Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ dự và chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Ông Weiming Tan, Phó Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam; PGS. TS. Keneth Paul Tan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore; PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo cấp Vụ và công chức làm công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương; đại lãnh đạo Sở, Trưởng phòng và công chức trực tiếp theo dõi cải cách hành chính của Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã tiếp xã giao và trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính nhà nước với ông Weiming Tan, Phó Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam; PGS. TS. Keneth Paul Tan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore; PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tiếp xã giao ông Weiming Tan
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng cho biết, tại Hội thảo này, các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia của Singapore chia sẻ một số nội dung quan trọng như: Nguyên lý trong xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; Kinh nghiệm của Singapore xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; Kinh nghiệm của Singapore trong tầm nhìn chiến lược, phương cách quản lý và tuyển chọn – đánh giá cán bộ và kinh nghiệm cải cách hành chính của Singapore trên một số nội dung cụ thể. Trên cơ sở đó, các đại biểu có thể trao đổi với các chuyên gia để làm rõ các nội dung cần quan tâm về chủ đề của Hội thảo.
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng cũng hy vọng thông qua Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm cải cách hành chính , các đại biểu sẽ có những cách tiếp cận mới và hiểu biết sâu sắc hơn về những mô hình và bài học nhận thức mới về vai trò của cải cách hành chính của Singapore; đồng thời, có những nhận thức mới về vai trò của cải cách hành chính trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thông qua đó, có những tư duy, cách tiếp cận mới trong việc tham mưu, định hướng triển khai công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng (trái) và các chuyên gia: PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore (giữa) và PGS. TS. Keneth Paul Tan,nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore (phải) tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS. TS. Vũ Minh Khương phân tích vai trò của bộ máy công quyền trong bảo vệ tính chính danh của hệ thống chính trị, xu thế thời đại và sự cấp thiết phải xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, một số khái niệm và nguyên lý căn bản trong xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; xây dựng bộ máy công quyền ưu tú trong điều kiện thực tế của Việt Nam…
PGS. TS. Vũ Minh Khương cho rằng, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là vấn đề cấp bách có tính chiến lược cao. Yếu tố quyết định thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia là: Hệ thống chính trị ổn định dựa vào sức mạnh cốt lõi của dân tộc; khả năng thích nghi với thời đại; tình thế đổi thay cùng việc xây dựng Chính phủ kiến tạo với tầm nhìn khát vọng về tương lai; chiến lược phát triển và năng lực bộ máy chuyên nghiệp và tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo… “Nguyên lý xây dựng bộ máy công quyền dựa trên những vấn đề quan trọng, đó là công tác cán bộ, xây dựng chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. Những kinh nghiệm được đúc kết từ mô hình xây dựng bộ máy công quyền và nền hành chính công mà Singapore đã thành công sẽ là bài học quý giá để Việt Nam vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” – ông Vũ Minh Khương khẳng định. Cũng tại Hội thảo, PGS. TS. Keneth Paul Tan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong tầm nhìn chiến lược, phương cách quản lý và tuyển chọn đánh gái cán bộ.
PGS. TS. Vũ Minh Khương cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý dẫn đến thành công của Singapore, trong đó có những bài học ý nghĩa đối với Việt Nam như: Sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường, phồn vinh trong tương lai. Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Singapore là một trong ít mô hình trên thế giới cho thấy là một xã hội có thể tiến lên nhờ một chính phủ luôn nỗ lực phát huy tối đa trí tuệ, kỹ năng và phẩm chất trung thực của mình. Singapore thu hút những công dân thông minh và ưu tú nhất vào chính phủ và luôn cố gắng nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề cần giải quyết. Trong quá trình này, Singapore chủ động sử dụng nguồn lực bên ngoài và nỗ lực học hỏi từ bất kể ai có kiến thức về lĩnh vực này.
PGS. TS. Keneth Paul Tan, cũng chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Singapore xuất phát từ Chính phủ ưu tú, tạo lòng tin của dân và doanh nghiệp, năng lực hoạch định và thực thi chiến lược, ý chí học hỏi và vươn lên, luôn phải là thế mạnh vượt trội và đặc sắc của Singapore. Bên cạnh đó, khai thác tối đa sức mạnh thời đại, hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt với thế giới phát triển, thích ứng nhạy bén với đổi thay, định vị chiến lược với tầm nhìn xa. Nguồn lực con người cũng là động lực chủ đạo để Singapore có sức cạnh tranh cao và khả năng vươn lên mạnh mẽ không ngừng.
Bên cạnh đó, GS. TS. Keneth Paul Tan cũng giới thiệu với các đại biểu về kinh nghiệm của Singapore trong việc sử dụng nội lực, ngoại lực, trọng dụng, tuyển dụng và sử dụng nhân tài/cán bộ ưu tú cho bộ máy công quyền; đào tạo cán bộ ưu tú; chế độ tiền lương cho cán bộ; đánh giá cán bộ; xử lý kỷ luật và khen thưởng đối với cán bộ và quản lý xã hội…
Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi thảo luận với các chuyên gia của Singapore về một số nội dung cần làm rõ thêm, như: Mô hình Văn phòng Tổng kiểm toán của Singapore hiện nay; Số lượng cơ quan tự quản tại Singapore được thành lập vào những năm 1996 – 1997 của thế kỷ trước; Mô hình tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý vào các chức vụ; Đánh giá cán bộ, công chức; Khen thưởng, xử lý đối với cán bộ và Việc triển khai Chương trình cải cách hành chính và Chính phủ điện tử thì theo kinh nghiệm từ Singapore, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề nào để triển khai trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, Ông Weiming Tan, Phó đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam; PGS. TS. Keneth Paul Tan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore và PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore đã trực tiếp trao đổi và thảo luận các nội dung mà các đại biểu quan tâm.