Hội nghị EROPA 2023: hoàn thành các phiên hội nghị toàn thể và tổng kết hội nghị ngày thứ nhất

(napa.vn) – Chiều ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội tiếp tục diễn ra 2 phiên Hội nghị toàn thể (2 và 3) nằm trong chương trình làm việc của Hội nghị EROPA 2023.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì phiên làm việc cùng với các diễn giả của phiên Hội nghị toàn thể 2.

Phiên Hội nghị toàn thể 2 với chủ đề: “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì.

Phiên Hội nghị gồm 4 diễn giả: Giáo sư Amporn Tamronglak, Chủ tịch Hành chính công Thái Lan (PAAT) Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ công châu Á – Thái Bình Dương (APSPA) Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat Bangkok, Thái Lan; ông Kenneth Sim, Viện trưởng Học viện Quản trị Chandler, Xinh-ga-po; TS. Gyeguen Shin, Trưởng Ban Hành chính tổng hợp, Hiệp hội Hành chính công Hàn Quốc và GS.TS. Prabhat Datta, Khoa Khoa học chính trị và hành chính công, Trường Luật Xavier, Đại học St. Xavier, Kolkata, Ấn Độ.

GS. Amporn Tamronglak, Chủ tịch Hiệp hội Hành chính Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội châu Á – Thái Bình Dương về các vấn đề công vụ thuyết trình tại phiên làm việc.

Với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững: Trường hợp của Thái Lan”. Giáo sư Amporn Tamronglak có nêu ra một số vấn đề về phát triển các dịch vụ của chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và đáp ứng nhu cầu cũng như mong đợi của người dân mọi lúc, mọi nơi; sửa đổi, phát triển sứ mệnh và cơ cấu lại vai trò của các cơ quan chính phủ để có khả năng phục hồi tốt hơn trước các xu hướng đột phá trong quản trị công; nâng cao hiệu quả và tính tích hợp của hành chính công bằng cách sử dụng công nghệ số. Những hành động trên của chính phủ sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân với sự thuận tiện và dễ tiếp cận với các dịch vụ công.

Với thực tiễn tại Thái Lan, quản trị công có vai trò thúc đẩy cải cách hành chính quốc gia. Thái Lan đặt ra mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực: luật, tư pháp, hành chính, y tế công, phát triển xã hội, năng lượng, chống tham nhũng… với tầm nhìn 20 năm tới sẽ là: An ninh – Thịnh vượng – Bền vững. Chính phủ Thái Lan tập trung phát triển nhân lực ở một số lĩnh vực, trong đó cải cách hành chính là lĩnh vực chủ chốt. Thái Lan tiếp tục thúc đẩy số hóa các hoạt động của chính phủ, bộ phận một cửa trên nền tảng số, tăng cường sự kết nối giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp để ứng phó với những thách thức hậu đại dịch Covid-19.

Ông Kenneth Sim, Viện trưởng Học viện Quản trị Chandler, Xinh-ga-po thuyết trình tại phiên làm việc.

Trình bày tại Phiên làm việc, ông Kenneth Sim nói về chủ đề lòng tin của người dân vào chính phủ. Theo ông, hiện nay, lòng tin của người dân vào chính phủ tại nhiều nước trên thế giới đang ở mức thấp. Ông đặt ra câu hỏi “bạn tin vào chính phủ sẽ làm điều đúng đắn đến mức nào”? và ông đưa ra biểu đồ so sánh lòng tin của người dân vào chính phủ ở một số nước trên thế giới với thang màu xanh đậm là có lòng tin cao thang điểm từ 60 – 100 (đứng đầu nhóm là Trung Quốc), màu xanh nhạt là có lòng tin ở mức giữa với thang điểm từ 50 – 59 (đứng đầu nhóm là Thụy Điển) và màu đỏ là có lòng tin vào chính phủ ở mức thấp với thang điểm từ 1 – 49 (đứng cuối nhóm là nước Ác-hen-ti-na). Tuy nhiên, ngược lại với lòng tin của người dân dành cho chính phủ thấp thì lòng tin của người dân dành cho doanh nghiệp lại cao hơn. Theo đó, ông cho rằng, lòng tin đang là một vấn đề rất cần quan tâm bởi vì lòng tin rất quan trọng đối với mọi vấn đề trong xã hội ngày nay. Theo đó, việc xây dựng lòng tin phải bắt đầu bằng việc nâng cao năng lực của chính phủ, cần phải tăng chỉ số năng lực của chính phủ tương quan với chỉ số tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, muốn phát triển năng lực của chính phủ, các tổ chức cần hệ thống lại các kỹ năng quản lý, điều hành, đẩy mạnh năng lực thiết kế chính sách cũng như tham vấn chính sách, cung cấp các thông tin về việc xây dựng hệ thống năng lực cho chính phủ nhằm tăng lòng tin của người dân vào chính phủ.

TS. Gyeguen Shin, Trưởng Ban Hành chính tổng hợp, Hiệp hội Hành chính công Hàn Quốc thuyết trình tại phiên làm việc.

TS. Gyeguen Shin chia sẻ tại Hội nghị về tầm nhìn và chiến lược của Hàn Quốc về vai trò của quản trị công. Ông cho rằng, hiện nay nền hành chính công của mỗi quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, như: biến đổi khí hậu, nghèo đói, ô nhiễm môi trường… Với vai trò là những người thực thi chính sách, TS. Gyeguen Shin nhận thấy mình có trách nhiệm, vai trò trong việc đóng góp chuyên môn vào việc tham vấn chính sách, chiến lược cho chính phủ trong hoạch định chính sách công nhằm mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Tại phiên làm việc, TS. Gyeguen Shin cũng giới thiệu về Hội thảo quốc tế về hành chính công sắp diễn ra tại Hàn Quốc, ông mong muốn nhận được sự giúp đỡ cũng như nhiệt tình tham gia của các cộng sự đến từ EROPA để Hàn Quốc có cơ hội mở rộng mối quan hệ cũng như đóng góp vào thành tựu chung của EROPA trong quản trị công.

GS.TS. Prabhat Datta, Khoa Khoa học chính trị và hành chính công, Trường Luật Xavier, Đại học St. Xavier, Kolkata, Ấn Độ thuyết trình tại phiên làm việc.

Vấn đề bình đẳng giới là chủ đề bài thuyết trình của GS.TS. Prabhat Datta. Với ông, bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người mà còn là điều thiết yếu cho một tương lai phát triển bền vững của một đất nước với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực tế cho thấy, hiện nay trên thế giới, phụ nữ và trẻ em vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi và bị phân biệt đối xử. Ông cho rằng, ở thế giới mới, vai trò của người phụ nữ cần được nâng cao và được đảm nhận những vị trí mới, nhất là tại Pa-ki-xtan. Ông cho biết, khu vực Nam Á đang được coi là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn tồn tại khoảng cách giới khá lớn, trên các chỉ số toàn cầu liên quan đến giới tính, khu vực Nam Á luôn xếp hạng thấp so với các khu vực khác. Do vậy, với ông, “giới” phải được coi là bàn đạp của sự phát triển bền vững tại mỗi quốc gia. Việc xây dựng các đạo luật mới về bình đẳng giới sẽ giúp phụ nữ đạt được những điều mình mong muốn. Ví dụ như: tham gia vào lĩnh vực chính trị, y tế, môi trường, phòng chống tham nhũng…

Các diễn giả được trao Chứng nhận ghi nhận đóng góp của những người điều hành các phiên thảo luận tại Hội nghị.
TS. Vincent Wong, Chủ tịch Ủy ban Nghị quyết EROPA và PGS.TS. Lương Thanh Cường đồng chủ trì phiên Hội nghị toàn thể 3 cùng các diễn giả.

Ngay sau phiên Hội nghị toàn thể 2, phiên Hội nghị toàn thể 3 của Hội nghị EROPA 2023 tiếp tục được diễn ra với chủ đề: “Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”. TS. Vincent Wong, Chủ tịch Ủy ban Nghị quyết EROPA chủ trì phiên làm việc đã giới thiệu tiến trình hội nghị và các diễn giả trình bày, gồm: TS. Woothisarn Tanchai, Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đại học Nakhon Pathom Rajabhat, Thái Lan; TS. Eduardo Araral, Jr., Đại học Quốc gia Xinh-ga-po; bà Amor Maclang, Ủy ban Thương mại Digital Pilipinas Phi-líp-pin.

TS. Woothisarn Tanchai, Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đại học Nakhon Pathom Rajabhat, Thái Lan thuyết trình tại phiên làm việc.

TS. Woothisarn Tanchai nhấn mạnh 2 nội dung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội từ thực tế qua những quan sát và kinh nghiệm của bản thân. Ông chi sẻ một số xu hướng lớn về cơ cấu kinh tế – xã hội và các nguy cơ khủng hoảng tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực công. Theo ông, xã hội Thái Lan diễn ra 3 “đứt gãy gián đoạn” (công nghệ, dịch bệnh, khoảng cách thế hệ) với tốc độ và mức độ tác động khác nhau đối với khu vực công, sự đứt gãy này đòi hỏi sự thích ứng, chuyển đổi phù hợp, nhất là trong tư duy. Theo ông, khu vực công cần có những mục tiêu mới trong tương lai, gồm: (1) Cung cấp những dịch vụ công mới, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ số; (2) Giải quyết những khủng hoảng khó lường; (3) Tái tạo năng lượng, “tái phát minh” những xu hướng tương lai có thể xảy ra. Theo đó, đòi hỏi nhiều hơn vai trò đa dạng của Chính phủ trong tăng cường sự phối hợp, tham gia, kiểm soát của người dân trong quá trình hoạch định chính sách song song với xây dựng dữ liệu mở, quy trình mở, quản trị mở.

TS. Eduardo Araral, Jr., Đại học Quốc gia Xinh-ga-po thuyết trình tại phiên làm việc.

TS. Eduardo Araral, Jr. cho biết, bản thân đã có 42 lần tới thăm và làm việc tại Việt Nam, trong đó đã tham gia giảng dạy nhiều cán bộ, lãnh đạo Việt Nam về hành chính công. Ông chia sẻ 9 bí quyết của nền hành chính công Xinh-ga-po và vấn đề quan trọng nhất là tuyển dụng và nuôi dưỡng tài năng, gồm: (1) Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; (2) Quản lý và phát triển nhân tài; (3) Phát triển khả năng lãnh đạo; (4) Đào tạo sau đại học; (5) Khen thưởng, tạo động lực; (6) Luân chuyển; (7) Đánh giá và thăng tiến; (8) Quy hoạch và đổi mới; (9) Chế độ sau khi nghỉ hưu.

Bà Amor Maclang, Ủy ban Thương mại Digital Pilipinas Phi-líp-pin thuyết trình tại phiên làm việc.

Với bài thuyết trình: “Công nghệ là chìa khóa cho phát triển bền vững, quản trị hiệu quả và phát triển kinh tế địa phương”, bà Amor Maclang mang tới Hội nghị nhiều thông tin thú vị, đặc biệt về công nghệ số và công nghệ truyền thông. Theo bà, không thể chuyển đổi số toàn diện nếu thiếu các chương trình xuyên biên giới với sự tham gia của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt, khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng. Dự đoán vào năm 2030, ASEAN sẽ đóng góp gần 40% trong nền kinh tế thế giới, chủ yếu được thúc đẩy bởi kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò là hạt nhân cho chuyển đổi số.

Các diễn giả được trao Chứng nhận ghi nhận đóng góp của những người điều hành các phiên thảo luận tại Hội nghị.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tổng kết Hội nghị ngày thứ nhất.

Phát biểu tổng kết Hội nghị ngày thứ nhất, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia trân trọng gửi lời cảm ơn các đại biểu quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã quan tâm, tham gia và tham luận tại Hội nghị. Hội nghị cũng vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Thị Thanh Trà đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ngày thứ nhất của Hội nghị có 3 phiên hội nghị toàn thể, trong phiên Hội nghị toàn thể 1: “Diễn đàn Lãnh đạo châu Á lần thứ 11 về quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững”. Hội nghị đã lắng nghe 4 diễn giả trình bày về những nội dung cải cách ở các quốc gia In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a; thiết lập Mạng lưới công vụ Astana nhằm thúc đẩy quản trị công và hướng tới đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Trong phiên Hội nghị toàn thể 2: “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”, Hội nghị đã nghe 4 bài trình bày đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Xinh-ga-po chia sẻ từ thực trạng phục hồi kinh tế hưởng tới phát triển bền vững. Ấn tượng với mục tiêu của chiến lược quốc gia, tầm nhìn 20 năm của Thái Lan; tầm quan trọng của niềm tin của người dân với Chính phủ và giải pháp nâng cao năng lực của Chính phủ; gia tăng tính minh bạch, phương thức hợp tác của Chính phủ trong phát triển bền vững – kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc; bình đẳng giới là động lực phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững – kinh nghiệm từ Ấn Độ.

Trong phiên Hội nghị toàn thể 3: “Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, Hội nghị đã nghe các bài trình bày tập trung thảo luận về bối cảnh VUCA hiện tại với các yếu tố đầy biến động, không chắc chắn, phức hợp, mơ hồ và sự tác động của các yếu tố này tới xã hội; các vấn đề cần xem xét để xây dựng tương lai của khu vực công. Theo đó, đòi hỏi đổi mới vai trò và hoạt động của Chính phủ, đồng thời nâng cao năng lực quản trị công trong bối cảnh mới. Để nâng cao năng lực quản trị công, cần chú trọng tới thay đổi tư duy, nâng cao năng lực các nhà lãnh đạo các tổ chức công, thu hút và quản lý nhân tài cho khu vực công; chú trọng công tác khen thưởng, đánh giá để bồi dưỡng nhân tài cho khu vực công, khẳng định vai trò của công nghệ đối với quản trị bền vững.

Văn nghệ chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị EROPA 2023 tại tiệc chiêu đãi.

* Buổi tối cùng ngày, Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia đã chủ trì tổ tức tiệc chiêu đãi các đại biểu tham dự Hội nghị EROPA 2023 với sự tiếp đón thịnh tình, nồng hậu cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của nước chủ nhà Việt Nam.

*Ngày 18/10, Hội nghị EROPA tiếp tục diễn ra với các phiên họp chuyên đề đồng thời với các chủ đề: (1) Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: vấn đề đặt ra và nhu cầu đổi mới quản trị công; (2) Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; (3) Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.

Nhóm phóng viên

Comments are closed.