-nê-xia, Nê-pan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. EROPA còn có 58 thành viên là các học viện, trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hành chính công và 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân. Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ) trở thành thành viên cấp nhà nước của EROPA từ năm 1991. Trong hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia đã tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của Tổ chức này. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia là Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA nhiệm kỳ 2024-2025.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

5

6

3

9

Ban Hợp tác quốc tế

Comments are closed.