(napa.vn) – Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc tại doanh nghiệp, giúp sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng làm việc và kinh nghiệm từ thực tế, ngày 26/11/2024, Khoa Khoa học liên ngành tổ chức chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế cho gần 150 cán bộ giảng viên, sinh viên của Khoa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế do PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư chi bộ, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành làm Trưởng đoàn. Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng, Phòng Hành chính – Quản trị và cán bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.
Khoa Khoa học liên ngành tham quan, tìm hiểu thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh
Quán triệt nguyên lý giáo dục gắn với lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn trong quá trình đào tạo, phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của sinh viên trong quá trình đào tạo, gắn chặt hơn mối quan hệ giữa Nhà trường và các cơ quan, đơn vị, hằng năm Khoa Khoa học liên ngành thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham quan, tìm hiểu thực tế tại các cơ quan, đơn vị. Đây là cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, giúp các em tìm hiểu sâu hơn các kiến thức đã được học so với nhu cầu của công việc, và có định hướng tốt hơn trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Và đây cũng là khâu chuẩn bị quan trọng để sinh viên Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc với Trung tâm
Tại buổi tham quan, tìm hiểu thực tế, bà Nguyễn Thị Hương đã chia sẻ một số kết quả tiêu biểu góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong thời gian qua: (1) Tái cấu trúc, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC: Thông qua mô hình Trung tâm việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC được đẩy mạnh gắn với phân cấp, ủy quyền và thực hiện quy trình “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử”, triển khai số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử, hệ thống tin nhắn SMS…; (2) Nâng cao minh bạch, truy cập và tra cứu thông tin: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được liên thông kết nối theo mô hình tập trung, đồng bộ 3 cấp chính quyền, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống giải quyết TTHC khác của một số Bộ, ngành; toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được xây dựng, áp dụng TCVN ISO 9001:2015; (3) Tăng cường tương tác: Chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh tạo ra cơ hội tốt hơn để tổ chức, doanh nghiệp và người dân được tương tác, cung cấp thông tin đa dạng qua các kênh trực tiếp hoặc trực tuyến để gửi yêu cầu nộp hồ sơ và nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước… Những kết quả này là minh chứng cho những bước tiến đáng kể của Trung tâm Phục vụ hàn chính công tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm tạo môi trường hành chính hiện đại, minh bạch và thân thiện hơn với người dân và doanh nghiệp.
Trong buổi tham quan, tìm hiểu thực tế, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức buổi giao lưu, đối thoại với sinh viên Khoa Khoa học liên ngành để làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn hoạt động của trung tâm mà các bạn sinh viên đang quan tâm. Đại diện Trung tâm, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng, Phòng Hành chính – Quản trị đã chia sẻ về các nội dung: quy trình làm việc, khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ, vấn đề chế độ lao động, tiền lương, phúc lợi, kinh nghiệm làm việc,…. tại Trung tâm, qua đó giúp sinh viên có sự chuẩn bị thích hợp cho bản thân trong tương lai gần.
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng, Phòng Hành chính – Quản trị, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với các bạn sinh viên
Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Quảng Ninh. Tại đây, sinh viên được giới thiệu để có thể khám phá sự phong phú về đời sống, những dấu ấn văn hóa, thẩm mỹ, giàu có về tài nguyên của vùng đất mỏ, bộ sưu tập 8 bảo vật quốc gia với hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử, bình gốm Đầu Rằm có niên đại hơn 3.000 năm… là một phần trong đó. Ngoài ra, hệ thống trưng bày của bảo tàng khá độc đáo, bảo đảm tính tiên tiến, cập nhật được những tiến bộ hàng đầu về phương pháp trưng bày của thế giới; các không gian được trưng bày sinh động, nội thất trưng bày cũng như cách sắp xếp hiện vật khoa học, hấp dẫn, thu hút sự tìm hiểu khám phá của sinh viên Khoa Khoa học liên ngành.
Giảng viên, sinh viên khoa Khoa học liên ngành tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Quảng Ninh
Thông qua chuyến tham quan, tìm hiểu này, sinh viên không chỉ bồi đắp thêm được nhiều kiến thức mới, những hiểu biết chuyên sâu hơn đối với các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trong thực tiễn, những kĩ năng làm việc và tư duy sáng tạo trong quá trình học tập và làm việc sau này. Chuyến đi này cũng là một cơ hội để sinh viên khoa Khoa học liên ngành thể hiện và nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cả học tập và cuộc sống.
Một số hình ảnh chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế của đoàn: