(napa.vn) – Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia (29/5/1959 – 29/5/2023), Cổng Thông tin điện tử Học viện Hành chính Quốc gia trân trọng giới thiệu bài viết: Học viện Hành chính Quốc gia – Từ truyền thống hướng đến hành trình mới của PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện.
Nhìn lại lịch sử 64 năm của Học viện Hành chính Quốc gia
Ngày 29/5/1959, Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia được thành lập theo Nghị định số 214-NV do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký với nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng, hoàn thành mục tiêu kháng chiến và kiến quốc.
Trước yêu cầu của công cuộc cách mạng, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Mặt khác, để nâng cao vị trí pháp lý phù hợp với vị thế của Trường, ngày 29/9/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 130-CP đổi tên Trường Hành chính thành Trường Hành chính Trung ương. Nhiệm vụ của Trường lúc này không chỉ đào tạo cán bộ, công chức cho nền hành chính mà còn đảm nhận đào tạo lực lượng cán bộ để chi viện cho miền Nam, tham gia chiến đấu và khi có điều kiện thì tiếp quản, tổ chức điều hành và quản lý các vùng giải phóng.
Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức cho các tỉnh miền Nam nói riêng và yêu cầu đổi mới chương trình ĐTBD cán bộ, công chức trong thời kỳ mới; đồng thời, cũng nhằm giảm bớt sự chồng chéo trong ĐTBD của cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 91/HĐBT ngày 26/9/1981 quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương.
Từ yêu cầu của công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước hội nhập quốc tế; mặt khác, để tăng địa vị pháp lý của Trường Hành chính Trung ương, ngày 01/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 381/CT đổi tên Trường Hành chính Trung ương thành Trường Hành chính Quốc gia.
Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước, một nhiệm vụ hàng đầu là ĐTBD cho nền công vụ một đội ngũ công chức chính quy, chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ Nhân dân. Đứng trước yêu cầu đổi mới của công cuộc cải cách, cơ chế thị trường và trước nhiệm vụ được Chính phủ giao ngày một lớn, đòi hỏi phải đặt Trường ở một vị trí pháp lý cao hơn, là cơ quan thuộc Chính phủ và Trường Hành chính Quốc gia được đổi tên là Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT ngày 06/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.
Do yêu cầu tinh giản bộ máy nhà nước, ngày 19/9/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg, chuyển Học viện Hành chính Quốc gia về chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 234/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
Từ tháng 5/2007 – 12/2013 hợp nhất Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị. Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính.
Ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP, trong đó Quyết nghị: “Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Văn bản số 176-CV/TW ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư với tên mới là Học viện Hành chính Quốc gia.
Thực hiện Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia được xác định là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã mang nhiều tên gọi khác nhau và được giao những nhiệm vụ tương ứng với yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Ban đầu Học viện chỉ là một cơ sở huấn luyện cán bộ cấp huyện, đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành một trung tâm quốc gia về ĐTBD CBCCVC, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, có trụ sở ở Hà Nội và các Phân viện ở địa bàn trọng yếu của đất nước là cái nôi ĐTBD ngành tổ chức nhà nước, quản lý công, chính sách công. Đồng thời, còn là trung tâm khoa học lớn có uy tín, từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Trong 64 năm qua, Học viện đã ĐTBD hàng trăm nghìn lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, CBCCVC cho hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống chính trị. CBCCVC, học viên được ĐTBD tại Học viện đã trưởng thành, đóng góp quan trọng và hiệu quả vào hoạt động quản lý của đất nước, trong đó nhiều CBCCVC đã và đang đảm nhận những cương vị cao trong cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược của Ðảng, Nhà nước, cán bộ quản lý chủ chốt ở trung ương và địa phương.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tư vấn, Học viện được đánh giá là một trong những đơn vị hàng đầu cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nội vụ để xây dựng các quan điểm, chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách quản lý CBCCVC, hoạt động công vụ cũng như tư vấn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp về hành chính và quản lý nhà nước. Ngay từ những năm 90 thế kỷ XX, những bước đi đầu trong tiến trình cải cách hành chính đã có dấu ấn của các nhà khoa học của Học viện với những công trình nghiên cứu có giá trị lớn về tầm vóc và tầm nhìn thời đại.
Học viện đã xây dựng và phát triển thành mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu về hành chính công, quản trị công, chính sách công. Học viện là thành viên của nhiều diễn đàn có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Với mục tiêu chia sẻ tri thức, kết nối và quảng bá hình ảnh Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, Học viện đã ĐTBD nhiều công chức, viên chức cao cấp của các quốc gia trong khu vực, khẳng định uy tín của Học viện và của Việt Nam trong ĐTBD CBCCVC.
Những yêu cầu mới đối với Học viện Hành chính Quốc gia
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những thời cơ, đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia. Nền quản trị quốc gia hiện đại đòi hỏi nền công vụ cần có sự đổi mới, sáng tạo, không chỉ là nhìn ra cơ hội trong phát triển mà còn thấy được những thách thức, khó khăn, có khả năng đưa ra những phương án thích ứng trong môi trường quản lý không ngừng biến động.
Để xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trụ cột quan trọng nhất chính là xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong giai đoạn hiện nay, khởi nghiệp là một động lực phát triển quan trọng của Việt Nam. Chính vì thế, đội ngũ CBCCVC phải có được tinh thần khởi nghiệp, tạo sự lan tỏa về khởi nghiệp, biết ủng hộ khởi nghiệp, ủng hộ sáng kiến, ủng hộ cái mới, cái sáng tạo và biết tạo lập những điều kiện cần thiết cho tinh thần khởi nghiệp. Một trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc ngày nay chính là các nhà khởi nghiệp thì chúng ta phải xây dựng cho được đội ngũ CBCCVC trong giai đoạn mới là hoa tiêu, là hậu phương của khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo thì xây dựng đội ngũ CBCCVC biết ủng hộ khởi nghiệp chính là một mục tiêu cho đổi mới công tác ĐTBD CBCCVC.
Để xây dựng đội ngũ CBCCVC kiến tạo, liêm chính, phục vụ Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở ĐTBD, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia phải làm gì để có những học viên, sinh viên có đầy đủ năng lực trở thành những CBCCVC có kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và để cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Câu trả lời trước hết thuộc về các nhà quản lý giáo dục, các cơ sở ĐTBD và ở đây, đó là trách nhiệm của Học viện Hành chính Quốc gia.
Johann Wolfgang von Goethe, danh nhân Đức thế kỷ XVIII, đã từng nói: “Điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là chỗ chúng ta đang đứng, mà là hướng chúng ta đang đi”. Vậy những năm tới đây, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ đứng ở đâu? Trả lời câu hỏi trên thế nào? Đó là câu hỏi lớn mà Học viện cần phải tư duy đầy đủ và toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Bộ Nội vụ giao.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ CBCCVC. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, khẳng định: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi ĐTBD cán bộ, công chức, nguồn nhân lực cho khu vực công cần phải đổi mới. Học viện Hành chính Quốc gia không được phép bằng lòng với những gì đã đạt được mà cần phải vươn lên với tinh thần đổi mới, tiến công, đột phá, dám nghĩ, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong thời đại ngày nay, những tri thức của thời đại được sáng tạo nhanh hơn và nhiều hơn nhưng cũng có xu hướng lạc hậu nhanh hơn, vì vậy, Học viện Hành chính Quốc gia phải thực sự cập nhật những dòng chảy tri thức, thực sự là trung tâm sáng tạo và chuyển giao tri thức để các nội dung ĐTBD ở Học viện thực sự là trầm tích, là sự chắt lọc tri thức đầy đủ nhất, toàn diện nhất và sinh động nhất, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, trên mảnh đất hiện thực của đất nước đang hội nhập với khu vực và thế giới.
Học viện Hành chính Quốc gia trên hành trình mới
Học viện Hành chính Quốc gia bước vào năm thứ 64 truyền thống với một trang sử mới. Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia không chỉ nâng tầm về địa vị chính trị, pháp lý mà còn mở rộng không gian của Học viện. Truyền thống của Học viện hun đúc qua 64 năm cùng với truyền thống hơn 50 năm của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là nền tảng để tạo lập những giá trị văn hóa mới, tạo ra những xung lực mới cho đổi mới và phát triển. Với nguồn lực mà đặc biệt là nguồn nhân lực được nâng cao, Học viện có đủ thế và lực để vươn lên không chỉ là trung tâm quốc gia về bồi dưỡng cán bộ, công chức mà còn là cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng cho khu vực công và xã hội.
Trong giai đoạn tiếp theo, Học viện Hành chính Quốc gia cần tập trung thực hiện các định hướng lớn sau:
Thứ nhất, chú trọng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Học viện cần chủ động nghiên cứu, đề xuất đổi mới mới toàn diện, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hoạt động của Học viện. Cần thiết lập và mang trong tầm nhìn, khát vọng trở thành một trung tâm ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, một cơ sở giáo dục đại học có uy tín, đủ năng lực đảm nhận những trọng trách lớn lao trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng CBCCVC chuyên nghiệp, khẳng định vị thế không thể thay thế để mỗi lần nhắc đến việc đào tạo về quản lý công, chính sách công, quản trị nhân lực, quản lý xã hội…, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức chuyên nghiệp là nhắc đến Học viện Hành chính Quốc gia.
Thứ hai, Học viện tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của Học viện. Các thầy giáo, cô giáo tại Học viện phải thực sự là bậc thầy về tri thức lý luận và thực tiễn. Trong giai đoạn tới, Học viện cũng cần dành nguồn lực cần thiết để phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, tăng cường các hoạt động trao đổi học thuật, các chương trình hợp tác quốc tế để ĐTBD nguồn nhân lực của Học viện. Học viện cần có những kế hoạch đầu tư để phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên, chú ý thu hút nhiều hơn tri thức ngoài nước có uy tín về chính sách công, quản trị công, hành chính công và các ngành lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào quá trình ĐTBD tại Học viện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng vừa được đào tạo bài bản, vừa có kinh nghiệm thực tiễn dày dạn.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia thực sự hiện đại, cải cách thủ tục hành chính. Quá trình chuyển đổi số cần hướng đến mục tiêu khai thông nguồn lực, tạo ra sự kết nối, chia sẻ tri thức, chia sẻ thông tin, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành, giảng dạy, học tập. Học viên, sinh viên không chỉ được học về chuyển đổi số tại Học viện qua các bài giảng mà qua chính thực tiễn sự vận hành của Học viện.
Thứ tư, nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCCVC, đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, bồi dưỡng CBCCVC tại Học viện. Trong ĐTBD, Học viện cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc người học thực sự là trung tâm, chất lượng giáo dục là trọng yếu. Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến nâng cao chất lượng ĐTBD, để quá trình ĐTBD tại Học viện phải là quá trình phát triển năng lực cho đội ngũ CBCCVC để sau quá trình ĐTBD, người học có tri thức, kỹ năng tốt hơn, tâm lực và động lực cao hơn.
Học viện chú trọng đổi mới các chương trình ĐTBD. Nội dung chương trình phải gắn kết với nhu cầu và yêu cầu thực tiễn, trang bị những tri thức mới trong đào tạo đại học và sau đại học, bù đắp những thiếu hụt về kiến thức cho đội ngũ CBCCVC, trang bị những nền tảng cần thiết cho công việc trong tương lai. Kiến thức được truyền thụ phải tươi mới, không giáo điều, khô cứng, cũ kỹ, lạc hậu và trùng lắp. Cần xác định chuẩn đầu ra, xây dựng các cấp độ năng lực cho mỗi chương trình bồi dưỡng một cách cụ thể, chi tiết, có sự lượng hóa cần thiết, có thể so sánh, kiểm tra và đánh giá. Chương trình đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng CBCCVC không chỉ tập trung vào tri thức mà còn phát triển kỹ năng, định hướng giá trị, thiết lập khát vọng tương lai cho học viên, sinh viên, cho đội ngũ CBCCVC, gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống thực tiễn.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học tại Học viện. Nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin đang đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức. Vì vậy, phương thức ĐTBD CBCCVC cũng cần được làm mới. ĐTBD CBCCVC trực tuyến, đa phương tiện cần được nghiên cứu, phát triển, bổ khuyết cho các phương thức ĐTBD truyền thống. Muốn vậy, Học viện phải có hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đủ mạnh. Bên cạnh đó, Học viện cần năng động hơn trong hợp tác, liên kết quốc tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài để bên cạnh việc tiếp thu kinh nghiệm, tinh hoa tri thức nhân loại còn có thêm nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nâng cao tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn sâu sắc. Các sản phẩm khoa học phải góp phần tạo ra tri thức mới phục vụ có hiệu quả công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tiên phong, những nhà quản lý chiến lược có tầm nhìn toàn cầu, rộng mở, có khả năng gánh vác những trọng trách của đất nước. Xây dựng năng lực khoa học của Học viện thực sự xứng tầm để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể đặt hàng với Học viện các nghiên cứu về chính sách. Chủ động và mở rộng các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để Học viện có thêm nguồn lực cho nghiên cứu khoa học; đồng thời, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị ứng dụng và sức lan tỏa lớn.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng Tạp chí Quản lý nhà nước, tiệm cận chuẩn quốc tế. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để Tạp chí Quản lý nhà nước thực hiện tốt chuyển đổi số; không ngừng nâng cao chất lượng khoa học, bảo đảm giữ vững điểm khoa học 0,75 ở cả 3 ấn phẩm, phấn đấu đạt 1.0 điểm trong vài năm tới. Hội tụ các điều kiện để tham gia danh mục tạp chí ACI; hướng đến thuộc danh mục ISI, Scopus.
Tiếp tục phát triển thư viện số của toàn Học viện theo mô hình trung tâm tập trung, kết nối toàn Học viện, tăng cường tích hợp các dịch vụ thư viện số thông minh theo nguyên tắc: “tự chủ vận hành và quản trị”. Trong đó, chú trọng vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn Quốc tế ngành và tiêu chuẩn công nghệ để bảo đảm sự phát triển bền vững, sẵn sàng kết nối với các đơn vị khác trong phạm vi ngành, quốc gia và quốc tế, bảo đảm các quy định của pháp luật và đặc biệt việc áp dụng, cập nhật kịp thời đối với các quy định của pháp luật về sử dụng thư viện số. Trước mắt, chú trọng mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, sẽ phát triển tích hợp vào thư viện số Học viện chức năng quản lý hồ sơ khoa học, liên kết các cơ sở dữ liệu trắc lượng các công trình khoa học quốc tế như: ISI, Scopus, Google scholar,…
Thứ bảy, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế cần có trọng tâm, đi vào thực chất, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển năng lực giảng viên, nghiên cứu viên, tạo môi trường để giảng viên Học viện được học tập, trao đổi, nâng cao kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, tiếp cận với các tri thức khoa học hiện đại, cập nhật để tiếp biến, vận dụng có hiệu quả, phù hợp với định hướng, truyền thống, văn hóa công vụ Việt Nam.
Đi qua hành trình 64 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đang bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ với khát vọng vươn tới phồn thịnh dựa trên nền tảng tri thức, không thay đổi hoặc thay đổi chậm sẽ đồng nghĩa với tụt hậu.
Để viết tiếp những trang sử vẻ vang và giữ được vị trí tiên phong, Học viện đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể cũng như cần phải năng động và nhạy bén trong việc lựa chọn những hướng đi ưu tiên. Đồng thời, xây dựng những chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn, xác định lộ trình và những bước đi cần thiết để tiếp tục đổi mới, góp phần cụ thể và quan trọng vào quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, xứng đáng là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính, tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.