(napa.vn) – Ngày 18/10/2023, thực hiện chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị EROPA 2023, các phiên thảo luận sâu theo chủ đề đã được tiến hành tại 4 phòng họp của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ba tiểu chủ đề, gồm: “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: Những vấn đề đặt ra và nhu cầu đổi mới quản trị công”; “Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”; “Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”.
Phiên thảo luận 1
Sáng ngày 18/10 với Chủ đề 2: Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội do TS. Alice TE, Hiệp hội Hành chính công Hồng Kông và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Học viện Hành chính Quốc gia đồng điều hành thảo luận.
Thảo luận tại phiên buổi sáng có 10 bài tham luận của các học giả: Bà Maricel Fernandez Carag; TS. Nguyễn Thị Thu Cúc; Giáo sư Emma Aspiras; ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền; ThS. Nguyễn Hồ Phương Nhật; TS. Ma. Pamela Grace Muhi; ông Achyut Adhhikari; TS. Michville A. Rivera; NCS. Nguyễn Bích Thủy; TS. Meita Ahadiyati Kartikaningsih.
Bà Maricel Fernandez Carag, Phi-lip-pin trình bày tham luận: “Đổi mới quản trị công hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: Logic của trò chơi hai cấp độ”. Bà Maricel Fernandez Carag cho rằng, đại dịch Covid-19 đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp và mỗi quốc gia đều đang quan tâm đến công việc nội bộ của riêng mình, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA vượt ra ngoài phạm vi quốc gia/tiểu bang. Có những vấn đề chung mang tính chất toàn cầu, bao gồm: an ninh và quản lý khủng hoảng, hòa bình, nhân quyền, bình đẳng giới, cùng nhiều vấn đề khác. Do đó, hợp tác, ngoại giao giờ đây trở thành một mệnh lệnh quản trị toàn cầu.
Sự cấp thiết của cơ chế liên chính phủ trong đổi mới quản trị công hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; những vướng mắc của ngoại giao và chính trị – logic của trò chơi hai cấp độ; sự vướng víu của các biên giới trong nước và quốc tế, đã mở ra vai trò cấp thiết của thời kỳ đại dịch các lĩnh vực, như: giáo dục, y tế, ngoại giao và quan hệ quốc tế trong lý thuyết và thực hành hành chính công và quản trị. Đại dịch Covid-19 chỉ là một phép thử về cách thức phối hợp giữa quản trị và hành chính công với các mối quan hệ ngoại giao và quốc tế để giải quyết những vấn đề khủng hoảng toàn cầu. Bà Maricel Fernandez Carag khẳng định, quản trị thôi chưa đủ, ngoại giao phải được lồng ghép trong đổi mới quản trị công ở thời điểm quan trọng này.
TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam trình bày tham luận: “Tái cấu trúc cung cấp dịch vụ công để quản trị công tốt hơn: Trường hợp của Việt Nam”.
TS. Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng, nhiều quốc gia đã áp dụng sáng kiến khác nhau trong việc tái cơ cấu đổi mới quản trị dịch vụ công, từ việc cung cấp dịch vụ công một cửa đến cung cấp một cửa theo chế độ không tiếp xúc, từ dịch vụ đơn lẻ theo cách thụ động đến cung cấp dịch vụ công dựa trên sự kiện, cung cấp một cách chủ động. Do đó, làm thế nào để bảo đảm tính toàn diện và cân bằng giữa hiệu quả và sự bình đẳng cũng như tái cơ cấu việc cung cấp dịch vụ công trong chuyển đổi kỹ thuật số là những vấn đề cần được bổ sung của các cơ quan trong khu vực công, của nền hành chính công. Thông qua việc nghiên cứu trường hợp cung cấp dịch vụ hành chính công ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Cúc khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến hoàn toàn, liền mạch vẫn còn hạn chế do nhiều lý do khác nhau và chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết, toàn diện và bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công ở Việt Nam.
Giáo sư Emma Aspiras, Trường Đại học Quirino, Phi-lip-pin trình bày tham luận: “Sự năng động kinh tế của tỉnh Quirino trong bối cảnh đại dịch: Xuất phát điểm với vị thế tỉnh có năng lực cạnh tranh ở Philippines”. Nghiên cứu này nhằm xác định hiệu quả hoạt động của từng đô thị của tỉnh Quirino theo tính năng động kinh tế bằng cách sử dụng điểm số thu được từ cổng dữ liệu DTI – CMCI; điều tra mối quan hệ trực tiếp giữa động lực kinh tế và ba trụ cột khác là hiệu quả của Chính phủ, hạ tầng và khả năng phục hồi; đề xuất các chương trình, dự án, hoạt động khả thi nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và mở rộng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điểm nổi bật của nghiên cứu là: đô thị Cabarroguis đạt được số điểm cao nhất khi kết hợp tất cả tổng điểm ở từng chỉ số cho cả năm 2020 và 2021; hiệu quả hoạt động của họ giảm sút vào năm 2021 do tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương; có mối quan hệ đáng kể giữa sự năng động của kinh tế và hai trụ cột còn lại: hiệu quả của chính phủ và cơ sở hạ tầng; chương trình/dự án/hoạt động khả thi đã được đề xuất.
ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Chuyển đổi số và đổi mới số trong khu vực công thúc đẩy quản trị công tốt ở Việt Nam”, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong kỷ nguyên số và bối cảnh VUCA, các quốc gia đứng trước những cơ hội và thách thức trong đổi mới quản trị ở cả cấp quốc gia và địa phương. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong khu vực công là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức quản trị quốc gia và quản trị địa phương theo hướng phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đang trong giai đoạn nỗ lực triển khai chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo góp phần giúp các cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả các vấn đề địa phương, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại, bất cập cần giải quyết nhằm đổi mới quản trị công, thúc đẩy quản trị công tốt, góp phần cải cách quản trị quốc gia ở Việt Nam.
Phiên thảo luận 2
Phiên thảo luận 2, TS. Peter Fong, Hiệp hội Hành chính công Hồng Kông và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Học viện Hành chính Quốc gia đồng điều hành.
ThS. Nguyễn Hồ Phương Nhật, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Một số đề xuất thực hiện quản trị nhà nước ở Việt Nam theo nhận thức của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
ThS. Nguyễn Hồ Phương Nhật cho rằng, sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự biến đổi khôn lường của thế giới tự nhiên, của dịch bệnh, thiên tai đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là vấn đề quản trị. Quản trị chính là một phương thức nòng cốt thể hiện sự phát triển của một đất nước.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá một cách toàn diện, khách quan vị trí, vai trò của quản trị công, quản trị quốc gia đối với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá chiến lược, đó là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Bằng cách tìm hiểu lý thuyết về quản trị, quản trị công và quản trị quốc gia cùng với một số chỉ số đánh giá được công nhận trên toàn thế giới phản ánh các khía cạnh khác nhau, ThS. Nguyễn Hồ Phương Nhật đề xuất một số gợi ý khi thực hiện đổi mới quản trị công, quản trị quốc gia tại Việt Nam nhằm tiến tới đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đề ra đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
TS. Ma. Pamela Grace Muhi, Trường Đại học Bách khoa Phi-lip-pin trình bày tham luận: “Hướng tới khung thể chế lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào quy hoạch năng lượng địa phương: Bài học của Bohol và Palawan”. Tham luận khẳng định, an ninh năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của xã hội nhằm đạt được tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế và tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế địa phương. Với nhu cầu ngày càng tăng về cách địa phương hóa các hành động, hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), một trong những mục tiêu khó khăn nhất trong số các mục tiêu nói trên là SDG7 – bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng hiện đại, đáng tin cậy, bền vững và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Trong khi các cam kết toàn cầu có tiếng vang trong các kế hoạch phát triển quốc gia của đất nước, thách thức lớn hơn vẫn là việc thực hiện và các hành động tương ứng để hiện thực hóa đầy đủ SDG.
TS. Ma. Pamela Grace Muhi đã đưa ra đánh giá các kế hoạch năng lượng địa phương, điều này có thể đóng góp to lớn cho tất cả các bên liên quan tham gia vào quy hoạch năng lượng ở cả cấp địa phương và quốc gia bằng cách xác định những gì cần phải làm trong toàn bộ quá trình lập kế hoạch năng lượng và đánh giá các kế hoạch năng lượng hiện có để giải quyết những lỗ hổng về an ninh năng lượng trong nước. TS. Ma. Pamela Grace Muhi sử dụng kinh nghiệm của các tỉnh Palawan và Bohol làm nghiên cứu điển hình chỉ ra các lĩnh vực cần cải thiện, bao gồm nhu cầu tăng cường năng lực hơn nữa cho các nhà quy hoạch năng lượng địa phương trên khắp Phi-lip-pin nhằm phát triển hệ thống quy hoạch năng lượng địa phương và quản lý sự phát triển của chính họ.
Ông Achyut Adhhikari, Đại học Dịch vụ xã hội và Y tế tích hợp, Montreal, Ca-na-đa trình bày tham luận: “Trí tuệ nhân tạo trong quản trị: Hiện trạng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Ca-na-đa”. Ông Achyut Adhhikari cho rằng, sự đổi mới trong cung cấp dịch vụ công có thể giúp xã hội chuyển đổi nhanh hơn sang thời kỳ hậu Covid. Bên cạnh việc giảm thiểu những rắc rối về hành chính, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng hiệu quả có thể bảo vệ công dân khỏi những hành vi không mong muốn. AI biểu thị một cách rộng rãi hiệu quả của việc máy tính tái tạo trí thông minh của con người, chẳng hạn như: xác định các mẫu khác nhau và đưa ra dự đoán và quyết định.
AI bao gồm nhiều kỹ thuật, trong đó học máy là một trong những kỹ thuật được yêu thích nhất. Học máy là phương pháp triển khai các tập dữ liệu lớn để đưa ra các dự đoán cải thiện theo thời gian và với nhiều dữ liệu hơn. Đến năm 2030, Ca-na-đa đặt mục tiêu có một hệ sinh thái AI quốc gia mạnh mẽ nhất trên thế giới, được thành lập dựa trên sự xuất sắc về khoa học, đào tạo chất lượng cao và nguồn nhân tài sâu rộng; sự hợp tác công tư và các giá trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy công nghệ AI để xã hội tích cực hơn. Ông Achyut Adhhikari đề xuất các ý tưởng nhằm tăng cường quản trị cải thiện việc bảo vệ dữ liệu sinh trắc học, khung pháp lý và tiêu chuẩn chất lượng để thu thập dữ liệu sinh trắc học dựa trên các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm tập trung và các tài liệu chính sách của Chính phủ Ca-na-đa, cũng như nhiều tài liệu và bài báo nghiên cứu khác.
TS. Michville A. Rivera, Phi-lip-pin trình bày tham luận: “Làng Disiplina: Hướng tới Dự án Nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước của thành phố Valenzuela nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ cơ bản của chính quyền địa phương”. Tham luận đánh giá, chất lượng nhà ở là một khía cạnh quan trọng trong chất lượng cuộc sống vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội. Khả năng thoát nghèo của một gia đình phụ thuộc vào việc có được một nơi ở an toàn, phù hợp mức sống, mức thu nhập. Các thành phố, đô thị luôn phấn đấu để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của dân số không ngừng gia tăng. Bên cạnh đó là sự bất chấp những bất ổn về nhà ở, người dân từ khu vực nông thôn vẫn tiếp tục di cư đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Nhiều người trong số những người di cư này sống trong các khu ổ chuột và các khu định cư không chính thức với điều kiện sống tồi tàn. Do đó, các chính quyền địa phương (LGU) ở Metro Manila đã xây dựng chính sách nhà ở nhằm đáp ứng số lượng người định cư không chính thức ngày càng tăng. TS. Michville A. Rivera đã đưa ra góc nhìn tổng quan và phân tích về Làng Disiplina, một dự án nhà ở xã hội ở thành phố Valenzuela, khác với các chương trình nhà ở của Chính phủ. Dự án đã phân tích sự hài lòng của người dân khi có nhà ở như một chỉ số để đề xuất giải pháp về các dự án nhà ở xã hội hóa của chính quyền các thành phố.
NCS. Nguyễn Bích Thủy, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam hướng tới mục tiêu quản trị địa phương tốt”. Hiện nay, “quản trị tốt” có ảnh hưởng tích cực đến quá trình cải cách chính phủ ở nhiều nước trên thế giới. Về bản chất, quản trị tốt là tập hợp các nguyên tắc, tiêu chí về quản lý xã hội nhằm tối đa hóa lợi ích công cũng, như: thúc đẩy và bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của một quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép mô hình này vào quản trị quốc gia và quản trị địa phương và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: việc phân cấp giữa trung ương và địa phương được cải thiện, các địa phương có nhiều quyền tự chủ để thực hiện mục tiêu phát triển của mình; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương được nâng cao… Tuy nhiên, việc tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế: đơn vị hành chính bị chia cắt nhỏ, các địa phương thiếu nguồn lực để tự chủ… Trên cơ sở thực tiễn, bà Thủy chia sẻ một số giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng mục tiêu “quản trị địa phương tốt”.
TS. Meita Ahadiyati Kartikaningsih, Viện Hành chính quốc gia, In-đô-nê-xi-a trình bày tham luận: “Đổi mới bồi dưỡng lãnh đạo ở In-đô-nê-xi-a: Thúc đẩy cải cách hành chính và các ưu tiên phát triển”. Với mục đích phân tích những thách thức và nhu cầu về năng lực lãnh đạo của công chức In-đô-nê-xi-a và cải thiện chương trình hỗ trợ các ưu tiên cải cách quan liêu và phát triển, trên cơ sở nghiên cứu sự chuyển đổi trong đào tạo lãnh đạo ở In-đô-nê-xi-a bằng phương pháp định lượng thông qua khảo sát nhanh, TS. Meita Ahadiyati Kartikaningsih, Viện Hành chính Quốc gia, In-đô-nê-xi-a chia sẻ góc nhìn tổng quan về các kỹ năng lãnh đạo cần thiết và phương pháp truyền đạt phù hợp, đồng thời góp phần thực nghiệm giải pháp để phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm thúc đẩy cải cách tiến bộ và ưu tiên phát triển.
Phiên thảo luận 3
Điều hành phiên thảo luận buổi chiều ngày 18/10 do TS. Michville Rivera, Chính quyền địa phương Valenzuela, Phi-lip-pin và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Học viện Hành chính Quốc gia đồng điều hành.
Thảo luận tại phiên buổi chiều gồm 8 bài tham luận của các tác giả: bà Yeonsoo Han; TS. Nguyễn Quỳnh Nga; bà Nguyễn Lan Phương; Giáo sư Bang Hyeon Song; bà Jenny Pelasol; TS. Arlenne Ezpinoza; ông Dilip Raj Paudel; bà KC Malsawmtluang, TS. Lazuitluangi, TS. Lalthansanga C.
Bà Yeonsoo Han, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc trình bày tham luận: “Tác động của mô hình tiết kiệm tới sự độc lập và định hướng tương lai của thanh niên ở Hàn Quốc: Phân tích giai cấp tiềm ẩn (LCA)”.
Bà Yeonsoo Han cho biết, nhằm giúp đỡ thanh thiếu niên chịu thiệt hại nặng nề do suy thoái kinh tế bởi Covid-19 gây ra, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều loại chính sách phúc lợi dựa trên tài sản nhằm thúc đẩy sự độc lập và định hướng tương lai của thanh niên. Tài sản tích lũy thông qua tiết kiệm có khả năng tác động tích cực đến tính độc lập và định hướng tương lai của thanh niên. Nghiên cứu này cho thấy tác động của việc tiết kiệm thay đổi tùy thuộc vào tần suất và số tiền tiết kiệm. Những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành thói quen tiết kiệm một cách nhất quán. Điều đó có nghĩa là, việc tích lũy tài sản thông qua chính sách có thể giúp thanh niên có thu nhập thấp vượt qua các thách thức kinh tế – xã hội do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, có một số vấn đề với các chính sách hiện hành trong việc thúc đẩy thói quen tiết kiệm nhất quán. Vì vậy, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nên hợp tác và phản ánh ý kiến của giới trẻ để cải thiện các chính sách hiện hành.
Với tham luận: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Quỳnh Nga chia sẻ các nội dung: tổng quan về chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh; nội dung, yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh; thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh so với yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia; giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia.
Bà Nguyễn Lan Phương, Trường Hành chính công, Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA), Thái Lan trình bày tham luận: “Tầm quan trọng của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng trưởng quốc gia thời hậu Covid-19: Nghiên cứu thực nghiệm từ Việt Nam”.
Thông qua việc tìm hiểu tầm quan trọng của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững cho sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid bằng phương pháp nghiên cứu định tính, bà Nguyễn Lan Phương cho rằng, để vừa duy trì được sự phát triển kinh tế, vừa bảo đảm lợi ích của cộng đồng là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, phát triển bền vững chính là nền tảng cho sự phát triển kinh tế mà còn là phát triển bền vững xã hội của quốc gia. Chính phủ Việt Nam cần có một chiến lược dài hạn và cải thiện hệ thống pháp luật, chính sách để bảo vệ những người dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em. Nhờ đó, mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng và có thể kiểm soát được tác động của rối loạn xã hội.
Giáo sư Bang Hyeon Song, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc trình bày tham luận: “Tác động của phong cách lãnh đạo chuyển đổi tới sự hài lòng với công việc và hành vi công vụ chủ động của các công chức trực tiếp cung cấp dịch vụ”. Tham luận cho biết, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của các quan chức, bao gồm: (1) sự hài lòng của công dân, tổ chức; (2) hành vi của công dân, tổ chức có tác động tích cực đến việc quản lý của họ theo cách chủ động; (3) lãnh đạo chuyển đổi tích cực; (4) công việc được chủ động, độc lập; (5) yêu thích, hài lòng với công việc.
Bà Jenny Pelasol, Đại học Visayas, Phi-lip-pin trình bày tham luận: “Sắp xếp thể chế thực hiện Chương trình hỗ trợ cộng đồng (RCSP) và Quỹ hỗ trợ của chính quyền địa phương – Hỗ trợ cho Chương trình phát triển xã ở Tây Visayas”. Bà Jenny Pelasol cho rằng, sự hợp tác hiệu quả là rất quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa các cơ quan. Với mục đích thể chế hóa hòa bình và phát triển bền vững cho cộng đồng, Chính phủ Philippines đã khởi động Chương trình hỗ trợ cộng đồng được trang bị lại (RCSP) và Quỹ hỗ trợ chính quyền địa phương – Hỗ trợ cho Chương trình phát triển Barangay (LGSF-SBDP) vào năm 2019. Theo đó, các hướng dẫn cũng đã được ban hành nhằm xác định và bảo đảmmọi nỗ lực mang lại một quy trình thực hiện thống nhất để vận hành từ quốc gia đến khu vực và xuống chính quyền địa phương. Dựa trên phân tích tài liệu, thảo luận nhóm tập trung và phỏng vấn những người cung cấp thông tin quan trọng, nghiên cứu này phân tích vai trò của thể chế trong RCSP và LGSF-SBDP. Các vấn đề về sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan và việc hiểu biết chưa rõ ràng về trách nhiệm cần phải được giải quyết, đồng thời sự phối hợp giữa các cơ quan cần phải được tăng cường để thực hiện hiệu quả chương trình.
TS. Arlenne Ezpinoza, Đại học Tây Bắc Lyceum trình bày tham luận: “Các yếu tố tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển của các hợp tác xã quy mô lớn ở Vùng 1”. Tìm hiểu và phân tích các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của các hợp tác xã lớn ở Khu vực I, TS. Arlenne Ezpinoza chỉ ra các giá trị và nguyên tắc của tổ chức hợp tác, nhu cầu và sự tham gia của các thành viên, lãnh đạo và quản trị cũng như thực tiễn quản lý và điều hành tạo điều kiện cho hợp tác xã tăng trưởng và phát triển. Cần thiết phải can thiệp chính sách để giải quyết những thách thức đang vây hãm các hợp tác xã, như: chính phủ nên hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư và sử dụng công nghệ mới nhất, chẳng hạn, như: ngân hàng trực tuyến và di động để cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ của họ, đặc biệt là ở các khu vực địa lý không thuận lợi. Điều này cũng sẽ cải thiện lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ giữa các nhóm kinh doanh khác trong khu vực. Đồng thời, cần thiết phải đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực cũng như đội ngũ nhân viên; cần trang bị lại và nâng cao kỹ năng hơn nữa về công nghệ hiện đại để cải thiện các quy trình và hệ thống trong cung cấp dịch vụ.
Với tham luận: “Áp dụng công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số để thúc đẩy quản trị công tốt trong bối cảnh Nepal”, ông Dilip Raj Paudel, Cục Hành chính trung ương, Nepal đã làm sáng tỏ những thách thức tiềm ẩn liên quan đến việc triển khai các giải pháp công nghệ trong khuôn khổ quản trị của Nepal; nhấn mạnh sự cần thiết của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đầy đủ, các biện pháp an ninh mạng, xây dựng năng lực và các chính sách toàn diện để bảo đảm sử dụng công nghệ hiệu quả và công bằng cho mục đích quản trị. Thông qua việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế thành công và các sáng kiến hiện có ở Nepal, ông Dilip Raj Paudel đề xuất các chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực công, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, quan hệ đối tác và trao đổi kiến thức giữa nhiều bên liên quan, tận dụng kiến thức chuyên môn và nguồn lực cần thiết cho chuyển đổi bền vững.
Bà KC Malsawmtluang, TS. Lazuitluangi, TS. Lalthansanga C, Trường Cao đẳng Cơ đốc giáo Mizoram, Ấn Độ trình bày tham luận: “Quản trị công ở cấp cơ sở: Nghiên cứu trường hợp của Hội đồng làng ‘Ngopa’, Mizoram, Ấn Độ”. Nhóm nghiên cứu đã làm sáng tỏ các biến số liên kết quan trọng trong hệ thống quản trị công hiệu quả của một ngôi làng nhỏ nằm ở góc Đông Bắc xa xôi của Ấn Độ. Làng Ngopa đã được trao Giải thưởng Panchayat Quốc gia năm 2023 cho thành tích điều chỉnh tốt nhất trong tất cả các chủ đề phát triển – trong danh mục Nanaji Deshmukh Sarvottam Panchayat Satat Vikar Puraskar.
Trong các Phiên thảo luận Tiểu chủ đề 2 ngày 18/10, các đại biểu tham dự đã có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề mà các diễn giả trình bày. Phần thảo luận luôn hấp dẫn, thu hút các học giả tham gia thảo luận sôi nổi nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ tầm nhìn chiến lược, dự báo trong kiến giải các giải pháp và các khuyến nghị chính sách để quản trị công mỗi quốc gia, trong khu vực và toàn cầu vì mục tiêu phát triển bền vững.
Sau 01 ngày làm việc, các Phiên thảo luận chuyên sâu về chủ đề “Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” trong khuôn khổ Hội nghị EROPA 2023 đã gặt hái được thành công với các nội dung, yêu cầu đề ra. Những luận giải, kiến giải sâu sắc, mang tính học thuật chuyên sâu có giá trị thực tiễn và khoa học phổ quát trong khu vực và trên toàn cầu. Các Phiên thảo luận kết thúc ngày làm việc thứ hai của Hội nghị EROPA 2023.
Nhóm phóng viên