Sáng ngày 06/3/2024, tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia thuộc Đại học Portland State, bang Oregon, Hoa Kỳ tổ chức tọa đàm “Quản trị hợp tác: Thách thức và cơ hội tại Hoa Kỳ và Việt Nam”. Tọa đàm do PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, GS. Stephen Greenwood và TS. Đặng Văn Huấn – Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia, Đại học Portland State, Oregon, Hoa Kỳ đồng chủ trì.
Tham dự Tọa đàm, về phía chuyên gia quốc tế, có sự tham gia của GS. Stephen Greenwood, giảng viên cao cấp; TS. Đặng Văn Huấn – Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia, Đại học Portland State, bang Oregon, Hoa Kỳ. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện; ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa – Trưởng ban, Ban hợp tác quốc tế; TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện các cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và học viên của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu thay mặt Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, chào mừng các chuyên gia, các vị đại biểu tới tham dự tọa đàm và bày tỏ sự vui mừng vì tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý, đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cũng bày tỏ sự tin tưởng các chuyên gia đến từ Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia, Đại học Portland State, Hoa Kỳ cùng đại biểu sẽ có những chia sẻ, thảo luận, hữu ích về vấn đề quản trị hợp tác. PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cảm ơn việc hỗ trợ hợp tác của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, sự hiện diện của quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam – Hoa Kỳ và các giảng viên, các học viên tham gia buổi toạ đàm.
Giáo sư Stephen Greenwood với vai trò đồng chủ trì đã giới thiệu khái quát về Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia (NPCC), thuộc Đại học Portland State; trong đó nhấn mạnh tới Mạng lưới đại học về Quản trị hợp tác (UNCG) được thành lập năm 2007 cũng như trên 300 dự án khác nhau về hợp tác tại bang Oregon và Hoa Kỳ. Nội dung trọng tâm của tọa đàm được Giáo sư trình bày thông qua hai trường hợp thực tiễn từ Oregon về triển khai dự án với sự tham gia của Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia cũng như việc ứng dụng tư tưởng, kỹ năng, công cụ của quản trị hợp tác trong việc thúc đẩy đàm phán, thúc đẩy đồng thuận chính sách.
TS. Đặng Văn Huấn trình bày về chính phủ kiến tạo và thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước gắn với quản trị hợp tác. Thông qua ví dụ minh họa về mô hình chính phủ kiến tạo và khai thác ở Anh và Tây Ban Nha cho thấy, tầm quan trọng của việc bảo đảm phân quyền, xây dựng sự đồng thuận, hợp tác và giải quyết xung đột. TS. Đặng Văn Huấn nhấn mạnh, quản trị hợp tác là một phương pháp thúc đẩy cho quản trị công, là cách quản trị tương tác hiệu quả giữa nhà nước, chính phủ với cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng khoa Khoa học Liên ngành trao đổi và thảo luận về bản chất của quản trị hợp tác sẽ làm khoảng cách giữa chính quyền và người dân được thu hẹp. Tuy nhiên, một thách thức lớn tại Việt Nam là xung đột về lợi ích ở mỗi địa phương, do đó sự hài hoà về mặt lợi ích mới là vấn đề cốt lõi cần quan tâm trong quản trị hợp tác.
GS. Stephen Greenwood cho rằng, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà còn của bất kỳ quốc gia nào, đó là câu hỏi về thẩm quyền khi làm việc với các bên. Theo Giáo sư đôi khi phải từ bỏ, nhượng bộ một số thẩm quyền và đưa ra ví dụ khi ông tham gia giao thông ở Việt Nam, mỗi người tham gia đều phải nhường nhịn nhau một chút để có thể đến được nơi mình muốn tới, mặc dù ai cũng có quyền đi bất cứ hướng nào mình muốn. Về mặt văn hoá, ông cho rằng trong bản tính người Việt Nam đã có tính hợp tác với nhau. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là giúp họ hiểu được tinh thần phối hợp này. Giáo sư nhấn mạnh, khi hợp tác với các bên, bạn không mất đi mà nhận thêm được sức mạnh, nguồn lực.
TS. Nguyễn Trang Thu – Giảng viên khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự đặt vấn đề về sự liên quan phụ thuộc lẫn nhau, đó là: đôi khi các bên liên quan không biết mình cần cái gì? Lấy ví dụ sự phụ thuộc của người nông dân vào Chính phủ trong việc triển khai các dự án nông nghiệp. Làm sao để người nông dân biết họ cần có môi trường phát triển kinh tế, có cơ hội tiếp cận với những phương tiện, cơ sở vật chất hiện đại hơn thông qua sự trợ giúp từ chính phủ? Trao đổi vấn đề này, GS. Stephen Greenwood khẳng định vấn đề đưa ra rất xác đáng, nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Theo Giáo sư, cách làm là cần có một người điều phối để giúp đặt ra các câu hỏi về nhu cầu cho các bên. Người điều phối phải tạo được môi trường chia sẻ, giúp các bên tự tìm hiểu và chia sẻ nhu cầu của mình.
ThS. Trần Anh Hùng – Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật nêu ý tưởng về thành lập Trung tâm bảo vệ quyền lợi như Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia tại NAPA để xây dựng sự thỏa hiệp, đàm phán, hợp tác, ra quyết định bảo đảm lợi ích cho các bên. Đối với đề xuất này, GS. Stephen Greenwood và TS. Đặng Văn Huấn cho rằng đây là một ý tưởng khả thi, tuy nhiên khi thành lập cần xuất phát từ cơ chế, chính sách cũng như thẩm quyền của NAPA.
Tọa đàm “Quản trị hợp tác: Thách thức và cơ hội tại Hoa Kỳ và Việt Nam” cũng đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài phân viện, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn đối với Trung tâm Đồng thuận Chính sách Quốc gia thuộc Đại học Portland State, bang Oregon, Hoa Kỳ trong việc trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên và sinh viên.
Nguồn: Quanlynhanuoc.vn