(napa.vn) – Thực hiện chương trình làm việc của EROPA 2023, ngày 18/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra các phiên thảo luận sâu theo từng chủ đề. Tiểu chủ đề 1 với nội dung “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: vấn đề đặt ra và nhu cầu đổi mới quản trị công” đã kết thúc tốt đẹp với hơn 40 tham luận được trình bày.
Ban điều hành Phiên 1, Tiểu chủ đề 1, Phòng 1
Ban điều hành Tiểu chủ đề 1 phiên buổi sáng (Phòng 1): TS. Juvy Lizette Gervacio, Đại học Mở Phi-líp-pin và TS. Nguyễn Thị Kim Chung, Học viện Hành chính Quốc gia.
Tham luận với nội dung duy trì nguồn nhân lực công cho phục hồi, TS. Nguyễn Trang Thu cho biết, khu vực công của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng di chuyển nguồn lực công sang khu vực tư trầm trọng và mức độ cam kết thấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19. TS. Thu cũng nhấn mạnh vai trò của các nhà quản lý cấp trung và sự giao tiếp của họ trong việc giải quyết vấn đề này ở cấp tổ chức. Khi người lãnh đạo áp dụng phong cách giao tiếp thúc đẩy sự tham gia, họ có thể nâng cao sự cam kết của cấp dưới đối với tổ chức. Với nguồn dữ liệu định tính và định lượng được khảo sát và thu thập được từ các nhà quản lý và nhân viên trọng khu vực công để làm bằng chứng. Do đó, dựa trên những phát hiện này, các đề xuất được bà Thu đưa ra cho lãnh đạo, quản lý khu vực công để cải thiện giao tiếp với nhân viên nhằm giữ chân lực lượng lao động dịch vụ cho khu vực công.
TS. Eduardo Araral, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Xinh-ga-po trình bày tham luận có chủ đề 75 năm Tạp chí Hành chính công: sử dụng AI để tổng hợp chủ đề các xu hướng, phương pháp và quyền tác giả.
Tạp chí đã sử dụng mô hình chủ đề tương quan (CTM), một mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến và máy học không giám sát để phân tích, kiểm tra các xu hướng cũng với sự khác biệt và tương quan về chủ đề, phương pháp và quyền tác giả trong 75 năm (từ 1940 – 2016) trên 8.140 bài báo và 140 triệu từ. Qua đó, kết luận, đánh giá ý nghĩa của việc thúc đẩy lý thuyết, phương pháp và thực hành quản lý công.
Tiến sĩ Nakagawa Go, Trung tâm Nghiên cứu thành phố Nhật Bản trình bày về vấn đề tham nhũng chính trị. Mục tiêu chính của bài trình bày thảo luận về tham nhũng chính trị từ 2 góc độ khác nhau. Trong nhiều năm, một số nhà kinh tế đã tranh luận về tác động bất lợi của tham nhũng chính trị đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong một số môi trường chính trị, tham nhũng dường như có chức năng “bôi trơn” đối với xã hội. Điều này đặc biệt đúng ở châu Á, nơi văn hóa tặng quà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tham nhũng chính trị sẽ có hai mặt khác nhau. Nó có thể tạo ra tác động tiêu cực đến việc mở rộng kinh tế, trong khi nó cũng sẽ trở thành “chất bôi trơn” xã hội và giúp các quốc gia đang phát triển tạo ra sự mở rộng kinh tế nhanh chóng. Từ lâu, một số nhà kinh tế đã cho rằng, tham nhũng chính trị ngăn cản tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước.
TS. Harold Pareja, Trường Đại học Ateneo de Davao tham luận tại phiên làm việc với chủ đề: “Doanh nghiệp kinh tế công ở chính quyền địa phương: Đánh giá so sánh”. Theo ông, các doanh nghiệp kinh tế công hiện nay phát triển nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng mỗi quốc gia lại áp dụng những mô hình khác nhau và thậm chí cả những mô hình linh hoạt theo tình hình phát triển của kinh tế đất nước. Bài học rút ra từ các nước đó là cần có sự nhìn nhận lại về doanh nghiệp kinh tế công, trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp tại chính quyền địa phương. Tham luận đã tập trung tìm hiểu các doanh nghiệp kinh tế công trong chính quyền địa phương của các nước công nghiệp và đang phát triển được lựa chọn trong nghiên cứu. Cụ thể, nghiên cứu sẽ trả lời các câu hỏi sau: (1) Mục đích và khuôn khổ của các doanh nghiệp kinh tế địa phương được các quốc gia này áp dụng là gì; (2) Những vấn đề, thách thức của các doanh nghiệp kinh tế công tại chính quyền địa phương tác động thế nào đến bộ máy hành chính và tính bền vững là gì?.
Bà Reiou Regie Manuel, Chính quyền thành phố Caloocan, Phi-líp-pin tham luận “Sự đổi mới không thể đo lường và tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức của Chương trình hiện đại hóa phương tiện công cộng (PUJ) tại Phi-líp-pin”. Tham luận bàn về cách Chính phủ Phi-líp-pin thực hành đạo đức và trách nhiệm giải trình trong Chương trình PUJ. Liệu chương trình có thể đưa ra câu trả lời và chịu trách nhiệm trước người dân, các nhà lập pháp, cơ quan thực hiện trước vấn đề đạo đức của Chương trình PUJ hay không. Trong lĩnh vực giao thông – vận tải của Phi-líp-pin, Chương trình hiện đại hóa PUJ nhằm mục đích cung cấp phương tiện giao thông bền vững với môi trường và sinh kế xứng đáng cho người dân, đồng thời giảm bớt tắc nghẽn giao thông đô thị trên khắp đất nước. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chương trình đổi mới công cộng khác, Chương trình hiện đại hóa PUJ có những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến các bên liên quan trực tiếp, dẫn đến câu hỏi: “liệu giá trị của các bên liên quan có được xem xét hay không và liệu đạo đức và trách nhiệm giải trình có được thực hiện bởi những người thực thi nhiệm vụ hay không”?
Quỹ là một khoản trợ cấp được cấp cho các đơn vị chính quyền địa phương đáp ứng các tiêu chí đánh giá của quản trị địa phương tốt để tài trợ cho các dự án có sức ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, quá trình xây dựng các dự án này có thể gây ra rủi ro cho môi trường do ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên. Nghiên cứu này đã kiểm tra 8 dự án hạ tầng PCF ở tỉnh La Union vào năm 2019 và sử dụng các phương pháp định tính, định lượng, bao gồm cả bảng câu hỏi đã được kiểm chứng. Nghiên cứu thực tế cho thấy, các dự án PCF đã triển khai ở mức độ vừa phải các tiêu chuẩn và thông lệ về môi trường. Những trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động môi trường bao gồm thiếu cơ sở vật chất và cơ chế, gắn chặt với các hoạt động cũ và thiếu các chính sách và tiêu chuẩn môi trường cụ thể. Dựa trên những nghiên cứu này, một kế hoạch bền vững về quản lý môi trường đã được xác thực đã được phát triển. Nghiên cứu này góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường trong các dự án hạ tầng PCF và nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững trong bối cảnh quản trị địa phương.
TS. Gary Lapiz, Đại học Sư phạm Cebu, Phi-líp-pin tham luận chủ đề: “Đạo đức và trách nhiệm giải trình trong dịch vụ công, một thuật ngữ quản trị được ghi nhận”. Nghiên cứu định tính này đưa ra “từ khóa” các thuật ngữ cơ bản được sử dụng trong các chính sách của Phi-líp-pin về đạo đức và trách nhiệm giải trình trong dịch vụ công để sử dụng trong quản trị. Các thuật ngữ quản trị được sử dụng có thể làm cơ sở và/hoặc hướng dẫn trong việc thiết kế và xây dựng cho cả học giả và những người thực thi trong nền hành chính công, đặc biệt là trong các vấn đề dịch vụ công hằng ngày. Việc loại bỏ các thuật ngữ khỏi chính sách càng chứng tỏ rằng dịch vụ công và/hoặc nghĩa vụ công là sự quản lý tốt về mặt đạo đức và trách nhiệm giải trình. Tiến sĩ Gary Lapiz nhấn mạnh tầm quan trọng và tính bền vững của chính sách công trong việc khôi phục nguồn lao động sau khủng hoảng Covid-19. Nghiên cứu này góp phần cải thiện hiệu suất môi trường trong các dự án hạ tầng và tương tự tại Phi-líp-pin.
ThS. Đỗ Hải Hà, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận với chủ đề “Chính sách công trong phục hồi nguồn lao động sau khủng hoảng Covid-19, hướng phát triển bền vững”. Nội dung tham luận tập trung vào những vấn đề đặt ra và yêu cầu đổi mới trong nền hành chính công để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mà yếu tố quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực. Yếu tố này đóng vai trò quyết định trong quá trình tái khởi động sản xuất – kinh doanh hậu đại dịch Covid-19. Vì vậy, khôi phục và phát triển thị trường lao động đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà các tổ chức đang hướng tới. Theo bà Hà, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tới nguồn lao động rất cần sự nỗ lực chung tay của người lao động, các tổ chức và đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ trong xây dựng chính sách công.
Ban điều hành Phiên 1, Tiểu chủ đề 1, phòng 4
Ban điều hành Tiểu chủ đề 1 phiên buổi sáng (phòng 4): TS. Alex Brilliantes, Tổng Thư ký EROPA và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia đồng điều hành.
Bà Julie Espinosa và TS. Rosalie Leal, Đại học Isabela, Phi-líp-pin có bài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng điều tra về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (VAWC) tại cộng đồng ở ba cấp độ: (1) hệ thống VAWC (các chính sách và quy định); (2) thực thể (thiết lập bảng VAWC); (3) Cấp độ cá nhân (nhân viên phụ trách VAWC). Đại diện nhóm trình bày, bà Julie Espinosa chia sẻ về dữ liệu được thu thập cho nghiên cứu thông qua cuộc khảo sát với 33 nhân viên phụ trách VAWC bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn hoạt động và công cụ đánh giá dành cho các dịch vụ giải quyết vấn đề VAWC tại Phi-líp-pin. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các quy tắc về VAWC cấp cơ sở không được thực thi đầy đủ ở San Mateo. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy còn thiếu công nghệ và nguồn lực để xử lý thích hợp các tình huống VAWC. Hơn nữa, trình độ học vấn của nhân viên phụ trách vấn đề VAWC cũng là 1 yếu tố làm cản trở khả năng thực hiện nghĩa vụ của họ một cách hiệu quả do bằng cấp về vấn đề liên quan bị thiếu.
Bà Dai Yiming, Học viện Khoa học nhân sự Trung Quốc nêu vấn đề liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của cải cách kinh tế – xã hội, tạo việc làm như một sự bổ sung cho thiết kế công việc từ trên xuống ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nghiên cứu và thực tiễn quản lý. Theo lý thuyết tạo việc làm và lý thuyết điều tiết vấn đề này cần sự nghiên cứu tác động tương tác giữa nhu cầu cá nhân và hành vi lãnh đạo đối với việc tạo việc làm từ hai phía. Dưới sự lãnh đạo chuyển đổi ở cấp độ cao, nhu cầu phát triển cá nhân sẽ ảnh hưởng đáng kể hơn đến việc tạo việc làm theo định hướng thăng tiến và sự tương tác giữa việc tạo việc làm theo định hướng thăng tiến và phòng ngừa.
PGS. Hyesong Ha, Trường Chính sách công Nazarbayev, Ka-dắc-xtan đại diện nhóm diễn giả đã trình bày nội dung liên quan đến quốc gia chuyên chế và dân chủ: tác động của đại dịch Covid-19 lên hệ thống y tế công cộng. Câu chuyện đặt ra ở đây là, nhà nước chuyên chế có khả năng ứng phó tốt hơn với những thách thức của đại dịch Covid-19 nhờ thực thi quyền lực nghiêm ngặt cùng với sự tuân thủ của người dân và tốc độ đưa ra quyết định chuyên quyền khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng (cụ thể là dịch Covid-19 vừa qua). Tuy nhiên, bằng chứng nghiên cứu cho đến nay về khẳng định này vẫn chưa thuyết phục hoặc không có sự nhất quán. Bài trình bày tập trung phân tích dữ liệu từ các quốc gia dân chủ và quốc gia chuyên chế với mục đích tìm hiểu xem liệu các chế độ chuyên quyền sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn (can thiệp chính sách để giải quyết Covid) có mang lại kết quả sức khỏe cộng đồng tốt hơn so với các chế độ dân chủ hay không.
Đại diện nhóm diễn giả đến từ Trường Cao đẳng Hành chính và quản trị quốc gia, Trường Đại học Diliman, Đại học Phi-líp-pin, ông Marvin Jay Musngi trình bày về nội dung quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai để phát triển bền vững ở Phi-líp-pin. Phương pháp nghiên cứu AR/VR vẫn cần được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai hiện nay tại Phi-líp-pin. Bằng cách thu hút được sự ủng hộ và cam kết từ các nhà lãnh đạo chính trị, Phi-líp-pin có thể mở đường cho việc tích hợp thành công công nghệ AR/VR, cuối cùng là tăng cường các nỗ lực phòng ngừa, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thảm họa của đất nước.
TS. Ahmed Safiqul Huque, Đại học McMaster tập trung vào phân tích khái niệm quản trị công đã thống trị các cuộc thảo luận về dân chủ và phát triển kể từ đầu thế kỷ XXI. Ông nhận thấy, các học giả và những nhà thực tiễn đều phản ứng tích cực với vấn đề quản trị công và chính phủ nhiều nước đã chủ động thiết lập nền quản trị tốt tại đất nước mình. Ở các nước đang phát triển, bộ máy quan liêu là cơ quan chủ chốt có trách nhiệm thiết lập và vận hành một hệ thống nhằm hoàn thành các mục tiêu quản lý công. Điều này dẫn đến căng thẳng giữa thể chế nhà nước dân chủ và bộ máy quan liêu. Mối quan hệ giữa nhà nước và bộ máy quan liêu ngày càng trở nên phức tạp trước những diễn biến mới của thế kỷ XXI. Dựa trên việc nghiên cứu các nguồn tài liệu, tham luận đã phân tích những thách thức mà cả nhà nước dân chủ và bộ máy quan liêu gặp phải, từ đó đưa ra các công cụ và chiến lược nhằm điều chỉnh vai trò của cả hai chủ thể trên để xây dựng quản trị công hiệu quả.
TS. A.S. Edward Light Ocana Jr., Đại học Đông Phi-líp-pin nêu, Bắc Samar là tỉnh mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp được mệnh danh là “vựa lúa” ở Đông Visayas với tổng diện tích hơn 349.800 ha nhưng với tỷ lệ nghèo đói lại ở mức cao trong khu vực. Với thông số này, Dự án Trợ giúp phát triển nông nghiệp Catubig (HCAAP) đã trợ giúp chính phủ nhận được khoản vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lên tới 5,2 tỷ yên để hỗ trợ phát triển cho 4.550 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai đã dừng lại vào năm 2013 khi ngân sách gần cạn kiệt và dự án chưa hoàn thành. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hỗ trợ này đã không thể cung cấp hệ thống thủy lợi cho hầu hết 4.550 ha khu vực dịch vụ ở 64 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Nghiên cứu kết luận rằng, dự án phát triển nông thôn chỉ là giấc mơ đối với nông dân Bắc Samar nếu Chính phủ Phi-líp-pin không thực hiện cải cách nông nghiệp thực sự.
Bà Hamida Rosidanti Susilatun, Viện Hành chính công quốc gia In-đô-nê-xi-a đại diện nhóm diễn giả trình bày nội dung về sự tổn thương trước thiên tai của In-đô-nê-xi-a. In-đô-nê-xi-a là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai. Một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai là Sleman Regency, tỉnh DIY. Thiên tai sẽ có tác động lớn đến điều kiện kinh tế – xã hội của cộng đồng địa phương, như: mất đi tính mạng, tài sản và các tài liệu có giá trị (lưu trữ gia đình). Theo nhóm nghiên cứu, việc cộng đồng quản lý tốt kho lưu trữ gia đình là một cách có thể thực hiện để hỗ trợ phục hồi các điều kiện kinh tế – xã hội sau thiên tai. DPK Sleman là cơ quan lưu trữ khu vực có nhiệm vụ hướng dẫn quản lý lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ gia đình. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là nghiên cứu mô tả với cách tiếp cận định tính. Kỹ thuật thu thập dữ liệu là phỏng vấn, xem xét tài liệu và quan sát.
Ông Donguk Kim, Đại học Sungkyunkuan, Hàn Quốc đại diện nhóm diễn giả trình bày về khả năng phục hồi sau thảm họa, tập trung vào vấn đề cháy rừng. Nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chống chọi với cháy rừng và thiên tai, đồng thời xác định các khu vực có khả năng chống chịu thiên tai ở mức độ cao và thấp. Nghiên cứu sử dụng các biến số về năng lực hành chính và chính sách, điều kiện kinh tế và yếu tố con người đối với khả năng phục hồi kinh tế – xã hội. Qua phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy cả ba năng lực này đều có tác động quan trọng đến khả năng phục hồi sau thảm họa cháy rừng. Do đó, các hàm ý chính sách như sau: (1) Cần thiết lập một mạng lưới hợp tác quản trị như: chính quyền địa phương lân cận, khu vực tư nhân và cộng đồng chứ không phải chính quyền địa phương riêng lẻ. (2) Thông qua nghiên cứu dự báo và phòng chống cháy rừng, người dân địa phương, cán bộ chính quyền địa phương và xã hội dân sự cần được tìm hiểu cẩm nang ở những nơi thường xuyên xảy ra cháy rừng. (3) Sau thảm họa quy mô lớn, cần tìm cách tăng khả năng chống chịu thông qua yếu tố vốn xã hội.
TS. Reginald G. Ugaddan, Trường Cao đẳng Hành chính và Quản trị Quốc gia Trường Đại học Diliman, Đại học Phi-líp-pin đại diện cho nhóm diễn giả trình bày chủ đề: “Thử thách của đại dịch: Quản trị điện tử là trụ cột cho niềm tin vào Chính phủ”. Ông nhấn mạnh, năm 2020, thế giới bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại dịch toàn cầu này đã khiến các quốc gia chuyển sang các dịch vụ và hoạt động trực tuyến, bao gồm cả các giao dịch của chính phủ. Người dân và các tổ chức được yêu cầu phản ứng nhanh chóng liên quan đến những hạn chế do đại dịch gây ra. Nghiên cứu được nhóm diễn giả đưa ra cũng tìm hiểu về tác động của nền tảng chính phủ điện tử đến niềm tin của công chúng và sự hài lòng của người dân trong thời kỳ đại dịch. Kết quả cho thấy, chỉ có thông tin và chất lượng dịch vụ mới có ý nghĩa quan trọng trong niềm tin của công chúng.
Ban điều hành Phiên 2, Tiểu chủ đề 1, phòng 1
Chủ trì phiên làm việc buổi chiều Tiểu chủ đề 1: GS.TS. Akio Kamiko, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản và TS. Nguyễn Trang Thu, Học viện Hành chính Quốc gia (Phòng 1).
Trình bày mở đầu phiên làm việc buổi chiều, TS. Hiroaki Inatsugu, Đại học Waseda tham luận chủ đề “Quản lý nhân sự công của chính quyền địa phương ở Nhật Bản: Chính phủ trung ương kiểm soát tổng chi phí nhân sự trên toàn quốc như thế nào? So với các nước OECD khác, khu vực công của Nhật Bản có số lượng công chức rất thấp và tỷ trọng tổng chi phí nhân sự trong tổng chi tiêu cũng thấp. Ông giải thích mối quan hệ trung ương – địa phương độc đáo trong quá trình kiểm soát tổng chi phí lao động của Nhật Bản, so sánh với kết quả khảo sát chuyên sâu của Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Mỹ. Qua đó làm rõ hơn những vấn đề liên quan mối quan hệ trung ương – địa phương về nhân sự, tiền lương và quản lý nguồn nhân lực trong tương lai của chính quyền địa phương.
GS. Kezzie Lyn Hilado đại diện nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Visayas, Phi-líp-pin báo cáo tham luận đánh giá sự hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển xã (SBPD) tại một số đô thị ở Tây Visayas, Phi-líp-pin – một nội dung trong chiến lược tổng lực toàn quốc của Phi-líp-pin hướng tới nền hòa bình bền vững và toàn diện. Nghiên cứu mô tả việc thực hiện Chương trình hỗ trợ cộng đồng được trang bị lại (RCSP) nêu bật Hỗ trợ cho Chương trình phát triển Barangay (SBDP) tại 3 xã được chọn ở tỉnh Iloilo. Trong báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường phối hợp liên cơ quan, nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và xem xét các chính sách về phân bổ ngân sách và mua sắm của chính phủ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát tham nhũng trong hành chính công: Bằng chứng từ Việt Nam là chủ đề tham luận của PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh, Học viện Hành chính Quốc gia. Từ những kết quả nghiên cứu định lượng giúp bổ sung bằng chứng thực nghiệm nhằm cung cấp sự hiểu biết toàn diện hơn về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Nghiên cứu xem xét tác động của 5 yếu tố tác động đến phòng, chống tham nhũng trong hành chính công ở Việt Nam, bao gồm: thể chế, văn hóa, chính trị, kinh tế và con người. Kết quả chỉ ra rằng, cả 5 yếu tố đều có tác động tích cực và đáng kể, trong đó yếu tố Chính trị có tác động rõ rệt nhất. Các phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của những cải cách về thể chế nhằm thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và các biện pháp quản trị hiệu quả nhằm khơi dậy niềm tin của công chúng vào khả năng ngăn chặn và chống tham nhũng của Chính phủ.
TS. Saidamin Bagolong đóng góp tham luận đánh giá vai trò của đường giao thông từ trang trại đến chợ trong quá trình phục hồi kinh tế – xã hội thời kỳ hậu Covid-19 ở tỉnh Maguindanao, vùng Bangsamoro, Phi-líp-pin. Các phát hiện cho thấy vai trò của đường giao thông từ nông trại đến chợ trong cơ hội việc làm, vận chuyển người, hàng hóa và dịch vụ, khả năng tiếp cận và trách nhiệm giải trình với cộng đồng là ở mức độ vừa phải, tuy nhiên, liên quan đến việc trao quyền cho con người, sự gắn kết và cộng đồng kiên cường là rất rõ ràng. Do đó, đường giao thông từ nông trại đến chợ góp phần đáng kể vào sự phục hồi kinh tế xã hội của các cộng đồng sau Covid-19, nhất là đối với cải thiện sản xuất nông nghiệp.
TS. Ainonnacirin Abdulgani, Đại học Mindanao, Phi-lip-pin tham luận về sự không tương xứng giữa mức độ hài lòng và hiệu suất công việc của các đầu mối trong Bộ Dịch vụ và Phát triển xã hội ở vùng Bangsamoro. Nghiên cứu cho thấy, không có mối tương quan đáng kể giữa sự hài lòng trong công việc và hiệu suất công việc và giả thuyết không được chấp nhận. Điều đó cho thấy giải pháp nâng cao hiệu suất làm việc cho nhân viên một cách hiệu quả nhất là cải thiện các kỹ năng thông qua giáo dục và đào tạo, đồng thời bảo đảm các chế độ, chính sách.
TS. Putri Noorafedah Megat Tajudin, Trường Dịch vụ hành chính công Ma-lai-xi-a tham luận: Hướng tới trao quyền bền vững: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vi mô hướng tới giảm phụ thuộc vào phúc lợi ở Ma-lai-xi-a. Nghiên cứu khám phá quá trình trao quyền bền vững giữa các doanh nghiệp vi mô được hướng dẫn trong một chương trình phúc lợi hiệu quả bằng cách giải quyết việc trao quyền bền vững thông qua các chiến lược đối phó, học tập suốt đời và quản lý kinh doanh hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có những nỗ lực nhất quán, quản lý chương trình tốt và sự hỗ trợ đầy đủ từ gia đình và cộng đồng.
Tham luận của TS. Ma. Rita Reario, Đại học Isabela, Phi-líp-pin mang tới cái nhìn sâu sắc về quy trình đăng ký, mức độ nhận thức và những thách thức liên quan trong Hệ thống đăng ký các ngành chủ yếu của Nông nghiệp (RSBSA) ở tỉnh Isabela, Phi-líp-pin. Đây là hệ thống được xây dựng cho cho các đối tượng: nông dân, công nhân/người lao động ở nông trại, ngư dân, lao động nông nghiệp trẻ. Nghiên cứu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hành chính và quản trị công, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.
Cùng tới từ Đại học Isabela, Phi-líp-pin, TS. Rosalie Leal đóng góp tham luận đánh giá việc thực hiện các dịch vụ công ở San Mateo, tỉnh Isabela, qua đó đưa ra một số khuyến nghị trong triển khai các dịch vụ công, như: tăng cường tính bền vững của dịch vụ công thông qua sự đáp ứng và phù hợp nhu cầu người dân; đối với Sở Nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với trường đại học các tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật; tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ cho những dịch vụ cơ bản vì lợi ích chung của người dân và xã hội.
Về vấn đề hành vi bỏ phiếu và sự ưa thích của cử tri ở thành phố Tarlac, TS. Edwin Caoleng, Đại học Tarlac, Phi-líp-pin đã trình bày những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và sở thích của cử tri trong việc lựa chọn ứng cử viên bầu cử và sự cải thiện hành vi bỏ phiếu và sở thích của cử tri. Trong đó, cử tri quan tâm đến những đặc điểm và đề xuất độc đáo mà mỗi ứng cử viên bầu cử phải đưa ra. Trong một số trường hợp, các cử tri trẻ thậm chí còn bị cản trở khi bỏ phiếu từ các chính trị gia truyền thống thay vào đó là lựa chọn các diễn viên, nhân vật truyền hình còn thiếu kinh nghiệm hoặc trình độ học vấn.
TS. Juvy Lizette Gervacio, Đại học Mở Phi-líp-pin tham luận nội dung: Bảo đảm lương thực ở Phi-líp-pin, đánh giá ban đầu về Luật Thuế quan gạo. Bà cho biết, ở Phi-líp-pin, lương thực quan trọng là gạo được tiêu thụ ước tính cho khoảng 100 triệu người, thu nhập từ gạo cũng là nguồn thu nhập chính của người nông dân. Theo đó, ngày 15/02/2019, Luật Thuế quan gạo (RTL) được ban hành loại bỏ hạn chế định lượng hoặc lệnh cấm nhập khẩu gạo, cho phép nhập khẩu gạo với quy định đóng thuế nhập khẩu. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung gạo không ổn định trong nước.
Quan tâm đến nội dung đánh giá năng lực cán bộ cấp cơ sở ở Phi-líp-pin, TS. Patricia Ann Estrada, Đại học Tarlac, Phi-líp-pin đã đánh giá tổng quan năng lực cán bộ cơ sở về khả năng lập kế hoạch, kỹ năng điều hành cuộc họp, giám sát, đánh giá, báo cáo, lập nghị quyết và điều hành, qua đó xác định các yêu cầu nâng cao năng lực của cán bộ cấp cơ sở ở Phi-líp-pin hiện nay.
TS. Liza Joy Galanza, Đại học Visayas, Phi-líp-pin trình tham luận với chủ đề: Giám sát và đánh giá trông qua công nghệ: Phát triển các ứng dụng giám sát và đánh giá dự án cho Chương trình hỗ trợ cộng đồng của Quỹ hỗ trợ của chính quyền địa phương – Hỗ trợ Chương trình phát triển xã (RCSP LGSF-SBDP) ở đảo Panay, Phi-líp-pin. Việc đánh giá và giám sát các dự án này là cần thiết nhằm xác định tính hiệu quả của chương trình hướng tới đạt được các mục tiêu hòa bình toàn diện và bền vững. Trong đó, quản lý dữ liệu được hệ thống hóa có thể giúp phân tích, giám sát và đánh giá hiệu quả và chính xác hơn, ngay cả ở những khu vực xa xôi, không có internet.
Bà Ayurisya Dominata, nhà phân tích chính sách, Cơ quan nghiên cứu và đổi mới quốc gia, Đại học Sains Ma-lai-xi-a tham luận với nội dung: Phát triển năng lực nhân sự và quản lý của các tổ chức giáo dục In-đô-nê-xi-a để đạt được xếp hạng đại học tốp đầu và thúc đẩy quản trị công tốt, trong đó đưa ra 7 chiến lược nâng cao chất lượng và thứ hạng của các cơ sở giáo dục, bao gồm: (1) Thói quen không phải sự ép buộc; (2) Giáo dục công bằng; (3) Duy trì danh tiếng học thuật, uy tín của các nhà giáo, chất lượng sinh viên ở từng khoa và tăng cường nghiên cứu các trường đại học quốc tế; (4) Tiếp nhận các sinh viên quốc tế; (5) Sự tâm huyết và công bằng trong thiết lập các tiêu chuẩn làm việc; (6) Loại bỏ hệ thống tuyển chọn hoặc tốt nghiệp dựa trên quan hệ, chủ nghĩa gia đình, người thân; (7) Xây dựng nền giáo dục mang tính mở và tầm nhìn toàn cầu.
Ban điều hành Phiên 2, Tiểu chủ đề 1, phòng 4
Điều hành phiên làm việc buổi chiều Tiểu chủ đề 1: TS. Reginald Ugaddan, Trường Hành chính và quản trị quốc gia, Phi-líp-pin và TS. Nguyễn Thị Kim Chung, Học viện Hành chính Quốc gia (Phòng 4).
Ông Kent Elmann Cadalinfhid đại diện nhóm diễn giả nhấn mạnh vào các đơn vị chính quyền địa phương (LGU) là các đơn vị thiết yếu trong hành động về chống biến đổi khí hậu trong Đạo luật về biến đổi khí hậu năm 2009, nghiên cứu này xem xét năng lực và sự gắn kết chính sách của chính quyền địa phương ở Metro Manila, Phi-líp-pin trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Khi giải quyết rủi ro khí hậu ở cấp đô thị rất cần sự nhất quán chính sách để đạt được mục tiêu chính sách đề. Phương pháp tiếp cận tích hợp cả kỹ thuật định lượng và định tính, đã được áp dụng để cung cấp một cuộc kiểm tra toàn diện về sự gắn kết chính sách của các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu địa phương ở Metro Manila.
Nhóm diễn giả đến từ Trường Đại học Tribhuvan, Nê-pan có tham luận: “Tham nhũng trong lĩnh vực y tế thời kỳ đại dịch Covid-19 ở Nê-pan”. Theo báo cáo của ông Manish Pokhel, đại diện nhóm diễn giả thì khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nạn tham nhũng đã gia tăng trên toàn thế giới, cả ở các nước phát triển và nước đang phát triển, đặc biệt là tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Theo điều tra khảo sát của nhóm diễn giả thì nạn tham nhũng trong lĩnh vực y tế kéo từ hình thức này sang hình thức khác, lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Vấn đề này đã khiến các nhà hoạch định chính sách gặp phải khó khăn vô cùng lớn trong giải quyết tình hình. Ở Nê-pan, nạn tham nhũng trong lĩnh vực y tế phổ biến đối với các nhà cung cấp vật tư và dichh vụ chăm sóc sức khỏe tại nước này.
Ông Gino Rae Contreras, Đại học bang Don Mariano Marcos, Phi-líp-pin đại diện nhóm diễn giả thuyết trình nội dung: “Kiến thức về HIV/AIDS, thái độ và hành vi tình dục của thanh niên tỉnh La Union”. Theo ông, nhận thức và hành vi là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh HIV/AIDS. Tại tỉnh La Union, thông tin về HIV/AIDS được người trẻ biết đến chủ yếu thông qua mạng xã hội mà thiếu thông tin từ những nguồn chính thống từ chính quyền địa phương.
“Vai trò của quản trị công trong việc ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19 – kinh nghiệm từ khu vực Bicol” là chủ đề bài thuyết trình của bà Agnes P. Dycoco, vùng Bicol, tỉnh Albay, Phi-líp-pin. Mục tiêu của chủ đề là thảo luận về nguyên nhân và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại vùng Bicol. Vùng Bicol là một nhóm các tỉnh lân cận nhau, tập hợp lại để hoạt động hành chính đạt được hiệu quả tốt hơn do các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội và khí hậu giống nhau, cụ thể ở đây là cùng nhau ứng phó với những thách thức hậu đại dịch Covid-19.
TS. Rosa Minhyo Cho và ông Keunho Jang đến từ Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc có bài thuyết trình về sự ảnh hưởng của lương hưu cơ bản đến lao động của người cao tuổi. Tại Hàn Quốc, chính sách hưu trí cơ bản là chính sách phúc lợi hỗ trợ thu nhập của người cao tuổi. Tuy nhiên, khi Hàn Quốc bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2017 thì nhiều mối lo ngại đã được đặt ra, như: số người nhận lương hưu gia tăng dẫn đến tính liên tục của chính sách và gánh nặng tài chính trở thành vấn đề lớn nhất là sau đại dịch Covid-19 thì Chính phủ Hàn Quốc lại cần tập trung nguồn lực nhằm khôi phục kinh tế – xã hội.
“Cần một cách tiếp cận liên ngành trong phát triển năng lực khu vực công để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trường hợp cơ cấu quản trị công tại Ấn Độ” là chủ đề bài thuyết trình của TS. Iswarya Ramachandran, Viện Định cư con người Ấn Độ. Với chủ đề này, diễn giả muốn nhấn mạnh cần có cách tiếp cận liên ngành ở các giai đoạn hoạch định, lập kế hoạch và thực hiện chính sách. Cần thể chế hóa tính liên ngành thông qua các phương pháp đào tạo và xây dựng năng lực ở cấp độ cá nhân và tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản trị công để phục hồi kinh tế – xã hội.
Cùng đến từ Trường Ateneo, trường của Chính phủ Phi-líp-pin có bà Marian Frances Ysaac và TS. Jamie Eloise Agbayani lần lượt tham luận về nội dung “Những thách thức cho việc cấp phép cho các cơ sở chăm sóc ban đầu thuộc vùng Davao” và Nội dung “Phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đối với mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới cung cấp dịch vụ ở thành phố Baguio”. Chủ đề của bà Marian Frances Ysaac đề cập đến những thách thức, rào cản của Vùng đến từ việc hạn chế về thông tin, tính chính chị chưa cao và nguồn tài chính hạn hẹp đã ảnh hưởng đến việc cấp phép cho cơ sở chăm sóc ban đầu, dẫn đến các cơ ở ở vùng hiện đang còn thấp. Chủ đề của TS. Jamie Eloise Agbayani đề cập đến đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn việc cung cấp cac dịch vụ y tế thiết yếu để chuyển sang tập trung chăm sóc sức khỏe trong dịch Covid, tuy nhiên, đại dịch cũng trở thành động lực để củng cố hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của thành phố Baguio.
Ông Basanta Raj Sigdel, Cao đẳng Hành chính nhân sự Nê-pan tham luận nội dung “Thực hành lãnh đạo: những phản ánh của nền công vụ Nê-pan”. Bài thuyết trình với mục đích tìm hiểu cách các thư ký chung của Chính phủ Nê-pan sử dụng thời gian và tư duy nhanh nhạy của họ quản lý, lãnh đạo thuộc công việc của mình.
“Xây dựng năng lực đổi mới trong cung cấp dịch vụ công để quản trị công tốt ở In-đô-nê-xi-a” là chủ đề tham luận của ThS. Icha Choirunisa, đại diện nhóm diễn giả đến từ NIPA. Theo nhóm diễn giả, trong thế giới VUCA, các lãnh đạo quản lý cấp cao trong cơ quan quản lý khu vực công của Chính phủ In-đô-nê-xi-a phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ công và xây dựng quản trị công tốt có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Tham luận đã xem xét đến tác động của Chương trình Đào tạo lãnh đạo quốc gia ở In-đô-nê-xi-a trong việc thúc đẩy đổi mới nền hành chính nhằm thúc đẩy dịch vụ công tiến tới quản trị công tốt.