Bộ Nội vụ bị chê vì thủ tục rườm rà

Trong khi Bộ Tư pháp và Tài chính cho rằng quy định tuyển dụng thí sinh tốt nghiệp xuất sắc phải chờ Bộ Nội vụ thông qua là rườm ra, không cần thiết thì Bộ này khẳng định: Nếu giao hết quyền cho cơ sở thì sẽ tuyển người không đảm bảo yêu cầu.

Sáng 15/4, báo cáo trước Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2012 đến nay Bộ đã đơn giản hoá 167 thủ tục hành chính, là một trong 7 bộ ngành hoàn thành phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, tiết kiệm được 2,15 tỷ đồng. Năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ là đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức, gồm: thủ tục thi tuyển, xét tuyển công chức, nâng và xếp ngạch bậc lương, xét chuyển cán bộ cấp xã thành công chức làm việc tại huyện, tỉnh, trung ương…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chỉ ra các vấn đề do Bộ Nội vụ quản lý còn dậm chân tại chỗ, như quá trình tổ chức thi tuyển công chức còn nhiều thủ tục rườm rà. Ông đề nghị cần cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết, tránh lãng phí cho thí sinh.

Theo quy định hiện nay, các địa phương muốn tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học trong và ngoài nước thì phải chờ Bộ Nội vụ thông qua. Cho rằng như vậy là bất cập vì Bộ Nội vụ đang ôm rất nhiều việc, Thứ trưởng Ngọc đề nghị nên phân cấp trực tiếp cho các bộ ngành, địa phương, đồng thời quy định họ phải chịu tránh nhiệm về chất lượng người được tuyển dụng.

Cũng cho rằng tuyển dụng thí sinh tốt nghiệp xuất sắc không cần qua Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian thi cũng như quản lý tốt hơn.

ava-NDCP0-8309-1429084885.jpg

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Giải đáp các thắc mắc, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ đang nghiên cứu đổi mới cách thi tuyển công chức như của Nhật Bản. Chính phủ đã đồng ý cho áp dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển để đảm bảo tối đa nguyên tắc khách quan, công bằng. Điều này được dư luận ủng hộ, nhưng gặp phải sự ngăn cản của một số người vì đụng chạm đến quyền lợi của họ.Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng thì lo lắng việc đào thải công chức không đáp ứng được yêu cầu hiện rất khó khăn. Chính vì vậy khi được tuyển vào một số người có tâm lý an phận thủ thường, không kích thích được sự sáng tạo trong công việc.

Thứ trưởng Tuấn khẳng định Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền, phân cấp cho các bộ ngành địa phương trong thi nâng ngạch công chức. Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay là các bộ ngành đã được ủy quyền thì thí sinh nộp hồ sơ thi bao nhiêu đỗ bấy nhiêu, không thể đảm bảo chất lượng, khách quan. Còn nếu Bộ Nội vụ chấm thi thì phải qua “ba tay” để đảm bảo khách qua, công bằng.

“Sắp tới thi nâng ngạch hoặc công chức, mỗi người đăng ký dự thi chỉ cần một bản ghi rõ nội dung cần thiết, người dự thi phải cam kết những điều khai là sự thật, nếu sau khi đỗ phát hiện nội dung khai không đúng thì các đơn vị phải kiên quyết huỷ kết quả thi”, Thứ trưởng Tuấn cho hay.

Về thủ tục tuyển thẳng thí sinh là học sinh xuất sắc của các trường đại học trong nước và loại giỏi ở nước ngoài vào bộ máy nhà nước, nhưng vẫn phải qua Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giải thích, thu hút người tài năng vào công chức là rất cần thiết, nhưng để kiểm soát thì Bộ Nội vụ phải thẩm định trước khi các cấp xem xét.

Ông Tuấn lấy ví dụ Hà Nội vừa qua có 29 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nộp hồ sơ tuyển thẳng vào công chức, nhưng khi chuyển qua Bộ Nội vụ xét thì Bộ mới đồng ý cho 15 em, số còn lại không đảm bảo yêu cầu. “Nếu giao hết quyền cho cơ sở thì họ đã tuyển hết cả những người không đảm bảo yêu cầu rồi. Nếu không qua Bộ Nội vụ thì đây chính là kẽ hở để địa phương tuyển người thân thiết, người không đủ yêu cầu trong khi con em đồng bào lại phải thi với sự cạnh tranh khốc liệt”, ông Tuấn phân tích và khẳng định quy định nói trên là cách để tuyển được những người vào bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân xứng đáng nhất.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu không cải cách hành chính công vụ thì sự tụt hậu sẽ xa hơn, nhân dân sẽ oán trách và sẽ dễ bị tham nhũng. Vì vậy, mọi cấp mọi ngành phải tự cải cách, tự đổi mới. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực cải cách phải đổi mới để làm gương cho cả hệ thống quản lý nhà nước, làm sao phải có nền hành chính công tiến bộ, năng động, cạnh tranh. “Phải có cơ chế tìm người tài, tìm ở bìa rừng góc núi, có năng lực, thông minh, sáng tạo”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về các thủ tục hành chính rườm rà, nhất là trong tuyển dụng công chức, Phó thủ tướng nêu ví dụ để thấy sự lãng phí. Đó là có 10.000 người thi tuyển công chức nhưng chỉ lấy 300, mỗi người phải nộp túi hồ sơ gồm rất nhiều loại giấy tờ như sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khoẻ, văn bằng chứng chỉ… nặng khoảng 0,5 kg. “Có ai đọc hết số hồ sơ này không? Tại sao không yêu cầu thí sinh điền thông tin vào tờ giấy mỏng, khi trúng tuyển thì mới yêu cầu nộp đầy đủ, như vậy sẽ tiết kiệm được bao nhiêu?”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.

Về thủ tục tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ giao tiêu chí rõ ràng cho từng địa phương, Bộ chỉ hậu kiểm. Công nghệ thông tin cũng cần đưa vào quá trình thi tuyển công chức để thí sinh làm bài thi trên máy. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, không cần phải mua 500 máy tính mà chỉ cần thuê hạ tầng của các công ty để làm, vì mua sẽ rất lãng phí.

“Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hành chính. Quy trình làm việc giải quyết hồ sơ cần giảm rườm rà, áp dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoá, xây dựng chính phủ điện tử, công dân điện tử, mô hình tiên tiến trong hành chính cần được nhân rộng để giám sát tốt hơn. Làm sao để giải quyết thủ tục hành chính dưới sự thanh tra, dưới camera giám sát, để xem có tham nhũng không”, Phó thủ tướng nói và khẳng định đây là những chính sách để tháo bung nền hành chính công vụ, tạo điều kiện cho sự phát triển.

Hoàng Thuỳ

(Nguồn : vnexpress)

Comments are closed.