(napa.vn) – Sáng ngày 18/6/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía khách mời, có các đại biểu đến từ: Học viện Chính sách và Phát triển; Khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Khoa Tiếng Anh thương mại, Trường Đại học Thương mại; Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trung tâm Ngoại ngữ và Hợp tác Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện (dự online); lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện.
Về phía Khoa Ngoại ngữ – Tin học, có các Phó Trưởng khoa: TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa, TS. Giáp Thị Yến; tập thể giảng viên, viên chức và đông đảo sinh viên Khoa Ngoại ngữ – Tin học.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài Học viện đã quan tâm, chia sẻ và tham dự Hội thảo. Đây là cơ hội quý báu để Khoa Ngoại ngữ – Tin học được lắng nghe những kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, góp phần vào tiến trình phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Giáp Thị Yến mong muốn Hội thảo sẽ nhận được ý kiến của các đại biểu về các nội dung: (1) Những vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh; (2) Thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn giảng dạy các học phần đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia; (3) Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia; (4) Các công cụ hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo của ngành Ngôn ngữ Anh; (5) Vai trò của hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh; (6) Đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh đáp ứng yêu cầu xã hội và các nội dung khác có liên quan đến chủ đề Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện đánh giá cao việc chuẩn bị Hội thảo công phu, kỹ lưỡng của Khoa Ngoại ngữ – Tin học, đồng thời khẳng định, đây là Hội thảo cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa nói riêng và của Học viện Hành chính Quốc gia nói chung. Trong xu hướng chung của đào tạo đại học trong nước và quốc tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo là một yêu cầu tất yếu khách quan. Tại Học viện Hành chính Quốc gia, việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung đã, đang được đặc biệt quan tâm. Ngành Ngôn ngữ Anh ở Học viện là ngành phát triển sau nhưng có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với các ngành đào tạo khác của Học viện. Việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành đào tạo khác. Hiện nay, với sự phát triển chung của xã hội, công nghệ, phương pháp đào tạo đang thay đổi rất nhanh. Nếu không bắt kịp xu hướng chung về sự thay đổi công nghệ, sự thay đổi tư duy và phương pháp đào tạo thì sẽ tụt hậu. Trong bối cảnh chung đó, việc thay đổi và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nói chung và ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng là hết sức cần thiết. Sinh viên học ngành Ngôn ngữ Anh ở Học viện, với thế mạnh là tiếng Anh của nền công vụ, nếu học song bằng một chương trình đào tạo khác, thì khi ra trường không chỉ có nền tảng về ngôn ngữ mà còn có kiến thức chuyên sâu ở những lĩnh vực khác. Và khi đó, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến mong muốn nhận được những ý kiến không chỉ về các vấn đề đã được gửi đến các đại biểu, mà còn mong muốn các đại biểu chia sẻ sâu hơn về các giải pháp thay đổi chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng, phương pháp; sự phối hợp giữa các trường, giữa trong nước và quốc tế.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Hợp tác Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.
Tham luận “Một số vấn đề cơ bản về quản lý chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại các trường đại học”, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Hợp tác Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc quản lý đào tạo đại học là một loại hình quản lý, theo yêu cầu của khoa học quản lý, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đào tạo; là sự tác động của các chủ thể quản lý vào quá trình đào tạo (được tiến hành bởi tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên, với sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng khác) nhằm hình thành, phát triển nhân cách, phẩm chất và năng lực của sinh viên theo mục tiêu đào tạo của nhà trường. Trên cơ sở đó, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà đề cập các nội dung cơ bản của quản lý đào tạo ở trường đại học, bao gồm: quản lý phát triển chương trình đào tạo; quản lý phương pháp tiếp cận trong dạy và học; quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập của sinh viên; quản lý đội ngũ giảng dạy; quản lý sinh viên và hoạt động hỗ trợ học tập; quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà, các vấn đề và nội dung cơ bản của quản lý đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học cần được nhận thức đúng đắn và thực hiện có hiệu quả. Theo đó, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên về tầm quan trọng của việc đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, sự cần thiết và những nội dung cơ bản của công tác quản lý đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Qua đó, tạo sự đồng thuận, động lực và quyết tâm thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học. Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung đào tạo ngành Ngôn ngữ Anhđược nâng cao thì mỗi cá nhân, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mục tiêu đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học.
ThS. Lưu Thị Kim Quế, Khoa Ngoại ngữ – Tin học, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.
Tham luận tại Hội thảo, ThS. Lưu Thị Kim Quế chia sẻ nội dung “Vai trò của hợp tác và liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Theo ThS. Lưu Thị Kim Quế, trong thời đại toàn cầu hóa, việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Việc liên kết đào tạo không chỉ giúp các cơ sở giáo dục tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu mà còn mở ra cơ hội cho giảng viên và sinh viên trải nghiệm các phương pháp giảng dạy khác nhau, từ đó phát triển kỹ năng và tư duy. Hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ việc trao đổi giảng viên và sinh viên, đến việc thực hiện các dự án nghiên cứu chung và tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế.
ThS. Lưu Thị Kim Quế đề xuất các mô hình liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, bao gồm: Mô hình trao đổi giảng viên và sinh viên; Mô hình hợp tác nghiên cứu; Mô hình liên kết chương trình đào tạo; Mô hình hợp tác trong công nghệ giáo dục; Mô hình tổ chức hội thảo và hội nghị quốc tế.
Để tối ưu hóa hiệu quả của các mô hình hợp tác này, ThS. Lưu Thị Kim Quế đề xuất Học viện cần đối mặt và vượt qua những thách thức hiện hữu, từ vấn đề xây dựng chiến lược, nhân lực, tài chính, quản lý dự án, phát triển hạ tầng công nghệ đến việc đồng bộ chương trình giảng dạy và đảm bảo chất lượng đào tạo. Bằng cách không ngừng đổi mới và hoàn thiện, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trong việc phát triển đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.
TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ “Một số giải pháp nhằm tăng cường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Việt Nam hiện nay”. TS. Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định, việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên có vai trò đăc biệt quan trọng. Công tác hướng nghiệp không chỉ giúp sinh viên chọn lựa được con đường phù hợp mà còn trang bị cho họ những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong sự nghiệp. Nếu sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn ngành nghề thích hợp, vấn đề này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới.
Ngành Ngôn ngữ Anh từ lâu đã là một ngành học phổ biến và có được số lượng sinh viên theo học đông đảo tại Việt Nam. Ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng và nhóm ngành đào tạo ngoại ngữ nói chung luôn được đánh giá là có tiềm năng do nhu cầu về nguồn nhân lực ngoại ngữ là rất lớn với cơ hội việc làm đa dạng như biên phiên dịch, giáo viên ngoại ngữ, nhân viên văn phòng, hướng dẫn viên, tiếp viên hàng không, nhân viên marketing, xuất nhập khẩu… Cơ hội việc làm rộng mở và đa dạng như vậy cũng đặt ra thách thức cho các trường đại học khi xác định định hướng nghề nghiệp cụ thể khi xây dựng chương trình đào tạo, lựa chọn cách tiếp cận nào để giúp người học vừa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng mà vẫn đảm bảo được sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục của từng trường.
TS. Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, bao gồm: (1) Tăng cường kiến thức và nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của hoạt động hướng nghiệp khi còn trên ghế nhà trường; (2) Tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng lao động trong quá trình đào tạo; (3) Chương trình giáo dục tập trung vào người học, tăng cường tính thực hành; (4) Đa dạng hóa các hoạt động dạy – học và kiểm tra đánh giá theo định hướng nghề nghiệp; (5) Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trao đổi.
Ông Ngô Văn Giang, Phó Giám đốc, Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu.
Theo ông Ngô Văn Giang, sự thay đổi bối cảnh đào tạo, xu hướng phát triển khoa học công nghệ, thị trường việc làm… dẫn đến sự thay đổi mô hình, phương pháp đào tạo, đặc biệt là đào tạo ngành ngôn ngữ Anh. Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các ngành kinh tế liên quan rất nhiều đến Ngôn ngữ Anh. Để nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Chính sách và Phát triển đã cho sinh viên trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, mời chuyên gia đến chia sẻ… Đặc biệt, đứng trước yêu cầu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, trong đó bộ môn ngoại ngữ là bộ môn đi đầu trong nội dung này; Học viện Chính sách và Phát triển xác định rõ việc đào tạo tiếng Anh trong môi trường đại học cần giúp sinh viên xác định rõ chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu việc làm; đồng thời thay đổi nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với sự thay đổi của sự phát triển khoa học công nghệ.
TS. Nguyễn Lan Phương, Trưởng khoa, Khoa Tiếng Anh thương mại, Trường Đại học Thương mại phát biểu.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, TS. Nguyễn Lan Phương cho biết, hiện nay có một khoảng cách lớn giữa thực tế và lý thuyết. Sinh viên được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng trong nhà trường. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của sinh viên khi tham gia thị trường lao động chưa cao. Đây là minh chứng cho việc vẫn còn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết và thực tế. Sự liên kết gữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn giúp cho việc thiết kế và điều chỉnh các chương trình đào tạo cho phù hợp với kỳ vọng của các doanh nghiệp. TS. Nguyễn Lan Phương chia sẻ một số kinh nghiệm của Trường Đại học Thương mại trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, như: một số học phần trong chương trình đào tạo bắt buộc phải có sự tham gia của các báo cáo viên thực tế là các chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp; tổ chức các chuyến đi thực tế cho sinh viên theo định kỳ mỗi học kỳ tới các doanh nghiệp đã có ký kết phối hợp trong hoạt động đào tạo, giúp sinh viên định hình được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai; tổ chức các talkshow của các diễn giả để chia sẻ với sinh viên về các nội dung liên quan, như: làm thế nào để viết CV, cách trả lời phỏng vấn doanh nghiệp hiệu quả, cách thức trong nghề biên – phiên dịch…
TS. Đỗ Thị Hoa, Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Thị Hoa, Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, Học viện Chính sách và Phát triển chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và những kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Chính sách và Phát triển. Sự khác biệt của ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Chính sách và Phát triển so với các trường đại học khác, đây là tiếng Anh kinh tế và kinh doanh. Đây là ngành đào tạo dễ tuyển sinh, cơ hội việc làm rộng mở; định hướng nghề nghiệp liên quan đến các ngành nghề về thư ký, trợ lý giám đốc doanh nghiệp, công ty xuất nhập khẩu…. Bộ môn Ngôn ngữ Anh tại Học viện Chính sách và Phát triển còn khó khăn trong vấn đề nhân sự: thiếu về số lượng và những yêu cầu về chất lượng, đặt ra những yêu cầu về việc nâng cao số lượng và chất lượng giảng dạy.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện phát biểu.
Đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo của Khoa Ngoại ngữ – Tin học trong việc tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chia sẻ các ý kiến trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia, bao gồm: (1) Thay đổi phương pháp giảng dạy, từ nặng về ngữ pháp sang nghe, nói, học theo tình huống thực; (2) Xác định thế mạnh của Học viện trong việc đào tạo ngoại ngữ so với các trường đại học khác; (3) Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh cần nâng cao chất lượng của giảng viên, cần có lộ trình nâng cao năng lực giảng viên thông qua các hình thức khác nhau: trao đổi giảng viên; (4) Cần được đầu tư về cơ sở vật chất, phục vụ cho việc học (phòng lap đa phương…).
TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, điểm tuyển sinh đầu vào của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Học viện tương đối cao. Điều này cho thấy, khởi đầu của sinh viên tương đối tốt. Chính vì vậy, trách nhiệm để đầu ra tốt là rất quan trọng. Ngành Ngôn ngữ Anh có 2 chuyên ngành là Biên phiên dịch và tiếng Anh du lịch. Như vậy nó cũng thể hiện định hướng của Học viện trong việc đào tạo. TS. Lê Thanh Huyền chỉ ra một số yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện, như: chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo cần bám sát chuẩn đầu ra, điều chỉnh sau 02 năm để đảm bảo bắt kịp xu hướng thực tế; chương trình, giáo trình đào tạo; cần có chương trình trải nghiệm đào tạo: giao lưu, trao đổi sinh viên với các trường có đào tạo ngành ngôn ngữ Anh; phương pháp giảng dạy định hướng ứng dụng, công cụ giảng dạy; thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá: được trải nghiệm nhiều bài kiểm tra để lấy điểm cao; thay đổi phương pháp học tập để sinh viên được giao lưu, trải nghiệm thực hành…
TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu.
TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 120 trường đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh. Đây cũng là khó khăn đối với Học viện Hành chính Quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành của Học viện. Khoa Ngoại ngữ – Tin học của Học viện mới đào tạo cử nhân ngôn ngữ Anh trong 03 năm gần đây, còn non trẻ, nhưng lại thuận lợi trong việc tham khảo kinh nghiệm của các trường đại học đi trước; đồng thời, ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện có điểm mạnh so với các trường đại học khác, đó là lợi thế trong việc đào tạo ngôn ngữ Anh về lĩnh vực hành chính nhà nước, nhân sự, tổ chức cán bộ; sinh viên không chỉ có kiến thức về ngôn ngữ mà còn có kiến thức chuyên sâu về quản lý nhà nước, giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế phát biểu.
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện phát biểu.
Cùng với gần 30 bài tham luận được in trong Kỷ yếu, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ tâm huyết của các đại biểu tham dự vừa có tính học thuật, vừa có tính thực tiễn, thể hiện tính đa dạng trong việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện phát biểu bế mạc Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ, hợp tác của các đại biểu, các nhà khoa học, các thầy cô, đặc biệt là các thầy cô đến từ các cơ sở đào tạo ngoài Học viện. Với gần 30 bài tham luận và 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo cho thấy sự quan tâm của các đại biểu đối với việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia. Được đào tạo từ năm 2021 đến nay, ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia mới được tổ chức lại sau khi sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Đội ngũ giảng viên chưa đông, chất lượng còn chưa tương xứng. Đây cũng là trách nhiệm của Ban Giám đốc, của Khoa trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo chưa tương xứng. Tuy vậy, Ban Giám đốc Học viện và lãnh đạo Khoa Ngoại ngữ – Tin học luôn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc khuyến khích, tạo động lực, xây dựng các đơn vị hợp tác, trao đổi giảng viên, nâng cấp cơ sở vật chất, liên kết… Với Học viện Hành chính Quốc gia nói chung và Khoa Ngoại ngữ – Tin học nói riêng cần xác định việc đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh là hết sức cần thiết, không chỉ vì công ăn việc làm mà còn cần đa dạng các lĩnh vực đào tạo, vì trách nhiệm thương hiệu Học viện Hành chính Quốc gia đối với xã hội, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm: nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; thay đổi thái độ, động lực học của sinh viên; nâng cao cơ sở vật chất, công nghệ giảng dạy; tài liệu, giáo trình; định hướng phát triển; môi trường học tập; yếu tố quản lý…. TS. Nguyễn Đăng Quế đề nghị tập thể Khoa Ngoại ngữ – Tin học cần tạo môi trường làm việc đoàn kết, chia sẻ, tương trợ, vì mục tiêu phát triển chung của Khoa, của Học viện; lãnh đạo Khoa cần chủ động đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Học viện để phát triển, tổ chức các hoạt động đào tạo của ngành Ngôn ngữ Anh, tạo thương hiệu riêng cho ngành đào tạo, thu hút sinh viên tham gia đào tạo; các thầy cô trong Khoa chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm; đa dạng, phong phú trong việc tổ chức các hoạt động nhằm tạo động lực học tập cho sinh viên; tích cực truyền thông tuyển sinh, liên kết giới thiệu việc làm; phối hợp tốt với các đơn vị chức năng của Học viện trong hỗ trợ đào tạo, đánh giá học tập; liên kết với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài để có hoạt động cho sinh viên trải nghiệm, tìm kiếm cơ hội việc làm. Các đơn vị chức năng thuộc Học viện cũng cần phối hợp tích cực với Khoa Ngoại ngữ – Tin học để tạo điều kiện thuận lợi cho Khoa trong công tác giảng dạy, đánh giá. TS. Nguyễn Đăng Quế cho biết, ban lãnh đạo Học viện luôn quan tâm và sẽ có chiến lược phát triển cụ thể cho ngành Ngôn ngữ Anh, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện môi trường học tập, có chính sách đầu tư cho phát triển đội ngũ giảng viên.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Như Ngọc