Giáo sư Peter Warr, ĐHTH Quốc gia Ô-xtrây-lia thăm và giảng bài tại Học viện
Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu về hành chính, ngày 20/1/2017, GS. Peter Warr, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, ĐHTH Quốc gia, Ô-xtrây-lia đã đến thăm và giảng bài tại Học viện, với nội dung: “Tình trạng đói nghèo, năng suất và chính sách nghiên cứu nông nghiệp: kinh nghiệm của Thái Lan và giá trị tham khảo cho Việt Nam”. Dự giờ giảng của GS. Peter Warr có lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế, lãnh đạo và giảng viên Khoa Hành chính học và gần 200 sinh viên, chủ yếu là sinh viên chuyên ngành chính sách của Học viện Hành chính Quốc gia.
Bài trình bày của GS. Peter Warr đề cập kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng năng suất nông nghiệp và cải thiện mức sống của người nghèo; qua đó giáo sư đưa ra các kết luận được kiểm chứng về vai trò của đầu tư công trong nghiên cứu đối với năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), vai trò của tăng trưởng năng suất đối với giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu. GS. Peter Warr nhấn mạnh, tình trạng thiếu đầu tư cho nghiên cứu, cùng với hệ thống đổi mới sáng tạo kém phát triển sẽ dẫn đến giảm mức tăng năng suất nông nghiệp. Cùng với đó, GS. Peter Warr đưa ra bằng chứng về lợi tức của các khoản đầu tư công, gợi mở hướng so sánh các khoản lợi tức của đầu tư công trong bối cảnh tiết kiệm chi tiêu và đòi hỏi sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư công của chính phủ.
Thảo luận về bài giảng của GS. Peter Warr, các giảng viên và sinh viên Học viện Hành chính đã chia sẻ về TFP của nông nghiệp Việt Nam, theo đó tốc độ tăng TFP của Việt Nam đã không theo kịp các nước trong khu vực kể từ giữa những năm 2000, năng suất sụt giảm và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cũng như cải thiện năng suất của cả nền kinh tế. Ý kiến của giảng viên và sinh viên Học viện cho thấy, nội dung trình bày của GS Peter Warr có giá trị tham khảo lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh giá trị tham khảo của nội dung trình bày đối với sinh viên chuyên ngành chính sách, theo đó, các vấn đề phân tích và nhận định cần dựa trên các bằng chứng cụ thể. Các nghiên cứu thực nghiệm kết hợp với nghiên cứu lý thuyết đang trở thành công cụ không thể thiếu trong các tham vấn về chính sách, vì vậy, cần phải có các phương pháp phân tích mới để đảm bảo độ tin cậy và giá trị tham khảo của kết quả tham vấn. Đây là xu thế mới và cần được cập nhật và bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Nội vụ đang xây dựng các chỉ số định lượng để đo lường và đánh giá các hoạt động của khu vực công.
Tin bài: Quỳnh Hoa
Ảnh: Thu Hương