Hoạch định chính sách vĩ mô yêu cầu sự cải cách

Nguyễn Giang

Luật Thống kê được QH Khóa XI thông qua năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004. Đây là văn bản pháp lý chủ đạo, là nền tảng để hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động thống kê ở nước ta.

02-kt-7015-440a1

Song thực tế thi hành Luật 10 năm qua cho thấy, nhu cầu thông tin thống kê phục vụ các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế – xã hội của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian qua ngày càng tăng cao về số lượng, chất lượng cũng như độ tin cậy. Mặc dù hệ thống thống kê nhà nước đã có nhiều đổi mới, nhưng so với yêu cầu còn chậm và bất cập, nhất là những bất cập về số lượng và chất lượng thống kê. Các đặc điểm này tạo nên khó khăn, thách thức, yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thống kê, nhất là trong xu thế phát triển nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện nay, công tác thống kê ở nước ta hầu hết do các cơ quan nhà nước thực hiện theo mô hình tập trung kết hợp phân tán. Hệ thống thông tin thống kê được quy định trong Luật Thống kê hiện hành và được sử dụng chính thức hiện nay do hệ thống cơ quan thống kê nhà nước thực hiện, công bố và cung cấp. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật, có thể thấy tương đối rõ những khó khăn phát sinh từ việc chưa quy định cụ thể về hệ thống thông tin thống kê chính thức. Đó là, chưa xây dựng được hệ thống thông tin thống kê gắn với các cấp độ và trách nhiệm xây dựng, quản lý, chia sẻ thông tin thống kê. Chưa khẳng định được trách nhiệm của Nhà nước đối với các số liệu thống kê, thông tin thống kê. Chưa có cơ chế để phân biệt và xử lý các vấn đề phát sinh trong việc cung cấp, công bố các thông tin thống kê do các cơ quan nhà nước thực hiện và tổ chức thống kê ngoài Nhà nước thực hiện. Các quy định còn mờ nhạt và chung chung tại Luật Thống kê hiện hành cũng như các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật như hiện nay đã làm phát sinh nhiều vướng mắc khi xác định giới hạn của hoạt động thống kê ngoài nhà nước, giá trị pháp lý của các số liệu thống kê do các tổ chức, cá nhân này thực hiện trong mối tương quan với số liệu thống kê do các tổ chức thống kê nhà nước thực hiện và công bố. Đặc biệt là trong trường hợp số liệu thống kê do các cơ sở, tổ chức ngoài nhà nước cung cấp có sự mâu thuẫn, sai lệch với những số liệu thống kê chính thức của cơ quan thống kê của Nhà nước trong cùng một vấn đề.
Luật Thống kê năm 2003 điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê, hệ thống tổ chức thống kê nhà nước và điều tra thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống thống kê nhà nước. Do vậy, từ góc nhìn của cơ quan chủ trì soạn thảo thì một trong những nội dung đầu tiên cần sửa đổi lần này là xác định phạm vi điều chỉnh của Luật theo hướng xác lập và khẳng định vị trí của hệ thống thông tin thống kê chính thức, đồng thời loại bỏ khỏi phạm vi điều chỉnh về thống kê không chính thức. Nói cách khác là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật theo hướng quy định cụ thể về hệ thống thông tin thống kê chính thức, trong đó bao gồm hệ thống thông tin thống kê quốc gia chính thức, hệ thống thông tin thống kê chính thức của các bộ, ngành và của địa phương.
Chưa hoàn toàn đồng thuận với quan điểm nêu trên của cơ quan soạn thảo, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật, một số thành viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu thực tế, hiện nay hoạt động thống kê do các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước tiến hành ngày càng phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng. Những nghiên cứu, thông tin, số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội do một số tổ chức, viện nghiên cứu cung cấp đã và đang phát huy tác dụng nhất định. Nếu sửa đổi Luật Thống kê theo hướng không điều chỉnh về thống kê chính thức có thể là một sự lãng phí đối với xã hội. Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý cho hoạt động thống kê do các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước thực hiện. Và trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) cần quy định cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của khu vực thống kê ngoài nhà nước để khuyến khích những hoạt động và công bố sản phẩm thống kê ngoài nhà nước một cách hợp pháp, phục vụ nhu cầu của xã hội, hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động thống kê ngoài nhà nước.
Thông tin, số liệu, chỉ tiêu thống kê là những con số biết nói, phản ánh chính xác, khách quan nhất về kết quả của mọi hoạt động quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như trong từng ngành, lĩnh vực và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là công cụ để phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và các biện pháp thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch. Do đó, nguyên tắc và cũng là yêu cầu đầu tiên, cơ bản đặt ra là phải bảo đảm tính khách quan, trung thực và độc lập của các số liệu thống kê khi được công bố. Thực tế cho thấy, thông tin thống kê trong giai đoạn hiện nay đã trở thành một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá, phân tích thực trạng và xu hướng phát triển tình hình kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước cũng như của từng bộ, ngành, địa phương. Số liệu thống kê, thông tin thống kê đã và đang được bảo đảm về tính độc lập, khách quan, được sử dụng thống nhất chung toàn ngành thống kê, không còn tình trạng sử dụng số liệu không chính thống.
Tuy vậy, về tính pháp lý của thông tin thống kê khi được công bố hiện vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Thực tế cũng đã và đang tồn tại hiện tượng các bộ, ngành và cơ quan thống kê trung ương cùng công bố về một chỉ tiêu thống kê theo hai loại số liệu khác nhau. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh thì xã hội đang có sự bức xúc về số liệu thống kê. Ví dụ chỉ tiêu GDP, thống kê cho thấy hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều đạt mức tăng trưởng 9% hoặc cao hơn, trong khi GDP cả nước bình quân chỉ đạt khoảng 6% (?). Rõ ràng thực tế này đặt ra yêu cầu cần xem lại phương pháp thống kê về GDP, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương xây dựng, hoạch định chính sách vĩ mô. Đây là thực trạng đã được ĐBQH phản ánh tại nhiều kỳ họp QH gần đây. Hoặc tình trạng các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước công bố và sử dụng thông tin thống kê trái quy định dẫn đến thông tin thống kê sai lệch, mâu thuẫn, chồng chéo.
Từ góc nhìn của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu những nội dung sửa đổi của Luật Thống kê được triển khai đầy đủ sẽ có tác dụng trực tiếp tới hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực quản trị vĩ mô, hoạch định chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Việc sửa Luật cũng tác động trực tiếp tới nền kinh tế bởi thông qua các số liệu thống kê, thông tin thống kê chính thức, chính xác, công khai, minh bạch sẽ góp phần thu hút, gia tăng đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào nước ta, qua đó sẽ tạo thêm việc làm và góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tác động lâu dài và đa dạng đối với tăng trưởng kinh tế có thể ở tầm rộng và mức độ lớn hơn. Những nội dung sửa đổi lần này sẽ tạo ra lợi ích lớn, là công cụ hữu ích nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu tin tưởng vào các hoạt động của Nhà nước và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) đang trong giai đoạn cày vỡ. Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã được trao đổi bước đầu. Cơ bản nhất trí với đề xuất sửa đổi của cơ quan soạn thảo, song Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác thống kê hiện nay, bảo đảm số liệu, thông tin thống kê thật sự là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng thì cần quy định cụ thể ngay trong Luật về việc phân tích dự báo thống kê, kỳ phân tích thống kê của từng cơ quan trong hệ thống các cơ quan thống kê, mô hình tổ chức cơ quan thống kê… tránh giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều nội dung nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê đối với các tổ chức cá nhân trong xã hội.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, tại Kỳ họp thứ Chín tới, QH sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Kinh nghiệm xây dựng pháp luật của QH nhiều năm qua cho thấy, hầu hết dự thảo luật từ lúc chuyển sang cơ quan thẩm tra đến khi trình QH xem xét, cho ý kiến, thông qua đều có sự tiếp thu, chỉnh lý. Cá biệt có những dự án luật, sau quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đã có sự thay đổi, viết lại hoàn toàn so với dự thảo ban đầu. Ở đây có vai trò của cơ quan thẩm tra và các ĐBQH. Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) có lẽ cũng không ngoại lệ.
Nhưng dù được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng nào thì quan điểm chỉ đạo nhất quán đối với dự án Luật này phải là cải cách quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách vĩ mô và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động điều hành đất nước.
theo http://tcnn.vn/

 

Comments are closed.