Hoạch định chính sách còn thiếu niềm tin vào DN tư nhân

Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam

Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, cải cách kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua thực chất là quá trình khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Có kỳ vọng rằng chính khối doanh nghiệp tư nhân sẽ đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Khu vực tư nhân đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, khi mà hiện đang có trên 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, và mỗi năm có thêm 80.000 doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang bị thu hẹp từ con số 10.000 xuống còn 1.000 như hiện nay và đến hết năm 2015 sẽ tiếp tục giảm đi chỉ còn một nửa.

Số liệu của Vietnam Report chỉ ra rằng, tỷ lệ số Doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng trưởng nhanh có xu hướng tăng đều trong 3 năm công bố Bảng xếp hạng FAST500 – 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam gần đây, trong khi số lượng Doanh nghiệp Nhà nước lọt vào Bảng xếp hạng có dấu hiệu giảm đi trong năm công bố 2015.

tư-nhân, DNNN
Hình 1: Cơ cấu doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 trong 3 năm công bố 2013, 2014 và 2015. Nguồn: Vietnam Report

Như vậy, xét về số lượng, khu vực tư nhân đang chiếm áp đảo và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm và tạo ra nguồn thu của ngân sách.

Sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế

Gần đây, Nhà nước đã có những chính sách hướng tới phát triển khối doanh nghiệp tư nhân nhưng bản thân nội lực của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu, đa số chưa sẵn sàng để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Thống kê của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép – CAGR của khối doanh nghiệp tư nhân trong các năm công bố Bảng xếp hạng FAST500 từ 2011 đến nay có sự biến động liên tục, thiếu ổn định, đặc biệt trong giai đoạn 2010 – 2013, một phần do điều kiện kinh tế khó khăn chung, mặt khác do năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu.

tư-nhân, DNNN
Hình 2: CAGR trung bình của khối doanh nghiệp tư nhân trong Bảng xếp hạng FAST500 từ năm công bố 2011 đến nay. Nguồn: Vietnam Report

Cạnh tranh là yếu tố kích thích kinh doanh, là động lực phát triển sản xuất, là quy luật khách quan của nền sản xuất hàng hoá, là nội dung cơ bản trong cơ chế vận động của thị trường. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, sự cạnh tranh trở nên ngày càng khốc liệt, bởi các doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài – những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dồi dào, đội ngũ lao động trình độ cao, công nghệ sản xuất hiện đại… Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong thời gian tới.

Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân

Có ý kiến cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân, để khối doanh nghiệp này giữ vai trò như một chân kiềng, là đối trọng với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trước hết phải xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa ba khối doanh nghiệp này.

Hiện tại ở Việt Nam, khối doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về vốn và chính sách, khối doanh nghiệp FDI được ưu đãi về thuế. Theo GS-TS. Đặng Đình Đào Do – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, niềm tin với khối doanh nghiệp tư nhân không cao lắm nên các chính sách đưa ra không được tính toán với mục đích có lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân, vì vậy chúng ta có cảm tưởng những ưu đãi, chính sách chỉ quan tâm đến doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế như mục tiêu đang đề ra hiện nay là phải trả nền kinh tế về tay tư nhân, nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia. Nhưng để làm được điều này, hệ thống luật pháp phải đồng bộ và không thể thay đổi một cách vội vàng, nếu không sẽ làm thất thoát nguồn lực, tài sản của quốc gia.

Để khối tư nhân đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế cần làm từng bước một. Trước hết, phải có cơ chế để khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được nguồn vốn để thuận tiện kinh doanh. Đồng thời, cần tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển, ngoài ra, Nhà nước phải có chính sách đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện các doanh nghiệp giảm bớt chi phí, hoạt động có hiệu quả.

Một vấn đề nữa đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân là có rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì có thể phát triển thành những doanh nghiệp lớn. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ, như vậy phải tính đến việc tăng cường hợp tác liên kết với nhau để cạnh tranh và phát triển./.

theo http://vietnamnet.vn/

Comments are closed.