Quan điểm, nhận thức về tiền lương và chính sách tiền lương

Đặng Như Lợi

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

         Tiền lương là một nội dung quan trọng, nhưng khá phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế – xã hội khác. Trong quá trình nghiên cứu hoạch định, cải cách chính sách tiền lương nếu các quan điểm, nhận thức và các nội dung về tiền lương không được làm rõ, hiểu và nhận thức thống nhất thì các chương trình, dự án, đề án khó có thể đạt được chất lượng mong muốn.

1. Khái niệm tiền lương   

Hiện còn có những quan điểm, nhận thức và hiểu không thống nhất về tiền lương. Điều 90, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 ghi rõ: “Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng ghi: “Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(1).

Cũng về tiền lương, có khái niệm: “Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động là hàng hóa. Cũng như những hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có giá trị và giá trị sử dụng…”(2).

Những quan điểm, nhận thức về tiền lương nêu trên đều có chung nội dung cốt lõi, coi sức lao động là hàng hóa, tiền lương là giá cả sức lao động được trao đổi, thuận mua vừa bán theo quan hệ cung – cầu trên thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm bảo vệ người lao động trong việc thỏa thuận, chống bóc lột và đói nghèo. Tuy vậy, vẫn chưa có sự thống nhất đầy đủ về tiền lương, nhất là đối với hai thuật ngữ “tiền lương” và “tiền công”. Chính sự không thống nhất, đôi khi lẫn lộn đó đã ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện. Do đó cần xem xét, bổ sung đầy đủ hơn quan điểm, nhận thức về tiền lương.

2. Tiền lương và tiền công           

Tên gọi như thế nào chỉ là ước lệ, nhưng cần phải sử dụng thuật ngữ tiền lương và tiền công cho chính xác trong từng trường hợp. Thực tiễn cho thấy, thuật ngữ tiền lương không chỉ dùng trong khu vực nhà nước, mà còn sử dụng thường xuyên trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ngược lại, thuật ngữ tiền công không chỉ sử dụng rộng rãi trong thuê mướn lao động xã hội mà cả trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, trong doanh nghiệp khi phải thuê mướn lao động thực hiện một số vụ việc cụ thể trong thời gian ngắn, thanh khoản và kết thúc giao dịch.

Xét về nội dung, tiền công là số tiền cộng bao gồm một số khoản hoặc tất cả các khoản (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và nhiều chế độ khác, thậm chí cả công cụ và phương tiện lao động) được trả cho người lao động theo thỏa thuận khi họ được thuê thực hiện một hoặc một số công việc, dịch vụ cụ thể trong thời gian ngắn (giờ, ngày, tuần), được thanh khoản khi kết thúc giao dịch. Tiền công không phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức bộ máy, tổ chức làm việc của cơ quan, đơn vị; không  phụ thuộc vào công nghệ sản xuất, kinh doanh, tổ chức, phân công lao động, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của doanh nghiệp; không có thang tiền công, bảng tiền công, mức tiền công, phụ cấp tiền công, xếp và nâng bậc tiền công, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn, chức danh viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, đóng – hưởng các chế độ bắt buộc,… Trong khi tiền lương là một chính sách hoàn chỉnh với cấu trúc tổ chức chặt chẽ, bao gồm: hệ thống chế độ tiền lương với thang, bảng, mức lương, phụ cấp lương; chế độ tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương làm thêm giờ; hình thức trả lương, cách trả lương,… và gắn với tổ chức, cơ cấu hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức, phân công lao động của từng doanh nghiệp và quá trình thời gian làm việc của người lao động sau khi được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc làm việc theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, tiền lương còn làm cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc khác, như: đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, đóng – hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp mất việc làm, bồi thường vật chất,… Dù tên gọi là gì thì trong thực tế vẫn tồn tại hai dạng tiền lương và tiền công trong các dạng hình khác nhau.

Từ lý luận và thực tiễn, cũng như theo nội dung Điều 56 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) “Nhà nước quy định chế độ tiền lương đối với những người làm công ăn lương” thì chỉ nên sử dụng thuật ngữ tiền lương trong các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và người lao động, không sử dụng thuật ngữ tiền công.

3. Tiền lương của cán bộ, công chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang   

Để làm rõ vấn đề này, cần xem xét tiền lương trong từng khu vực.

- Trong khu vực sản xuất, kinh doanh.     

Trong cơ chế thị trường, tiền lương của khu vực sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh, người chủ sở hữu có thể quyết định tiền lương trong doanh nghiệp của mình một cách phù hợp, có tính cạnh tranh trên cơ sở các chế định của Nhà nước và sự thỏa thuận với đại diện tập thể người lao động. Hoạt động mua – bán, trao đổi hàng hóa, tuyển dụng lao động trên thị trường hàng hóa, thị trường sức lao động tạo ra sự cạnh tranh của khu vực sản xuất, kinh doanh; sức lao động trở thành hàng hóa, người lao động, người sử dụng lao động có thể trao đổi, mua, bán theo thỏa thuận trên thị trường. Trong mối quan hệ trao đổi này phần yếu thế luôn thuộc về người lao động, do đó Nhà nước phải có pháp luật để điều chỉnh, đặc biệt là nội dung tiền lương, đồng thời người lao động cũng phải tự liên kết, hình thành tổ chức, cử người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương là yếu tố “đầu vào”, phân phối lần đầu, chi phí tiền lương được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

- Trong khu vực quản lý nhà nước, sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang.  

Ở Việt Nam, tiền lương của CB, CC, VC nhà nước, lực lượng vũ trang phụ thuộc vào khả năng nền kinh tế, nguồn thu ngân sách dành cho hoạt động quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang; phụ thuộc vào nhiệm vụ chính trị của quốc gia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ không vì mục tiêu lợi nhuận và các hoạt động tương tự khác. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, không dễ thay đổi theo cơ chế thị trường. Kết quả hoạt động không thể định lượng được một cách cụ thể, mà chỉ có thể đánh giá bằng các chỉ tiêu, tiêu chí tổng quát. Trong tổ chức bộ máy nói chung và tổ chức của từng cơ quan, đơn vị nói riêng, không dễ gì phân biệt hoặc chỉ rõ ai là người lao động, ai là người sử dụng lao động, và ở đây nếu coi tiền lương là “giá cả sức lao động” thì không biết ai là người mua, ai là người bán…

Tiền lương của CB, CC, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, của phần đông viên chức, chủ yếu lấy từ thuế, phí, lệ phí, là khoản phân phối lại của quá trình sản xuất, kinh doanh trong thu nhập quốc dân.

Lý luận và thực tế nêu trên cho thấy, chỉ có tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh là “giá cả sức lao động”, tuân thủ theo quy luật của cơ chế thị trường, cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Còn tiền lương của CB, CC, VC nhà nước, lực lượng vũ trang khó có thể khẳng định là giá cả sức lao động, bị chi phối bởi quy luật cung cầu của cơ chế thị trường, tự do cạnh tranh. Đành rằng, trong thị trường sức lao động có sự cạnh tranh của các khu vực, các thành phần kinh tế khác, nhưng trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo vệ, chăm lo cho đội ngũ CB, CC, VC, lực lượng vũ trang bằng nhiều chính sách, chế độ hợp lý, trong đó có chính sách tiền lương. Ý thức chính trị, đạo đức công vụ và sở thích cá nhân của người lao động qua chọn lọc cùng với sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước sẽ tạo lập một đội ngũ CB,CC,VC nhà nước và lực lượng vũ trang có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, mà không phải cứ tiền lương cao là có thể thu hút được họ.

Từ quan điểm, lý luận, học thuật đến nhận thức, quy định cụ thể chính sách tiền lương là cả một khoảng cách khá xa và đây chính là khâu quyết định đưa chính sách tiền lương vào thực tế cuộc sống.

4. Cơ cấu của tiền lương  

Từ nhiều năm nay, kết cấu tiền lương theo trình tự gồm ba phần cơ bản:

Hệ thống chế độ tiền lương. Nói chung hệ thống chế độ tiền lương gồm:

– Mức lương tối thiểu (chung, vùng, ngành, doanh nghiệp, tùy từng quốc gia quy định).

– Chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (hoặc lương cơ bản, lương chính) gồm: thang lương, bảng lương, mức lương, phụ thuộc vào các yếu tố thường xuyên do yêu cầu của công việc, chức vụ quyết định (mức độ phức tạp của công việc, chức vụ; hao phí lao động; điều kiện lao động; trách nhiệm của công việc, chức vụ; chính sách ưu đãi, khuyến khích theo ngành, nghề,…).

– Chế độ phụ cấp lương, nhằm bổ sung các yếu tố không thường xuyên mà lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ chưa tính hết được, hoặc vì tính hiệu quả của việc quy định chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ.

– Chế độ nâng bậc, ngạch lương và tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, hoặc tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức nhà nước.

– Chế độ tiền lương làm thêm giờ.

– Chế độ tiền lương làm việc ban đêm.

– Chế độ tiền lương ngừng việc.

– Chế độ tiền lương ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép), nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ được hưởng lương (nghỉ việc riêng: cưới, tang lễ cha, mẹ, vợ, con),…

– Chế độ tiền lương được cử đi học tập, bồi dưỡng tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ.

– Chế độ tiền lương bị tạm giam, tạm giữ.

– Chế độ tiền thưởng từ quỹ tiền lương (áp dụng cho hình thức trả lương thời gian có thưởng, đơn giá sản phẩm có thưởng, thưởng chuyên cần, an toàn,…).

– Chế độ tạm ứng tiền lương.

Ngoài các chế độ tiền lương, Nhà nước còn khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người lao động có thể được hưởng một số chế độ khác như: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ ăn định lượng, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi – về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận,…

Khi sử dụng thuật ngữ tiền lương thì nội dung đã bao hàm: lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (lương cơ bản) + phụ cấp (nếu có) + tiền thưởng từ quỹ tiền lương (nếu có).  Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Hiến pháp, thuật ngữ tiền lương sử dụng không chuẩn, coi tiền lương và phụ cấp là khoản khác nhau,  gây khó khăn cho quá trình nhận thức và thực hiện.

Tiền lương theo hệ thống chế độ nói trên gọi là “tiền lương chế độ”, được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định cụ thể hoặc quy định khung, nguyên tắc làm cơ sở cho cấp thực hiện thương lượng, thỏa thuận. Đây là phần việc đầu tiên và khó nhất cần phải làm của chính sách tiền lương.
Hệ thống chế độ tiền lương thể hiện chính sách cơ bản của Nhà nước về tiền lương. Chưa quy định hệ thống chế độ tiền lương đã đề cập việc trả lương là lẫn lộn về kết cấu tiền lương.

- Các hình thức trả lương.

Lâu nay chúng ta áp dụng hai hình thức trả lương là:

– Trả lương theo sản phẩm, trong đó có: trả lương sản phẩm trực tiếp cá nhân; trả lương sản phẩm gián tiếp; trả lương sản phẩm tập thể; lương sản phẩm theo đơn giá bình thường, đơn giá có thưởng, đơn giá lũy tiến, lũy thoái; trả lương khoán (thường áp dụng trong khu vực sản xuất, kinh doanh).

– Trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng, năm) có thưởng hoặc không có thưởng (thường áp dụng đối với CB, CC, CV và bộ phận gián tiếp trong khu vực sản xuất, kinh doanh).

Căn cứ kết quả thực hiện công việc, chức vụ theo sản phẩm hoặc thời gian lao động quy định, người lao động xác định được số lượng tiền lương được nhận gọi là “tiền lương thực hiện”. Nếu gộp với một số chế độ ngoài tiền lương nói trên mà người lao động hoặc CB, CC, VC nhận được gọi là “thu nhập”. Không bao giờ quy định các hình thức trả lương trước quy định các chế độ tiền lương, cũng có nghĩa không bao giờ “tiền lương thực hiện” có trước “tiền lương chế độ”. Lỗi này kéo dài nhiều năm trong các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

 – Cách (hoặc phương thức) trả lương.    

Sau khi số lượng tiền lương của người lao động được xác định theo kết quả thực hiện (tiền lương thực hiện), người lao động được cơ quan, đơn vị hoặc người sử dụng lao động trả theo các cách (phương thức) sau:

– Trả bằng tiền hoặc bằng hiện vật (nếu người lao động chấp thuận).

– Trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản; trả gián tiếp qua trung gian (tùy từng trường hợp do điều kiện, địa điểm làm việc, công việc làm cụ thể).

– Trả theo ngày (ca), tuần, kỳ, tháng, năm.

Tiền lương là giá cả sức lao động, bị chi phối bởi quy luật cung – cầu của cơ chế thị trường, được thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở các chế định bằng pháp luật của Nhà nước và sự bảo vệ của tổ chức đại diện tập thể người lao động (nếu có). Trên đây là một số vấn đề tiền lương nêu lên nhằm trao đổi, thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận cho quá trình hoạch định và xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.213.

(2) Xem: Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2008.

theo http://lyluanchinhtri.vn

Comments are closed.