Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển đô thị thông minh: Vai trò của chính phủ”

(napa.vn) – Sáng ngày 19/10/2022, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Đại học Canberra (Ô-xtrây-li-a) và Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển đô thị thông minh: Vai trò của chính phủ”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến nhiều điểm cầu trên thế giới.

Dai bieu

Các đại biểu tham dự Hội thảo.  

Tham dự Hội thảo có hơn 40 chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, gồm: TS. Alex B.Brillantes, Jr, Tổng Thư ký EROPA; GS. Simon Hoy, Phó Trưởng Khoa Kinh doanh, Chính phủ và Luật, Đại học Canberra; GS. Richard Hu và TS. Tom Chen, Đại học Canberra, Ô-xtrây-li-a; TS. Gi Heon Kwon, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Sau đại học về Quản trị, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ các nước.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cùng đoàn công tác của Học viện tham gia Hội thảo tại điểm cầu Đại học Canberra (Ô-xtrây-li-a). Tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam có nhiều nhà khoa học, giảng viên tham dự.

QHoa

ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia giới thiệu chương trình và các đại biểu, khách mời dự Hội thảo.

Tại điểm cầu Đại học Canberra (Ô-xtrây-li-a), PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo, khẳng định, xây dựng đô thị thông minh được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, bền vững. Phát triển đô thị thông minh là động lực quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng và phát triển đô thị thông minh góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới, sáng tạo.

PGS. LTC

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của từng tỉnh, từng vùng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các địa phương lựa chọn được những mô hình phù hợp, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý, đáp ứng xu thế phát triển hiện đại. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, đô thị thông minh là một trong những hướng phát triển đô thị hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong đó, Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển đô thị thông minh, cả về phương diện chính trị, kinh tế – xã hội, để bảo đảm đưa ra các quyết định, chính sách đúng đắn, giải quyết hiệu quả những vấn đề, thách thức trong phát triển đô thị thông minh.

Hội thảo mong muốn nhận được nhiều chia sẻ, kinh nghiệm, thực tiễn những vấn đề liên quan đến quá trình phát triển đô thị thông minh và vai trò của chính phủ, những giá trị tham khảo cho Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, đưa ra các khuyến nghị về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

GS. Hoy

TS. Simon Hoy, Phó Trưởng Khoa Kinh doanh, Chính phủ và Luật, Đại học Canberra phát biểu chào mừng Hội thảo.

TS. Alex

TS. Alex B.Brillantes, Jr, Tổng Thư ký EROPA phát biểu tại Hội thảo.

Thay mặt cho Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA), TS. Alex B.Brillantes, Jr bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đối với Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Canberra đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế rất có ý nghĩa, hy vọng Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến, tham luận tích cực, chuyên sâu với hàm lượng khoa học cao, đóng góp hiệu quả vào những nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Tom Chen

TS. Tom Chen, Khoa Kinh doanh, Chính phủ và Luật, Đại học Canberra, Ô-xtrây-li-a tham luận tại Hội thảo.

Với nội dung: “Chia sẻ về thành phố thông minh: phương pháp tiếp cận liên ngành, lấy con người làm trung tâm”, TS. Tom Chen đã đưa ra các cách tiếp cận, khái niệm về đô thị thông minh, những lợi ích to lớn có thể đạt được khi phát triển và vận hành đô thị thông minh. Nhấn mạnh khía cạnh lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy tiến bộ, đem lại phúc lợi tốt nhất cho người dân nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông, phát triển đô thị thông minh là nhiệm vụ quan trọng đối với các chính phủ, đặt ra yêu cầu cần phát triển các phương thức, giải pháp mới với 4 trụ cột xây dựng: (1) Tri thức; (2) Kết nối; (3) Khả năng chống chịu, phục hồi; (4) Sự bền vững.

TS. Le

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận: “Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam: thực trạng và thách thức trong quản trị công”, TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã nêu khái quát thực trạng phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam, trên cơ sở những chủ trương, khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững, với 6 chỉ tiêu chủ yếu: (1) Phát triển nền kinh tế thông minh, đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh cao; (2) Tăng cường tính lưu động thông minh trong tiếp cận đa phương từ trong khu vực và quốc tế; (3) Môi trường thông minh thân thiện và quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững; (4) Con người thông minh có bản sắc, tinh thần cộng đồng cao, bảo đảm bình đẳng giới và quyền con người; (5) Lối sống thông minh bảo đảm sức khỏe, an toàn cá nhân, gắn kết xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; (6) Quản trị thông minh, cung cấp dịch vụ công thuận lợi nhất, xã hội công bằng, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác quản lý. Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trên thế giới. Trước những bài toán đặt ra trong quá trình đô thị hóa, như: biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, phân biệt giàu, nghèo… đặt ra nhiều thách thức đối với quản trị công.

Tien

TS. Trần Văn Tiến, giảng viên Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề: “Quản trị đô thị thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, TS. Trần Văn Tiến cho rằng, quản trị đô thị thông minh phải dựa trên ba trụ cột là công nghệ, quản trị và cư dân. Trong đó, quản trị là cầu nối bảo đảm sự tương thích với sự thay đổi của công nghệ và trình độ của cư dân. Do vậy hệ thống quản trị và thể chế phải thay đổi theo hướng thông minh hơn, giúp mở rộng phạm vi tác động ưu việt của công nghệ tới các nhóm xã hội. TS. Trần Văn Tiến đưa ra một số đề xuất quản trị thành phố thông minh trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam, như: xây dựng thể chế quản trị linh hoạt dành cho đô thị thông minh; lựa chọn trụ cột ưu tiên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển năng lực quản trị; tham khảo, học tập kinh nghiệm từ mô hình đô thị thông minh của các nước…

TS. Kwon

TS. Gi Heon Kwon, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Sau đại học về Quản trị, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc tham luận tại Hội thảo.

TS. Gi Heon Kwon chia sẻ tại Hội thảo một số nội dung về phát triển đô thị thông minh ở Hàn Quốc và các bài học kinh nghiệm, như: vì sao lại cần đô thị thông minh? Những khía cạnh đánh giá đô thị thông minh; 10 cân nhắc xây dựng đô thị thông minh… Theo TS. Gi Heon Kwon, xây dựng đô thị thông minh cần hướng tới nhu cầu người sử dụng, trên cơ sở đáp ứng chính sách, đồng thời trong thiết kế phải có tính dự báo, hướng tới những mục tiêu lâu dài, bền vững. Ông cũng đưa ra những đề xuất khung và mô hình đánh giá chính sách về phát triển đô thị thông minh từ kinh nghiệm tại Hàn Quốc.

GS. Hu

TS. Richard Hu, Khoa Kinh doanh, Chính phủ và Luật, Đại học Canberra, Ô-xtrây-li-a tham luận tại Hội thảo.

TS. Richard Hu trình bày tham luận: “Chương trình nghị sự về thành phố thông minh của Chính phủ Ô-xtrây-li-a”. Chính sách phát triển đô thị thông minh tại Ô-xtrây-li-a được xây dựng từ năm 2015, trọng tâm là việc thực hiện các “thoả thuận đô thị” với mục tiêu tăng cường hợp tác và điều phối giữa các cấp chính phủ trong thực hiện các dự án phát triển đô thị thông minh, tập trung vào đầu tư lâu dài về hạ tầng, thông qua cơ chế cùng đầu tư, cùng cam kết. Ông nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của phát triển đô thị thông minh là đổi mới, sáng tạo, cùng với đầu tư thông minh, hạ tầng thông minh bằng các thỏa thuận đô thị, qua đó đóng góp, chia sẻ nguồn lực, trách nhiệm giữa các cấp chính phủ nhằm thực hiện những mục tiêu lâu dài.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi và cùng thảo luận online trên phần mềm trực tuyến nhằm làm rõ các khái niệm, xu hướng phát triển và các tiêu chí căn bản của đô thị thông minh, bền vững cũng như những thực trạng, cơ hội, thách thức trong phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam; vai trò của chính quyền từ trung ương đến địa phương đối với phát triển đô thị thông minh bền vững; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị thông minh bền vững và các giải pháp thúc đẩy vai trò và nâng cao năng lực của Chính phủ trong phát triển đô thị thông minh bền vững.

Dai bieu Can

Đoàn công tác của Học viện Hành chính Quốc gia tham gia Hội thảo tại điểm cầu Đại học Canberra (Ô-xtrây-li-a).

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia đã quan tâm, tham dự và chia sẻ nhiều ý kiến, tham luận những vấn đề liên quan đến phát triển đô thị thông minh và vai trò của Chính phủ. Chính phủ với vai trò vừa tạo lập thể chể cho phát triển đô thị thông minh, vừa là trung tâm khởi xướng, thu hút nguồn lực xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội cho quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị thông minh, với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, phục vụ xã hội phát triển bền vững. Những tham luận, ý kiến tại Hội thảo đã cung cấp thêm nhiều góc nhìn, cách tiếp cận rất có giá trị tham khảo tại Việt Nam, đặc biệt là đối với Học viện Hành chính Quốc gia trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tham gia đóng góp hoạch định chính sách về xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới./.

1

Các nhà khoa học, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia tham dự Hội thảo bằng hình thức trực tuyến. 

Luu niem

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm.

Như Ngọc

Comments are closed.