(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 31/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam và Thủ đô La Habana, Cu-ba, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp Trường Đào tạo cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba (ESCEG) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: “Cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số: kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam và các giá trị tham khảo cho Cuba”. TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và GS. Méc-xê-đét Đen-ga-đô Phéc-nan-đê, Hiệu trưởng ESCEG Cu-ba đồng chủ trì Hội thảo.
Tham gia và trình bày tại Hội thảo, về phía Cu-ba có bà Rô-da-ben Ga-mon Véc-đe, Thứ trưởng thứ Nhất, Bộ Tư pháp; bà Gri-xen Rây-es Lê-on, Thứ trưởng Bộ Truyền thông; ông Ooc-lan-đô Ni-cô-las Héc-nan-đét Ghi-en, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu-ba tại Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam; Ban Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường ESCEG Cu-ba cùng hơn 70 đại biểu từ 20 bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương của Cu-ba.
Tham dự Hội thảo còn có đại biểu từ Bộ Nội vụ, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Lại Đức Vượng; đại diện lãnh đạo các đơn vị, viên chức, giảng viên cùng các học viên, nghiên cứu sinh. Hội thảo được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, truyền hình trực tiếp tới Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Huế và Tây Nguyên cùng trên 100 đại biểu tham gia trực tuyến từ thiết bị điện tử cá nhân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Phéc-nan-đê, Hiệu trưởng ESCEG Cu-ba trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Học viện Hành chính Quốc gia trong tổ chức Hội thảo; đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo đối với các học giả và các nhà lãnh đạo, quản lý của Cu-ba trong bối cảnh Cu-ba đang tiến hành đổi mới sâu sắc, nhiều vấn đề đặt ra đối với yêu cầu cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số. GS. Phéc-nan-đê rất coi trọng và đánh giá cao những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo; xác định công tác cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số có quan hệ hữu cơ và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ của Nhà nước.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế nêu bật ý nghĩa của Hội thảo trong bối cảnh Cu-ba quyết tâm thực hiện cải cách mạnh mẽ trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hộivới mục tiêu trọng tâm là cập nhật mô hình phát triển và mở cửa nền kinh tế nhằm thích nghi với nhu cầu phát triển của đất nước và tình hình thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Cu-ba đã xác định 31 quốc gia – 31 mô hình kinh tế với 51 vấn đề đề cần được học hỏi mô hình và thực tiễn tốt. Việt Nam vinh dự là một trong những quốc gia được Cu-ba ưu tiên học hỏi kinh nghiệm.
TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh: Cải cách hành chính, đổi mới kinh tế-xã hội và chuyển đổi số đều là những thay đổi to lớn và có nhiều tác động cả bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều trở lực đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn để thực hiện thành công. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn luôn là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới về đổi mới và phát triển đất nước. Với kinh nghiệm gần 40 năm cải cách và đổi mới đất nước, Việt Nam rất tự hào và sẵn sàng chia sẻ cùng Cu-ba những bài học kinh nghiệm của mình, góp phần giúp Cu-ba thực hiện thành công quá trình đổi mới và phát triển đất nước; cùng Cu-ba đồng hành phát triển, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cu-ba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen đánh giá cao nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và ESCEG Cu-ba. Đề cập đến kinh nghiệm cải cách và đổi mới của Việt Nam, Đại sứ Guillén khẳng định: thành công của Việt Nam trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế bắt nguồn từ các quyết sách sáng suốt và linh hoạt của Đảng và Chính phủ. Sự nhất quán, kiên trì và kiên quyết của Việt Nam trong thực hiện chính sách đối ngoại nhằm bảo đảm an ninh, hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống là những bài học có ý nghĩa cho công cuộc cải cách và đổi mới của Cu-ba.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Cu-ba đã tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung: (1) Quá trình vận động của cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số ở Việt Nam và Cu-ba; (2) Tầm quan trọng, ý nghĩa và mối quan hệ hữu cơ giữa cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số; (3) Thực tiễn cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi sốở Việt Namvà Cu-ba: cơ hội, thách thức của cải cách và đổi mới; (4) Kinh nghiệm và thực tiễn tốt của Việt Nam trong cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số, xác định mức độ phù hợp,các hàm ý chính sách vàkhả năng áp dụng kinh nghiệm của Việt Namvào thực tiễn Cuba; (5) Xác định các yêu cầu và năng lực cần có của công chức lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đổi mới kinh tế – xã hội và chuyển đổi số ở mỗi quốc gia.
5 tham luận của các chuyên gia Cuba và Việt Nam đã được trình bày tại Hội thảo. Tham luận “Tổng quan về đổi mới kinh tế-xã hội và cải cách hành chính ở Cu-ba” của bà Rosabel Gamón Verde, Thứ trưởng thứ Nhất, Bộ Tư pháp Cu-ba thể hiện rõ vai trò của Bộ Tư pháp đối với việc hỗ trợ Nhà nước và Chính phủ Cu-ba những vấn đề pháp lý thúc đẩy tiến trình cải cách. Bài trình bày khái quát quá trình và kết quả triển khai kế hoạch cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống luật pháp cũng như hiệp ước quốc tế ở Cu-ba.
Tham luận “Đổi mới tư duy phát triển kinh tế để phát triển đất nước và các hàm ý chính sách đối với Cu-ba” do TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Phân viện Học viện tại Huế tập trung làm rõ nhận thức về đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế; trình bày tổng quan về quá trình đổi mới tư duy phát triển kinh tế của Việt Nam, trên cơ sở đó rút ra một số hàm ý chính sách từ kinh nghiệm của Việt Nam đối với đổi mới phát triển kinh tế của Cu-ba.
Với tham luận “Cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam: thành tựu, thách thức và triển vọng”, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng Khoa Khoa học hành chính, Tổ chức và Quản lý nhân sự trình bày bức tranh tổng thể về cải cách hành chính ở Việt Nam, những kết quả cải cách hành chính cơ bản trên các lĩnh vực, như: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; đồng thời, tham luận đánh giá kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó rút ra 6 bài học kinh nghiệm lớn mà Cu-ba có thể tham khảo từ thực tiễn cải cách hành chính ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ với tham luận: “Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đổi mới ở Việt Nam” đã giới thiệu bức tranh tổng thể về chuyển đổi số trong mối quan hệ mật thiết với cải cách hành chính ở Việt Nam, thực tiễn chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ Việt Nam,những thách thức của quá trình chuyển đổi này từ góc nhìn của một nhà lãnh đạo làm việc trong ngành Nội vụ, một giám đốc công nghệ thông tin của cơ quan Bộ Nội vụ và cũng là một khách hàng/công dân sử dụng các dịch vụ số do Chính phủ cung cấp.
Cuối chương trình, bà Grisel Reyes León, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Cu-ba đã trình bày tham luận “Chuyển đổi số ở Cu-ba: thực trạng và thách thức”. Tham luận của Bà León đã giới thiệu 4 thành tố tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số mà Chính phủ Cu-ba đã xác định và tập trung phát triển, bao gồm: nhân tố con người, công nghệ, quy trình và dữ liệu. Bà León cho rằng, Cu-ba đang đối mặt với một quá trình phức tạp và đầy thách thức đòi hỏi phải có những chẩn đoán tổng thể về thực trạng, đánh giá mức độ trưởng thành số đã đạt được của mỗi bước, trên cơ sở đó hoạch định các chính sách thúc đẩy sử dụng và phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và cải cách ở Cu-ba.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế khẳng định hiệu quả và giá trị của hội thảo, ông đánh giá rất cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia tích cực của các báo cáo viên cũng như đại biểu tham gia hội thảo. Trên cơ sở nội dung tổng quát của hội thảo, hai bên cần tiếp tục trao đổi và lựa chọn các nội dung để đi sâu thảo luận, phân tích, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể để chuẩn bị cho các hội thảo khoa học tiếp theo. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tập hợp các tham luận, bài viết của các đại biểu tham gia Hội thảo để xuất bản kỷ yếu bằng ba thứ tiếng Việt Nam- Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS. Phéc-nan-đê, Hiệu trưởng ESCEG Cu-ba cảm ơn sự tham gia hết sức tích cực của các lãnh đạo, đại biểu, diễn giả Việt Nam và Cu-ba tại Hội thảo. Bà đề nghị Học viện và ESCEG tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và xuất bản; đi sâu vào các nội dung cụ thể, thiết thực của cải cách và đổi mới.