Ngày 13-12-1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã đến thăm và làm việc với Học viện Hành chính Quốc gia. Cùng dự có Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung và Thứ trưởng Bộ Tài chính Tào Hữu Phùng.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Duy Gia, Giám đốc Học viện báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức nhà nước và phương hướng xây dựng, phát triển Học viện và các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng có đối tượng đào tạo là đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước. Vì vậy:
– Nội dung đào tạo của hai Học viện phải thống nhất để tránh trùng lặp. Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ cần bàn kĩ với hai Học viện để có quy chế phối hợp rõ ràng.
– Các cơ chế, chính sách, đầu tư, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ giảng viên, học viên… phải tương đương nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan liên quan cần phối hợp làm việc với hai Học viện trên tinh thần này.
2. Học viện Hành chính Quốc gia cần tiếp tục phát huy các thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua; đẩy mạnh cải cách chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo; đồng thời với việc coi trọng bồi dưỡng công chức, cần tập trung làm tốt công tác đào tạo dài hạn, chính quy đội ngũ công chức trẻ, có trình độ đại học và trên đại học để thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời kì mới.
Học viện cần đưa vào nội dung giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề sát với nhu cầu thực tiễn, gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm và huy động sức dân; qua đó giúp người học nắm vững những yêu cầu cụ thể để chỉ đạo, điều hành công việc trong thực tiễn có hiệu quả.
3. Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị để chủ tịch các tỉnh, thứ trưởng dưới 55 tuổi chưa được đào tạo về hành chính sớm bố trí công việc để tham gia các khoá đào tạo trong năm 1997 tại Học viện.
4. Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ các cơ quan nhà nước kiêm nhiệm làm giảng viên tại Học viện. Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ phối hợp với Học viện nghiên cứu ban hành quy chế để các cơ quan chủ quản bố trí công việc tạo điều kiện cho các giảng viên kiêm nhiệm đảm bảo cam kết trách nhiệm của mình với cả cơ quan chủ quản và với Học viện. Với những cán bộ do Thủ tướng bổ nhiệm, nếu cần thiết thì báo cáo để Thủ tướng cho ý kiến.
5. Học viện cần chú trọng hợp tác với các nước mà kinh nghiệm của các nước này có thể vận dụng phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Trước hết là các nước ASEAN (như Singapore, Ma-lai-xi-a) và các nước trong khu vực (như Hàn Quốc).
Hiện nay, các tổ chức quốc tế và nhiều nước quan tâm hỗ trợ cải cách hành chính của Việt Nam. Các cơ quan quản lý dự án (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối) cần lưu ý để Học viện được tham gia và hưởng tài trợ các dự án về cải cách hành chính và một phần trong các chương trình, dự án tài trợ, hợp tác về giáo dục – đào tạo nói chung nhằm nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất của Học viện. Học viện cần chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có dự án.
6. Để chương trình đào tạo phong phú, có chất lượng và hiệu quả, ngoài việc nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm của các nước, điều quan trọng hơn là Học viện cần sâu sát thực tế quản lý điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Có thể chọn một vài bộ, tỉnh, huyện, xã thí điểm. Một mặt, Học viện tư vấn hướng dẫn, đào tạo để hình thành mô hình chính điển hình; mặt khác phải bám sát thực tế của các đơn vị này, theo dõi cán bộ được đào tạo phát huy, vận dụng kiến thức trong công việc thực tiễn như thế nào, qua đó thu nhận được những kinh nghiệm thực tế bổ ích để hoàn thiện, cải tiến chương trình đào tạo và kiến nghị với Chính phủ cải tiến, nâng cao hiệu lực của bộ máy hành chính các cấp. Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ cải tiến, nâng cao hiệu lực của bộ máy hành chính các cấp. Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ phối hợp, hỗ trợ Học viện trong vấn đề này.
7. Về một số đề nghị của Học viện:
– Đồng ỳ chú ý ưu tiên phân bổ ngân sách kết hợp với các nguồn tài trợ để giúp Học viện nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hoá trang thiết bị.
– Đồng ý nguyên tắc việc sớm cấp kinh phí để hoàn thành công trình nhà 5 tầng đang xây dựng theo tiến độ mà bên thi công có thể đảm bảo được.
– Đồng ý về nguyên tắc hoàn chỉnh khu vực hiện tại của Học viện tại Láng Trung và việc xây mới một toà nhà cao tầng trong khuôn viên hiện nay của Học viện. Học viện cần làm việc với các cơ quan hữu quan theo các quy định hiện hành về xây dựng cơ bản, kiến trúc.
Việc xây dựng khu đào tạo đại học, Học viện cần làm việc với cơ quan hữu quan và UBND thành phố Hà Nội. Khu đào tạo phải ở nơi yên tĩnh, có cảnh quan môi trường phù hợp với việc học tập và phù hợp với quy hoạch của thành phố được duyệt.
– Đồng ý phải tạo điều kiện đảm bảo nhà ở cho cán bộ giáo viên theo mặt bằng chung của các cơ quan nhà nước và Học viện khác. Học viện nên bàn với UBND thành phố Hà Nội theo hướng xây chung cư tiện nghi như các nước trong khu vực vẫn làm, vừa để tiết kiệm quỹ đất, vừa để đảm bảo kiến trúc, không nên cấp đất để mỗi người xây một toà nhà riêng của mình. Trong tương lai, Hà Nội cũng phải giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh. Bộ Tài chính xem xét cấp vốn hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nhà ở đô thị.
– Về cơ sở của Học viện tại Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh, Học viện cần bàn với UBND TP. Hồ Chí Minh và Ban Tài chính Quản trị Trung ương. Không nên lấy cơ sở đào tạo cũ ở Thủ Đức làm nơi kinh doanh. Nếu cần thì đổi thẳng cơ sở hiện nay ở Quận 10 (không hợp với công tác đào tạo) để Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý, Học viện Hành chính được nhận lại khu trường cảnh sát cũ ở Thủ Đức để nâng cấp làm cơ sở đào tạo.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cùng Học viên Hành chính Quốc gia biết và thực hiện các nhiệm vụ trên.