Hướng dẫn số 306/HC-ĐUHV V/v kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm

Down: Biểu mẫu – HVHC – 2014

ĐẢNG BỘ BỘ NỘI VỤ
ĐẢNG ỦY HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH
QUỐC GIA

*

Số:   306  /HD-ĐUHV

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

             Hà Nội, ngày   15  tháng   12  năm 2014

 

 

HƯỚNG DẪN

kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng
tổ chức đảng, đảng viên hàng năm 

 

Kính gửi:      Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc
 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia lần thứ IX và Chương trình công tác xây dựng Đảng năm 2014 của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia;

Căn cứ Hướng dẫn số 13-HD/ĐUBNV ngày 24/11/2014 của Đảng ủy Bộ Nội vụ về việc “kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm”;

Đảng uỷ Học viện hướng dẫn nội dung tổng kết công tác xây dựng Đảng,  kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và công tác khen thưởng trong Đảng năm 2014 tại Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia như sau:

A – MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:  Xem xét, đánh giá sát, đúng tình hình hoạt động và vai trò của các chi bộ, đảng bộ năm 2014.

2. Yêu cầu: Thực hiện đúng các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và của Đảng ủy Bộ Nội vụ.

–  Trước khi tiến hành làm bản tự kiểm điểm và triển khai bình xét, lãnh đạo cấp ủy cần nghiên cứu kỹ văn bản, phổ biến và quán triệt đầy đủ trong đảng bộ, chi bộ về yêu cầu, nội dung văn bản hướng dẫn.

–        Các cấp ủy đảng xây dựng báo cáo tổng kết năm 2014 gửi về Đảng uỷ (qua Văn phòng Đảng ủy) Học viện để xây dựng thành báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Học viện năm 2014.

B- NỘI DUNG

I- KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

1- Đối tượng và nơi kiểm điểm

1.1. Đối tượng viết báo cáo kiểm điểm tự phê bình

a- Tập thể: Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy bộ phận, các chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng ủy cơ sở.

b- Cá nhân: đảng viên trong toàn Đảng bộ, trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt Đảng.

1.2. Nơi kiểm điểm:

Tất cả đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở chi bộ nơi sinh hoạt;

Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài việc kiểm điểm ở chi bộ, phải kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cao nhất có tổ chức kiểm điểm mà mình tham gia, cụ thể như sau:

+ Các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Nội vụ kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

+ Các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ Học viện  kiểm điểm trước tập thể BCH cùng cấp và kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo nơi mình là thành viên lãnh đạo.

2- Nội dung kiểm điểm

2.1. Đối với tập thể

Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy bộ phận, các chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng ủy cơ sở lập báo cáo kiểm điểm trên các nội dung chủ yếu sau:

–         Kết quả lãnh đạo quán triệt, xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị  được giao.

–         Kết quả lãnh đạo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị. Các giải pháp đấu tranh, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị , đạo đức, lối sống; kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

–         Làm rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; các quy định, quy chế làm việc; công tác tổ chức, cán bộ; quản lý và phát triển đảng viên; đổi mới phương thức lãnh; các biên pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng; kết quả xử lý sai phạm đối với tập thể, cá nhân ở đơn vị mình.

–         Công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng và kỷ luật đảng.

2.2. Đối với cá nhân

a) Đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

-  Về chính trị, tư tưởng

Sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới của Đảng; trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;  Việc chấp hành quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Việc tham gia thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Việc tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tinh thần học tập để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác.

-  Về phẩm chất, đạo đức, lối sống

Tinh thần và kết quả thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; việc giữ gìn tư cách đạo đức, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, chấp hành quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm;  Thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng;  Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quan hệ với cán bộ, công chức trong đơn vị.

- Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

Tinh thần trách nhiệm và kết quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn được giao; Tham gia xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể tại đơn vị; Mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và việc thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

-  Về ý thức tổ chức, kỷ luật

Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, ý thức tổ chức kỷ luật, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức; Việc thực hiện chế độ sinh hoạt đảng và đóng đảng phí theo quy định; thực hiện nội quy, quy chế của tổ chức cơ sở đảng, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, của Đảng bộ và Học viện; Thái độ cầu thị trong việc nhận và sửa chữa, khắc phục hạn chế khuyết điểm.

b) Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: ngoài những nội dung nêu tại khoản a) còn  phải kiểm điểm sâu sắc các nội dung sau:

– Kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành; việc quy tụ, đoàn kết; thái độ công tâm, khách quan và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng.

– Tham gia cùng tập thể trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị  và công tác tổ chức, cán bộ  của cơ quan, đơn vị; làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể.

– Ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức nêu gương của bản thân và gia đình.

3- Các bước tiến hành

3.1. Chuẩn bị kiểm điểm

– Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm cddieemraapj thể và gửi trước cho các thành viên ít nhất 03 ngày.

– Đảng viên chuẩn bị bản kiểm điểm (theo mẫu); thực hiện lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú (theo mẫu).

– Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cấp trên gợi ý kiểm điểm bằng văn bản đối với tập thể, cá nhân thuộc cấp mình quản lý (nếu thấy cần).

– Báo cáo kiểm điểm tập thể và bản kiểm điểm cá nhân phải chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; giải trình những nội dung gợi ý kiểm điểm, ý kiến đóng góp (nếu có).

3.2. Tổ chức kiểm điểm

– Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau; cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên sau. Những chi bộ trên 30 đảng viên, có tổ đảng thì đảng viên kiểm điểm ở tổ đảng, sau đó tổ đảng báo cáo kết quả với chi bộ.

– Người đứng đầu định hướng các nội dung cần tập trung thảo luận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để kết luận và hoàn thiện báo cáo kiểm điểm của tập thể.

– Đảng viên trình bày bản tự kiểm điểm, tập thể đóng góp ý kiến, cá nhân tiếp thu, người chủ trì kết luận (khi kiểm điểm người đứng đầu thì phân công một đồng chí cấp phó chủ trì). Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thì kiểm điểm sâu việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó; ở chi bộ thì báo cáo tóm tắt kết quả đã kiểm điểm trước khi kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.

– Trong quá trình kiểm điểm, nếu có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì báo cáo cấp có thẩm quyền xác minh làm rõ.

II- ĐÁNH GIÁ PHÂN LOẠI CHẤT LƯỢNG

  1. Đánh giá tổ chức Đảng

1.1. Đối tượng: Đảng bộ cơ sở, Đảng bộ bộ phận, các chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng ủy cơ sở.

1.2. Nội dung

Các tổ chức đảng trực thuộc tiến hành đánh giá, tổng kết công tác Đảng năm 2014 và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2015 xây dựng thành bản Báo cáo tổng kết công tác Xây dựng Đảng của chi bộ/đảng bộ (xem Mẫu 1a Mẫu 1b).

* Đánh giá theo 05 nội dung sau:

a- Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị (40 điểm).

– Lãnh đạo đơn vị thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết và chương trình hành động của đảng bộ, chi bộ.

– Về thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm: đánh giá mức độ hoàn thành cả về khối lượng, tiến độ và chất lượng công việc.

– Những đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động của đơn vị trong năm.

– Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cải tiến lề lối làm việc.

– Lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở đơn vị, phát huy quyền dân chủ của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xây dựng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ, đảng viên, công chức trong đơn vị; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác.

b- Về công tác chính trị, tư tưởng (20 điểm).

– Đánh giá việc tổ chức, kiểm tra cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước do Đảng bộ Học viện tổ chức, đặc biệt là các đợt học tập, thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

– Việc phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh với những biểu hiện về tư tưởng và hành động (nói, viết, làm…) trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

– Việc nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng trong đơn vị; những giải pháp giải quyết tư tưởng trong thời gian vừa qua và những vấn đề tư tưởng cần tập trung giải quyết.

c-  Về công tác tổ chức, cán bộ và  xây dựng đảng bộ, chi bộ (15 điểm).

– Kết quả thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị  nội bộ;

-Việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên.

– Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; việc duy trì nề nếp sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; chế độ báo cáo.

-Việc xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của tổ chức đảng.

– Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện nhiệm vụ được giao; tạo điều kiện để đảng viên học tập, nâng cao trình độ; việc giới thiệu và theo dõi đảng viên thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, chi bộ nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW.

d-Lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị và các đoàn thể quần chúng (15 điểm).

– Lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh, kịp thời kiểm tra, xem xét và giải quyết những vấn đề phát sinh trong đơn vị.

– Lãnh đạo tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công và Cựu chiến binh của đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này và thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào chung của Học viện và Đảng bộ.

– Lãnh đạo phong trào thi đua nhân những ngày lễ lớn trong năm, tham gia phong trào văn nghệ, thể thao, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ ủng hộ nạn nhân bị thiên tai…; tham gia ý kiến xây dựng chi bộ, đảng bộ, tổ chức đảng và chính quyền cấp trên.

e-  Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng (10 điểm).

Kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của Trung ương, Đảng ủy Khối, Đảng ủy Bộ Nội vụ và Đảng ủy Học viện Hành chính Quốc gia; việc phát hiện và xử lý những đảng viên có vi phạm; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong Đảng; Chất lượng công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên, phát triển đảng viên của chi bộ.

Các nội dung trên cần phân tích rõ nguyên nhân của cả ưu điểm, hạn chế, rút ra các kinh nghiệm.

1.3. Đánh giá chất lượng tổ chức đảng

Tổng số điểm của 05 nội dung đánh giá là 100 (Mẫu 1). Căn cứ 05 nội dung đánh giá trên và tổng số điểm chi bộ, đảng bộ đạt được, cấp ủy chi bộ/đảng bộ đề xuất xếp loại đơn vị ở một trong 4 mức dưới đây:

(1). Chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Năm 2014, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đạt được 90 điểm trở lên và đảm bảo các điều kiện:

– Tập thể cấp ủy đoàn kết thống nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

– Đơn vị chuyên môn và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp phân loại chất lượng đạt mức cao nhất.

– Chi bộ, đảng bộ sinh hoạt đúng quy định; chi bộ có 100% đảng viên đạt mức “hoàn thành nhiệm vụ”trở lên, đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên;

Số tổ chức cơ sở Đảng được phân loại “Trong sạch, vững mạnh” không nên vượt quá 50% tổng số tổ chức cơ sở đảng của đảng bộ. Cấp ủy cấp trên xem xét, lựa chọn một số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng; số tổ chức cơ sở đảng được khen thưởng tối đa không vượt quá 20% tổng số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

 (2). Chi bộ, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là những chi bộ thực hiện tốt 5 nội dung đánh giá trên nhưng chưa đạt được mức trong sạch vững mạnh; có tổng số điểm từ 70 đến dưới 90 điểm và đảm bảo các điều kiện:

– Tập thể cấp ủy đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có cấp ủy viên, cán bộ là cấp trưởng, cấp phó trong đơn vị và tổ chức đoàn thể cùng cấp bị xử lý kỷ luật (trừ những trường hợp bị kỷ luật do tổ chức đảng chủ động phát hiện và tích cực đấu tranh, xử lý)

– Đơn vị chuyên môn và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp phân loại chất lượng đạt mức cao thứ hai trở lên.

(3). Chi bộ, đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ. Là những chi bộ cơ bản thực hiện được 5 nội dung đánh giá nêu trên và có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm.

(4). Chi bộ, đảng bộ yếu kém. Là những chi bộ có tổng số điểm dưới 50 hoặc có một trong những khuyết điểm sau:

– Nội bộ mất đoàn kết.

– Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống đến mức có đảng viên phải xử lý kỷ luật.

– Đơn vị chuyên môn được phân loại chất lượng ở mức thấp nhất.

– Có từ 02 tổ chức đoàn thể quần chúng cùng cấp được phân loại chất lượng ở mức thấp nhất.

–  Đảng bộ có trên 1/3 số tổ chức đảng trực thuộc xếp loại “yếu kém”; chi bộ có  trên 1/2 số đảng viên xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”.

*  Một số điểm chú ý khi đánh giá xếp loại chi bộ/đảng bộ

– Căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tổng số điểm tự chấm, Ban thường vụ Đảng ủy, chi ủy dự kiến mức phân loại; hội nghị đảng ủy, hội nghị đảng viên  (đối với chi bộ) thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín và báo cáo cấp ủy cấp trên. Cấp ủy cấp trên trực tiếp tổng hợp kết quả phân loại của  tổ chức đảng cấp dưới; lấy ý kiến của tổ chức chính quyền, đoàn thể chính trị  – xã hội cùng cấp có liên quan; thẩm định, xem xét, quyết định.

– Tổ chức đảng đã được công nhận phân loại chất lượng, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức phân loại thì hủy bỏ kết quả và phân loại chất lượng lại.

– Không tổ chức đánh giá, phân loại đối với tổ chức đảng mới thành lập chưa đủ 06 tháng.

  1. Đánh giá cán bộ, viên chức và đảng viên

2.1. Đánh giá phân loại cán  bộ, công  chức, viên chức: thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2.2. Đánh giá phân loại đảng viên

Việc đánh giá, phân loại đảng viên căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và chức trách, nhiệm vụ được giao.

2.2.1. Đối tượng: Đảng viên trong toàn Đảng, trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng.

2.2.2. Nội dung: theo nội dung kiểm điểm đảng viên.

2.2.3. Phân loại chất lượng đảng viên

a. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: là đảng viên  hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ được giao và phải có trên 2/3 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức  đang công tác thì phải được phân loại cán bộ, công chức, viên chức ”Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”  hoặc được đề nghị đạt danh hiệu ”chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” hoặc trong năm có thành tích xuất sắc được cấp bộ hoặc cấp tỉnh tặng  ”Bằng khen”.

Số đảng viên được phân loại ”Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”  không vượt quá 15%  số đảng viên được phân loại ”Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và đề nghị cấp trên khen thưởng; đối với chi bộ có dưới 07 đảng viên, nếu có đảng viên xuất sắc thì tối đa cũng chỉ 01 đồng chí; đảng bộ, chi bộ có thành tích đặc biệt xuất sắc thì số đảng viên xuất sắc có thể tăng thêm nhưng không quá 20% số đảng viên được phân loại   ”hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

b. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ: phải là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ điều kiện đạt mức ”Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và được trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức  đang công tác thì phải được phân loại cán bộ, công chức, viên chức ”Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

c. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ: là đảng viên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giaovà có trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức  đang công tác thì phải được phân loại cán bộ, công chức, viên chức đạt mức ”Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên.

d. Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ: là những đảng viên đang chấp hành kỷ luật của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời hạn 01 năm hoặc vi phạm một trong các khuyết điểm dưới đây và có trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành.

–  Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ chi bộ giao.

– Phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức ”Không hoàn thành nhiệm vụ”;

– Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm hoặc vi phạm khác ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và vị trí công tác của đảng viên đó.

– Không chấp hành sự phân công của tổ chức hoặc là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ.

2.2.4. Một số điểm lưu ý trong đánh giá, phân loại đảng viên

– Căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn phân loại, cá nhân tự đánh giá, phân loại; chi bộ bỏ phiếu, công bố kết quả phân loại và báo cáo cấp ủy cơ sở xem xét, quyết định.

– Đối với những đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm nhiều chức vụ công tác thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức vụ đảm nhiệm chính và cao nhất.

– Đảng viên nghỉ ốm từ 03 tháng trở lên không phân loại đạt mức “Hoàn thành tốt  nhiệm vụ” trở lên.

– Đảng viên phải hoàn thành việc kiểm điểm mới được đánh giá, phân loại. Những đảng viên vắng mặt hay chưa được đánh giá, phân loại thì chi bộ tổ chức đánh giá, phân loại vào cuộc họp gần nhất khi đảng viên có mặt.

– Đảng viên đã được phân loại chất lượng, nhưng  sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức đã phân loại thì hủy bỏ kết quả và phân loại lại.

– Không tổ chức đánh giá, phân loại đối với đảng viên mới kết nạp chưa đủ 06 tháng.

C- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG NĂM 2014

I. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

1. Đối với chi bộ, đảng bộ

–  Các chi bộ/đảng bộ 05 năm liền đạt danh hiệu chi bộ/đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy Khối xét tặng Bằng khen “chi bộ/đảng bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu  5 năm liền”.

–  Các chi bộ/đảng bộ03 năm liền đạt danh hiệu chi bộ/đảng bộtrong sạch, vững mạnh tiêu biểu đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy Bộ Nội vụ xét tặng Giấy khen “Chi bộ/Đảng bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu  3 năm liền”.

–  Các chi bộ/đảng bộ tự đánh giá và đề nghị Đảng uỷ Học viện Hành chính Quốc gia xét tặng giấy khen “chi bộ/đảng bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu trong năm 2014”.

  1. Đối với đảng viên

– Ban thường vụ Đảng ủy Khối xét tặng bằng khen cho đảng viên thuộc Đảng bộ Khối đạt tiêu chuẩn “đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền”.

– Ban thường vụ Đảng ủy Bộ Nộivụ xét tặng giấy khen cho “đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền”.

–   Đảng ủy Học viện Hành chính Quốc gia xét tặng giấy khen cho đảng viên đạt tiêu chuẩn “đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2014″;

3. Khen thưởng đảng viên không theo định kỳ

– Ban thường vụ Đảng ủy Khối: xét tặng bằng khen cho những đảng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, được các tổ chức quốc tế trao giải thưởng; được Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, đoạt giải nhất trong các kỳ thi tuyển, thi đấu quốc gia.

– Đảng ủy Bộ Nội vụ xét tặng giấy khen  cho những đảng viên có thành tích xuất sắc, được Nhà nước trao giải thưởng trong các kỳ thi tuyển, thi đấu quốc gia; là chiến sỹ thi đua tiêu biểu cấp bộ, ban, ngành trực thuộc Trung ương.

4. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng. Bao gồm:

– Danh sách đề nghị khen thưởng, kèm theo bản phô tô các quyết định khen thưởng các năm trước (theo danh hiệu đề nghị khen).

– Báo cáo thành tích của chi bộ/đảng bộ, của đảng viên đề nghị được khen thưởng. Bản báo cáo nêu bật thành tích công tác Đảng đã đạt được, có ý kiến xác nhận của Đảng ủy/Chi ủy trực thuộc và Đảng ủy/Chi ủy chịu trách nhiệm về việc xác nhận đó.

II. SỐ LƯỢNG

1- Đảng uỷ Học viện xét khen thưởng đối với các chi bộ, đảng bộ đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu theo tỷ lệ không quá 20% tổng số chi bộ, đảng bộ trực thuộc đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”.

2- Đảng uỷ Học viện xét khen thưởng đảng viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác đảng năm 2014theo đúng tiêu chuẩn và tỷ lệ quy định.

D- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các cấp ủy đảng trực thuộc căn cứ  vào các nội dung trên tiến hành tổ chức tổng kết và đánh giá chất lượng, phân loại chi bộ, đảng viên năm 2014.

* Các nội dung trong Hội nghị tổng kết công tác Xây dựng đảng của chi bộ, đảng bộ:

– Thông qua dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của chi bộ năm 2014.

– Đánh giá phân loại đảng viên theo hướng dẫn tại mục (B.II.2).

– Tổ chức cơ sở đảng thảo luận, tự chấm điểm, thống nhất đánh giá chất lượng đảng bộ/chi bộ theo hướng dẫn tại mục (B.II.1).

– Thông qua bản kiểm điểm của tập thể cấp ủy, theo hướng dẫn tại mục (B.I.1);

– Xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đảng viên, khen thưởng tổ chức đảng hướng dẫn tại mục (C).

2- Sau khi hoàn thành việc đánh giá, phân loại đảng viên, phân loại đảng bộ/chi bộ và đề nghị khen thưởng, các chi uỷ/đảng ủy xây dựng thành Biên bản tổng hợp gửi về Đảng uỷ Học viện (qua văn phòng Đảng uỷ) trước ngày 10/01/2015. Các văn bản gửi về Đảng uỷ gồm:

(1).  Báo cáo Tổng kết  hoạt động của chi bộ năm 2014. (Mẫu 1a).

(2). Bản tự kiểm điểm của đảng viên (Mẫu 4); Phiếu nhận xét Đảng viên (Mẫu 6); Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên (Mẫu 5).

(3). Báo cáo kiểm điểm của tập thể cấp ủy  (sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị chi bộ).

(4). Báo cáo phân loại chất lượng đảng viên, phân loại chất lượng chi bộ đảng (Mẫu 2).

(5). Danh sách đảng viên do chi bộ đánh giá chất lượng năm 2014 (Mẫu 3).

(6).Báo cáo đề nghị khen thưởng cá nhân và đơn vị chi bộ đảng (kèm theo các hồ sơ như hướng dẫn tại mục (C.I.4).

(7). Biên bản họp của chi bộ: ghi tóm tắt tất cả các nội dung chính và kết quả cuộc họp Tổng kết công tác đảng của chi bộ.

3 – Riêng Đảng ủy bộ phận tại TP. Hồ Chí Minh gửi về Đảng uỷ các văn bản sau:

(1).  Báo cáo Tổng kết  hoạt động của Đảng bộ năm 2014 (Mẫu 1b).

(2).  Bản tự kiểm điểm của đảng viên (Mẫu 4a); Phiếu nhận xét Đảng viên (Mẫu 6); Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên (Mẫu 5).

(3). Báo cáo kiểm điểm của tập thể cấp ủy  (sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị Ban chấp hành đảng bộ bộ phận).

(4). Báo cáo tổng hợp kết quả phân loại đảng viên, phân loại chi bộ đảng trực thuộc đảng bộ (Mẫu 2).

(5).Danh sách đảng viên do Đảng ủy đánh giá chất lượng năm 2014 (Mẫu 3).

(6). Báo cáo đề nghị khen thưởng cá nhân và Chi bộ, Đảng bộ bộ phận (kèm theo các hồ sơ như hướng dẫn tại mục (C.I.4).

(7). Biên bản họp Đảng ủy: ghi tóm tắt tất cả các nội dung chính và kết quả cuộc họp Tổng kết công tác của Đảng bộ.

* Lưu ý:

–     Các hồ sơ không đáp ứng đúng yêu cầu của nội dung hướng dẫn sẽ được gửi trả về Đảng bộ, Chi bộ để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

- Văn bản Hướng dẫn tổng kết công tác và đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2014được đăng tải trên Website của Học viện và các Mẫu biểu liên quan  được thiết kế thành các tệp đính kèm Hướng dẫn này.

– Những đơn vị nộp Hồ sơ tổng kết không đúng thời hạn nêu trên, Đảng uỷ Học viện không đánh giá, phân loại và xem xét khen thưởng./.

 

                                                                  

 

 

Comments are closed.