Ban hành quy định mới về quản lý, sử dụng đất đai

(phapluattp.vn) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

Sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác phải nộp tiền
Theo đó, điều kiện để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gồm:
Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại như không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phụ vụ đất trồng lúa;
Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã;
Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
Người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với UBND cấp xã.
Về việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê và nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định.
dat_pgjc
Ảnh minh họa
Nhà nước hỗ trợ tiền để phát triển đất trồng lúa
Nghị định 35/2015/NĐ-CP quy định, người sử dụng đất trồng lúa phải sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trong lĩnh vực đất đai.
Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên)
Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Nghị định quy định mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa: Hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa. Trường hợp có nhiều quy định khác nhau, áp dụng nguyên tắc mỗi mảnh đất chỉ được hỗ trợ 1 lần, mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
Hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

ĐL

Comments are closed.